Xét nghiệm AMH: Ý nghĩa và lưu ý khi thực hiện
Xét nghiệm AMH: Ý nghĩa và lưu ý khi thực hiện
Những điều bạn cần biết về xét nghiệm AMH
Những điều bạn cần biết về xét nghiệm AMH - Ảnh: BookingCare

Xét nghiệm AMH: Ý nghĩa và lưu ý khi thực hiện

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 01/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 09/12/2023
Xét nghiệm AMH là một xét nghiệm được thực hiện để đánh giá và dự đoán chức năng dự trữ của buồng trứng của phụ nữ. Đây là xét nghiệm có ý nghĩa lớn trong đánh giá chức năng sinh sản.

Xét nghiệm AMH (Anti-Mullerian Hormone) là xét nghiệm đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Vậy xét nghiệm này là gì và được ứng dụng như thế nào?

Xét nghiệm AMH là gì?

Xét nghiệm AMH là xét nghiệm đánh giá nồng độ hormone AMH trong cơ thể con người, đặc biệt trong cơ thể phụ nữ. 

AMH được tiết ra bởi các tế bào Sertoli của tinh hoàn trong thời kỳ phôi của thai nhi nam. Ở phụ nữ, AMH là một hormone được sản xuất bởi các tế bào hạt của nang buồng trứng. Vì vậy, AMH phản ánh số lượng trứng được sản xuất vào chu kỳ hàng tháng của phụ nữ. 

Mức độ AMH trong máu của một người phụ nữ là một chỉ số về dự trữ buồng trứng của họ và rất hữu ích trong việc đánh giá tình trạng sinh sản của người đó.

Hiện nay, xét nghiệm AMH là một trong các xét nghiệm để đánh giá khả năng sinh sản người phụ nữ. Xét nghiệm mới này đóng vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán và điều trị hiếm muộn, đặc biệt là trước khi thực hiện kích thích buồng trứng và thụ tinh trong ống nghiệm.

Ý nghĩa của xét nghiệm AMH

Mức AMH có thể cung cấp số lượng noãn còn lại trên buồng trứng từ đó tiên đoán về khả năng sinh sản trong tương lai. Cụ thể như sau: 

  • AMH bình thường: Ở phụ nữ khỏe mạnh và dưới 38 tuổi, nồng độ AMH bình thường nằm trong khoảng từ 2,0 – 6,8 ng/ml (14,28 – 48,55 pmol/L).
  • AMH cao: những ai có chỉ số AMH cao và quá cao (>10 ng/ml, thường gặp ở phụ nữ có buồng trứng đa nang), người có chỉ số AMH cao vẫn có khả năng mang thai tự nhiên tuy nhiên tỷ lệ này sẽ thấp hơn so với phụ nữ bình thường, trong một số trường hợp bệnh nhân cần kết hợp điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
  • AMH thấp: Mức AMH thấp (1,0 - 1,5 ng/ml) cho thấy khả năng dự trữ buồng trứng thấp, tuy nhiên vẫn có cơ hội mang thai. Còn với AMH cực thấp (dưới 0,5ng/ml) cho thấy còn rất ít trứng dự trữ và khả năng thụ thai là một vấn đề đáng lo ngại.

Xét nghiệm AMH để làm gì?

Xét nghiệm AMH ngày càng có giá trị trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý về buồng trứng ở nữ giới, giúp bác sĩ có thể đưa ra phương pháp và phác đồ điều trị phù hợp với từng trường trường hợp và mức độ của bệnh.

Lấy máu tĩnh mạch để thực hiện xét nghiệm AMH - Ảnh: Freepik
Lấy máu tĩnh mạch để thực hiện xét nghiệm AMH - Ảnh: Freepik
  • Đánh giá dự trữ trứng: AMH là một chỉ số quan trọng để đánh giá dự trữ trứng, tức là số lượng trứng còn lại trong buồng trứng. Điều này giúp đánh giá khả năng của phụ nữ để sinh con tự nhiên hoặc thông qua các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
  • Dự đoán hiệu suất phác đồ IVF: Mức AMH cao thường liên quan đến một số lượng trứng còn nhiều và có thể dự đoán khả năng phản ứng của buồng trứng đối với phác đồ IVF. Điều này có thể giúp dự đoán hiệu suất của quá trình thụ tinh trong ống nghiệm.
  • Hỗ trợ quyết định sinh đẻ: Kết quả xét nghiệm AMH có thể hỗ trợ phụ nữ và các chuyên gia y tế trong quyết định về thời điểm thích hợp để sinh đẻ.
  • Đánh giá tình trạng sinh sản và lão hóa: Mức AMH giảm theo thời gian, và việc theo dõi nó có thể giúp đánh giá tình trạng lão hóa. Điều này có thể cung cấp thông tin quan trọng về khả năng sinh sản trong tương lai.
  • Theo dõi chất lượng trứng: Trong trường hợp phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang, xét nghiệm AMH có thể được sử dụng để quản lý chất lượng trứng trong quá trình điều trị.
  • Dự đoán khả năng phản ứng đối với điều trị hormone: Mức AMH có thể dự đoán khả năng phản ứng của buồng trứng đối với điều trị hormone, giúp quyết định liều lượng hormone phù hợp trong quá trình điều trị.
  • Hỗ trợ đánh giá tình trạng sinh sản trước khi sinh đẻ: Xét nghiệm AMH khi còn trẻ có thể cung cấp cái nhìn trước về khả năng sinh sản trong tương lai.
  • Đánh giá tình trạng tổn thương sau phẫu thuật: Xét nghiệm AMH có thể được sử dụng để đánh giá tình trạng tổn thương sau phẫu thuật hoặc liệu pháp điều trị có thể ảnh hưởng đến buồng trứng.

Trường hợp nào tiến hành xét nghiệm AMH

Những trường hợp nên làm xét nghiệm AMH - Ảnh: Freepik
Những trường hợp nên làm xét nghiệm AMH - Ảnh: Freepik

Những trường hợp dưới đây nên xem xét thực hiện xét nghiệm AMH: 

  • Bệnh nhân nữ vô sinh, hiếm muộn. 
  • Người kinh nguyệt không đều: vô kính, tắt kinh sớm. 
  • Người mắc đa nang buồng trứng, ung thư buồng trứng, suy buồng trứng, 
  • Phụ nữ béo phì, tăng cân không kiểm soát.
  • Phụ nữ mắc chứng rậm lông 
  • Những người có yếu tố như độ tuổi, cân nặng, sử dụng thuốc tránh thai, nghiện rượu, bia và các chất kích thích,...cũng cần được thăm khám và khuyên làm AMH…

Những lưu ý khi thực hiện xét nghiệm AMH

Khi thực hiện xét nghiệm AMH có một số lưu ý quan trọng mà người làm xét nghiệm và bác sĩ cần xem xét để đưa ra kết quả chính xác nhất phản ánh tình trạng người  bệnh. Dưới đây là một số lưu ý khi thực hiện xét nghiệm AMH:

  • Thời điểm thực hiện xét nghiệm AMH:  Xét nghiệm này có thể thực hiện bất kỳ ngày nào trong chu kỳ kinh nguyệt, Đối với xét nghiệm AMH, không cần ăn kiêng hoặc nhịn ăn trước khi lấy mẫu máu. Hiện nay xét nghiệm được chỉ định chủ yếu vào ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nguyệt do chỉ định lấy máu làm cùng các xét nghiệm nội tiết khác để tránh bệnh nhân phải lấy máu nhiều lần, khi dùng để lựa chọn phác đồ hỗ trợ sinh sản cho bệnh nhân vô sinh nữ
  • Đánh giá kết quả theo độ tuổi: Kết quả của xét nghiệm AMH có thể thay đổi theo độ tuổi của người phụ nữ. Việc đánh giá kết quả cần được thực hiện dựa trên độ tuổi của người phụ nữ mới có thể đánh giá chính xác.
  • Đối chiếu với kết quả xét nghiệm khác: Khi đánh giá kết quả xét nghiệm AMH, bác sĩ thường đối chiếu nó với các thông tin khác như kết quả xét nghiệm FSH (Follicle Stimulating Hormone) và kết quả siêu âm buồng trứng để có cái nhìn tổng thể về tình trạng sinh sản.
  • Tham vấn ý kiến bác sĩ: Kết quả xét nghiệm AMH nên được tham vấn với bác sĩ để hiểu rõ về ý nghĩa cụ thể trong trường hợp cá nhân và để đưa ra kế hoạch điều trị nếu cần thiết.
  • Đánh giá theo dõi: Nếu cần thiết, bác sĩ có thể đề xuất theo dõi định kỳ của AMH để theo dõi sự thay đổi trong tình trạng lão hóa theo thời gian.
  • Hiểu biết về đặc điểm của xét nghiệm: Bác sĩ và bệnh nhân cần hiểu biết về giới hạn của xét nghiệm AMH. Nó cung cấp thông tin về dự trữ trứng nhưng không phản ánh chất lượng của trứng hoặc khả năng thụ tinh.
  • Ngoài ra AMH cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như độ tuổi, cân nặng, việc sử dụng thuốc tránh thai, rượu, bia và các chất kích thích,...

Quy trình thực hiện xét nghiệm AMH phải trải qua rất nhiều bước nghiêm ngặt thì mới cho ra kết quả chính xác đánh giá đúng tình trạng người bệnh.

Những lưu ý này có thể giúp đảm bảo rằng xét nghiệm AMH được thực hiện và đánh giá một cách chính xác và có ý nghĩa trong quá trình quản lý tình trạng sinh sản.

Xét nghiệm AMH là một xét nghiệm khá mới, nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định khả năng sinh sản của buồng trứng, đặc biệt trước khi thực hiện kích trứng hay thụ tinh trong ống nghiệm. Hiểu rõ về chỉ số này sẽ giúp ước đoán khả năng sinh con và kịp thời đưa ra các biện pháp điều trị thích hợp nhằm tăng khả năng mang thai.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết