Xét nghiệm mỡ máu: mục đích, lợi ích và đối tượng xét nghiệm
xet-nghiem-mo-mau-trong-chan-doan-benh-ly
Xét nghiệm mỡ máu cho biết tổng lượng mỡ trong máu của cơ thể - ảnh: BookingCare

Xét nghiệm mỡ máu: mục đích, lợi ích và đối tượng xét nghiệm

Tác giả: - Xuất bản: 05/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 11/11/2023
Xét nghiệm mỡ máu giúp đánh giá mức độ mỡ trong máu và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tìm hiểu thêm thông tin về xét nghiệm mỡ máu: các chỉ số trong xét nghiệm, mức chỉ số bình thường và một số lưu ý trong bài viết dưới đây.

Xét nghiệm mỡ máu hay còn gọi là xét nghiệm cholesterol toàn phần cung cấp các chỉ số đo lường tổng lượng mỡ trong máu. Xét nghiệm cholesterol là một cách theo dõi và chăm sóc sức khỏe mang tính tổng quát, vì vậy việc hiểu về xét nghiệm này là điều cần thiết cho tất cả mọi người.

Xét nghiệm mỡ máu là gì?

Xét nghiệm mỡ máu là một phương pháp đo lường lượng mỡ có trong máu. Xét nghiệm này sử dụng phương pháp phân tích mẫu máu để đưa ra các các chỉ số liên quan đến mỡ máu như: tổng lượng cholesterol, lượng triglyceride và lipoprotein của người xét nghiệm.

Ý nghĩa của việc xét nghiệm mỡ máu

Xét nghiệm mỡ máu có thể cung cấp thông tin quan trọng về chuyển hoá mỡ trong cơ thể và giúp đánh giá nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến mỡ máu, đặc biệt là bệnh tim mạch.

  • Xét nghiệm có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề về mỡ máu, cho phép can thiệp và điều chỉnh lối sống kịp thời để giảm nguy cơ bệnh tim mạch và các biến chứng khác.
  • Kết quả xét nghiệm còn là căn cứ đánh giá hiệu quả của liệu pháp giảm mỡ và theo dõi sự tiến triển của bệnh.
  • Cung cấp dữ liệu cho bác sĩ đưa ra quyết định về điều trị và đề xuất các biện pháp phòng ngừa cho những người có nguy cơ cao.

Xét nghiệm mỡ máu không chỉ giúp đánh giá mức độ mỡ máu, mà còn có thể phát hiện và đánh giá các bệnh lý khác như:

  • Bệnh tim mạch: Xét nghiệm mỡ máu có thể giúp đánh giá nguy cơ bị bệnh tim mạch và xác định các yếu tố nguy cơ khác như cao huyết áp hay tiểu đường.
  • Các bệnh về gan: chỉ số mỡ máu cao có thể liên quan đến bệnh gan nhiễm mỡ, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD)...
  • Suy giảm chức năng thận: mỡ máu cao có thể ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả thận.

Các chỉ số thường gặp trong xét nghiệm mỡ máu

Trong xét nghiệm mỡ máu phân tích tất cả các thành phần mỡ máu tồn tại trong cơ thể, trong đó có những chỉ số chính cần quan tâm hàng đầu:

  • Cholesterol toàn phần : đánh giá tổng lượng cholesterol có trong máu bao gồm tất cả các dạng cholesterol trong máu: cholesterol LDL (low-density lipoprotein hay cholesterol xấu), cholesterol HDL (high-density lipoprotein hay cholesterol tốt) và triglyceride. Cholesterol toàn phần được đo bằng đơn vị mg/dL (miligram trên decilít).
  • Cholesterol LDL: hay còn gọi là cholesterol xấu có khả năng gắn kết vào thành mạch gây tắc nghẽn mạch máu. Mức độ cholesterol LDL cảnh báo nguy cơ cao về các bệnh tim mạch. Đơn vị đo của cholesterol LDL là mg/dL.
  • Cholesterol HDL: hay còn gọi là cholesterol tốt có khả năng loại bỏ cholesterol dư thừa khỏi mạch máu về gan để đào thải khỏi cơ thể. Mức độ cholesterol HDL càng cao càng có khả năng chống lại các bệnh tim mạch. Đơn vị đo của cholesterol HDL cũng là mg/dL.
  • Triglyceride: đánh giá lượng triglyceride trong máu. Mức độ triglyceride cao có thể liên quan đến nguy cơ bệnh tim mạch và tiểu đường.
cac-chi-so-xet-nghiem-mo-mau
Các yếu tố xét nghiệm cung cấp đánh giá tổng quan về tình trạng mỡ máu của cơ thể - ảnh: canva.com

Chỉ số mỡ máu bình thường là bao nhiêu?

Giá trị bình thường của xét nghiệm mỡ máu có thể khác nhau tùy theo quy định của từng cơ sở y tế và nền y tế của từng quốc gia. Tuy nhiên, giá trị tham khảo thông thường trong các xét nghiệm cholesterol ở mức bình thường là:

  • Cholesterol tổng: Dưới 200 mg/dL (5.2 mmol/L).
  • Cholesterol LDL: Dưới 100 mg/dL (2.6 mmol/L).
  • Cholesterol HDL: Trên 40 mg/dL (1.0 mmol/L) ở nam và trên 50 mg/dL (1.3 mmol/L) ở nữ.
  • Triglyceride: Dưới 150 mg/dL (1.7 mmol/L).

Đối tượng và tần suất nên thực hiện xét nghiệm mỡ máu

Tất cả mọi người đều có thể cân nhắc thực hiện xét nghiệm mỡ máu, đặc biệt là các trường hợp có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường hoặc có tiền sử gia đình từng có người mắc cholesterol cao. Trẻ em và thanh thiếu niên cũng nên kiểm tra cholesterol từ khi còn nhỏ. Trẻ em bị béo phì hoặc tiểu đường có thể cần được kiểm tra cholesterol sớm và thường xuyên hơn.

Về tần suất xét nghiệm, mọi người nên thực xét nghiệm mỡ máu định kỳ theo quy trình thời điểm như sau:

  • Người trưởng thành có yếu tố nguy cơ bình thường: từ 4 - 6 năm/lần.
  • Người trưởng thành có yếu tố nguy cơ cao ( bệnh tim gia đình, tiểu đường, huyết áp cao) nên xét nghiệm định kỳ hàng năm.
  • Người có mỡ máu cao hoặc đang điều trị cho mỡ máu cần thực hiện xét nghiệm theo tần suất chỉ định của bác sĩ.

Cần làm gì trước khi thực hiện xét nghiệm mỡ máu?

Thông thường để chuẩn bị cho xét nghiệm mỡ máu, người làm xét nghiệm có thể cần tuân thủ các hướng dẫn sau đây:

  • Kiêng ăn trong khoảng thời gian được chỉ định trước khi xét nghiệm. Thời gian yêu cầu kiêng trong xét nghiệm thường là 9-12 giờ.
  • Uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước trước khi xét nghiệm.
  • Tránh uống rượu, bia, chất kích thích trong vòng 24 giờ trước khi xét nghiệm.
  • Tuân thủ các hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ hoặc nhân viên y tế.

Những điều cần lưu ý sau khi xét nghiệm mỡ máu

Sau khi nhận kết quả xét nghiệm mỡ máu, người làm xét nghiệm cần chú ý một số điều sau:

  • Trao đổi, nhận tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế về kết quả xét nghiệm mỡ máu.
  • Hiểu về các chỉ số mỡ máu: hiểu về các chỉ số mỡ máu như cholesterol LDL (xấu), cholesterol HDL (tốt) và triglyceride giúp mọi người nhận biết mức độ mỡ máu của mình và đánh giá nguy cơ bị bệnh tim mạch.
  • Thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh: xét nghiệm mỡ máu là một cơ hội để đánh giá lại lối sống và thực hiện những thay đổi tích cực: chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn, giảm cân nếu cần thiết, hạn chế tiêu thụ các chất béo bão hòa và đường.
  • Kiểm tra định kỳ: Tuân thủ lịch hẹn kiểm tra định kỳ để theo dõi sự tiến triển và hiệu quả của biện pháp điều trị. Điều này giúp đảm bảo rằng mỡ máu được kiểm soát và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Xét nghiệm mỡ máu là xét nghiệm quan trọng để phát hiện và đánh giá nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Việc hiểu biết về kết quả xét nghiệm mỡ máu hỗ trợ rất nhiều trong việc điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống tích cực để duy trì sức khỏe tốt.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết