Xuất bản: 16/10/2023 | Cập nhật lần cuối: 23/10/2023
Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh động kinh - Ảnh: BookingCare
Động kinh là bệnh có thể điều trị được nếu áp dụng đúng phương pháp điều trị. Thông thường, bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh động kinh ảnh hưởng đến 50 triệu người trên khắp thế giới. Bệnh động kinh là một tình trạng thần kinh gây ra các cơn co giật tái phát vô cớ. Cơn động kinh là sự xuất hiện đột ngột của hoạt động điện bất thường trong não.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh động kinh khi bạn có từ hai cơn động kinh trở lên mà không có nguyên nhân xác định nào khác.
Cơn động kinh xảy ra nhất thời, thoáng qua.
Bệnh động kinh là hiện tượng diễn ra lâu dài, tái phát của cơn động kinh.
Các triệu chứng nhận biết bệnh động kinh
Các triệu chứng động kinh ở mỗi người là khác nhau. Một số người bị động kinh chỉ đơn giản là nhìn ngây người trong vài giây trong quá trình lên cơn động kinh, trong khi những người khác bị co giật. Có hai loại động kinh là Động kinh toàn thể và Động kinh cục bộ. Tùy vào loại động kinh mà người bệnh gặp phải sẽ có những triệu chứng bệnh động kinh khác nhau, trong đó một số triệu chứng như:
Có cơn co giật
Co cứng
Mắt trợn, tê liệt
Ngất
Nhầm lẫn trong thời gian ngắn
Nhìn chằm chằm
Không kiểm soát được giật cơ, chuyển động của cánh tay và chân
Mất ý thức
Cắn lưỡi
Nguyên nhân dẫn đến bệnh động kinh
Không xác định được nguyên nhân trong khoảng một nửa số người mắc bệnh động kinh. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau trong nửa số người còn lại:
Ảnh hưởng di truyền
Bệnh xơ cứng thái dương
Chấn thương sọ não hoặc chấn thương đầu khác
Nhiễm trùng não
Rối loạn miễn dịch
Thiếu oxy lên não
Khối u não hoặc nang
Rối loạn chuyển hóa
Tình trạng bất thường ở não và mạch máu não
Tổn thương trước khi sinh
Bất thường cấu trúc não khác…
Và phần lớn là không rõ nguyên nhân
Chẩn đoán bệnh động kinh như nào?
Các tiền sử và triệu chứng trước đó sẽ giúp bác sĩ quyết định xét nghiệm nào sẽ giúp chẩn đoán, tìm nguyên nhân của bệnh động kinh. Bác sĩ có thể sẽ khám thần kinh để kiểm tra khả năng vận động và chức năng tâm thần xác định.
Kiểm tra lâm sàng.
Xét nghiệm máu: xác định dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm, đánh giá chức năng gan, chức năng thận, kiểm tra mức đường huyết.
Xét nghiệm nước tiểu.
Điện não đồ (EEG): là xét nghiệm phổ biến nhất được sử dụng để chẩn đoán bệnh động kinh. Người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện một nhiệm vụ cụ thể trong quá trình kiểm tra. Trong một số trường hợp, bài kiểm tra được thực hiện trong khi ngủ.
Chẩn đoán hình ảnh có thể tiết lộ các khối u và các bất thường khác có thể gây co giật:
Chụp Cắt lớp vi tính (CT).
Chụp cộng hưởng từ (MRI).
Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET/CT).
Bệnh động kinh thường được chẩn đoán nếu bạn bị co giật nhưng không có nguyên nhân rõ ràng hoặc có thể ngược lại.
Sơ cứu người bệnh động kinh
Những điều bạn nên làm khi ở gần người bị co giật nhẹ:
Ở bên người đó cho đến khi cơn động kinh của họ kết thúc và họ tỉnh lại.
Khi họ tỉnh dậy, hãy hướng dẫn họ đến nơi an toàn và kể cho họ nghe chuyện gì đã xảy ra.
Hãy bình tĩnh và cố gắng giữ bình tĩnh cho người khác.
Đề nghị giúp đỡ người đó về nhà an toàn.
Nếu người đó đang bị co giật co cứng - co giật, gây ra hiện tượng run hoặc co giật không kiểm soát:
Đặt người đó xuống đất.
Nhẹ nhàng xoay họ nằm nghiêng để giúp họ thở.
Dọn dẹp mọi vật nguy hiểm gần họ.
Kê một thứ mềm mại dưới đầu của họ.
Nếu họ đeo kính, hãy tháo kính ra.
Nới lỏng bất kỳ quần áo nào, chẳng hạn như cà vạt, có thể ảnh hưởng đến hô hấp.
Tính thời gian cơn động kinh và gọi cấp cứu nếu nó kéo dài hơn 5 phút.
Không nên làm:
Không giữ người đó xuống hoặc cố gắng ngăn chặn chuyển động của họ
Không cho bất cứ thứ gì vào miệng họ
Không cho người đó ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì cho đến khi họ tỉnh lại
Phương pháp điều trị bệnh động kinh
Điều trị bệnh động kinh có thể giúp bạn ít bị co giật hơn hoặc ngừng hoàn toàn các cơn động kinh.
Kế hoạch điều trị sẽ dựa trên:
Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
Tình trạng sức khỏe
Đáp ứng với trị liệu tốt như thế nào
Một số lựa chọn điều trị bao gồm:
Thuốc chống động kinh: Thuốc chống động kinh có thể giúp giảm số cơn động kinh mà bạn mắc phải.
Kích thích dây thần kinh phế vị: Thiết bị này được đặt dưới da trên ngực của bạn và kích thích điện vào dây thần kinh chạy qua cổ để ngăn ngừa cơn động kinh.
Chế độ ăn ketogenic: chế độ ăn nhiều chất béo và ít carbohydrate.
Phẫu thuật não: Vùng não gây ra hoạt động co giật có thể được loại bỏ hoặc thay đổi
Kích thích não sâu: Cấy các điện cực vào não và một máy phát điện vào ngực. Máy phát điện sẽ gửi các xung điện đến não của bạn để giúp giảm cơn động kinh.
Ngoài ra bạn nên tạo thói quen sống lành mạnh như ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi đúng giờ, hạn chế đồ uống có cồn, không hút thuốc lá, quản lý căng thẳng,....
Sống chung với bệnh động kinh hiệu quả
Ngoài việc đến khám bác sĩ thường xuyên và tuân theo kế hoạch điều trị, dưới đây là một số điều bạn có thể làm để phòng ngừa cơn động kinh:
Ghi nhật ký về cơn động kinh để theo dõi tình trạng, tác nhân gây ra.
Đeo vòng tay cảnh báo y tế để mọi người biết bạn bị động kinh để mọi người hỗ trợ kịp thời
Dạy cho những người gần gũi nhất với bạn về cơn động kinh và những việc cần làm trong trường hợp khẩn cấp.
Tham gia vào các hoạt động tăng cường sức khỏe như ăn uống cân bằng dinh dưỡng và tập luyện thường xuyên
Nếu bạn nghi ngờ mình bị co giật, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Những người bị bệnh động kinh nên thăm khám với bác sĩ định kỳ để theo dõi và kiểm soát các cơn động kinh. Hoặc khi gặp bất kỳ triệu chứng mới nào hay tác dụng phụ của thuốc, hãy liên hệ bác sĩ.