5 lưu ý để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm
5 lưu ý để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa dệm ở người trẻ
Một số lưu ý để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm - Ảnh: BookingCare

5 lưu ý để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 11/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 11/12/2023
Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý cột sống thường gặp, bệnh cũng đang có xu hướng trẻ hóa, thường gặp ở dân văn phòng. Vậy làm thế nào để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm? Tìm hiểu trong nội dung bài viết.

Nếu có người thân, người quen đang điều trị thoát vị đĩa đệm phần nào bạn có thể biết và hiểu được những cơn đau âm ỉ được người bệnh chia sẻ. Thoát vị đĩa đệm không chỉ ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn dẫn đến nguy cơ tàn phế nếu không chữa trị kịp thời. 

Để tránh tình trạng này, việc phòng ngừa thoát vị đĩa đệm đóng vai trò quan trọng. Nội dung bài viết dưới đây sẽ chia sẻ 5 lưu ý cơ bản để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm, giúp cột sống khỏe mạnh.

5 lưu ý để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm

1. Tập thể dục thường xuyên

Một trong những biện pháp quan trọng trong phòng ngừa thoát vị đĩa đệm là duy trì hoạt động thể chất, tập thể dục thường xuyên. Duy trì một cơ thể khỏe mạnh và linh hoạt là điều cần thiết để giữ cho các đĩa đệm và cột sống trong tình trạng tốt.

Bạn có thể tập trung vào các bài tập giúp tăng cường sức mạnh cơ lưng và cơ bụng để hỗ trợ cột sống. Gợi ý một số môn như Yoga, Pilates và tập kháng lực có thể giúp cột sống ổn định và khỏe mạnh hơn.

2. Giữ gìn tư thế cột sống đúng trong sinh hoạt hằng ngày

Thực hành các nguyên tắc đúng về tư thế và cử chỉ cũng là yếu tố quan trọng trong phòng ngừa thoát vị đĩa đệm. Đứng, ngồi, nằm và nâng vật nặng đúng cách là cách tốt nhất để giảm áp lực lên xương sống. Tư thế đứng, ngồi, tư thế trong sinh hoạt hàng ngày phải luôn giữ cột sống ở tư thế thẳng:

  • Trẻ em cần ngồi học đúng tư thế để phòng tránh tật gù vẹo cột sống có thể gây thoát vị đĩa đệm sau này.
  • Dân văn phòng ngồi nhiều cần đặc biệt chú ý đến việc ngồi đúng tư thế, tránh việc ngồi liên tục sai tư thế dẫn đến tình trạng lưng gù, cong vẹo cột sống, đau lưng dưới tiềm ẩn nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng.
  • Không cúi người khi nâng vật. Thay vào đó hãy gập gối, thẳng lưng, bê vật gần người nhất. Sử dụng cơ bắp chân để hỗ trợ tải trọng.
  • Hạn chế thói quen nằm ngủ gục trên ghế (chủ yếu ở dân văn phòng): Kiểu ngồi ngủ trên ghế, gối tay trên bàn làm cho cơ thể bị cong nhiều hơn, lâu ngày có thể khiến hình dáng cột sống thay đổi, dẫn đến nhiều bệnh lý về xương khớp. 

3. Tránh duy trì một tư thế quá lâu

Duy trì một tư thế trong thời gian dài có khả năng gây ứ trệ tuần hoàn và làm cứng khớp. Tình trạng lâu dẫn có thể tăng nguy cơ thoái hóa, thoát vị đĩa đệm.

Lời khuyên cho bạn cần tích cực thay đổi tư thế khi làm việc. Sau một thời gian ngồi làm việc, hãy đứng lên và đi bộ vòng quanh hoặc có thể thực hiện một số động tác để thư giãn gân cốt cũng như các bộ phận khác được nghỉ ngơi.

4. Giữ cân nặng ở mức hợp lý

Giữ cân nặng ở mức hợp lý rất quan trọng để giảm áp lực lên cột sống. Thực hiện việc giảm cân nếu cần thiết.

5. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá

Hút thuốc lá là một trong những yếu tố tăng nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm. Bởi việc hút thuốc có thể làm yếu đĩa đệm, làm đĩa đệm dễ tổn thương và dễ thoát vị. Do vậy việc từ bỏ thói quen hút thuốc lá giúp phòng ngừa nguy cơ thoát vị đĩa đệm. 

Cùng với 5 cách trên, bạn có thể phòng ngừa thoát vị đĩa đệm bằng cách cải thiện chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học. Mọi người nên có thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ và khi có triệu chứng nghi ngờ thoát vị đĩa đệm hay triệu chứng bất thường về cột sống cần thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa ngay, tránh để tình trạng bệnh để lâu sẽ khó chữa và ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động sau này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare