Bệnh viêm đa khớp là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị hiệu quả
Bệnh viêm đa khớp là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị hiệu quả
Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị của bệnh viêm đa khớp
Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị của bệnh viêm đa khớp - Ảnh: BookingCare

Bệnh viêm đa khớp là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị hiệu quả

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 12/07/2023 | Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Bài viết cung cấp những thông tin cần thiết về bênh viêm đa khớp - bệnh lý Cơ xương khớp thường gặp hiện nay: triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị, khám ở đâu tốt, bác sĩ giỏi...

Trong quá trình hỗ trợ bệnh nhân đặt lịch khám với bác sĩ Cơ Xương Khớp, BookingCare nhận thấy Viêm đa khớp là bệnh lý khá phổ biến. 

Viêm đa khớp được đề cập ở đây là tên gọi của bệnh là viêm đa khớp dạng thấp hay còn được gọi là viêm khớp dạng thấp. Chính vì thế, trong nội dung toàn bài viết này chúng tôi xin cung cấp thông tin về bệnh viêm đa khớp dạng thấp. 

Bài viết được cố vấn và kiểm duyệt chuyên môn bởi Bác sĩ Cơ xương khớp Nguyễn Dương Nhật Thi.

Bệnh viêm đa khớp dạng thấp là gì?

Viêm đa khớp dạng thấp bệnh lý tự miễn, mạn tính và có những biểu hiện khá phức tạp. Các khớp bị viêm ở mức độ nặng sẽ dần bị biến dạng và mất khả năng hoạt động.

Viêm đa khớp dạng thấp được đặc trưng bởi viêm nhiều khớp đối xứng, thường kèm theo dấu hiệu cứng khớp buổi sáng và sự có mặt của yếu tố dạng thấp trong huyết thanh. Viêm đa khớp dạng thấp chủ yếu xảy ra ở những khớp nhỏ, khủy, vai, đầu gối, bàn tay, cổ tay,... Bệnh dễ dẫn tới các bệnh lý khác như viêm khớp cổ tay, viêm khớp cổ chân,...

Nhiều người nghĩ rằng bệnh viêm đa khớp dạng thấp chỉ xuất hiện ở người cao tuổi, nhưng thực tế những người từ 30 tuổi trở lên cũng đã có những dấu hiệu của bệnh. Bệnh nhân nếu không được điều trị sớm và có phương pháp phù hợp sẽ để lại những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe hay làm mất đi khả năng lao động.

Viêm đa khớp dạng thấp
Viêm đa khớp gây sưng đau ở các khớp - Ảnh: BookingCare

"Về cơ bản, viêm khớp dạng thấp có thể coi là không chữa khỏi hoàn toàn được mà chỉ làm giảm các triệu chứng và sự tiến triển của bệnh. Hậu quả lâu dài của bệnh là tổn thương các khớp nặng nề, ảnh hưởng đến chức năng khớp và vấn đề thẩm mỹ, từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân". Theo PGS.TS.BS Trần Trung Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn.

Triệu chứng viêm đa khớp dạng thấp

Bệnh diễn biến mạn tính với các đợt cấp tính với những triệu chứng phổ biến như sau:

Biểu hiện tại khớp

  • Vị trí tổn thương: Tổn thương thường gặp nhất là các khớp ngón gần bàn ngón, cổ tay, khuỷu gối, cổ chân, bàn ngón chân hai bên.
  • Tính chất: Trong các đợt tiến triển các khớp sưng đau, nóng, ít khi đỏ. Đau kiểu viêm. Các khớp ngón gần thường có dạng hình thoi. Các khớp thường bị cứng vào buổi sáng. Trong các đợt tiến triển, dấu hiệu cứng khớp buổi sáng thường kéo dài trên 1 giờ. Thời gian dài hay ngắn phụ thuộc vào tình trạng viêm. 
  • Biến dạng khớp: Nếu bệnh nhân không được điều trị sớm, đúng cách bệnh nhân sẽ có nhiều đợt tiến triển liên tiếp hoặc sau một thời gian diễn biến mạn tính các khớp nhanh chóng bị biến dạng. Giai đoạn muộn thường tổn thương các khớp vai, háng. Có thể tổn thương cột sống cổ, gây những biến chứng về thần kinh (có thể liệt tứ chi).

Biểu hiện toàn thân và ngoài khớp

  • Hạt dưới da: Có thể có một hoặc nhiều hạt. Vị trí hạt xuất hiện trên xương trụ gần khuỷu, trên xương chày gần khớp gối quanh khớp nhỏ ở bàn tay. 
  • Viêm mao mạch: Biểu hiện dưới dạng hồng ban ở gan chân tay, triệu chứng này báo hiệu tiên lượng nặng. 
  • Gân, cơ, dây chằng và bao khớp: Các cơ cạnh khớp teo do giảm vận động. Có thể gặp triệu chứng viêm gân, đôi khi có đứt gân. Các dây chằng có thể co kéo hoặc lỏng lẻo. Thường gặp bệnh kén khoeo chân, kén này có thể thoát xuống các cơ cẳng chân. 
  • Biểu hiện nội tạng như tràn dịch màng phổi, màng tim... Các triệu chứng này thường hiếm gặp, chỉ xuất hiện trong các đợt tiến triển.
  • Triệu chứng khác: Thiếu máu do viêm, rối loạn thần kinh thực vật, hội chứng đường hầm cổ tay, cổ chân, viêm mống mắt... 

Nguyên nhân gây viêm đa khớp dạng thấp 

  • Tác nhân gây bệnh: Có thể là do virut, vi khuẩn, dị nguyên nhưng chưa được xác định chắc chắn.
  • Yếu tố cơ địa: Bệnh có liên quan rõ rệt đến giới tính (70 - 80% bệnh nhân là nữ) và tuổi (60 - 70% gặp ở người trên 30 tuổi).
  • Yếu tố di truyền: Viêm khớp dạng thấp có tính gia đình.
  • Yếu tố thuận lợi: cơ thể suy yếu, sinh đẻ, sau sang chấn, nhiễm lạnh kéo dài…
  • Các yếu tố thuận lợi khác: Môi trường sống ẩm thấp, cơ thể suy yếu mệt mỏi, nhiễm lạnh, phẫu thuật.

Người mắc viêm đa khớp không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn tới những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, giảm chất lượng cuộc sống:

  • Giảm năng lao động
  • Nguy cơ tàn phế
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch 
  • Giảm khả năng sinh con ở nữ giới 

Xét nghiệm chẩn đoán viêm đa khớp

Để chẩn đoán và đánh giá tình trạng tổn thương ở khớp, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng như: chụp Xquang, xét nghiệm, chụp MRI, CT Scan...

  • Xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc dịch khớp: Xác định các loại yếu tố viêm khớp
  • Chụp X-quang: tìm ra những tổn thương trong xương
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): giúp hình dung mô mềm như gân, sụn, dây chằng cũng như xương
  • Nội soi khớp: Trong một số trường hợp các bác sĩ có thể xem xét thiệt hại trong ổ khớp.
Viêm đa khớp
Chụp X-quang là phương pháp phổ biến được áp dụng để chẩn đoan viêm đa khớp - Ảnh: ehow.co.uk

Phương pháp điều trị viêm đa khớp

Bệnh viêm đa khớp dạng thấp là một bệnh của hệ thống tự miễn, chính vì vậy nên việc điều trị dứt điểm thường rất khó khăn. Điều trị thường kéo dài từ 1 - 2 tháng đến vài năm và có khi là suốt đời.

Nguyên tắc điều trị viêm đa khớp là điều trị toàn diện, tích cực, dài hạn và theo dõi thường xuyên. Hiện điều trị viêm đa khớp dạng thấp thường kết hợp nhiều phương pháp: 

  • Điều trị nội khoa: chủ yếu là dùng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm...
  • Điều trị ngoại khoa: Với những trường hợp nặng (không đi lại được, vận động còn ít hoặc mất hết) ngoài dùng thuốc bác sĩ có thể kết hợp với phẫu thuật (phẫu thuật chuyển gân, hàn khớp, thay khớp, nhân tạo, nội soi) khi có các khớp bị biến dạng nặng hay việc dùng thuốc không mang lại hiệu quả cao.

Các phương pháp khác: 

  • Phục hồi chức năng: thực hiện các bài tập để giảm cứng và đau các khớp, chống dính khớp. 
  • Y học cổ truyền: trong các đợt tiến triển của bệnh việc dùng thuốc là cần thiết, song ở giai đoạn bệnh thuyên giảm nước suối khoáng có thể có tác dụng phục hồi chức năng khớp. Châm cứu cũng là cách để làm giảm cơn đau của bệnh. 

Việc điều trị bệnh như thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào bác sĩ, người bệnh không được tự ý mua thuốc về điều trị. Bởi một số thuốc điều trị xương khớp có ảnh hưởng xấu tới dạ dày.

Chăm sóc viêm đa khớp hiệu quả tại nhà

Như đã đề cập bên trên, viêm đa khớp là bệnh rất khó để chữa khỏi, vì đây là bệnh do các hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công và hủy hoại màng hoạt dịch khớp gây nên một quá trình kéo dài không chấm dứt, đi từ khớp này qua khớp khác.

Vì vậy để phòng bệnh cũng như hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả, người bệnh cần phải chú ý:

  • Đảm bảo môi trường sống khô ráo, thoáng đãng, sạch sẽ vì môi trường sống ẩm thấp, thời tiết mưa lạnh là nguyên nhân ảnh hưởng đến các khớp, lâu dần sẽ dẫn tới bệnh.
  • Chế độ ăn uống hợp lý: xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm chứa nhiều canxi, uống nhiều nước để hỗ trợ cho hệ khớp trong cơ thể không bị sớm suy thoái.
  • Giữ cân nặng ở mức hợp lý giúp giảm đi trọng lượng chèn ép lên các khớp xương từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp.
  • Không nên đứng hoặc ngồi quá lâu, luôn giữ tư thế thẳng, thường xuyên xoa bóp ở bàn tay, ngón tay và các khớp. Để phòng tránh bệnh tái phát, người bệnh cần nằm trên giường phẳng, chắc, ngủ đủ giấc.
  • Hạn chế mang vác nặng, làm việc sai tư thế: những người làm việc văn phòng, thợ may, người thường xuyên làm các công việc lao động nặng nên chú ý không làm việc quá sức, dành thời gian nghỉ ngơi, vận động sau 1-2h làm việc để giúp hệ xương khớp được thư giãn và tránh tình trạng co cứng cơ, làm giảm thiểu khả năng mắc bệnh.
  • Vận động nhẹ nhàng hàng ngày: đi bộ, tập luyện thể thao... là cách để phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả.
  • Giữ tâm lý ổn định, hạn chế căng thẳng, stress để không ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển hormon, từ đó phòng bệnh hiệu quả.
  • Đi khám sức khỏe định kỳ: những đối tượng như người già, những người có tiền sử về bệnh xương khớp, những phụ nữ từ độ tuổi 30-50 nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa nhằm chủ động phát hiện bệnh sớm, ngay từ giai đoạn đầu và điều trị bệnh hiệu quả.

Sống chung với bệnh viêm đa khớp

Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới hệ thống xương khớp. Cùng với thời gian, các khớp xương bị thoái hóa trong khi lượng chất cần thiết để tái tạo sụn và xương như canxi và collagen lại không được cơ thể sản sinh một cách đầy đủ khiến cho bệnh lý xương khớp khó tránh khỏi.

Chế độ ăn của người viêm đa khớp
Chế độ ăn của người viêm đa khớp là một trong những yếu tố giúp cải thiện tình trạng bệnh - Ảnh: BookingCare

Việc bổ sung từ bên ngoài một lượng hợp lý các chất cần thiết sẽ góp phần giúp cho hệ thống xương khớp được ổn định và làm chậm lại quá trình lão hóa. Cụ thể:

  • Các loại hoa quả vitamin C: cam, xoài, dâu tây, đào… là những loại quả có chứa nhiều vitamin C. Một số thực phẩm khác cũng có tác dụng chống viêm như: tảo bẹ, nghệ, nấm và trà xanh.
  • Các loại cá: như cá hồi, cá ngừ, cá mòi… rất giàu a-xit béo omega3 là chất quan trọng để hạn chế viêm đa khớp dạng thấp.
  • Rau củ: được xem như là thành phần chính trong chế độ ăn của người bệnh như: cải bắp, cải xanh, tỏi, gừng, các loại đậu xanh, rau bina, tỏi tây.
  • Ngũ cốc: gạo lứt, lúa mỳ, lúa mạch đen... Các lương thực này chứa nhiều carbohydrate phức hợp, mang lại nguồn năng lượng tuyệt vời cho người bệnh.
  • Thảo dược và các loại gia vị: giúp chống lại những phản ứng có hại đối với cơ thể như húng quế, húng tây, ớt, quế, bạc hà, mùi tây và cây đinh hương. Các nguồn thức ăn giàu magiê cũng được khuyên nên ăn như: chuối, quả mơ, đậu, rau có lá.

Ngoài ra, người bệnh nên uống nhiều nước, thịt lợn, thịt gà, đậu nành… cũng là một chất có khả năng ngăn chặn tiến trình sản sinh ra các chất chống lại khả năng gây viêm.

Bên cạnh những thực phẩm tốt, bệnh nhân mắc viêm đa khớp cần kiêng sử dụng những loại thực phẩm như:

  • Thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn: vì chúng có chứa nhiều chất béo bão hòa làm kích thích phản ứng viêm khiến người bệnh có cảm giác đau hơn.
  • Thực phẩm có nhiều muối, nhiều đường: bánh kẹo, nước ngọt, thịt muối, dưa muối… nên hạn chế ăn vì những loại thực phẩm này khiến tình trạng bệnh trở nên xấu hơn.
  • Rượu, bia, cà phê, thuốc lá, socola: Những thực phẩm này làm cản trở hấp thụ canxi và làm thất thoát canxi ra ngoài cơ thể khiến tình trạng bệnh trở nên nguy hiểm hơn.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng đối với bệnh xương khớp là hạn chế tối đa tình trạng tăng cân. Cân nặng tăng có thể gây gia tăng áp lực cho phần xương khớp đang bị tổn thương từ đó khiến căn bệnh phát triển nặng hơn.

Khi thấy xuất hiện những triệu chứng của bệnh viêm đa khớp dạng thấp hay bất cứ triệu chứng đau bất thường nào ở khớp, người bệnh hãy chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp.

Với những trường hợp bệnh nhẹ, mới xuất hiện trong giai đoạn đầu người bệnh có thể đến khám chữa tại các bệnh viện tuyến Huyện hoặc Tỉnh. Đối với các trường hợp nặng hơn, điều trị trong thời gian dài mà không mang lại hiệu quả thì nên tìm đến các bệnh viện tuyến Trung ương để thăm khám.

Hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho bệnh nhân về bệnh lý viêm đa khớp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare