Đau bụng kinh là nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều chị em phụ nữ mỗi khi đến tháng. Cảm giác đau bụng dữ dội cũng có thể kèm theo các biểu hiện khác như: đau lưng, mệt mỏi thậm chí là buồn nôn, gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng kinh ở phụ nữ. Đây có thể là hiện tượng co bóp tử cung bình thường, cũng có thể là do một số bệnh lý khác gây ra.
Chính vì vậy, chị em bị đau bụng kinh dữ dội mỗi khi tới tháng cần thăm khám để được xác định nguyên nhân cụ thể.
Dưới đây là một số biện pháp điều trị đau bụng kinh phổ biến:
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), acetaminophen (paracetamol) và thuốc tránh thai nội tiết tố là trụ cột của điều trị bằng thuốc.
Đối với những người đau bụng kinh muốn tránh thai hoặc không có chống chỉ định dùng thuốc tránh thai, việc giảm đau bằng thuốc nội tiết tỏ ra có hiệu quả tốt. Thuốc tránh thai có tác dụng làm giãn cơ nhẵn của tử cung, ức chế sự co bóp tử cung, nhờ đó giảm nguy cơ đau đớn. Ngoài ra, việc dùng progesteron vừa phải còn ức chế rụng trứng, giảm tỷ lệ sản sinh prostaglandin.
Thời gian sử dụng thuốc có thể theo chu kỳ dài hoặc ngắn tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh. Chị em cần tuân thủ sát sao hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất.
Thông qua ức chế quá trình hợp thành các prostaglandin, các loại thuốc kháng viêm giúp làm giảm việc sản sinh prostaglandin; hoặc gián đoạn sự kết hợp giữa prostaglandin với các chất khác. Từ đó, trực tiếp kháng lại tác dụng của prostaglandin, đạt đến hiệu quả ngừng đau.
Loại thuốc này có thể dùng trong thời gian tương đối dài. Phụ nữ bị viêm loét dạ dày hoặc mắc bệnh hô hấp phải thận trọng khi dùng thuốc này.
Trong một số trường hợp nguyên nhân gây đau bụng kinh là do một số bệnh lý như: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, dị tật tử cung,... điều trị bằng thuốc nếu không đem lại hiệu quả, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật để điều trị.
Điều trị đau bụng kinh bằng phương pháp phẫu thuật không được khuyến khích, trừ khi những căn bệnh gây ra tình trạng này có những chuyển biến nguy hiểm, bắt buộc phải phẫu thuật.
Trong trường hợp dùng các thuốc giảm đau thông thường không hiệu quả (vẫn còn đau sau ba đến sáu tháng sử dụng), nhưng quý chị em còn e ngại về các biến chứng trong phẫu thuật hoặc có chống chỉ định phẫu thuật.
Bác sĩ có thể cân nhắc điều trị giảm đau bằng các thuốc đồng vận GnRH theo kinh nghiệm hoặc Kích thích thần kinh dưới da bằng xung điện (Transcutaneous electrical nerve stimulation - TENS). Đây cũng là những phương pháp thay thế đang được áp dụng phổ biến ở một số nước trên thế giới.
Đối với những chị em bị đau bụng kinh nguyên phát (đau bụng kinh hàng tháng, không do bệnh lý nào gây ra), một số mẹo giảm đau bụng kinh tại nhà dưới đây có thể đem lại hiểu quả bất ngờ:
Chườm nóng vùng bụng dưới là một phương pháp đơn giản và hiệu quả để giảm đau bụng kinh. Chị em có thể sử dụng túi chườm ấm, chai nước nóng hoặc miếng dán chuyên dụng để giữ ấm vùng bụng dưới.
Tuyệt đối không tắm nước lạnh khi bị đau bụng kinh, thay vào đó hãy tắm nước ấm để điều hòa cơ thể, tăng lưu thông khí huyết là cách giảm đau bụng kinh hiệu quả.
Khi xuất hiện cơn đau bụng kinh, chị em có thể chà xát 2 tay để làm ấm sau đó xoa bóp nhẹ nhàng vùng bụng dưới. Thực hiện massage đúng cách sẽ giúp làm giãn cơ bụng dưới đang bị căng cứng, từ đó giúp làm giảm cơn co thắt tử cung đột ngột - nguyên nhân chính gây đau bụng kinh.
Trong thời gian chu kỳ kinh nguyệt, lượng hormone trong cơ thể sẽ thay đổi, cộng thêm các triệu chứng khó chịu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chị em. Vì thế, chị em nên ngủ sớm và ngủ đủ giấc, lưu ý ngủ đúng tư thế để làm giãn cơ bụng, giúp lưu thông khí huyết dễ dàng hơn.
Chị em nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều magie, kẽm, axit béo, vitamin B1, B6, vitamin E,… hạn chế tối đa các loại thức ăn nhiều dầu mỡ và gia vị. Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, caffeine, hút thuốc lá… vì có thể làm tăng cơn đau.
Khi tập thể dục, cơ thể sẽ giải phóng endorphin – một chất giảm đau tự nhiên, nhờ đó giúp giảm cảm giác đau, giảm sự mệt mỏi và khó chịu trong kỳ kinh.
Chị em nên kéo giãn nhẹ nhàng vùng lưng dưới và cơ bụng để giúp lưu lượng máu đi khắp cơ thể, từ đó giúp giảm đau bụng kinh.
Trên đây là một số phương pháp điều trị đau bụng kinh cũng như những mẹo nhỏ mà chị em có thể tham khảo. Nếu tình trạng đau bụng kinh quá nặng, cần thăm khám sớm tại các cơ sở khám chữa phụ khoa uy tín để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị chính xác.