Ở Việt Nam, với khí hậu ẩm ấm là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của các loại ký sinh trùng. Các loại thực phẩm chưa được nấu chín như thịt bò, cá, thịt cua, ếch hay rau sống... là nguồn gốc của nhiều loại bệnh giun sán.
Với những người mắc bệnh, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, khi thấy có những nguy cơ mắc bệnh dù là dấu hiệu nhỏ nhất, cũng nên đi xét nghiệm ký sinh trùng để chắc chắn mình có bị bệnh hay không.
Xét nghiệm ký sinh trùng là gì? Để làm gì?
Xét nghiệm ký sinh trùng là một phương pháp dùng để phát hiện sự hiện diện của các loại ký sinh trùng trên cơ thể con người. Nó giúp xác định loại ký sinh trùng, tình trạng bệnh đang mắc phải và từ đó đề xuất cách để loại bỏ chúng.
Xét nghiệm ký sinh trùng là xét nghiệm có ý nghĩa trong nhiều trường hợp:
- Phát hiện các loại ký sinh trùng trên cơ thể và giúp chẩn đoán các bệnh lý nhiễm ký sinh trùng.
- Tầm soát nhiễm ký sinh trùng trong cộng đồng, đặc biệt là ở những khu vực có nguy cơ cao về nhiễm ký sinh trùng. Việc tầm soát giúp phát hiện sớm và triển khai biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả, kịp thời.
- Đánh giá hiệu quả điều trị: Sau khi điều trị nhiễm ký sinh trùng, xét nghiệm ký sinh trùng có thể được sử dụng để đánh giá hiệu quả của liệu pháp điều trị. Việc kiểm tra lại sự có mặt của ký sinh trùng sau điều trị giúp đảm bảo rằng nhiễm trùng đã được loại bỏ hoàn toàn.
Khi nào cần xét nghiệm ký sinh trùng?
Xét nghiệm bệnh ký sinh trùng có thể được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Có triệu chứng và dấu hiệu nghi ngờ:
- Người bệnh cảm thấy ngứa ngáy khó chịu và dị ứng ngoài da
- Đau bụng, có khi nhầm lẫn với đau dạ dày; táo bón hoặc tiêu chảy, có thể tiêu chảy kèm máu;
- Đầy bụng khó tiêu; buồn nôn, nôn; chán ăn, tắc ruột
- Đau bụng dưới, đau thượng vị, đau quanh rốn
- Dị ứng (phát ban, nổi mề đay)
- Thiếu máu (xanh xao, mệt mỏi)
- Ảnh hưởng thần kinh (kém tập trung, giảm trí nhớ, lo âu)
- Trẻ em có một số triệu chứng như: nghiến răng, quấy khóc vào ban đêm, suy dinh dưỡng, bụng to, chậm lớn, ngứa hậu môn,...
- Tiếp xúc với nguồn lây nhiễm: Nếu bạn có tiếp xúc gần gũi với nguồn lây nhiễm tiềm ẩn hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm ký sinh trùng, bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên xét nghiệm để loại trừ bệnh.
Các phương pháp xét nghiệm ký sinh trùng
Rất nhiều người cho rằng xét nghiệm ký sinh trùng thường chỉ là xét nghiệm máu, tuy nhiên để có thể biết được bệnh nhân có chính xác bị bệnh do ký sinh hay không và hiện trạng như thế nào, thì bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm một số loại xét nghiệm khác nhau.
Ví dụ: khi cần tìm ký sinh trùng trong đường ruột (giun kim, giun móc,…) thì sẽ không cần dùng đến xét nghiệm máu và cần dùng kỹ thuật soi phân.
Bệnh lý ký sinh trùng rất đa dạng, do đó các phương pháp để xét nghiệm ký sinh trùng cũng khá nhiều. Với từng phương pháp sẽ có những mẫu bệnh phẩm tương ứng:
- Soi trên lam máu tế bào ngoại vi sẽ phát hiện được những loại ký sinh trùng trong máu (nếu có) như: Ký sinh trùng sốt rét, giun chỉ bạch huyết…
- Xét nghiệm miễn nhiễm huyết thanh trong máu có thể phát hiện ký sinh trùng, do lúc ký sinh trùng thâm nhập vào cơ thể, cơ thể sẽ sinh ra các kháng thể đặc hiệu hoặc không đặc hiệu là các IgG/IgM với từng mẫu ký sinh trùng như: Giun đũa IgG, sán xơ mít lợn IgG, sán dây lợn IgM, Candida IgG, Giun chỉ IgG...
- Soi phân của người bệnh để tìm ra những sinh vật đơn bào, ấu trùng giun lươn, giun sán,...
- Xét nghiệm mô bệnh học: sinh thiết có thể phát hiện được 1 số ký sinh trùng như nhóm sán dây lợn, sán dây bò,...
- Xét nghiệm soi tươi hoặc PCR có thể phát hiện được một số loại ký sinh trùng trong một số mẫu bệnh phẩm như: dịch sinh học, chất thải, dịch mủ, chất nôn...
- Xét nghiệm soi tươi mẫu móng, vảy da, dịch,…
- Xét nghiệm vật chủ trung gian gây bệnh. Qua thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày có thể sẽ là nguồn trung gian gây bệnh cho bạn như tôm, cá, cua, ruồi, rau, đất, nước,…
Ngoài ra, còn một số xét nghiệm khác hỗ trợ rất tích cực trong việc chẩn đoán bệnh ký sinh trùng như: xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi để kiểm tra bạch cầu ái toan tăng cao hay không, men gan, tổng phân tách nước giải...
Việc xét nghiệm ký sinh trùng là quan trọng để đảm bảo chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Nếu bạn có các triệu chứng hoặc nghi ngờ mắc bệnh do ký sinh trùng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp.