Góc giải đáp: Tại sao phụ nữ đến tháng bị đau bụng kinh?
Góc giải đáp: Tại sao phụ nữ đến tháng bị đau bụng kinh?
Nguyên nhân gây đau bụng kinh
Nguyên nhân gây đau bụng kinh - Ảnh: BookingCare

Góc giải đáp: Tại sao phụ nữ đến tháng bị đau bụng kinh?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 01/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 01/12/2023
Đau bụng kinh xảy ra ở hầu hết chị em phụ nữ khi tới chú kỳ kinh nguyệt. Vậy nguyên nhân là do đâu? Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Đau bụng kinh là một triệu chứng thường gặp ở phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt. Cảm giác đau đớn thường xuất hiện ở vùng bụng dưới và có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt. Tình trạng đau bụng kinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nguyên nhân gây đau bụng kinh là gì?

Mức độ đau đớn của đau bụng kinh ở mỗi người là không giống nhau. Trong nhiều trường hợp, đau bụng kinh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như: chóng mặt, buồn nôn, đau bụng dữ dội,... Một số người thì lại trải qua chu kỳ kinh nguyệt nhẹ nhàng hơn.

Vậy nguyên nhân gây đau bụng kinh là do đâu?

Trong thời kỳ kinh nguyệt, tử cung co bóp giúp đẩy lớp niêm mạc ra ngoài. Các chất giống nội tiết tố (prostaglandin) liên quan đến gây đau và viêm kích hoạt các cơn co thắt cơ tử cung. Mức độ prostaglandin càng cao càng có nguy cơ khiến chứng đau bụng kinh nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, trong nửa sau chu kỳ kinh khi lượng progesterone tăng cũng làm tăng sự nhạy cảm với acetylcholin và gây tăng đau. Một nguyên nhân khác cũng được chỉ ra là sự co thắt các động mạch xoắn ở lớp dưới niêm mạc khi bắt đầu có kinh, cũng góp phần gây nên tình trạng đau bụng kinh ở người phụ nữ.  

Liệu đây có phải là tình trạng bệnh lý?

Đau bụng là một triệu chứng thường gặp khi hành kinh. Trong đa phần các trường hợp, đây là cơ chế sinh lý bình thường. Tuy nhiên, đau bụng kinh cũng là triệu chứng gợi ý cho các bệnh lý phụ khoa, nhất là khi tính chất cơn đau có diễn tiến nặng hơn so với những lần hành kinh trước đây.

Dưới đây là một số nguyên nhân chính mà chị em cần biết:

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là một trong những nguyên nhân gây đau bụng kinh phổ biến nhất.

Đây là tình trạng mô giống nội mạc tử cung được tìm thấy bên ngoài tử cung trên các cấu trúc khác khắp vùng chậu. Nó có thể bao gồm: buồng trứng, ống dẫn trứng, bàng quang, sàn chậu và trong những trường hợp nghiêm trọng hơn là ruột, cơ hoành, gan, phổi và thậm chí cả não.

Lạc nội mạc tử cung không được điều trị có thể dẫn đến dính, viêm mãn tính, u nang chứa máu và chảy máu trong - tất cả những trường hợp này đều có thể gây đau vùng chậu dữ dội. 

U xơ tử cung

U xơ tử cung có kích thước từ cực nhỏ đến đủ lớn để làm biến dạng hình dạng của tử cung. U xơ tử cung có thể biến kinh nguyệt hàng tháng thành cơn ác mộng bằng cách làm tăng không chỉ lượng máu chảy ra mà còn làm tăng mức độ nghiêm trọng của cơn đau bụng kinh.

Lý do đằng sau những cơn đau đáng sợ này là do tử cung trong thời kỳ kinh nguyệt phải co bóp (chuột rút) để trục xuất các cục máu đông lớn trong đó bao gồm cả những khối u xơ tử cung.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Bệnh viêm vùng chậu là một bệnh nhiễm trùng ở đường sinh sản nữ, nguyên nhân phổ biến nhất là do các bệnh lây truyền qua đường tình dục không được điều trị. Viêm vùng chậu kéo dài trong một thời gian mà không được điều trị có thể gây viêm, sẹo, đau bụng kinh và vô sinh.

U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là những túi chứa chất lỏng hình thành trong buồng trứng. Khi noãn bên trong các nang trứng không được giải phóng hoặc túi hình thành của trứng không tan sau khi trứng giải phóng, có thể tạo thành u nang.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nữ giới bị đau bụng kinh dữ dội trong chu kỳ kinh nguyệt.

Dị tật tử cung

Một số nguyên nhân đau bụng kinh dữ dội liên quan đến tử cung có thể ít gặp hơn bao gồm: dị tật tử cung bẩm sinh, dính buồng tử cung, hẹp tử cung,...

Trong một số trường hợp, tử cung không hình thành đúng cách có thể gây vô sinh, đau bụng kinh và đau khi giao hợp. 

Chít hẹp cổ tử cung

Những nguyên nhân làm hẹp đường ra của kinh nguyệt sẽ kích thích làm tử cung tăng co bóp, từ đó tăng đau. Có thể kể đến như: polyp, u đế, sẹo chít hẹp cổ tử cung,..hoặc tử cung đổ sau nhiều.

Ai có nguy cơ cao bị đau bụng kinh?

Không phải tất cả chị em đều bị đau bụng kinh khi đến chu kì kinh nguyệt, một số có thể bị đau lưng, mệt mỏi, buồn ngủ,... và các vấn đề khác mà không bị đau bụng. 

Dưới đây là một số nhóm đối tượng chính có nguy cơ cao bị đau bụng kinh:

  • Nữ giới dưới 30 tuổi
  • Nữ giới dậy thì sớm, từ 11 tuổi trở xuống
  • Chảy máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt (rong kinh)
  • Phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều (metrorrhagia)
  • Người có tiền sử gia đình bị đau bụng kinh (đau bụng kinh)
  • Phụ nữ có thói quen hút thuốc, sử dụng rượu bia, chất kích thích

Đau bụng kinh có thể là biểu hiện bình thường của chu kỳ kinh nguyệt nhưng chị em vẫn không được chủ quan. Tốt nhất là nên đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán và xác định nguyên nhân chính xác từ đó có những biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết