Ở tuổi 40, phụ nữ phải đối diện với nhiều thay đổi bên trong cơ thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tâm sinh lý bởi đây là giai đoạn chị em bước vào thời kỳ tiền mãn kinh. Nguy cơ mắc một số bệnh tim mạch cũng có thể gia tăng vào thời điểm này. Dưới đây là một số chia sẻ về các bệnh Tim mạch thường gặp ở phụ nữ tuổi 40 và làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh?
Nguy cơ bệnh tim mạch ở phụ nữ tuổi 40
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa thời kỳ mãn kinh với bệnh tim mạch, bao gồm các yếu tố nguy cơ như tăng LDL (cholesterol xấu) và giảm HDL (cholesterol tốt).
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, phụ nữ mãn kinh sớm (45 tuổi trở xuống) gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tim mạch hơn so với những người mãn kinh gần với độ tuổi bình thường (khoảng 50).
Nguyên nhân là do những thay đổi nội tiết tố xảy ra trong thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ tim mạch:
- Mức estrogen thấp sau khi mãn kinh gây ra một yếu tố nguy cơ cho phát triển bệnh tim mạch do tổn thương mạch máu nhỏ và tình trạng thuyên tắc mạch. Các động mạch của phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh ngày càng dày hơn và xơ cứng hơn, dẫn đến các tình trạng bệnh lý liên quan.
- Sau tuổi mãn kinh tần suất phụ nữ bị hội chứng chuyển hóa, được xác định khi có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: béo bụng, nồng độ triglyceride cao, nồng độ HDL (cholesterol tốt) thấp, huyết áp cao, đường huyết cao có thể gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
Bệnh tim mạch thường gặp ở phụ nữ tuổi 40
Ở độ tuổi sinh đẻ, hệ thống tim mạch của phụ nữ được bảo vệ bởi các hormon sinh dục nữ (estrogen), các hormon sinh dục này có tác dụng giảm hàm lượng cholesterol của cơ thể, bảo vệ thành mạch và tim.
Khi ngoài tuổi 40 lượng hormon sinh dục bị giảm đáng kể và bắt đầu giai đoạn tiến triển các bệnh tim mạch. Đó là các bệnh lý về tăng huyết áp, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp,…
Làm thế nào giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch?
Một lối sống lành mạnh là lời khuyên hữu ích trong việc ngăn ngừa bệnh tim ở phụ nữ. Áp dụng một số lưu ý sau đây vào cuộc sống hàng ngày của bạn có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tim trong và sau thời kỳ mãn kinh:
- Hạn chế hoặc bỏ hẳn thuốc lá: Những người hút thuốc có nguy cơ đau tim gấp đôi (hoặc cao hơn) so với những người không hút thuốc. Cùng với việc bỏ thuốc lá, nên tránh xa khói thuốc thụ động vì nó cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
- Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh: Bạn càng vượt quá cân nặng lý tưởng, béo phì, tim càng phải làm việc nhiều hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thừa cân góp phần vào sự khởi phát của bệnh tim.
- Tập thể dục: Các hoạt động thể dục, thể thao giúp cải thiện khả năng bơm máu của tim đi khắp cơ thể. Việc tập luyện cũng giúp giảm nhiều yếu tố rủi ro khác như nguy cơ huyết áp cao, cholesterol, giảm căng thẳng,...
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Thực hiện chế độ ăn ít chất béo bão hòa, ít chất béo chuyển hóa (chất béo hydro hóa một phần) và nhiều chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, trái cây, rau, cá,...
- Tuân thủ việc điều trị và thăm khám sức khỏe định kỳ: Kiểm soát tốt yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch như: huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh tiểu đường.