- Xuất bản: 18/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 02/01/2024
Cận thị là trường hợp mắt quan sát rõ các vật thể ở gần nhưng không nhìn được các vật ở xa - ảnh: BookingCare
Cận thị là trường hợp mắt quan sát rõ các vật thể ở gần nhưng không nhìn được các vật ở xa, thậm chí trường hợp cận thị nặng mắt không thể nhìn được cả ở cự ly gần. Cận thị nặng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh. Đọc thêm trong bài viết.
Cận thị là tật khúc xạ phổ biến, chiếm tới 90% trong tổng số tật khúc xạ, đặc biệt ở nhóm trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Theo một báo cáo tại Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 74 (2021), hiện trên thế giới có hơn 800 triệu người bị suy giảm thị lực cần được điều trị, bao gồm cả cận thị. Dự báo đến 2050 thế giới sẽ có khoảng 5 tỷ người bị cận thị và khoảng ⅕ trong số đó bị cận thị nặng và có nguy cơ mù lòa.
Các triệu chứng cận thị
Cận thị là tật khúc xạ phổ biến. Một người có thể mắc cận thị nếu xuất hiện một số biểu hiện cụ thể như:
Khó nhìn rõ các vật ở xa.
Mỏi mắt khi nhìn gần trong khoảng thời gian dài.
Khó khăn khi lái xe ban đêm hoặc đọc sách.
Thường xuyên nhíu mày hoặc nheo mắt khi nhìn.
Mắt nhìn mờ.
Nguyên nhân cận thị
Các triệu chứng trên có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất có thể kể đến một số lý do như:
Trục nhãn cầu dài hơn hoặc giác mạc có độ cong lớn hơn bình thường.
Yếu tố di truyền.
Thói quen sử dụng mắt nhìn gần trong thời gian dài như: đọc sách, sử dụng máy tính .
Một số yếu tố môi trường: thiếu tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, ô nhiễm khói bụi, hóa chất…
Các biến chứng có thể xảy ra từ tật cận thị
Các trường hợp mắc cận thị nặng (từ 5-6 độ trở lên) có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn như:
Suy giảm thị lực. khiếm thị hoặc mù lòa
Đục thủy tinh thể.
Bong võng mạc.
Bệnh glôcôm.
Tổn hại võng mạc
Chẩn đoán cận thị
Nhận biết cận thị không quá khó, đôi khi những bệnh nhân lớn cũng có thể nhận ra vấn đề của chính mình. Tuy nhiên, để biết chính xác độ cận và nguyên nhân gây cận thị, bác sĩ hoặc các chuyên gia khúc xạ có thể áp dụng một số phương pháp chẩn đoán như:
Kiểm tra thị lực: bao gồm các bài kiểm tra đo thị lực, kiểm tra khả năng điều tiết và quan sát ở các cự ly khác nhau của mắt.
Kiểm tra khúc xạ bằng máy đo khúc xạ tự động.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể áp dụng thêm một số phương pháp chẩn đoán bổ sung như: khám trên máy sinh hiển vị, đánh giá phản xạ của đồng tử với ánh sáng, tầm nhìn ngoại vi hoặc tình trạng của giác mạc, đồng tử, thủy tinh thể và mí mắt…
Các phương pháp điều trị cận thị
Hiện nay, chưa có thuốc để chữa cận thị. Tuy nhiên, có một số phương pháp điều trị và khắc phục các triệu chứng cận thị như sau:
Đeo kính gọng: đây là phương pháp phổ biến nhất để điều trị cận thị nhằm giúp cho ảnh hội tụ đúng vào võng mạc nhằm cải thiện thị lực.
Đeo kính áp tròng Ortho- K: áp dụng cho các trường hợp không muốn sử dụng kính gọng giúp định hình giác mạc tạm thời khi ngủ. Ortho - K còn giúp cho hạn chế tăng độ cận và kiểm soát tiến triển của cận thị.
Người bị cận thị có thể khắc phục thị lực tạm thời bằng kính áp tròng Ortho-K khi ngủ - ảnh: canva.com
Phẫu thuật: một số trường hợp bệnh nhân cận thị nặng, không muốn hoặc không thể đeo kính do chênh lệch khúc xạ hai mắt quá lớn, do nhu cầu công việc hoặc nghề nghiệp … cần hoặc muốn phẫu thuật.
Điều trị cận thị dưới hình thức phẫu thuật có thể sử dụng tia laser làm thay đổi hình dạng của giác mạc hoặc phẫu thuật đặt kính nội nhãn sinh học để cải thiện thị lực cho người bị cận.
Cần làm gì khi mắc cận thị?
Khi xuất hiện các triệu chứng cận thị, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp kiểm soát tình huống như sau:
Hạn chế các hoạt động phải nhìn gần trong một thời lượng dài
Chớp mắt thường xuyên để mắt được nghỉ ngơi, sử dụng túi chườm ấm để thư giãn mắt ngay tại thời điểm đó để giảm căng thẳng mắt.
Thực hiện quy tắc 20-20-20: đưa tầm mắt ra xa 20 feet (6m) trong 20 giây sau mỗi 20 phút nhìn vào màn hình để điều tiết mắt.
Có thể sử dụng một số loại thuốc nhỏ mắt không kê đơn để làm dịu mắt.
Điều chỉnh môi trường làm việc đủ ánh sáng, hạn chế ánh sáng mạnh hoặc chói trực tiếp vào mắt.
Sử dụng kính chống UV hoặc kính chống ánh sáng xanh khi làm việc liên tục với các thiết bị điện tử hoặc dưới trời nắng.
Thực hiện thăm khám, kiểm tra, đo thị lực với bác sĩ nhằm có kết luận cụ thể về tình trạng mắt để can thiệp điều trị nếu cần thiết.
Các biện pháp phòng ngừa cận thị
Mặc dù không thể ngăn chặn hoàn toàn tật khúc xạ này. Tuy nhiên, bạn đọc có thể thực hiện các biện pháp chăm sóc nhằm giảm thiểu nguy cơ cận thị như:
Thực hiện các bài tập mắt, xoa bóp nhẹ nhàng thường xuyên để thư giãn và tăng khả năng điều tiết của các cơ mắt.
Sử dụng kính râm, kính chống UV khi ra ngoài hoặc làm việc với máy tính để giảm tác động của tia cực tím và ánh sáng xanh lên mắt.
Duy trì một lối sống lành mạnh: ăn uống cân đối, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E, omega-3 như: cà rốt, cá hồi, đậu nành, các loại dầu cá, dầu hạt chia, các loại rau xanh…
Kiểm tra mắt định kỳ từ 1 - 2 năm/lần nhằm theo dõi và phát hiện nguy cơ cận thị để xử lý kịp thời. Với trẻ nhỏ cần được khám sàng lọc để phát hiện cận thị sớm, đeo kính đủ số và tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ
Cận thị là tật khúc xạ phổ biến ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển thế chất và trí tuệ của trẻ, chất lượng cuộc sống của mọi người. Việc nhận biết triệu chứng, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để duy trì thị lực, hạn chế tối thiểu các biến chứng do cận thị nặng gây ra đồng thời áp dụng các biện pháp chăm sóc mắt sáng khỏe, giúp phòng ngừa và bảo vệ mắt khỏi nguy cơ cận thị.