Vô sinh ở nam giới: nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả

Tác giả: - Xuất bản: 26/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 27/11/2023
Vô sinh ở nam giới: nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả
Vô sinh ở nam giới: nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả - Ảnh: BookingCare
Nguyên nhân vô sinh nam do đâu? Dấu hiệu cảnh báo vô sinh nam? Phòng ngừa và điều trị như thế nào hiệu quả?

Vô sinh nam đang ngày càng trở nên phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ tới sự tự tin của phái mạnh và hạnh phúc gia đình. Vậy vô sinh ở nam giới do những nguyên nhân nào? Những dấu hiệu cảnh báo vô sinh ở nam và phương pháp điều trị, phòng ngừa ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

Vô sinh ở nam giới là gì? 

Vô sinh ở một cặp vợ chồng thường được định nghĩa là không có khả năng thụ thai mặc dù quan hệ tình dục thường xuyên và không dùng biện pháp bảo vệ trong một năm. Tuy nhiên, có tới 40 đến 50% các cặp vợ chồng trẻ, khỏe mạnh không thụ thai được trong 12 tháng đầu sẽ thụ thai trong 12 tháng tiếp theo mà không có điều trị cụ thể. Khoảng 35% các cặp vợ chồng bị vô sinh có yếu tố nam giới được xác định cùng với yếu tố nữ giới; khoảng 10% yếu tố nam giới là nguyên nhân duy nhất có thể xác định được.

Vô sinh nam chia làm 2 loại chính: 

  • Vô sinh nam nguyên phát: đây là tình trạng vợ chồng chưa từng sinh con và không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào nhưng không có con. Nguyên nhân chính do nam. 
  • Vô sinh nam thứ phát: đây là trường hợp các cặp vợ chồng đã sinh con ít nhất 1 đến hơn 2 lần (kể cả những trường hợp động thai, sảy thai, nạo phá thai) nhưng không thể có con trong những năm tiếp theo. Nguyên nhân chính do người nam. 

Vô sinh ở nam giới có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nguyên nhân vô sinh ở nam giới 

Vô sinh nam có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm rối loạn nội tiết (chiếm 5 - 15% ), rối loạn vận chuyển tinh trùng (2% - 5%), khiếm khuyết tinh hoàn nguyên phát (65 – 80%) và vô sinh không rõ nguyên nhân (chiếm 10 – 20%). Có thể liệt kê một số nguyên nhân cụ thể gây vô sinh ở nam như: 

  • Nguyên nhân nội tiết: Hội chứng Kallmann, hội chứng Prader Willi, Laurence - Moon - Beidl, hội chứng quá tải sắt, mất điều hòa tiểu não, chấn thương đầu, ở người bổ sung testosterone hoặc cường giáp. 
  • Nguyên nhân di truyền: đột biến gen điều hoà màng xơ nang (CFTR), hội chứng Kallmann, hội chứng Klinefelter, hội chứng Young, hội chứng chỉ tế bào Sertoli, Kal-1, Kal -2, FSH, LH, FGFS, GnRH1 /GNRHR PROK2/PROK2R thiếu gen, dị thường nhiễm sắc thể, vi mất đoạn nhiễm sắc thể Y, đột biến AR…
  • Bất thường bẩm sinh về niệu sinh dục: rối loạn chức năng hoặc tắc nghẽn mào tinh hoàn, bất thường bẩm sinh ống dẫn tinh, tinh hoàn ẩn, rối loạn ống phóng tinh… 
  • Bất thường niệu sinh dục mắc phải: tắc nghẽn hoặc thắt ống dẫn tinh hai bên, cắt bỏ tinh hoàn hai bên, viêm mào tinh hoàn, giãn tĩnh mạch thừng tinh, xuất tinh ngược dòng. 
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: nhiễm trùng do chlamydia, giang mai, lao, nhiễm trùng niệu sinh dục tái phát, viêm tuyến tiền liệt và viêm tuyến tiền liệt tái phát.
  • Rối loạn chức năng tình dục: xuất tinh sớm, không xuất tinh, rối loạn cương dương. 
  • Các khối u ác tính: u vùng tuyến yên, u sọ hầu, điều trị bằng phẫu thuật hoặc xạ trị, hay các khối u tinh hoàn, u tuyến thượng thận dẫn đến dư thừa androgen. 
  • Độc tố môi trường: thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, các hoá chất, bức xạ, tia X hay những nam giới thường xuyên hút thuốc, uống nhiều rượu bia... 

Ngoài ra, một số thuốc opioid, thuốc hướng tâm thần có thể gây ức chế GnRH, bổ sung testosterone ngoại sinh hoặc androgen steroid, chất tương tự GnRH và thuốc đối kháng được sử dụng trong ung thư biểu mô tuyến tiền liệt, thuốc kháng androgen, ketoconazole, cimetidine… cũng có nguy cơ gây vô sinh ở nam. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới vô sinh ở nam - Ảnh: News Medical

Những dấu hiệu vô sinh ở nam 

Vô sinh ở nam thường không có biểu hiện rõ ràng, bởi nam giới vẫn sinh hoạt và quan hệ bình thường. Tuy nhiên, một số dấu hiệu nghi ngờ vô sinh ở nam có thể lưu tâm như: 

  • Khả năng sản xuất tinh trùng yếu. 
  • Tinh dịch quá loãng hay quá đặc, tinh dịch lẫn máu, mủ, chất lạ hay có màu bất thường. 
  • Bìu căng, sưng to, đau. 
  • Rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, xuất tinh ngược dòng. 
  • Biểu hiện đau dương vật, có khi chảy mủ màu xanh hoặc vàng. 
  • Giảm ham muốn, ngại gần gũi. 
  • Rụng tóc, béo phì, da nhăn nheo. 
  • Có thể ra nhiều mồ hôi, thường xuyên bị stress, lo âu, căng thẳng. 

Chẩn đoán vô sinh ở nam giới

Để chẩn đoán vô sinh ở nam giới, bác sĩ cần tiến hành hỏi bệnh và khám lâm sàng, kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán xác định.

Hỏi bệnh 

Bác sĩ cần nắm rõ các thông tin trước khi thăm khám, vì vậy nam giới cần cung cấp các thông tin cho bác sĩ nắm được như: 

  • Tuổi tác: 
  • Nghề nghiệp và địa chỉ, môi trường làm việc 
  • Tiền sử hút thuốc lá, uống rượu bia hay các chất kích thích 
  • Đời sống tình dục: tần suất giao hợp, các rối loạn tình dục,…
  • Tiền sử các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, bệnh lý viêm nhiễm vùng sinh dục sinh sản 
  • Tiền sử nhiễm trùng, viêm tinh hoàn do quai bị, tinh hoàn ẩn có thể làm teo tinh hoàn 
  • Tiền sử các bệnh lý nội khoa (đái tháo đường, tim mạch), các bệnh ngoại khoa (phẫu thuật vùng bụng, phẫu thuật vùng bẹn, vùng sinh dục sinh sản…) , các bệnh hệ thống như viêm thận mạn…
  • Kết quả của những lần khám trước, thuốc đang điều trị. 

Khám lâm sàng 

Bác sĩ cần tiến hành thăm khám vùng sinh dục để xác định các vấn đề nam giới đang gặp phải: 

  • Thăm khám vùng dương vật, tinh hoàn, mào tinh. 
  • Khám và phát hiện có giãn tĩnh mạch thừng tinh không, có xoắn tinh hoàn không 
  • Tình trạng viêm nhiễm các vùng: bao quy đầu, tinh hoàn, bìu,…

Xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh 

  • Xét nghiệm nội tiết tố: testosterone, LH, FSH, prolactin, estradiol…
  • Phân tích tinh dịch đồ  
  • Siêu âm doppler bìu tinh hoàn, siêu âm hệ tiết niệu – sinh dục  
  • Xét nghiệm các vấn đề liên quan đến di truyền  
  • Sinh thiết tinh hoàn (trong trường hợp các biện pháp thăm dò khác không tìm được tinh trùng).  
  • Chụp ống dẫn tinh
  • Các thử nghiệm khác: đánh giá mẫu tinh dịch bất thường ADN…
Khám và chẩn đoán vô sinh nam giới
Khám và chẩn đoán vô sinh nam giới - Ảnh: Genesis Fertility Center

Điều trị vô sinh ở nam giới như thế nào? 

Điều trị các vấn đề nhiễm trùng: bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh, chữa trị các bệnh nhiễm trùng đường sinh sản ở nam. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng phục hồi khả năng sinh sản. 

Điều trị vấn đề liên quan đến quan hệ tình dục: các trường hợp rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh… có thể được bác sĩ cho sử dụng thuốc hay tư vấn để cải thiện.  

Điều trị hormone và thuốc: bác sĩ có thể đề nghị thay thế hormone hay thuốc trong trường hợp vô sinh có rối loạn nội tiết (cao hay thấp hơn bình thường). 

Phẫu thuật: trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh hay tắc ống dẫn tinh, cần phẫu thuật để giúp lưu thông trở lại. Nếu không có tinh trùng trong quá trình xuất tinh, tinh trùng sẽ được lấy trực tiếp từ tinh hoàn hay mào tinh hoàn thông qua các kỹ thuật lấy tinh trùng.

Thụ tinh trong ống nghiệm ("IVF"): bác sĩ sẽ lấy trứng từ buồng trứng của người nữ. Trứng được đặt cùng với tinh trùng của bạn để tinh trùng có thể thụ tinh cho trứng. Sau đó, trứng đã thụ tinh sẽ được đưa vào tử cung của người nữ để phát triển thành thai nhi.

Phòng ngừa vô sinh ở nam giới

Để đề phòng vấn đề vô sinh - hiếm muộn, đấng mày râu cần cố gắng xây dựng một lối sống lành mạnh, khoa học: 

  • Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung rau củ quả, giảm lượng chất béo. 
  • Duy trì cân nặng ở mức bình thường, không để thừa cân, béo phì. 
  • Hạn chế thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích có hại cho cơ thể. 
  • Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress. 
  • Duy trì đời sống sinh hoạt vợ chồng khoa học, thoải mái. 
  • Khám sức khỏe định kỳ để kịp phát hiện và có hướng giải quyết sớm khi gặp các vấn đề bất thường về sinh sản. 

Trên đây là tất tần tật những thông tin liên quan về bệnh lý vô sinh ở nam giới. Hy vọng những chia sẻ mang đến cho bạn đọc thông tin bổ ích. Nếu ai đang gặp các vấn đề về vấn đề sinh dục – sinh sản, hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị tốt nhất. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết