Ý nghĩa 25 chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu
Các chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu
Các chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu - Ảnh: BookingCare

Ý nghĩa 25 chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu

Tác giả: - Xuất bản: 30/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 30/10/2023
Biết được về ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu sẽ góp phần giúp bạn hiểu rõ tình trạng sức khỏe, từ đó có những can thiệp phù hợp.

Mỗi chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu đều có thể thể hiện những vấn đề mà cơ thể đang gặp phải. Biết được về ý nghĩa của các chỉ số này sẽ góp phần giúp bạn hiểu rõ tình trạng sức khỏe, từ đó có những can thiệp phù hợp.

Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu

1. Ure máu

Chỉ định: Các bệnh lý về thận, kiểm tra chức năng thận trước phẫu thuật, can thiệp, kiểm tra sức khoẻ định kỳ…

Trị số bình thường: 2,5 – 7,5 mmol/L

Ure tăng cao khi: Suy thận, thiểu niệu, vô niệu, tắc nghẽn đường niệu, chế độ ăn nhiều protein…

Ure thấp khi: Suy gan làm giảm tổng hợp ure, chế độ ăn nghèo protein, truyền nhiều dịch…

2. Creatinin máu

Chỉ định: Xét nghiệm creatinin máu thường chỉ định với các bệnh lý về thận, các bệnh lý ở cơ, kiểm tra trước phẫu thuật, can thiệp… nhằm đánh giá chức năng thận, mức độ suy thận.

Trị số bình thường: Trị số bình thường: Nam: 62-120 umol/L; Nữ: 53-100 umol/L

Creatinin tăng cao khi: Suy thận cấp và mãn, bí tiểu tiện, bệnh to đầu ngón, tăng bạch cầu, cường giáp, Gout…

Creatinin giảm gặp khi: có thai, dùng thuốc chống động kinh, bệnh teo cơ cấp và mãn tính…

3. Đường máu

Chỉ định: Nghi ngờ tiểu đường, kiểm tra trước phẫu thuật, can thiệp, đang điều trị corticoid, đánh giá hiệu quả và điều chỉnh liều thuốc ở bệnh nhân đang điều trị tiểu đường, kiểm tra sức khoẻ định kỳ…

Trị số bình thường: 3,9- 6,4 mmol/L

Đường máu tăng cao gặp khi: Tiểu đường do tuỵ, cường giáp, cường tuyến yên, điều trị corticoid, bệnh gan, giảm kali máu…

Đường máu giảm gặp khi: hạ đường huyết do chế độ ăn, do sử dụng thuốc hạ đường huyết quá liều, suy vỏ thượng thận, suy giáp, nhược năng tuyến yên, bệnh gan nặng, nghiện rượu, bệnh Addison…

4. HbA1C

Chỉ định: HbA1C được coi là thông số có giá trị để chẩn đoán và theo dõi điều trị tiểu đường vì phản ánh tình trạng đường máu trong khoảng 2-3 tháng trước khi xét nghiệm.

Trị số bình thường: 4-6%

HbA1C tăng khi: bệnh tiểu đường, bệnh tiểu đường khó kiểm soát,..

  • HbA1C tăng giả tạo khi: ure máu cao, thalassemia.
  • HbA1C giảm giả tạo khi: Thiếu máu, huyết tán, mất máu

5. Acid Uric máu

Chỉ định: Nghi ngờ bệnh gout, bệnh thận, bệnh khớp, theo dõi hiệu quả điều trị bệnh gout…

Trị số bình thường: Trị số bình thường: Nam: 180-420 umol/L; Nữ: 150-360 umol/L

Acid uric tăng cao trong nhiều trường hợp: thường gặp nhất là trong bệnh gout, leucemie, đa hồng cầu, suy thận, ung thư, tăng bạch cầu đơn nhân, nhiễm trùng nặng,…

Acid uric giảm gặp khi: có thai, bệnh wilsson, hội chứng Fanconi…

6. SGOT 

Chỉ định: Nồng độ men SGOT phản ánh tình trạng tổn thương tế bào gan, cơ tim được chỉ định khi nghi ngờ có các dấu hiệu mắc bệnh gan, đặc biệt là viêm gan hay rối loạn chức năng gan.

Trị số bình thường ≤40 U/L.

SGOT tăng cao khi: Viêm gan cấp do virus hoặc do thuốc, tan máu, viêm gan do rượu, nhồi máu cơ tim, viêm cơ…

Lưu ý khi tế bào hồng cầu bị vỡ thì SGOT tăng rất cao.

7. SGPT 

Chỉ định: Nồng độ SGPT phản ánh tình trạng tổn thương tế bào gan do viêm chỉ định cho các trường hợp viêm gan (cấp, mãn), nhũn não…

Trị số bình thường ≤40 U/L

Nếu SGPT>>>SGOT: Chứng tỏ có tổn thương nông, cấp tính trên diện rộng của tế bào gan

Nếu SGOT>>>SGPT: chứng tỏ tổn thương sâu đến lớp dưới tế bào (ty thể)

8. GGT 

Chỉ định: Bệnh nhân có những biểu hiện của bệnh gan, đánh giá mức độ tổn thương gan.

Trị số bình thường: Nam ≤ 45 U/L; Nữ ≤30 U/L

GGT tăng cao khi: Nghiện rượu, viêm gan do rượu, ung thư lan toả, xơ gan, tắc mật…

GGT tăng nhẹ khi: Viêm tuỵ, béo phì, do dùng thuốc…

9. ALP

Chỉ định: Nghi mắc bệnh nhuyễn xương, còi xương, Paget… hoặc bệnh gan mật

Trị số bình thường: 90-280 U/L

ALP tăng rất cao khi: Tắc mật, ung thư gan lan toả.

ALP cũng tăng khi: Viêm xương, bệnh Paget (viêm xương biến dạng), ung thư xương tạo cốt bào, nhuyễn xương, còi xương. Vàng da tắc mật, viêm gan thứ phát,...

ALP giảm khi: Thiếu máu ác tính, suy cận giáp, thiếu vitamin C, dùng thuốc giảm mỡ máu…

10. Bilirubin máu

Chỉ định: Các trường hợp vàng da do bệnh gan mật, tuỵ, tan máu…

Trị số bình thường: Bilirubin toàn phần ≤17,0 umol/L; Bilirubin trực tiếp ≤4,3 umol/L; Bilirubin gián tiếp ≤12,7 umol/L

Bilirubin toàn phần tăng cao khi: Vàng da do nguyên nhân trước gan (tan máu), trong gan (viêm gan), sau gan (sỏi ống mật chủ, u đầu tuỵ…)

Bilirubin trực tiếp tăng khi: Tắc mật, viêm gan cấp, ung thư đầu tuỵ…

Bilirubin gián tiếp tăng trong: Thalassemia, tan máu, vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh …

11. Protein toàn phần

Chỉ định: Đa u tuỷ xương, bệnh gan, bệnh thận, kiểm tra sức khoẻ định kỳ…

Trị số bình thường: 65-82 g/L

Protein tăng trong các bệnh lý: Đa u tuỷ (Kahler), bệnh Waldenstrom, thiểu năng vỏ thượng thận… Ngoài ra có thể gặp protein máu tăng khi cô đặc máu: sốt kéo dài, ỉa chảy nặng, nôn nhiều…

Protein giảm khi: thận hư nhiễm mỡ, xơ gan, ưu năng giáp nhiễm độc, suy dinh dưỡng… ngoài ra, có thể gặp giảm protein máu do pha loãng máu (nhiễm độc nước, truyền dịch quá nhiều…)

12. Albumin máu

Chỉ định: Đa u tuỷ xương, bệnh gan (xơ gan, viêm gan…), bệnh thận (hội chứng thận hư nhiễm mỡ, viêm cầu thận…), suy kiệt…

Trị số bình thường: 35-55 g/L

Albumin tăng thường ít gặp: Shock, mất nước…

Albumin giảm thường gặp khi: Xơ gan, suy dinh dưỡng, hội chứng thận hư, viêm cầu thận, đa u tuỷ ( Kahler), Waldenstrom…

13. Chỉ số A/G

Chỉ định: Đa u tuỷ, xơ gan, viêm thận cấp, thận hư nhiễm mỡ…

Trị số bình thường: 1,2 – 2,2

A/G < 1 do tăng globulin, do giảm Albumin hoặc phối hợp cả 2:

  • Giảm albumin: do thiếu dinh dưỡng, ung thư, lao, suy gan…
  • Tăng globulin: Đa u tuỷ xương, Bệnh collagen, nhiễm khuẩn…
  • Đồng thời giảm albumin và tăng globulin: Xơ gan, viêm thận cấp, thận hư nhiễm mỡ, đau tuỷ xương…

14. Định lượng B2M

Chỉ định: Cho bệnh nhân bệnh đa u tuỷ xương, u lympho để phân loại, tiên lượng, theo dõi hiệu quả điều trị bệnh đa u tuỷ xương, u lympho.

Trị số bình thường: 0,8 -2,2 mg/L

B2M tăng khi nhiễm trùng mãn tính, suy giảm chức năng thận, các bệnh ác tính. Đặc biệt, B2M tăng cao ở bệnh nhân đa u tuỷ xương, u lympho.

15. Cholesterol toàn phần

Chỉ định: Rối loạn mỡ máu, vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, hội chứng thận hư, kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho những người trên 40 tuổi, những người béo phì…

Trị số bình thường: 3,9-5,2 mmol/L

Cholesterol tăng khi: rối loạn lipid máu nguyên phát hoặc thứ phát, vữa xơ động mạch, hội chứng thận hư, vàng da tắc mật ngoài gan,…

Cholesterol giảm khi: hấp thu kém, suy kiệt, ung thư, biếng ăn …

16. Triglycerid

Chỉ định: Rối loạn mỡ máu, vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, hội chứng thận hư, u vàng, viêm tuỵ, kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho những người trên 40 tuổi, những người béo phì…

Trị số bình thường: 0,5- 2,29 mmol/L

Triglycerid tăng khi: Vữa xơ động mạch, rối loạn lipid máu, hội chứng thận hư, bệnh béo phì, đái tháo đường…

Triglycerid giảm khi: xơ gan, hội chứng kém hấp thu, suy kiệt, cường tuyến giáp…

Có nhiều chỉ số khác nhau trong xét nghiệm sinh hóa
Có nhiều chỉ số khác nhau trong xét nghiệm sinh hóa - Ảnh: Canva

17.  HDL-C

Chỉ định: Rối loạn mỡ máu, vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho những người trên 40 tuổi……

Trị số bình thường: ≥ 0,9 mmol/L

HDL-C tăng: ít nguy cơ gây vữa xơ động mạch

HDL-C giảm: dễ có nguy cơ gây vữa xơ động mạch, hay gặp khi rối loạn mỡ máu, vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực…

Lưu ý: Tỉ số CHOLESTEROL TOÀN PHẦN / HDL-C nên  < 4, tỉ số này càng cao thì khả năng vữa xơ động mạch càng nhiều.

18. LDL-C

Chỉ định: Rối loạn mỡ máu, vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường…

Trị số bình thường: <=3,4 mmol/L

LDL-C tăng khi: Vữa xơ động mạch, rối loạn lipid máu, bệnh béo phì…

LDL-C giảm khi: xơ gan, hội chứng kém hấp thu, suy kiệt, cường tuyến giáp…

19. Can xi toàn phần

Chỉ định: Đa u tuỷ, loãng xương, còi xương, dùng thuốc lợi tiểu Diazit kéo dài…

Trị số bình thường: 2,2-2,7 mmol/L

Can xi toàn phần tăng khi: loãng xương, đa u tuỷ, cường phó giáp trạng, bệnh Paget, cường giáp, dùng lợi tiểu Diazit…

Can xi toàn phần giảm khi: Thiếu vitamin D, còi xương, thiểu năng giáp, suy thận, một số trường hợp không đáp ứng với vitamin D, hội chứng thận hư, các trường hợp giảm Albumin máu, tan máu, viêm tuỵ cấp, thai nghén…

20. Ca++ máu

Chỉ định: Đa u tuỷ, loãng xương, suy thận…

Trị số bình thường: 1,17-1,29 mmol/L

Ca++ tăng khi: Đa u tuỷ, loãng xương, viêm phổi, giảm phosphat máu, nhiễm độc vitamin D, cường cận giáp tiên phát hoặc thứ phát…

Ca++ giảm khi: Thiểu năng cận giáp, suy thận, bệnh Tetanie, còi xương, các bệnh có giảm Albumin máu…

21. Sắt trong máu

Chỉ đinh: Các trường hợp thiếu máu, mất máu do chảy máu, trĩ, giun móc, thai nghén, nhiễm độc sắt, tan máu…

Trị số bình thường: Nam: 11-27 umol/L; Nữ: 7-26 umol/L

Sắt tăng khi: tan máu, suy tuỷ, xơ tuỷ, rối loạn sinh tuỷ, xơ gan, nhiễm độc sắt, truyền máu nhiều lần…

Sắt giảm khi: Thiếu máu thiếu sắt, viêm nhiễm mạn tính, chảy máu kéo dài, ăn kiêng, giảm hấp thu sắt

22. Chỉ số Amylase

Chỉ định: Nghi ngờ, theo dõi, điều trị các bệnh lý về tuyến tụy

Trị số bình thường: ≤ 220 U/L

Amylase tăng khi: viêm tụy cấp, quai bị, ung thư tụy, viêm tuyến nước bọt, tắc ruột cấp, thủng dạ dày,…

Amylase giảm khi: sỏi tụy, ung thư tụy.

23. CK 

Ý nghĩa và chỉ định: CK là men có nhiều trong cơ tim và cơ xương, nồng độ men này phản ánh tình trạng tổn thương cơ. Chỉ định khi nghi ngờ nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, bệnh lý về cơ (viêm cơ, loạn dưỡng cơ)…

Trị số bình thường: ≤ 200 U/L

CK tăng cao khi: Nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, chấn thương cơ, viêm cơ, choáng,...

CK giảm trong trường hợp: teo cơ

24. LDH

Chỉ định: Các bệnh lý ác tính (ung thư máu, đa u tuỷ, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư gan…), tan máu, viêm cơ…

Trị số bình thường: 230- 460 U/L

LDH tăng khi: các bệnh máu, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày… tổn thương cơ, hoại tử các mô…

LDH giảm: Không gây nguy hiểm

25. Chỉ số Transferrin 

Chỉ định: Người có cơ thể mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, suy nhược cơ thể,... không rõ nguyên do hoặc trong một số trường hợp nghi quá tải sắt

Trị số bình thường: 2,0-3,6g/L.

Transferrin tăng khi: khi cơ thể tăng nhu cầu sử dụng sắt (phụ nữ có thai), cơ thể thiếu sắt: chế độ ăn thiếu sắt, bệnh lý dạ dày gây giảm hấp thu sắt...

Transferrin giảm khi: khi cơ thể thừa sắt, rối loạn phân bố sắt (viêm mạn tính, khối u…).

Như vậy, trên đây là tổng hợp ý nghĩa của 25 chỉ số xét nghiệm sinh hóa thường gặp. Có rất nhiều chỉ số sinh hóa máu nên mỗi bệnh nhân sẽ được chỉ định xét nghiệm phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết