Xét nghiệm HPV: Là gì? Để làm gì? Cách đọc kết quả?

Tác giả: - Xuất bản: 13/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 13/11/2023
xét nghiệm HPV
Xét nghiệm HPV: Là gì? Để làm gì? Cách đọc kết quả? - Ảnh: BookingCare
Xét nghiệm HPV là một trong những xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung được ứng dụng rộng rãi. Vậy bạn đã hiểu hết về xét nghiệm HPV hay chưa? Hãy tìm hiểu cùng BookingCare trong bài viết dưới đây.

HPV là viết tắt của Human Papilloma Virus - một tác nhân gây ra u nhú trên cơ thể người và là thủ phạm gây ra bệnh ung thư cổ tử cung. HPV là loại virus lây truyền qua đường tình dục và là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư cổ tử cung. Trong đó, các loại virus HPV 16 và 18 là nguy cơ cao nhất gây ung thư cổ tử cung.

Trong phạm vi bài viết dưới đây, BookingCare sẽ tìm hiểu và đưa tới bạn đọc các thông tin về xét nghiệm HPV - xét nghiệm được ứng dụng phổ biến trong tầm soát ung thư cổ tử cung.

Xét nghiệm HPV là gì?

Xét nghiệm HPV là xét nghiệm có khả năng tầm soát và tìm ra virus HPV, giúp phát hiện sự có mặt của virus HPV – nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư cổ tử cung, loại virus có thể gây biến đổi bất thường tế bào cổ tử cung với chủng nguy cơ cao.

Xét nghiệm này sẽ được thực hiện dựa trên chỉ định của các bác sĩ để chẩn đoán được tình trạng bệnh và gọi tên được chủng virus HPV gây bệnh.

Các bác sĩ có chuyên môn sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm PV bằng cách lấy dịch ở ống cổ tử cung, âm đạo bằng các dụng cụ chuyên dụng rồi gửi mẫu đến phòng xét nghiệm để phân tích kết quả.

Lưu ý: Việc xét nghiệm HPV giúp người thực hiện biết được nguy cơ bị ung thư cổ tử cung của bản thân, chứ không cho biết chính xác bạn có đang bị ung thư hay không.

Xét nghiệm HPV để làm gì?

Mục đích của xét nghiệm HPV là phát hiện nhiễm virus HPV loại có nguy cơ gây ung thư cao. Xét nghiệm HPV có thể được thực hiện trong các trường hợp dưới đây:

  • Tầm soát ung thư cổ tử cung: HPV là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm này giúp bệnh nhân bị nhiễm chủng HPV nguy cơ cao được theo dõi nhằm phát hiện kịp thời và loại bỏ bất kỳ bất thường nào có thể tiến triển thành ung thư. 
  • Xét nghiệm HPV sau khi xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung cho ra kết quả bất thường và ngược lại.
  • Phát hiện các vấn đề sức khỏe bất thường: Nhiễm HPV có thể gây mụn cóc sinh dục (100%), nguy cơ ung thư cổ tử cung (100%), ung thư âm đạo (60-90%), ung thư hậu môn (80%), ung thư dương vật (45%), ung thư âm hộ (40%), ung thư vòm họng (12-70%).

Khi nào cần xét nghiệm HPV?

  • Phụ nữ 21-29 tuổi nên thực hiện Pap test mỗi 3 năm. Xét nghiệm HPV không được khuyến cáo ở độ tuổi này.
  • Phụ nữ 30-65 tuổi nên thực hiện đồng thời cả 2 xét nghiệm HPV và Pap test (còn gọi là co-testing) mỗi 5 năm (lựa chọn ưu tiên). Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn Pap test đơn thuần mỗi 3 năm.

Chị em có thể ngưng tầm soát ung thư cổ tử cung sau 65 tuổi khi:

  • Không có bất thường tế bào cổ tử cung nặng hoặc ung thư cổ tử cung trước đây, và
  • Có 3 lần liên tiếp kết quả Pap test bình thường hoặc 2 lần liên tiếp kết quả co-testing bình thường trong vòng 10 năm trước đó, trong đó kết quả gần nhất được thực hiện trong vòng 5 năm.

Cách đọc kết quả xét nghiệm HPV

  • Kết quả xét nghiệm HPV âm tính có nghĩa là không tìm thấy HPV nguy cơ cao trong mẫu của bạn. Tuy nhiên điều này không loại trừ hoàn toàn nguy cơ ung thư bởi virus có thể chưa phát hiện được, do đó vẫn cần xét nghiệm định kỳ theo tư vấn của bác sĩ.
  • Kết quả xét nghiệm HPV dương tính:
    • Có nghĩa là đã tìm thấy dấu hiệu của HPV nguy cơ cao. Một số xét nghiệm HPV cũng chỉ ra có tìm thấy HPV16 hay HPV18 hay không. (Đây là những loại HPV phổ biến nhất gây ung thư cổ tử cung.)
    • Kết quả xét nghiệm HPV dương tính không có nghĩa là bạn bị ung thư hoặc sẽ bị ung thư. Điều đó có nghĩa là bạn bị nhiễm virus HPV làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung trong tương lai.

Thông thường, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ loại bỏ nhiễm trùng HPV một cách tự nhiên trong vòng hai năm mà không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Nhưng trong một số trường hợp nhất định, nhiễm trùng HPV nguy cơ cao có thể tồn tại trong cơ thể nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Những bệnh nhiễm trùng kéo dài này có thể dẫn đến ung thư.

Để đảm bảo kết quả xét nghiệm HPV chính xác, chị em nên tránh đụng chạm, giao hợp và sử dụng thuốc đặt âm đạo trong vòng 2 ngày trước khi làm xét nghiệm. Bạn cũng nên tránh làm xét nghiệm khi đang có kinh nguyệt.

Như vậy, trên đây là những thông tin cần biết về xét nghiệm HPV mà bạn đọc có thể quan tâm. Hy vọng bài viết đã đem lại những thông tin thiết thực và hữu ích cho bạn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết