Xét nghiệm Transferrin là gì? Ý nghĩa của xét nghiệm
xet-nghiem-transferrin
Xét nghiệm Transferrin có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá hàm lượng sắt trong máu - ảnh: BookingCare

Xét nghiệm Transferrin là gì? Ý nghĩa của xét nghiệm

Tác giả: - Xuất bản: 14/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
Xét nghiệm Transferrin là một trong các xét nghiệm quan trọng liên quan đến sắt trong máu. Tìm hiểu thêm về ý nghĩa và tầm quan trọng cụ thể của xét nghiệm trong chuyển hóa sắt.

Xét nghiệm transferrin là cách quan trọng để đánh giá cường độ chuyển hóa sắt trong cơ thể. Kết quả xét nghiệm có thể giúp người bệnh và bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng sắt trong cơ thể và nhận biết các vấn đề sức khỏe liên quan.

Xét nghiệm Transferrin là gì?

Xét nghiệm Transferrin là xét nghiệm đánh giá sắt của cơ thể. Transferrin là một glycoprotein tổng hợp từ gan có vai trò chính trong việc trao đổi và vận chuyển sắt tới các cơ quan của cơ thể. Khi cơ thể có sự biến đổi về hàm lượng sắt, lượng Transferrin sinh ra thường biến đổi theo chiều ngược lại.

Transferrin sẽ tăng khi cơ thể thiếu sắt. Khi lượng sắt thấp, cơ thể sinh ra cơ chế bù đắp bằng cách sản xuất nhiều Transferrin hơn để tăng khả năng sử dụng sắt. Ngược lại, lượng Transferrin sẽ giảm khi hàm lượng sắt quá cao nhằm kiểm soát lượng sắt được vận chuyển, tránh gây ngộ độc cho các cơ quan.

Transferrin là một chỉ số sinh hóa cần thiết để đánh giá tình trạng sắt trong cơ thể bên cạnh các xét nghiệm Ferritin hay TIBC. Kết quả xét nghiệm cung cung cấp thông tin quan trọng giúp bác sĩ có căn cứ chắc chắn để kết luận về các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng từ nguồn cung cấp sắt cho cơ thể.

Những người cần thực hiện xét nghiệm Transferrin

Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm này nếu nghi ngờ người bệnh đang có vấn đề liên quan đến máu hoặc xác định các trường hợp thiếu máu cụ thể như thiếu máu do sắt. Những đối tượng cần thực hiện xét nghiệm có thể đang có các dấu hiệu như:

  • Mệt mỏi, xuống sức nhanh chóng
  • Da và mắt xanh xao
  • Chóng mặt, đau đầu, đau khớp
  • Tính tình thất thường, dễ cáu gắt, khó chịu
  • Thở khó, hụt hơi khi vận động mạnh
  • Cảm giác khao khát bất thường (ham ăn, ham ngủ,...)
  • Móng tay, móng chân dễ bị xước, gãy
  • Sụt cân, giảm khả năng ghi nhớ
  • Chân tay bị giật không rõ nguyên do
  • Tức ngực, hồi hộp, tim đập nhanh không rõ nguyên nhân

Xét nghiệm Transferrin chẩn đoán những bệnh gì?

Transferrin được sản xuất ở gan, do vậy mức độ protein có thể cho biết một số chứng bệnh liên quan đến gan như: các dạng viêm nhiễm, xơ gan… Ngoài ra, chỉ số Transferrin còn cho cho biết lượng sắt gắn với protein transferrin được vận chuyển trong cơ thể, từ đó đánh giá tình trạng thiếu hay dư thừa sắt trong máu.

Ý nghĩa chỉ số xét nghiệm Transferrin

Kết quả xét nghiệm Transferrin có thể thay đổi tùy thuộc vào tuổi, giới tính, tiền sử sức khỏe và những yếu tố phòng thí nghiệm sử dụng. Xét nghiệm được đo bằng đơn vị microgam trên decilit (mcg/dL).

Theo một số quy định được đưa ra bởi các phòng khám, chỉ số Transferrin bình thường được quy định trong khoảng từ 215 đến 380 mg/dl. Ngoài ra, protein này còn có khả năng đo lường dựa vào chỉ số kết hợp sắt (TIBC) với giá trị trung bình trong khoảng từ 250 đến 450 mcg/dL.

Bên cạnh đó, Transferrin còn căn cứ đo dựa vào độ bão hoà transferrin, tức là lượng Transferrin thực sự đang kết hợp sắt để vận chuyển trong cơ thể. Giá trị bình thường là từ 15% đến 50%.

  • Với chỉ số Nồng độ Transferrin:
    • Nếu chỉ số này cao hơn mức quy định, người xét nghiệm có khả năng đang thiếu sắt.
    • Nếu chỉ số này thấp hơn hơn mức quy định, người xét nghiệm có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến gan.
  • Với chỉ số Độ bão hòa Transferrin:
    • Nếu chỉ số cao hơn ngưỡng bình thường, có thể phản ánh tình trạng quá tải sắt hoặc tình trạng tan máu.
    • Nếu chỉ số thấp hơn ngưỡng bình thường,người xét nghiệm có thể đang có nhiễm trùng hoặc có tình trạng thiếu sắt.

Chẩn đoán cuối cùng sẽ được bác sĩ đưa ra dựa trên kết quả và tình trạng sức khỏe hiện tại để xác định nguyên nhân biến đổi chỉ số Transferrin.

Những điều cần lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm Transferrin

Để chuẩn bị cho xét nghiệm Transferrin, người làm kiểm tra cần lưu ý một số điều sau:

  • Một số trường hợp cần nhịn ăn trước 8 - 12 giờ, vì vậy người làm xét nghiệm cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia.
  • Thông báo cho bác sĩ về các vấn đề sức khỏe, kỳ kinh nguyệt hoặc tiền sử bệnh lý cá nhân hoặc các bệnh mãn tính di truyền.
  • Cung cấp thông tin về các loại thuốc, vitamin hoặc thực phẩm bổ sung đang dùng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm Transferrin.

Xét nghiệm Transferrin có vai trò quan trọng để chẩn đoán tình trạng thiếu máu thiếu sắt và tình trạng quá tải sắt. Khả năng liên kết sắt có thể là căn cứ chẩn đoán các bệnh lý về máu hoặc gan. Việc xét nghiệm giúp bác sĩ và người bệnh đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát và phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh để điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết