Viêm V.A ở trẻ có nguy hiểm không, cách chăm sóc? Tìm hiểu phương pháp nạo V.A

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 26/06/2020 - Cập nhật lần cuối: 04/07/2022

Viêm VA là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh không quá nguy hiểm nếu được điều trị sớm. Tuy nhiên, sai lầm thường gặp của phụ huynh là để bệnh tự khỏi, hoặc tự ý mua thuốc cho trẻ uống, dẫn đến bệnh càng dai dẳng, dễ trở thành mạn tính.

Viêm V.A là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 7 tuổi
Viêm V.A là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 7 tuổi

VA phát triển nhanh theo lứa tuổi, tăng nhanh về khối lượng từ khi trẻ 2 tuổi, bắt đầu teo dần khi trẻ hơn 7 tuổi và biến mất gần như hoàn toàn khi trẻ vào độ tuổi dậy thì.

Viêm VA là bệnh Tai Mũi Họng thường gặp ở trẻ nhỏ và dễ tái đi tái lại nhiều lần nếu không điều trị sớm. Ba mẹ có thể tham khảo bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, cũng như biết cách chăm sóc trẻ cho phù hợp. 

Vì sao trẻ bị viêm VA?

Từ lúc mới sinh cho đến 6 tháng tuổi, trẻ sử dụng kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai. Sau 6 tháng thì VA sẽ như một “chú lính”, làm nhiệm vụ ngăn chặn vi khuẩn trước khi chúng xâm nhập vào cơ thể.

Nguyên nhân gây viêm VA ở trẻ là:

  • Do nhiễm lạnh hoặc thói quen ăn uống đồ quá lạnh
  • Các vi khuẩn và virus có sẵn ở mũi họng, khi có cơ hội thì chúng trở thành tác nhân gây bệnh
  • Cũng có thể trẻ bị viêm VA sau khi mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên như cúm, sởi hay ho gà...
  • Ngoài ra, ô nhiễm môi trường sống (khói bụi, thuốc lá…) cũng có thể gây viêm VA. 

Cấu trúc của VA có nhiều khe hốc, là nơi vi khuẩn dễ trú ẩn và phát triển. Hơn nữa VA nằm ở vòm mũi họng, là cửa ngõ ở đường thở nên vi khuẩn, virus dễ xâm nhập… Đó là những yếu tố nguy cơ và nguyên nhân khiến VA bị viêm.

Triệu chứng viêm VA cấp tính, mạn tính

Viêm VA có 2 loại: viêm VA cấp tính và viêm VA mạn tính (tái đi tái lại nhiều lần, khó chữa dứt điểm). Triệu chứng viêm VA cấp tính: 

  • Khởi bệnh đột ngột, trẻ bị sốt, 38 – 39 độ C, đôi khi sốt cao đến 40 độ C hoặc không sốt
  • Triệu chứng quan trọng nhất là ngạt mũi, ngạt nặng dần, ngạt một bên rồi hai bên
  • Trẻ thở khó khăn, thường phải há miệng thở, thở khụt khịt, khóc hoặc nói giọng mũi kín
  • Trẻ có thể bỏ bú hoặc bú ngắt quãng vì không thở được bằng mũi
  • Chảy nước mũi ra phía trước và xuống dưới họng: nước mũi lúc đầu trong về sau đục. VA càng to thì nghạt mũi và chảy mũi càng tăng
  • Trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc, hơi thở có mùi hôi khó chịu
  • Có thể có rối loạn tiêu hóa: nôn trớ, tiêu chảy...
Vị trí amidan và V.A
Vị trí amidan và viêm VA ở trẻ

Viêm VA cấp cũng có thể biểu hiện rất nhẹ, không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và trẻ vẫn ăn uống, ngủ nghỉ bình thường nên bố mẹ thường xem nhẹ hoặc bỏ qua. Tuy nhiên, viêm VA cấp tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm rất dễ chuyển thành mạn tính (VA quá phát). Triệu chứng viêm VA mạn:

  • Viêm VA mạn tính là dạng viêm kéo dài thường biểu hiện nghẹt mũi và chảy mũi mạn tính.
  • Nước mũi đặc, có mủ và chảy ra suốt ngày, nếu VA bị viêm bởi loại trực khuẩn mủ xanh thì nhầy mũi có màu xanh, vì vậy người ta thường nói là thò lò mũi xanh.
  • Nghẹt mũi cả ngày lẫn đêm làm cho trẻ khó thở, do đó thường thở bằng miệng.
  • Kèm theo sự thở bằng miệng, trẻ thường ngủ ngáy to và thỉnh thoảng có cơn ngưng thở rất nguy hiểm.

Khi bé có một số triệu chứng trên, ba mẹ nên đưa bé đi khám để điều trị sớm. Nếu chưa đi khám được ngay, có thể đăng ký tư vấn từ xa qua Video với bác sĩ Tai Mũi Họng để được hướng dẫn điều trị ban đầu. 

Viêm VA có nguy hiểm không? 

Viêm VA là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh không quá nguy hiểm nếu được điều trị sớm. Tuy nhiên, sai lầm thường gặp của phụ huynh là để bệnh tự khỏi, hoặc tự ý mua thuốc cho trẻ uống, dẫn đến bệnh càng dai dẳng, dễ trở thành mạn tính. Một số biến chứng của viêm VA có thể kể đến như:

  • Biến chứng phổ biến nhất do viêm VA là viêm mũi, họng. Do nghẹt mũi kéo dài, vi khuẩn cộng sinh trong mũi sẽ trở thành vi khuẩn gây bệnh làm viêm mũi, họng (trẻ ho khan)
  • Biến chứng nặng hơn là viêm tai giữa
  • Viêm VA mạn tính có thể gây biến chứng viêm xoang
  • Biến chứng về lâu dài có thể mắc phải là viêm hô hấp: viêm thanh quản (giọng khàn khi nói, khóc) hoặc viêm phế quản (sau vài ngày sốt, chảy mũi và ho, trẻ sốt cao hơn, ho nhiều dữ dội, thở khò khè và nhanh
  • Viêm VA mạn tính kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể. Trẻ chậm phát triển về cả thể chất và tinh thần, da xanh xao, thường xuyên quấy khóc...
Nghẹt mũi, chảy nước mũi là triệu chứng thường gặp khi bị viêm V.A
VA quá phát có thể chèn ép, gây khó thở - Ảnh: Medical News today

Chữa viêm VA ở trẻ 

Khi có những dấu hiệu viêm VA, ba mẹ nên đưa bé đi khám tại các bệnh viện, phòng khám Tai mũi họng nhi để được chẩn đoán tình trạng, mức độ và có hướng dẫn điều trị phù hợp. Việc chữa viêm VA sẽ tuân theo nguyên tắc sau:

  • Trẻ bị viêm VA nhẹ, không cần phải điều trị bằng thuốc, chỉ cần dinh dưỡng tối đa, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng. Thường xuyên rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% rồi hỉ mũi sạch (nếu trẻ nhỏ thì hút mũi),giữ vệ sinh và ủ ấm cho bé. 
  • Trẻ bị viêm VA cấp hoặc nặng, cần đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng sớm để được điều trị kịp thời và đúng cách: dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng, hạ sốt, giảm đau.
  • Trẻ bị VA nặng, nghẹt mũi hoàn toàn, có thể bị biến chứng thì bác sĩ Tai mũi họng có thể chỉ định phẫu thuật nạo VA. 

Hướng dẫn chăm sóc tại nhà khi bé bị viêm VA

1. Hạ sốt 

Khi trẻ sốt cao mà chưa kịp đưa trẻ đi khám bệnh thì nên dùng khăn sạch nhúng nước ấm để lau. Cần lau ở nách, bẹn, cổ và đắp khăn ấm lên trán. Không dùng nước lạnh để chườm hoặc đắp lên trán bởi như vậy sẽ cản trở sự thoát nhiệt của trẻ. 

2. Vệ sinh mũi họng

  • Nếu trẻ chỉ bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì có thể lau rửa mũi ngay cho trẻ bằng khăn mềm.
  • Nếu dịch mũi đặc, có rỉ mũi thì nên nhỏ 2 – 3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, đợi 1 lúc cho nước muối ngấm làm mềm rỉ mũi, sau đó nhẹ nhàng dùng tay day mũi bé để rỉ mũi bong ra.
  • Trường hợp có quá nhiều dịch mũi có thể dùng dụng cụ hút mũi. Lưu ý, phụ huynh không nên lạm dụng hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ. Tuyệt đối không dùng miệng trực tiếp hút mũi cho bé.

3. Chế độ ăn cho trẻ viêm VA 

  • Cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu hóa, dễ nuốt.
  • Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn cha mẹ đã chuẩn bị.
  • Có thể dùng quất hấp mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh cho trẻ uống để chữa ho.

4. Dùng thuốc hạ sốt và kháng sinh theo chỉ định của Bác sĩ

Phụ huynh không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị. Việc tự dùng thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ là hoàn toàn không đúng bởi kháng sinh không phải là loại thuốc chữa bách bệnh. 

Tùy từng độ tuổi và mức độ viêm VA mà sẽ có loại kháng sinh riêng, liều lượng riêng. Việc dùng thuốc cho trẻ phải tuân theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ có chuyên môn

Hướng dẫn trẻ vệ sinh mũi họng đúng cách
Ba mẹ nên hướng dẫn trẻ vệ sinh mũi họng đúng cách - Ảnh: SKĐS

Phương pháp nạo VA cho trẻ 

Đối với viêm VA mạn tính ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, điều trị nội khoa không có kết quả, bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng có thể chỉ định phương pháp nạo VA. Thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Viêm VA tái đi tái lại nhiều lần trong năm (≥ 5 lần/1năm)
  • Viêm VA điều trị nội khoa không hết, kèm theo bé có các biến chứng như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản..
  • V.A quá phát gây bít tắc cửa mũi sau, khiến trẻ nghẹt mũi kéo dài, gây cản trở đường thở tự nhiên.

Trên thực tế, ngay cả khi bác sĩ đã cân nhắc kỹ và chỉ định nạo VA cho trẻ vì không có lựa chọn nào khác, một số phụ huynh vẫn tỏ ra quá dè dặt. Hãy tham khảo kỹ những thông tin sau đây để có thêm cơ sở quyết định cho trẻ nạo VA hay không. 

1. Nạo VA có nguy hiểm không?

Nạo VA là một thủ thuật đơn giản, có thể thực hiện dưới gây mê hoặc gây tê tại chỗ, thủ thuật chỉ diễn ra trong vài phút và bệnh nhi có thể về nhà sau đó nửa giờ. Trẻ sau nạo vẫn ăn uống bình thường, không cần kiêng nói.

Nếu là phẫu thuật gây mê thì ca mổ thường kéo dài 30 - 60 phút. Nếu gây tê tại chỗ thì chỉ khoảng 10 phút. VA được cắt bỏ, nạo qua đường miệng nên sẽ không có vết rạch ở mặt hay ở cổ. Nạo VA là phương pháp đơn giản, rất ít gây nguy hiểm. Nếu có biến chứng, chủ yếu là do thực hiện phẫu thuật sai cách, bác sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm nạo VA:

  • Nhiễm trùng, mất nước, đau kéo dài hoặc liền thương chậm: bệnh nhân phải nhập viện lại dể truyền dịch và kiểm soát đau (ít gặp).
  • Chảy máu: Trong một số rất ít trường hợp, bệnh nhân chảy máu nhiều.
  • Một số trẻ bị thay đổi giọng tạm thời vì có quá nhiều không khí thoát ra đằng mũi.
  • Một số trẻ bị thoát đồ ăn lỏng hoặc đặc qua mũi khi ăn. Những thay đổi này thường là tạm thời. Nếu chúng tồn tại dai dẳng 4 - 6 tuần thì cần thông báo với bác sĩ. 

Do vậy, nạo VA không hề nguy hiểm nếu phụ huynh lựa chọn đúng bác sĩ giỏi, địa chỉ khám Tai mũi họng uy tín. Hãy tham khảo thật kỹ những yếu tố này trước khi quyết định cho trẻ thực hiện nạo VA. 

Bác sĩ nạo VA cho trẻ
Nạo VA có thể thực hiện bằng cách gây tê tại chỗ, cùng với sự hỗ trợ của Y tá - Ảnh: PK nhi

2. Có bị tái viêm VA lại không?

Nạo VA là phương pháp loại bỏ toàn bộ khối VA mà không làm tổn thương vòm mũi họng. Nếu bác sĩ, phẫu thuật viên có tay nghề giỏi, nhiều kinh nghiệm thì nạo VA rất hiếm khi bị tái lại. 

Nhưng nếu bác sĩ nạo VA cho trẻ còn non tay nghề, không có chuyên môn chuyên sâu, nạo VA chưa sạch (còn sót lại) thì vẫn có khả năng bị tái. Nhưng những trường hợp này cũng không nhiều, phụ huynh nên tìm hiểu và đưa con đi khám với bác sĩ uy tín để an tâm hơn.

3. Bác sĩ khám và nạo VA giỏi, nhiều kinh nghiệm tại Hà Nội

Ba mẹ có thể tham khảo một số bác sĩ nạo VA nhiều kinh nghiệm và có tay nghề giói sau đây để đưa bé đi khám. Hoặc đăng ký tư vấn online với bác sĩ nếu chưa đưa bé đi khám được ngay.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An 

  • Nguyên là Trưởng khoa Tai mũi họng trẻ em tại Bệnh viện Tai mũi họng TW 
  • Bác sĩ có 30 năm kinh nghiệm khám chữa và nạo VA cho trẻ
  • Bác sĩ tu nghiệp nhiều năm tại Cộng hòa Pháp về Tai mũi họng

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An là bác sĩ Tai mũi họng có thế mạnh về khám cho trẻ em, đặc biệt là các bệnh viêm VA, viêm amidan. Bác sĩ cũng là người trực tiếp thực hiện nạo VA, bác sĩ đã thực hiện thành công hàng nghìn ca nạo VA cho trẻ. 

Hiện tại trung bình mỗi tháng, PGS Nguyễn Thị Hoài An thực hiện phẫu thuật cho khoảng 200 ca viêm VA, viêm amidan ở trẻ em và nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh.

Bác sĩ đã nghỉ công tác trong Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, hiện tại bác sĩ khám ở Bệnh viện Đa khoa An Việt - Số 1E Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội. 

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An thăm khám cho trẻ
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An thăm khám cho trẻ - Ảnh: BV An Việt

TS.BS Đào Đình Thi 

  • Hiện đang là Trưởng khoa Nội soi - Bệnh viện Tai mũi họng TW
  • Từng là bác sĩ Khoa Mũi xoang - Bệnh viện Tai mũi họng TW
  • Từng là bác sĩ Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Tai mũi họng TW 
  • Giảng viên bộ môn Tai mũi họng - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Bác sĩ có gần 20 năm kinh nghiệm khám chữa bệnh Tai mũi họng cho người lớn và trẻ em

TS.BS Đào Đình Thi đang công tác trong Bệnh viện Tai mũi họng TW và có lịch khám tại Phòng khám riêng tại số 33, ngõ 38 Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. Với những trường hợp phẫu thuật, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện tại Bệnh viện Tai mũi họng TW. 

Bác sĩ Đào Đình Thi có 20 năm kinh nghiệm khám chữa viêm VA cho trẻ
Bác sĩ Đào Đình Thi có 20 năm kinh nghiệm khám chữa viêm VA cho trẻ - Ảnh: BookingCare

TS.BS Nguyễn Tuyết Xương

  • Hiện đang là Trưởng khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Nhi TW 
  • Bác sĩ có hơn 20 năm kinh nghiệm khám chữa và phẫu thuật nạo VA cho trẻ 

TS.BS Nguyễn Tuyết Xương là một trong những người đầu tiên tại nước ta cấy ốc tai điện tử cho trẻ em thành công, bác sĩ cũng là một chuyên gia về thính học trẻ em của Việt Nam.

Trong quá trình làm việc tại Bệnh viện Nhi TW, bác sĩ đã thực hiện thành công hàng nghìn ca nạo VA. Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương thường xuyên tham gia và tổ chức các buổi khám bệnh miễn phí tại phòng khám riêng, hỗ trợ phần nào gánh nặng cho những gia đình khó khăn. Hiện tai, bác sĩ thăm khám tại 2 địa chỉ:

  • Khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Nhi TW - Số 18, ngõ 879 La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội
  • Bệnh viện Hưng Việt - Số 34 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương
Bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương nội soi Tai mũi họng cho trẻ

Chế độ ăn sau khi nạo VA cho trẻ 

Thức ăn nên ăn

Có thể bắt đầu bằng các loại nước như nước lọc, nước táo, nước luộc thịt, uống nước hơi ấm hoặc nước lạnh, cần tránh các đồ uống nóng.

Với một số trẻ, phẫu thuật nạo VA có thể gây đau đớn, khiến trẻ từ chối ăn bất kỳ thứ gì trong những ngày đầu sau phẫu thuật. Hãy động viên bé thường xuyên nhấp chút đồ uống để phòng ngừa mất nước. Tránh dùng ống hút vì động tác hút sẽ càng khiến họng đau hơn.

Các đồ uống lỏng và mát thường được trẻ yêu thích. Ba mẹ cũng không nên quá lo lắng khi bé từ chối ăn uống. Một khi bé còn uống được, khóc có nước mắt và đi tiểu bình thường thì bé vẫn được cung cấp đủ nước.

Thức ăn cần tránh

Không nên cho bé ăn thực phẩm cứng, giòn hoặc xù xì trong vòng 1-2 tuần sau phẫu thuật vì những thức ăn này có thể gây chảy máu. Thực phẩm xù xì bao gồm bỏng ngô, khoai tây rán, bánh quy thô ráp, các loại hạt…

Tránh ăn thực phẩm nhiều gia vị và chua như nước chanh, nước cam, cà chua, hạt tiêu có thể gây bỏng và cảm giác khó chịu trong họng trẻ. Cần tránh các thực phẩm này trong vòng 2 tuần sau phẫu thuật.

Trên đây là những thông tin cơ bản mà phụ huynh cần nắm được về bệnh viêm VA ở trẻ và phương pháp nạo VA. Ngay cả khi đã chữa khỏi hoặc đã nạo VA, ba mẹ hãy tạo cho trẻ thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để tránh bệnh có thể tái phát về sau. 

 
 
Tài liệu tham khảo
1. http://benhviennhitrunguong.org.vn/cac-bieu-hien-viem-va-o-tre-em-2.html
2.http://www.benhviennhi.org.vn/news/detail/1312/cham-soc-tre-viem-va.html
3. https://suckhoedoisong.vn/viem-va-benh-thuong-gap-o-tre-em-n139042.html
4. https://suckhoedoisong.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-viem-va-o-tre-nho-n127510.html
5. http://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/huong-dan-cham-soc-tre-bi-viem-mui-hong-cap-814
6. http://benhviennhitrunguong.org.vn/khi-nao-can-nao-va-hoac-cat-amidan-cho-tre.html
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/