Viêm gan tự miễn: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Viêm gan tự miễn: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Viêm gan tự miễn: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Viêm gan tự miễn: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa - Ảnh: BookingCare

Viêm gan tự miễn: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 27/09/2020 | Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Viêm gan tự miễn là một tình trạng bệnh lý gan phức tạp xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào gan một cách nhầm lẫn, dẫn đến tình trạng viêm và tổn thương gan. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn biết rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh.

Viêm gan tự miễn là một bệnh lý gan mạn tính đặc trưng bởi tình trạng viêm gan tiến triển. Trong viêm gan tự miễn, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào gan, gây viêm gan, tổn thương gan mạn tính, thay vì chống lại các tác nhân ngoại lai như virus và vi khuẩn. Nếu không được chẩn đoán và điều trị, viêm gan tự miễn dịch có thể gây ra các  sẹo trong gan (xơ gan) và cuối cùng dẫn đến suy gan.

Đây là một bệnh lý mạn tính, cần theo dõi và điều trị lâu dài. Mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng có nhiều phương pháp giúp người bệnh có thể kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa sự phát triển của tổn thương gan. Khi mắc viêm gan tự miễn, người bệnh cũng có nguy cơ mắc kèm các bệnh lý tự miễn khác như viêm khớp dạng thấp, viêm giáp, viêm loét đại tràng…

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh viêm gan tự miễn chưa được xác định rõ ràng. Chưa có câu trả lời cho câu hỏi tại sao hệ miễn dịch lại nhầm lẫn các tế bào gan là một mối đe doạ, từ đó sản sinh ra các kháng thể tấn công và gây tổn thương gan. Các chuyên gia tin rằng viêm gan tự miễn là kết quả của một phức bộ bao gồm các yếu tố di truyền và yếu tố môi trường tác động qua lại với nhau. 

Các yếu tố nguy cơ

  • Cả đàn ông và phụ nữ có thể phát triển bệnh viêm gan tự miễn. Tuy nhiên, bệnh phổ biến hơn ở phụ nữ.
  • Người mắc các bệnh tự miễn khác như viêm giáp, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống… cũng tăng nguy cơ bị viêm gan tự miễn.
  • Một số virus có thể là nguyên nhân khởi phát viêm gan tự miễn, ví dụ như viêm gan siêu vi (A, B, C và D), herpes simplex virus và cytomegalovirus.
  • Một số loại thuốc có thể gây tổn thương gan dưới hình thức viêm gan tự miễn, chẳng hạn như minocycline (kháng sinh điều trị mụn) và nitrofurantoin (kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu) là các thuốc phổ biến có liên quan đến viêm gan tự miễn.
  • Yếu tố di truyền: tiền sử gia đình có bệnh lý tự miễn có thể làm tăng nguy cơ viêm gan tự.

Triệu chứng thường gặp của viêm gan tự miễn

Viêm gan tự miễn có thể biểu hiện khác nhau từ nhẹ đến nặng. Hầu hết ở giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh thường không có triệu chứng. Ở giai đoạn tổn thương gan tiến triển, một số triệu chứng thường xuất hiện là:

  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải.
  • Buồn nôn, nôn, mất cảm giác ngon miệng, chán ăn.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Vàng da, vàng mắt.
  • Đau nhức xương khớp.
  • Cảm giác khó chịu vùng bụng. Bụng to. Gan to và đau âm ỉ.
  • Nước tiểu đậm màu, phân bạc màu..

Biến chứng của viêm gan tự miễn

Viêm gan tự miễn không được điều trị có thể gây ra các xơ, sẹo vĩnh viễn trong nhu mô gan, dẫn đến xơ gan. Các biến chứng bao gồm:

  • Giãn tĩnh mạch thực quản: lâu dài có thể gây ra xuất huyết tiêu hoá (nôn ra máu, đi tiêu phân đen) và gây đe doạ tính mạng.
  • Cổ trướng: tích tụ dịch trong ổ bụng gây bụng to, căng trướng khó chịu, ảnh hưởng đến hô hấp và tăng nguy cơ nhiễm trùng dịch trong ổ bụng.
  • Suy gan: tổn thương quá mức các tế bào gan gây rối loạn chức năng gan và cần phải ghép gan để duy trì sự sống.
  • Ung thư gan.

Các xét nghiệm và chẩn đoán

Viêm gan tự miễn thường không biểu hiện triệu chứng trong giai đoạn đầu. Đa số các triệu chứng xuất hiện khi bệnh đã tiến triển được một thời gian dài. Việc chẩn đoán đòi hỏi phải đánh giá nhiều yếu tố từ tiền sử cá nhân, tiền sử gia đình, các triệu chứng hiện có và thực hiện các xét nghiệm sinh hoá máu hoặc sinh thiết gan. Do đó, thăm khám định kỳ là cách sớm nhất giúp  phát hiện bệnh ở giai đoạn khởi phát.

Các xét nghiệm trong chẩn đoán viêm gan tự miễn là:

  • Xét nghiệm chức năng gan: đánh giá tình trạng viêm gan, các chức năng căn bản của gan.
  • Xét nghiệm vi sinh: xác định tình trạng có đang mắc các loại virus gây viêm gan hay không.
  • Xét nghiệm miễn dịch: đánh giá các kháng thể đang lưu hành trong máu có liên quan đến viêm gan tự miễn..
  • Siêu âm gan, chụp CT, MRI ổ bụng có thể giúp xác định mức độ tổn thương gan cũng như hướng dẫn cho sinh thiết gan.
  • Sinh thiết gan: là tiêu chuẩn vàng để xác định chính xác tình trạng viêm và mức độ tổn thương gan. Các loại tế bào tham gia trong quá trình viêm thường giúp xác định chẩn đoán viêm gan tự miễn và để loại trừ các nguyên nhân khác của viêm gan.

Tùy từng trường hợp bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn và đưa ra chỉ định cho bệnh nhân làm các xét nghiệm nào. 

Xét nghiệm máu là một trong các xét nghiệm chẩn đoán các bệnh viêm gan
Xét nghiệm máu là một trong các xét nghiệm chẩn đoán các bệnh viêm gan - Ảnh: pixabay

Phương pháp điều trị 

Hiện tại chưa có một phương pháp điều trị đặc hiệu giúp chữa khỏi hoàn toàn viêm gan tự miễn. Do đó, mục tiêu trong điều trị viêm gan tự miễn là làm chậm hoặc ngăn ngừa hệ thống miễn dịch của cơ thể tiếp tục tấn công gan. Điều này có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh. 

Các thuốc ức chế miễn dịch là lựa chọn đầu tay trong điều trị viêm gan tự miễn, có thể giúp cải thiện triệu chứng, làm chậm tình trạng viêm gan, tuy nhiên các thuốc này rất nhiều tác dụng phụ, đặc biệt khi sử dụng kéo dài. Điều trị với thuốc ức chế miễn dịch có thể giúp tình trạng bệnh thuyên giảm dần, có khoảng 80% bệnh nhân có thể kiểm soát triệu chứng tốt sau 3 năm. Tuy nhiên, bệnh dễ tái phát nếu ngưng thuốc.

Khi bệnh nhân tiến triển đến xơ gan, suy gan, phương pháp điều trị tốt nhất là ghép gan. Việc ghép gan được thực hiện nhờ vào một phần gan khoẻ mạnh từ người hiến tặng, tuy nhiên, vẫn có nguy cơ viêm gan tự miễn xảy ra ở trên gan được ghép.

Phòng ngừa viêm gan tự miễn

Hiện tại, chúng ta vẫn chưa có cách phòng ngừa viêm gan tự miễn. Tuy nhiên, để tăng cường sức khỏe, chúng ta có thể tập trung vào sinh hoạt, chế độ ăn uống và nghỉ ngơi. Ngoài ra, hãy thường xuyên khám sức khỏe và không bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bất thường nào để có thể phát hiện và điều trị kịp thời nếu mắc bệnh.

Hy vọng bài viết đã cung cấp thông tin hữu ích cho bạn về bệnh viêm gan tự miễn. Chúc bạn luôn vui khỏe!

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết