Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị bệnh
Viêm tuyến tiền liệt: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị bệnh
Viêm tuyến tiền liệt: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị bệnh - Ảnh: BookingCare

Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị bệnh

Tác giả: - Xuất bản: 17/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 31/10/2023
Viêm tuyến tiền liệt là bệnh gì? Triệu chứng và điều trị bệnh như thế nào? Trong bài viết dưới đây BookingCare sẽ giúp bạn tìm hiểu về bệnh viêm tuyến tiền liệt và các vấn đề xoay quanh nó.

Viêm tuyến tiền liệt là một rối loạn của tuyến tiền liệt, thường liên quan đến tình trạng viêm. Viêm tuyến tiền liệt thường gây đau hoặc tiểu khó, cũng như đau ở háng, vùng xương chậu hoặc bộ phận sinh dục.

Nhiễm vi khuẩn là nguyên nhân thường gặp, tuy nhiên còn những nguyên nhân khác không phải vi khuẩn gây ra viêm tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt có kích thước bằng quả óc chó, nằm ngay dưới bàng quang ở nam giới. Nó bao quanh phần trên cùng của đường ống dẫn nước tiểu từ bàng quang (niệu đạo).

Tuyến tiền liệt và các tuyến sinh dục khác sản xuất chất lỏng vận chuyển tinh trùng trong quá trình xuất tinh (còn gọi là tinh dịch)..

Phân loại viêm tuyến tiền liệt 

Viêm tuyến tiền liệt được phân làm 4 loại:

  • Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn cấp tính, thường có các triệu chứng đột ngột, nghiêm trọng. 
  • Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn mạn tính, nhiễm trùng do vi khuẩn đang diễn ra hoặc tái phát thường có các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. 
  • Viêm tuyến tiền liệt mạn tính/hội chứng đau vùng chậu mạn tính, đang diễn ra hoặc tái phát đau vùng chậu và các triệu chứng đường tiết niệu không có bằng chứng nhiễm khuẩn.
  •  Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng, thường được phát hiện qua kết quả sinh thiết giải phẫu bệnh tuyến tiền liệt mà người bệnh không có triệu chứng rõ ràng.

Nguyên nhân gây ra viêm tuyến tiền liệt

Nguyên nhân gây ra viêm tuyến tiền liệt là khác nhau tùy thuộc vào loại viêm tuyến tiền liệt.

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn thường do các chủng vi khuẩn thông thường gây ra như là E.coli, Pseudomonas aeruginosa, Proteus mirabilis, Klebsiella spp, lậu…. Nhiễm khuẩn có thể lây lan từ các bộ phận khác của hệ thống tiết niệu như là niệu đạo. .

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn thường có nguyên nhân tương tự như viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn và có thể do những vi khuẩn không điển hình khác. Tình trạng mạn tính có thể xảy ra khi việc điều trị viêm tuyến tiền liệt cấp tính không đủ lâu hoặc điều trị mà không tiêu diệt được hết vi khuẩn

Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn cấp tính và mạn tính là do các chủng vi khuẩn - Ảnh: Canva

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính / đau vùng chậu mạn tính

Một số đàn ông với viêm tuyến tiền liệt mạn tính / đau vùng chậu kinh niên không có bằng chứng của viêm tuyến tiền liệt.

Nguyên nhân của viêm tuyến tiền liệt mạn tính / đau vùng chậu mạn tính có thể bao gồm:

  • Rối loạn hệ thống miễn dịch.
  • Rối loạn hệ thống thần kinh.
  • Tâm lý căng thẳng.
  • Nhiễm trùng.

Viêm tuyến tiền liệt không có triệu chứng

Nguyên nhân của viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng chưa được biết rõ, và có rất ít nghiên cứu về rối loạn này. Thông thường được phát hiện qua sinh thiết giải phẫu bệnh tuyến tiền liệt.

Yếu tố nguy cơ

Tất cả các loại viêm tuyến tiền liệt phổ biến hơn ở nam giới trẻ tuổi và trung niên. 

Yếu tố nguy cơ viêm tuyến tiền liệt bao gồm:

  • Từng viêm tuyến tiền liệt trước đây
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
  • Sử dụng ống thông vào niệu đạo bàng quang (ống thông tiểu)..
  • Nhiễm HIV hoặc AIDS
  • Sinh thiết tuyến tiền liệt

Yếu tố nguy cơ của viêm tuyến tiền liệt mạn tính/ đau vùng chậu mạn tính:

  • Căng thẳng tâm thần kinh.
  • Tổn thương thần kinh vùng chậu do phẫu thuật hoặc chấn thương.

Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt

Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào loại viêm tuyến tiền liệt. Chúng có thể là:

  • Cảm giác đau hoặc nóng rát khi đi tiểu (tiểu gắt). 
  • Tiểu khó, chẳng hạn như tiểu nhỏ giọt hoặc tiểu ngập ngừng. 
  • Đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là vào ban đêm (tiểu đêm). Cần đi tiểu gấp. 
  • Nước tiểu đục. 
  • Có máu trong nước tiểu.
  • Đau ở bụng, háng hoặc lưng dưới. Đau ở vùng giữa bìu và hậu môn (đáy chậu). 
  • Đau hoặc khó chịu ở dương vật hoặc tinh hoàn. 
  • Đau khi xuất tinh. 
  • Sốt, ớn lạnh, đau cơ và các triệu chứng giống cúm khác (trong viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn) 

Viêm tuyến tiền liệt cấp do vi khuẩn cấp: Thường gây ra các triệu chứng đường tiểu dưới như tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu khó. Người bệnh có thể có các triệu chứng liên quan nhiễm khuẩn huyết như sốt, ớn lạnh,nhịp tim nhanh, thở nhanh, vã mồ hôi, khó chịu và đau cơ.

Đau có thể ở đáy chậu (46%), bìu (39%), hạ vị và dương vật (6%), đau mặt trong đùi hoặc lưng (2%). Có thể có xuất tinh máu hay mủ. Một số trường hợp có thể có bí tiểu, cầu bàng quang (10%). Tuyến tiền liệt mềm và sưng to lan toả, ấn đau, hạn chế mát xa tuyến tiền liệt vì nguy cơ đẩy vi khuẩn vào máu . 

Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn mạn tính: Biểu hiện với các triệu chứng kéo dài ít nhất 3 tháng. Có thể là đau vùng trên xương mu, bẹn bìu, đáy chậu, mặt trong đùi và dương vật. Các triệu chứng tống xuất nước tiểu như tiểu khó, tiểu buốt. Rối loạn chức năng khi giao hợp như đau khi xuất tinh, rối loạn cương dương.

Khám tuyến tiền liệt: nhạy cảm đau, mềm nhẵn, đôi khi có cảm giác rắn chắc và có từng cục. Triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể có xu hướng nhẹ hơn viêm tuyến tiền liệt cấp tính.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính/hội chứng đau vùng chậu mạn tính: Đau là triệu chứng chủ yếu, thường đau khi xuất tinh. Sự khó chịu có thể là đáng kể và thường gây trở ngại đến chất lượng cuộc sống.

Các triệu chứng kích thích đường tiểu hoặc tắc nghẽn cũng có thể xuất hiện. Khi kiểm tra, tuyến tiền liệt có thể đau nhưng thường là không bị mềm hoặc sưng lên. 

Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng: Thường không gây triệu chứng và được phát hiện tình cờ trong quá trình đánh giá các bệnh khác về tuyến tiền liệt qua kết quả giải phẫu bệnh tuyến tiền liệt hoặc xét nghiệm khác.

Bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng bệnh viêm tuyến tiền liệt. - Ảnh: Canva

Chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt

Chuẩn bị trước khi đến khám

Những câu hỏi mà bác sĩ có thể hỏi bạn khi chẩn đoán như sau:

  • Các triệu chứng của bạn bắt đầu khi nào?
  • Các triệu chứng của bạn có kéo dài không, hay thoáng qua?
  • Bạn có thấy đau không? Đau ở đâu?
  • Bạn có thấy đau khi đi tiểu không?
  • Bạn có gặp khó khăn khi đi tiểu, chẳng hạn như tiểu nhỏ giọt hoặc tiểu ngập ngừng không?
  • Bạn có quan sát thấy nước tiểu đục hoặc có máu không?
  • Bạn có từng cảm thấy cần đi tiểu đột ngột và cấp bách không?
  • Bạn có đi tiểu nhiều hơn bình thường không?
  • Bạn có thường xuyên phải đi tiểu đêm không?
  • Bạn có thấy đau khi xuất tinh không?
  • Bạn đã từng được chẩn đoán mắc bệnh viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu trước đây chưa? Khi nào?
  • Bạn đã uống hết thuốc điều trị nhiễm trùng đó chưa?
  • Gần đây bạn có bị chấn thương ở vùng chậu, háng không?
  • Bạn dùng những loại thuốc, thực phẩm bổ sung, sản phẩm thảo dược và vitamin nào?

Tiến hành chẩn đoán 

Chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt bao gồm việc loại trừ các điều kiện khác có thể gây ra các triệu chứng và xác định loại viêm tuyến tiền liệt. Đánh giá sẽ bao gồm kiểm tra nói chung và một loạt các xét nghiệm chẩn đoán:

  • Bảng câu hỏi triệu chứng. Bác sĩ có thể yêu cầu điền vào một bảng câu hỏi được gọi là NIH. Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt mạn tính Index. Mẫu này yêu cầu khác nhau liên quan đến yếu tố điểm số đau, khó chịu, tiểu tiện và ảnh hưởng của triệu chứng lên chất lượng cuộc sống. Tổng số điểm có thể giúp bác sĩ trong việc chẩn đoán và theo dõi hiệu quả của phương pháp điều trị.
  • Khám trực tràng. Trong lúc khám trực tràng, bác sĩ kiểm tra tuyến tiền liệt bằng cách nhẹ nhàng đưa ngón tay bôi trơn vào trực tràng. Bác sĩ sẽ có thể cảm nhận bề mặt của tuyến tiền liệt và đánh giá độ cứng, kích thước , cảm giác đau.
  • Thử nghiệm nước tiểu và tinh dịch. Bác sĩ có thể đánh giá các mẫu nước tiểu và tinh dịch tìm vi khuẩn và các tế bào bạch cầu - các tế bào trong phản ứng của hệ miễn dịch, để giúp thiết lập chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt. Một số trường hợp  Bác sĩ có thể sẽ làm một loạt các mẫu trước tiểu, trước và sau khi xoa bóp tuyến tiền liệt với ngón tay đeo găng bôi trơn.
  • Soi bàng quang. Bác sĩ có thể sử dụng một dụng cụ để kiểm tra niệu đạo và bàng quang. Thử nghiệm này được sử dụng để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự.

Điều trị viêm tuyến tiền liệt

Phương pháp điều trị viêm tuyến tiền liệt khác nhau phụ thuộc vào chẩn đoán loại bệnh và triệu chứng.

Điều trị nhiễm khuẩn

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính và mạn tính do vi khuẩn được điều trị bằng kháng sinh. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng cấp tính, cần phải nhập viện để dùng kháng sinh mạnh qua đường tĩnh mạch.

Sau khi tình trạng đã được cải thiện, sẽ tiếp tục với kháng sinh uống. Tổng thời gian điều trị thường là 4-6 tuần hoặc lâu hơn ở một số trường hợp. Nên uống thuốc kháng sinh đủ thời gian do bác sĩ kê toa ngay cả khi thấy triệu chứng đã giảm để hạn chế việc tái phát viêm tuyến tiền liệt.

Điều trị triệu chứng đường tiết niệu

Alpha blockers còn gọi là thuốc chẹn alpha, giúp thư giãn cổ bàng quang và các sợi cơ nơi tuyến tiền liệt áp sát bàng quang. Thuốc này có thể làm giảm các triệu chứng tiết niệu, chẳng hạn như đi tiểu đau hoặc tiểu khó.

Mặc dù thuốc này thường được kê đơn cho nam giới bị viêm tuyến tiền liệt mạn tính/hội chứng đau vùng chậu mạn tính, nhưng nó có thể được kê đơn để làm giảm các triệu chứng tiết niệu do viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn.

Điều trị đau 

Thuốc giảm đau như acetaminophen (Tylenol, Panadol..) aspirin hay ibuprofen (Advil, Motrin, những loại khác) có thể giúp giảm đau. Nên thảo luận với bác sĩ liều có thể an toàn vì lạm dụng thuốc giảm đau có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm đau bụng, xuất huyết đường tiêu hóa hoặc loét.

Điều trị triệu chứng tâm thần kinh

Bác sĩ có thể khuyến nghị khám thêm bác sĩ tâm lý để hỗ trợ người bệnh giảm các triệu chứng căng thẳng, trầm cảm, lo âu quá mức liên quan đến đau vùng chậu mạn tính

Phòng ngừa viêm tuyến tiền liệt

Việc phòng ngừa viêm tuyến tiền liệt bao gồm duy trì vệ sinh cá nhân, tăng cường hệ miễn dịch và tránh những tình huống không an toàn cho sức khỏe. 

  • Uống nhiều nước. Điều này sẽ khiến bạn đi tiểu nhiều hơn và giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi bàng quang.
  • Ăn nhiều trái cây và rau hơn. Chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng có thể giữ cho cơ thể bạn khỏe mạnh và giúp bạn chống lại nhiễm trùng và viêm nhiễm.
  • Hạn chế hoặc tránh uống rượu, cà phê, và nhiều gia vị cay nóng hay thức ăn có tính axit, nhiều muối.
  • Giữ vệ sinh tốt. Giữ dương vật của bạn và khu vực xung quanh sạch sẽ, khô thoáng để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Ngâm trong bồn tắm nước ấm hoặc sử dụng miếng đệm sưởi ấm.
  • Ngồi trên một tấm đệm lót gối hoặc bơm hơi.
  • Tránh đạp xe đạp nhiều, hoặc mặc quần short đệm và điều chỉnh xe đạp để làm giảm áp lực vào khu vực tuyến tiền liệt (đáy chậu).
  • Đi lại, di chuyển thường xuyên nếu có thể. Khi bạn ngồi trong thời gian dài, nó sẽ gây áp lực lên tuyến tiền liệt và bị viêm theo thời gian. Cố gắng tránh đạp xe đường dài và ngồi quá lâu.
  • Thực hành tình dục an toàn. Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục đôi khi gây viêm tuyến tiền liệt.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh, hạn chế stress, tăng cường giấc ngủ và tránh hút thuốc. 

Bệnh viêm tuyến tiền liệt là một bệnh lý phổ biến ở nam giới và có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được chữa trị đúng cách. Nếu bạn nghi ngờ mình đang bị bệnh viêm tuyến tiền liệt, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được khám và điều trị đúng cách.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết