Viêm tai giữa điều trị như thế nào? Hướng dẫn vệ sinh tai mũi họng đúng cách
Viêm tai giữa điều trị như thế nào? Hướng dẫn cách vệ sinh tai
Viêm tai giữa điều trị như thế nào? - Ảnh: BookingCare

Viêm tai giữa điều trị như thế nào? Hướng dẫn vệ sinh tai mũi họng đúng cách

Tác giả: - Xuất bản: 17/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 09/05/2024
Trong trường hợp viêm tai giữa điều trị nội khoa kéo dài không khỏi, hoặc có biến chứng xương chũm chảy mủ, hoặc màng nhĩ rách lớn không tự liền được, ảnh hưởng đến khả năng nghe thì cần được chỉ định phẫu thuật, sau đó tiếp tục điều trị nội khoa.

Viêm tai giữa là một bệnh khá thường gặp, nhưng cũng không thể chủ quan bởi biến chứng của bệnh cũng rất nguy hiểm. Việc chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và đúng cách giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh viêm tai giữa.

Tùy vào từng giai đoạn tiến triển của bệnh, bác sĩ sẽ có những phương án điều trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh viêm tai giữa phổ biến, mời bạn đọc cùng tham khảo.

Điều trị viêm tai giữa ở người lớn như thế nào?

Đối với viêm tai giữa ở người lớn trong giai đoạn cấp tính có thể được điều trị bằng Tây y. Bằng cách sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc, giảm đau,…

Với trường hợp màng nhĩ bị thủng, gây chảy dịch tai, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được vệ sinh tai nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.

Trong trường hợp viêm tai giữa điều trị nội khoa kéo dài không khỏi, hoặc có biến chứng xương chũm chảy mủ, hoặc màng nhĩ rách lớn không tự liền được, ảnh hưởng đến khả năng nghe thì cần được chỉ định phẫu thuật, sau đó tiếp tục điều trị nội khoa. 

Khi bệnh nhân được chẩn đoán xác định bị viêm tai giữa cấp tính, mục tiêu điều trị sẽ là  điều trị quá trình nhiễm khuẩn tai giữa bằng kháng sinh cùng các thuốc khác,… và điều trị các triệu chứng như đau tai, chảy dịch tai 

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc acetaminophen có thể được sử dụng để giúp  giảm đau tai. 
  • Khi nghi ngờ nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn, kháng sinh amoxicillin liều cao sẽ được ưu tiên lựa chọn. Người bệnh sử dụng trong 10 ngày ở cả trẻ em và người lớn nếu không bị dị ứng với penicillin.
  • Trong trường hợp người bệnh dị ứng penicillin, azithromycin với liều duy nhất 10 mg/kg/ ngày hoặc clarithromycin 15 mg/kg/ lần x 2 lần/ngày được chỉ định thay thế. Các lựa chọn khác cho bệnh nhân dị ứng penicillin là cefdinir với liều lượng 14 mg/kg mỗi ngày chia 1 hoặc 2 lần trong ngày, cefpodoxime 10 mg/kg mỗi ngày, một lần mỗi ngày hoặc cefuroxime 30 mg/kg mỗi ngày chia làm 2 lần.
  • Đối với những bệnh nhân có triệu chứng không cải thiện sau khi điều trị bằng amoxicillin liều cao, nên dùng amoxicillin-clavulanate liều cao với liều lượng 90 mg/kg/ngày, chia làm 2 lần. Ở trẻ bị nôn trớ hoặc với những tình huống không thể dùng kháng sinh đường uống, ceftriaxone (50 mg/kg mỗi ngày) trong ba ngày liên tiếp, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp sẽ là một lựa chọn thay thế.
  • Nếu có dấu hiệu viêm tai giữa cấp có mủ thì bệnh nhân sẽ được dùng kháng sinh như amoxicillin-clavulanate liều cao hoặc kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ thứ 3 hay quinolone.
  • Nếu trường hợp bệnh nhân bị thủng màng nhĩ, bệnh nhân sẽ được ưu tiên sử dụng kháng sinh tại chỗ an toàn cho tai giữa, ví dụ như ofloxacin, thay vì kháng sinh toàn thân. Những kháng sinh nhỏ tai giúp mang lại nồng độ kháng sinh cao hơn nhiều và hạn chế các tác dụng phụ cho người bệnh.

Hướng dẫn vệ sinh khi bị viêm tai giữa

  • Vệ sinh tai hàng ngày bằng nước muối sinh lý:
    • Đầu tiên, sử dụng khăn mềm lau nhẹ xung quanh vành tai, ống tai ngoài. Không cố gắng ngoáy sâu vào vào bên trong vì sẽ gây đau đớn.
    • Sau đó, dùng gạc y tế hoặc tăm bông sạch có nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý lau nhẹ ở ống tai để thấm hút dịch.
    • Tiếp đó dùng tăm bông khô lau lại 1 lượt và giữ cho tai luôn khô sạch, tránh để nước vào tai khiến vi khuẩn phát sinh thêm gây viêm nặng hơn.
  • Nếu bệnh nhân bị thủng màng nhĩ gây chảy dịch từ tai giữa ra ngoài lỗ tai, nên dùng tăm bông lau sạch dịch ở phần cửa tai và trong ống tai. Tuy nhiên, không nên cố gắng ngoáy sâu vào bên trong. Nếu dịch chảy ra quá nhiều và đặc, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được xử lý đúng cách và hiệu quả.
  • Vệ sinh mũi họng sạch sẽ: vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý là một trong những phương pháp hỗ trợ điều trị viêm tai giữa hiệu quả. Bởi vì các tác nhân như virus, vi khuẩn ở mũi họng có thể lan đến tai gây viêm nặng hơn. 
  • Xì mũi đúng cách: nhỏ vài giọt nước muối sinh lý hoặc xịt bằng dung dịch nước muối biển vào mũi để loãng dịch mũi. Sau đó, dùng tay bịt một lỗ mũi và xì dịch mũi ra từ phía còn lại nhẹ nhàng. Nên xì mũi khi cả hai hốc mũi thông thoáng. Với người lớn, rửa mũi bằng bình rửa mũi sẽ có hiệu quả tốt. 

Trên đây là những chia sẻ về những phương pháp điều trị viêm tai giữa và một số cách vệ sinh đúng cách, bạn đọc cần lưu ý và tuân thủ phác đồ điều trị từ y bác sĩ có chuyên môn để mau chóng hồi phục, tránh biến chứng nặng nề phát triển.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết