- Xuất bản: 08/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Xác định nguyên nhân gây HP dạ dày - Ảnh: BookingCare
Nhiễm HP dạ dày hiện đang là một tình trạng hết sức phổ biến. Ước tính có khoảng 70% người Việt Nam bị nhiễm HP. Nhiễm HP có thể gây ra rất nhiều vấn đề về tiêu hóa. Cần hiểu rõ các nguyên nhân nhiễm HP dạ dày để có cách phòng ngừa phù hợp từ đó hạn chế ảnh hưởng của HP lên sức khỏe bản thân và mọi người xung quanh.
Vi khuẩn HP có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến dạ dày và hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Cùng tìm hiểu chi tiết nguyên nhân gây ra HP dạ dày trong bài viết dưới đây của BookingCare.
Đường lây truyền vi khuẩn HP
HP có thể được lây truyền qua các con đường như: miệng-miệng, phân-miệng, dạ dày-miệng và dạ dày- dạ dày. Ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, nước và thức ăn bị nhiễm là nguồn lây lan quan trọng ban đầu:
Lây qua đường miệng-miệng: Đây là đường lây truyền phổ biến nhất hiện nay. do miệng tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hay dịch tiêu hóa của người nhiễm (ôm hôn, nhai mớm) hoặc gián tiếp qua dụng cụ ăn uống không được vệ sinh loại bỏ hoàn toàn HP. Nếu vợ hoặc chồng bị nhiễm HP thì người còn lại có nguy cơ bị nhiễm HP rất cao. Thói quen ôm hôn trẻ nhỏ cũng có thể làm lây nhiễm HP cho trẻ.
Lây qua đường phân-miệng: do vi khuẩn được đào thải qua phân, nhiễm vào nguồn nước và lây cho người lành khi ăn thực phẩm, uống nước bị nhiễm bẩn, không đảm bảo ăn chín - uống sôi.
Lây qua đường dạ dày-miệng, dạ dày - dạ dày: Các thiết bị y tế như ống soi, dụng cụ nha khoa, dụng cụ tai mũi họng.... chưa được vệ sinh tiệt khuẩn sạch sẽ cũng là đường lây nhiễm vi khuẩn HP.
Các đối tượng nguy cơ cao bị nhiễm HP
Bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP dạ dày. Một người nhiễm bệnh có thể lây cho nhiều người có tiếp xúc gần với họ. Những đối tượng có nguy cơ nhiễm HP dạ dày cao nhất có thể kể đến như:
Những người có thói quen ăn đồ tái, sống, không được nấu chín kỹ.
Người thường xuyên ăn uống tại hàng quán vỉa hè, sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Người có thành viên trong gia đình nhiễm vi khuẩn HP.
Trẻ nhỏ cũng là đối tượng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao do thói quen hôn môi, nhai mớm thức ăn của bố mẹ và người thân.
Người có thói quen hút thuốc lá, tiêu thụ cồn, dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có thể tác động đến niêm mạc dạ dày và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn HP gây viêm nhiễm.
Người có hệ miễn dịch yếu: Hệ miễn dịch yếu có thể làm giảm khả năng kiểm soát vi khuẩn HP, dẫn đến sự phát triển của viêm nhiễm.
Nếu bạn nghi ngờ mình đang gặp các triệu chứng nhiễm vi khuẩn HP, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được kiểm tra và điều trị phù hợp.
Phòng ngừa nhiễm khuẩn HP dạ dày
Phòng ngừa nhiễm khuẩn HP (Helicobacter pylori) dạ dày là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa và tránh các vấn đề liên quan đến viêm loét dạ dày. Dưới đây là một số cách phòng ngừa nhiễm khuẩn HP:
Hạn chế tiếp xúc với nguồn lây nhiễm: Tránh tiếp xúc gần (ôm hôn), i hay dùng chung dụng cụ ăn uống, vệ sinh cá nhân với những người nhiễm HP.
Vệ sinh tay thường xuyên: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm trong ít nhất 20 giây để loại bỏ vi khuẩn và ngăn chặn sự lây lan của chúng.
Uống nước sôi hoặc nước đã được xử lý, ăn đồ ăn chín: Tránh uống nước hay ăn thực phẩm từ các nguồn không sạch, không rõ nguồn gốc
Thực hiện vệ sinh thực phẩm: Rửa sạch thực phẩm trước khi nấu và thận trọng khi chế biến thức ăn để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn.
Thực hiện vệ sinh môi trường: Duy trì vệ sinh chung trong môi trường sống và làm việc để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Điều chỉnh chế độ ăn uống: Hạn chế sử dụng thực phẩm cay nóng, gia vị mạnh và thực phẩm có độ axit cao, có thể tạo điều kiện tốt cho nhiễm khuẩn HP phát triển.
Nhìn chung, có nhiều con đường lây nhiễm HP dạ dày. Để phòng tránh nhiễm bệnh, tái nhiễm hoặc tránh để tình trạng bệnh nặng hơn, bạn nên tuân thủ một số chỉ dẫn về sinh hoạt, lối sống lành mạnh từ bác sĩ Tiêu hóa, hoặc tham khảo những thông tin mà BookingCare chia sẻ phía trên.