Viêm quanh khớp vai: Triệu chứng, cách chẩn đoán và phương pháp điều trị
Viêm quanh khớp vai: Triệu chứng, cách chẩn đoán và phương pháp điều trị
Đau vùng vai ở người bệnh viêm quanh khớp vai
Viêm quanh khớp vai: triệu chứng và phương pháp phục hồi - Ảnh: BookingCare

Viêm quanh khớp vai: Triệu chứng, cách chẩn đoán và phương pháp điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 22/07/2023 | Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Người nhà, người bệnh có thể tham khảo thông tin về bệnh viêm quanh khớp vai: triệu chứng, nguyên nhân, cách chuẩn đoán, phương pháp điều trị,... trong bài viết dưới đây.

Viêm quanh khớp vai rất thường gặp, đặc biệt ở những người từ 40 - 60 tuổi. Triệu chứng ban đầu của bệnh là những cơn đau âm ỉ quanh khớp nên nhiều người thường bỏ qua và chỉ thăm khám khi đau nhiều. Vậy ngoài triệu chứng này, có các biểu hiện nào khác của bệnh? Phương pháp điều trị viêm quanh khớp vai ra sao, chăm sóc tại nhà như thế nào? 

Viêm quanh khớp vai là gì? Các thể viêm quanh khớp vai

Hội chứng viêm quanh khớp vai là thuật ngữ dùng để chỉ các bệnh lý viêm các cấu trúc phần mềm quanh khớp vai gồm: gân, cơ, dây chằng, bao khớp; không bao gồm tổn thương phần đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp,…

Viêm quanh khớp vai có 4 thể: 

  • Đau vai đơn thuần thường do bệnh lý gân.
  • Đau vai cấp do lắng đọng vi tinh thể.
  • Giả liệt khớp vai do đứt các gân của bó dài gân nhị đầu hoặc đứt các gân mũ cơ quay khiến cơ delta không hoạt động được.
  • Cứng khớp vai do viêm dính bao hoạt dịch, co thắt bao khớp, bao khớp dày, dẫn đến giảm vận động khớp ổ chảo - xương cánh tay.
Hội chứng viêm quanh khớp vai
Hội chứng viêm quanh khớp vai là bệnh lý viêm các cấu trúc phần mềm quanh khớp vai - Ảnh: Canva

Triệu chứng viêm quanh khớp vai

Khi bị viêm quanh khớp vai, người bệnh sẽ gặp phải một trong những triệu chứng dưới đây: 

  • Đau vùng khớp vai: Cơn đau có thể gặp khi vận động khớp vai, thường liên quan đến các gân cơ bị chấn thương, có thể đau liên tục cả khi nghỉ, đau nhức về ban đêm và đau tăng khi vận động. 
  • Co cứng khớp: Hội chứng viêm quanh khớp vai gây ra triệu chứng co cứng khớp vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy, khiến việc thực hiện các cử động thông thường trở nên khó khăn.
  • Vận động khó khăn: Khớp vai bị tổn thương dễ dẫn đến tình trạng tê bì cánh tay, bả vai và rối loạn các chức năng vận động của cơ quan này. Các cử động thông thường của người bệnh như xoay, nâng hoặc nhấc cánh tay sẽ bị hạn chế.
  • Ngoài các triệu chứng điển hình trên, số ít người bệnh có một số triệu chứng khác như sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, suy nhược,…

Nguyên nhân viêm quanh khớp vai

Một số nguyên nhân dẫn đến viêm quanh khớp vai bao gồm:

  • Tuổi tác: viêm quanh khớp vai thường xảy ra ở người trên 50 tuổi do ảnh hưởng của quá trình lão hóa. 
  • Do tính chất công việc: nghề nghiệp lao động nặng, thường xuyên phải lặp lại các hoạt động khớp vai và cánh tay gây tổn thương các gân cơ quanh khớp vai như gân cơ trên gai, cơ nhị đầu cánh tay.
  • Tập thể thao quá sức: chơi một số môn thể thao đòi hỏi phải nhấc tay lên quá vai như chơi cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng chuyền.
  • Chấn thương vùng vai do ngã, tai nạn ô tô, xe máy,... khiến các tổ chức xung quanh vai bị tổn thương là một trong những nguyên nhân. 
  • Do thói quen sinh hoạt xấu như ngủ nghỉ không đúng tư thế, lười vận động,… làm gia tăng nguy cơ mắc viêm quanh khớp vai.
  • Nếu người bệnh mắc một số bệnh lý khác như tim mạch, hô hấp, tiểu đường, ung thư vú, thần kinh,... cũng làm gia tăng nguy cơ. 

Chẩn đoán viêm quanh khớp vai

Thông thường, hội chứng viêm quanh khớp vai sẽ được bác sĩ chẩn đoán qua kiểm tra lâm sàng, chỉ định xét nghiệm và chụp X-quang:

  • X-quang khớp vai: có thể ghi nhận một số hình ảnh gián tiếp như bất thường giải phẫu mỏm cùng vai, các nốt vôi hóa gân cơ quanh khớp vai. Cho phép loại trừ các trường hợp tổn thương ở sụn khớp và xương khớp vai.
  • Siêu âm khớp vai: giúp xác định được một số trường hợp tổn thương gân cơ quanh khớp vai như rách gân cơ trên gai, đầu dài gân cơ nhị đầu cánh tay,…
  • MRI khớp vai: chẩn đoán chính xác các tổn thương phần mềm khớp vai.
Chụp X-quang khớp vai
Chụp X-quang khớp vai cho phép loại trừ các trường hợp tổn thương ở sụn khớp và xương khớp vai - Ảnh: Canva

Phương pháp điều trị viêm quanh khớp vai

Các phương pháp điều trị viêm quanh khớp quanh vai có mục đích chính là:

  • Đẩy lùi tình trạng đau nhức và phản ứng viêm tại vùng bị tổn thương.
  • Giúp khớp vai có thể duy trì vận động một cách bình thường.

Để điều trị viêm quanh khớp vai hiệu quả cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như điều trị nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.

  • Điều trị nội khoa: thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, tiêm corticoid tại chỗ áp dụng cho thể viêm khớp vai đơn thuần,...
  • Điều trị viêm quanh khớp vai bằng y học cổ truyền: bên cạnh điều trị bằng thuốc tây, một trong những phương pháp chữa viêm quanh khớp vai khác là sử dụng các bài thuốc đông y: bài thuốc Ma hoàng quế chi thang gia giảm, cài thuốc Quyên tý thang gia giảm,... Người bệnh cần tham khảo từ bác sĩ để được tư vấn bài thuốc phù hợp với tình trạng cụ thể.
  • Vật lý trị liệu: 
    • Xoa bóp: giúp giảm đau tại chỗ, thư giãn cho người bệnh.
    • Thực hiện các bài tập với dụng cụ: các bài tập với gậy, dây, thang tường, ròng rọc nhằm tăng tầm vận động khớp và tập mạnh các nhóm cơ vùng vai. Lưu ý thực hiện các bài tập dưới sự hướng dẫn của kĩ thuật viên, bác sĩ. 
  • Phẫu thuật: 
    • Chỉ định trong trường hợp có đứt gân cơ chóp xoay, thường gặp nhất là đứt gân cơ trên gai.

    • Tạo hình mỏm cùng vai trong hội chứng chạm gây ra bởi bất thường giải phẫu mỏm cùng vai.

Có nhiều phương pháp điều trị viêm quanh khớp vai khác nhau. Điều quan trọng là bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh và đúng giai đoạn.

Chăm sóc bệnh viêm quanh khớp vai tại nhà

  • Có chế độ sinh hoạt, vận động hợp lý: Trong giai đoạn đau vai cấp tính cần để cho vai được nghỉ ngơi. Sau khi điều trị có hiệu quả mới bắt đầu tập luyện để phục hồi chức năng khớp vai.
  • Tránh lao động quá mức trong thời gian dài, tránh các động tác dạng quá mức hay nâng tay lên cao quá vai.
  • Luyện tập bài tập Codman đong đưa khớp vai:
  • Bài tập này giúp người bệnh giảm đau vai rất tốt, đồng thời làm cải thiện tình trạng giới hạn tầm vận động khớp vai.
  • Người bệnh uốn cong lưng với cánh tay tổn thương thả lỏng vuông góc với sàn nhà. Nhẹ nhàng thả lỏng và lắc lư tay sang hai bên, từ sau ra trước, và trong các vòng tròn theo và ngược chiều kim đồng hồ. Bài tập này giúp bệnh nhân giảm đau vai rất tốt, đồng thời làm cải thiện tình trạng giới hạn tầm vận động khớp vai.
  • Cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ đưa ra để đảm bảo an toàn và hiệu quả mang lại.

Những thông tin chia sẻ về hội chứng viêm quanh khớp vai trên hy vọng sẽ hữu ích cho bạn đọc. Bất kỳ các triệu chứng nào của bệnh cũng cần được để ý, theo dõi và thăm khám kịp thời, tránh để bệnh diễn tiến nặng, không được điều trị triệt để ảnh hưởng đến vận động của hai tay cũng như gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết