Bệnh quai bị: Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 27/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 28/01/2024
Tổng hợp những thông tin cần biết về bệnh quai bị
Những thông tin cần biết về bệnh quai bị - Ảnh: BookingCare
Bệnh quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus quai bị, gây sưng đau tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm tuỵ, viêm tuyến sinh dục và một số cơ quan khác.

Quai bị là một trong những bệnh truyền nhiễm thường gặp hiện nay, xảy ra chủ yếu ở đối tượng trẻ em trong độ tuổi đi học và thanh thiếu niên. Bệnh có tỷ lệ mắc cao vào thời điểm cuối đông đầu xuân, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe người mắc bệnh. 

Cùng BookingCare đi tìm hiểu chi tiết về triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh quai bị qua bài viết dưới đây.

Bệnh quai bị là gì?

Bệnh quai bị hay gọi là viêm tuyến mang tai do virus quai bị, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan trực tiếp bằng đường hô hấp khi tiếp xúc gần với người mắc bệnh qua giọt bắn khi nói, ho hoặc hắt hơi. Bệnh hay gây thành dịch ở độ tuổi trẻ em, thanh thiếu niên với đặc điểm viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. 

Dù là bệnh lành tính, tự khỏi và gây miễn dịch bền vững, nhưng quai bị lại có khả năng gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Chẳng hạn như viêm màng não, viêm cơ tim, viêm tuỵ, viêm thận,... ảnh hưởng đến chất lượng sống của người mắc bệnh. 

Bởi lẽ đó, việc hiểu đúng, đủ về triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh là cần thiết giúp phát hiện bệnh sớm, thăm khám và điều trị bệnh kịp thời. 

Triệu chứng bệnh quai bị 

Triệu chứng bệnh quai bị thường xuất hiện trong 2 - 3 tuần đầu sau khi nhiễm virus và giảm dần trong những tuần tiếp theo. Các triệu chứng điển hình thường gặp nhất của bệnh bao gồm: 

  • Sốt cao đột ngột (38 - 39 độ C).
  • Đau đầu, nhức mỏi toàn thân, chán ăn.
  • Sau sốt từ 24 - 48 giờ, tuyến nước bọt đau nhức, sưng to (có thể sưng cả 2 bên hoặc 1 bên), gây biến dạng khuôn mặt, mặt phình ra, cổ bạnh, cằm xệ, khó nhai, khó nuốt. Đây cũng chính là triệu chứng điển hình của bệnh quai bị. 
  • Da vùng tuyến mang tai sưng căng, bóng, không đỏ, ấn không lõm, sờ nóng và đau. 
  • Buồn nôn, nôn.
  • Nước bọt ít, quánh. 

Ngoài những triệu chứng điển hình kể trên, ở một số trường hợp bệnh nhân khác còn có thể gặp những dấu hiệu sau: 

  • Đau hàm khi há miệng, nhai và nuốt. 
  • Sưng hạch góc hàm. 
  • Họng viêm đỏ. 
  • Có thể sưng bìu hoặc đau tinh hoàn. 
  • Có thể viêm tuyến dưới lưỡi, dưới hàm. 

Nguyên nhân gây bệnh quai bị 

Như đã đề cập trước đó, nguyên nhân gây bệnh quai bị là do virus quai bị (Mumps virus). Đây là virus nhóm ARN, thuộc họ Paramyxoviridae, có thể tồn tại lâu ở môi trường bên ngoài cơ thể, khoảng 30 - 60 ngày ở nhiệt độ thấp (15 - 20 độ C). 

Loại virus này có sức đề kháng kém, bị bất hoạt trong điều kiện khô nóng (trên 56 độ C trở lên), dưới ánh nắng mặt trời, khi sử dụng hoá chất khử khuẩn chứa Clo và hoá chất khử khuẩn trong bệnh viện. 

Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường hô hấp. Bệnh lây truyền cao nhất xảy ra từ 1-2 ngày trước và đến 5 ngày sau triệu chứng sưng tuyến mang tai. Vì vậy, cần hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh hoặc đeo khẩu trang khi giao tiếp để không lây bệnh cho người lành. 

 Lưu ý điều trị và chăm sóc người bệnh quai bị

Đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh quai bị, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phòng ngừa biến chứng của bệnh. Dưới đây là một số lưu ý trị bệnh cơ bản: 

  • Dùng thuốc hạ sốt, giảm đau để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. 
  • Bù nước và điện giải cho cơ thể để tránh tình trạng mất nước, rối loạn điện giải.
  • Thực hiện chườm mát để tuyến nước bọt bớt sưng, đau. 
  • Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ. 
  • Dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp: Nên ưu tiên chọn những loại thực phẩm mềm, dễ nhai, dễ nuốt như cháo, súp…Cần hạn chế ăn những dạng thực phẩm cứng, nhiều gia vị, cay nóng…
  • Cần lưu ý đi khám sớm khi xuất hiện những triệu chứng dưới đây có thể là dấu hiệu của biến chứng sau mắc quai bị:
    • Đau đầu tăng kèm nôn ói
    • Đau ngực
    • Đau bụng
    • Sưng đau vùng bìu ở nam giới
    • Sốt cao hơn 3 ngày
    • Các biểu hiện bất thường.
  • Người bệnh cần nghỉ ngơi thoải mái, tránh tiếp xúc với các đối tượng nguy cơ như trẻ em, thanh thiếu niên và đặc biệt là những trường hợp suy giảm miễn dịch, sức đề kháng kém.

Việc chăm sóc và điều trị kịp thời bệnh quai bị là vô cùng quan trọng, giúp hạn chế tối đa việc hình thành biến chứng nguy hiểm đến sức khoẻ. Để cẩn thận hơn, khi gặp các triệu chứng điển hình trên, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Phòng ngừa bệnh quai bị 

Quai bị là bệnh truyền nhiễm gây nên bởi virus quai bị Mumps virus. Để phòng bệnh cần lưu ý những điều sau: 

  • Vệ sinh sạch sẽ răng miệng, súc miệng bằng nước muối hoặc các dung dịch kháng khuẩn khác. 
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. 
  • Giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, vật dụng của trẻ. 
  • Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc khu vực đang có dịch quai bị. 
  • Tiêm đầy đủ vacxin sởi quai bị rubella hoặc vacxin quai bị.

Hy vọng bài viết trên đây của BookingCare đã giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh quai bị. Nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng liên quan đến bệnh cần chủ động đi thăm khám tại cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, hạn chế những biến chứng nguy hiểm xảy ra.