Viêm khớp cổ chân: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp cổ chân: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp cổ chân: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp cổ chân: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Viêm khớp cổ chân: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 24/07/2023 | Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Viêm khớp cổ chân là bệnh lý Cơ xương khớp phổ biến gây ảnh hưởng lớn tới chức năng hoạt động của cơ thể, khiến khả năng hoạt động bị hạn chế. Khi nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên của bệnh, bạn nên tiến hành thăm khám để được tư vấn, điều trị kịp thời giảm đau nhanh và trị bệnh triệt để.

Viêm khớp cổ chân là bệnh lý Cơ xương khớp thường gặp, nhất là ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người trẻ tuổi cũng mắc phải căn bệnh này.

Bệnh viêm khớp cổ chân thường kèm theo các cơn đau, sưng tấy và viêm nhiễm vùng cổ chân, làm giảm khả năng vận động và ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người bệnh.

Cùng BookingCare tìm hiểu chi tiết về bệnh viêm khớp cổ chân để biết nguyên nhân, triệu chứng cũng như tìm ra được những phương pháp điều trị hiệu quả.

Viêm khớp cổ chân là gì?

Viêm khớp cổ chân, còn được gọi là viêm khớp mắt cá chân là tình trạng phần sụn đệm giữa hai đầu xương bị hư hỏng, tổn thương do giảm sút lượng dịch nhầy bôi trơn, từ đó gây ra triệu chứng đau khớp mắt cá chân và cứng khớp.

Viêm khớp cổ chân thường phổ biến ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân như thừa cân béo phì, chấn thương, ít vận động mà số lượng người trẻ mắc bệnh này cũng đang dần tăng lên.

Bệnh không thể tự lành mà cần can thiệp bằng các biện pháp y tế. Đặc biệt khi bệnh chuyển thành mãn tính sẽ rất khó để chữa trị và nguy cơ gặp phải biến chứng là rất cao.

Bởi vậy, người bệnh cần tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và thăm khám, điều trị với bác sĩ Cơ xương khớp càng sớm càng tốt để phòng tránh nguy hiểm.

Triệu chứng của viêm khớp cổ chân

  • Vùng cổ chân bị sưng tấy, chạm vào có cảm giác nóng, ấm, thường cứng khớp vào buổi sáng khi vừa thức dậy.
  • Cảm giác đau nhói ở cổ chân xuất hiện ở mỗi bước đi, đặc biệt rõ ràng khi người bệnh leo cầu thang, chơi thể thao, đi lại hoặc chạy nhảy nhiều.
  • Thường gây ra sự khó chịu và tức ngón chân, đặc biệt khi bạn di chuyển hoặc đứng lâu.
  • Âm thanh lạ phát ra khi bệnh nhân cố gắng xoay hoặc di chuyển khớp cổ chân.
  • Tình trạng sưng đau kéo dài còn lan sang cả các bộ phận khác như mắt cá chân.
  • Viêm khớp cổ chân có dịch có thể dẫn đến cứng khớp, hạn chế tầm vận động của khớp cổ chân hoặc bất động toàn khớp.
  • Sốt, cơ thể mệt mỏi và khó chịu, không muốn vận động. Theo thời gian, thói quen ít hoạt động thể chất khiến lưu lượng hồng cầu đến khớp cổ chân giảm đi đáng kể. Khớp yếu dần dễ dẫn đến thoái hóa khớp.
Viêm khớp cổ chân khiến vùng cổ chân bị sưng tấy, chạm vào có cảm giác nóng, ấm
Viêm khớp cổ chân khiến vùng cổ chân bị sưng tấy, chạm vào có cảm giác nóng, ấm - Ảnh: yourfootdocs.com

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp cổ chân

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp cổ chân. Các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:

Chấn thương

Những chấn thương khi lao động, chơi thể thao hoặc chạy bộ như: bong gân, trật khớp, gãy xương… có thể gây viêm, sưng khớp hoặc viêm khớp cổ chân.

Lão hóa

Theo quy luật tự nhiên, xương khớp dần lão hóa dẫn đến sụn khớp dần bị thoái hóa, đặc biệt là khớp cổ chân. Lúc này, các xương cọ sát vào nhau gây đau nhức, các cử động thông thường cũng trở nên khó khăn.

Thừa cân, béo phì

Tình trạng thừa cân, béo phì khiến cổ chân luôn phải gánh vác và chịu đựng một sức ép rất lớn. Lâu ngày có thể gây suy yếu, tổn thương và dẫn đến viêm khớp ở cổ tay hoặc cổ chân.

Bệnh lý

Người mắc các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa hoặc các bệnh về xương khớp khác cũng có nguy cơ cao mắc viêm khớp cổ chân.

Trên thực tế, những người bị gout, viêm đa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm gân, loãng xương, thoái hóa cột sống và xương khớp, viêm gân,… đa số đều bị viêm khớp cổ chân.

Thường xuyên stress

Những người thường xuyên gặp áp lực trong công việc, cuộc sống có thể gây tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch. Khi đó, sức đề kháng sẽ suy giảm khiến cơ thể bị giảm dần hoặc không còn khả năng chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh.

Lối sống, thói quen sinh hoạt không lành mạnh

Nhiều người trẻ hiện nay có xu hướng lười vận động trong khi lại tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ.  

Cơ thể con người cần vận động, tập thể dục thường xuyên để kích thích sản xuất chất lỏng bôi trơn trong khớp.

Chính vì vậy, nếu chỉ nằm hay ngồi quá lâu ở một chỗ mà không di chuyển, xương khớp cũng mất tính linh hoạt và dần trở nên khô cứng. Điều này làm tăng nguy cơ viêm khớp cổ chân và cũng ảnh hưởng đến mật độ xương.

Xét nghiệm chẩn đoán viêm khớp cổ chân

Muốn điều trị viêm đau khớp cổ chân hiệu quả, việc đầu tiên người bệnh phải tiến hành thăm khám, chẩn đoán. Chỉ khi có kết quả cụ thể về tình trạng bệnh, các bác sĩ mới đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp.

Tiền sử y tế

Các bác sĩ hỏi bệnh nhân về tiền sử gia đình của họ, chấn thương mắt cá chân trong quá khứ, triệu chứng đau và sưng như thế nào, điều gì làm cho cơn đau giảm đi hoặc trầm trọng hơn.

Thông tin và mô tả của bệnh nhân càng chi tiết, các bác sĩ càng dễ dàng xác định nguyên nhân chính xác gây nên bệnh.

Chẩn đoán lâm sàng

Các bác sĩ sẽ quan sát các dấu hiệu viêm, sưng ở cổ chân của người bệnh. Để đánh giá khả năng cử động và dáng đi của bệnh nhân, bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh đi bộ hoặc duỗi, xoay cổ chân.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Hình ảnh chụp chiếu và kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ có thêm thông tin để xác định cụ thể mức độ viêm khớp và loại trừ các nguyên nhân có thể gây viêm khớp cổ chân.

  • Chụp X-quang: Phim X-quang cho thấy rõ tình trạng sụn khớp cổ chân và khoảng trống giữa các đầu xương. Đồng thời, nhìn vào phim chụp X-quang, bác sĩ cũng có thể nhận thấy sự hiện diện của gai xương xung quanh bề mặt xương mắt cá.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh MRI cho thấy rõ hơn tình trạng của các mô mềm (dây chằng, gân, cơ) và xương cổ chân. Hình ảnh chi tiết này rất hữu ích nếu các bác sĩ nghi ngờ rằng các triệu chứng có thể do nguyên nhân khác ngoài viêm khớp mắt cá chân gây ra, chẳng hạn như tổn thương gân hoặc dây chằng ở mắt cá chân.
  • Xét nghiệm: Xét nghiệm máu và xét nghiệm dịch khớp có thể giúp bác sĩ loại trừ các nguyên nhân gây bệnh khác như viêm khớp dạng thấp và bệnh gout

Phương pháp điều trị viêm khớp cổ chân

Điều trị bằng thuốc

Tùy vào mức độ và nguyên nhân gây bệnh của từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp. Với những trường hợp viêm đau khớp không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc sau để điều trị các triệu chứng:

  • Thuốc kháng sinh giảm đau, kháng viêm: Diclofenac, korulac, ibuprofen, paracetamol, Aspirin, Naproxen,… Trường hợp nặng có thể bác sĩ sẽ chỉ định tiêm Corticoid vào khớp.
  • Thuốc làm chậm tổn thương khớp: Diacerein, Piascledine, Glucosamin sulfat,…
  • Thuốc giãn cơ: Giúp ngăn ngừa tình trạng co cứng cơ, giảm đau cho người bệnh.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng những loại thuốc trên sẽ gây nhờn thuốc, đồng thời có nguy cơ gặp phải các tác dụng của thuốc như đau dạ dày, tăng men gan, xơ vữa động mạch, loãng xương… 

Chính vì vậy, khi sử dụng các loại thuốc kể trên đề điều trị, người bệnh cần chú ý tuân thủ đúng phác đồ của bác sĩ chuyên khoa. 

Vật lý trị liệu

Ngoài điều trị bằng thuốc, bệnh nhân mắc viêm khớp cổ chân cũng được khuyến khích điều trị bằng vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh cho các mô mềm (gân, dây chằng, cơ) xung quanh khớp mắt cá.

Điều này giúp giảm áp lực lên mắt cá chân và tăng phạm vi chuyển động của khớp.

  • Nhiệt trị liệu: Sử dụng nhiệt nóng có tác dụng nâng cao khả năng tuần hoàn cho máu, giảm đau, chống viêm, đồng thời nuôi dưỡng và phục hồi nhanh tổn thương xương khớp. Tuy nhiên, nếu người bệnh đang bị viêm khớp cổ chân trong tình trạng sưng, viêm cấp thì cần tránh sử dụng nhiệt nóng.
  • Tắm hoặc ngâm mình trong nước ấm: Phương pháp này giúp người bệnh lưu thông khí huyết, giảm đau nhức cổ chân, cải thiện khả năng vận động. 
  • Sóng ngắn trị liệu: Sử dụng các bức xạ điện từ có sóng ngắn có tác dụng giảm đau, chống viêm, giãn mạch, tăng cường lưu thông máu ở vùng khớp cổ chân.

Bên cạnh đó, xoa bóp, châm cứu và các liệu pháp vật lý khác thường được sử dụng để điều trị viêm khớp cổ chân. Tùy vào tình trạng sức khỏe cụ thể của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Phẫu thuật

Phẫu thuật lựa chọn cuối cùng mà bác sĩ và bệnh nhân hướng tới bởi bởi đây là phương án điều trị tốn kém khá nhiều chi phí và tiềm ẩn những rủi ro sức khỏe về sau. 

Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật khi có dấu hiệu hư hỏng, bào mòn, thoái hóa khớp…, bệnh nhân đã điều trị bằng thuốc trong một thời gian dài nhưng vẫn cử động, di chuyển khó khăn. Phẫu thuật thường bao gồm các loại hình sau:

  • Phẫu thuật nội soi, sửa chữa, tái tạo bề mặt sụn khớp và làm lành các khớp bị tổn thương.
  • Phẫu thuật đặt thiết bị hỗ trợ vào bên trong khớp xương.
  • Phẫu thuật thay thế khớp cổ chân bằng khớp nhân tạo. Có thể phẫu thuật toàn phần hoặc bán phần, tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Chăm sóc hiệu quả viêm khớp cổ chân tại nhà

Để cải thiện tình trạng viêm khớp cổ chân, bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị trên, bệnh nhân cũng cần chú ý chăm sóc sức khỏe bản thân tại nhà:

  • Chườm đá lạnh để xoa dịu các triệu chứng sưng viêm. Bạn nên bọc đá lạnh vào khăn mềm và chườm lên phần sưng trong khoảng 15 – 20 phút để có hiệu quả.
  • Quấn vùng mắt cá chân bị thương bằng băng thun y tế giúp ổn định khớp và giảm tình trạng sưng đau. Lưu ý, khi quấn không nên quấn quá chặt, khiến cho máu huyết không lưu thông.
  • Kê chân cao hơn so với tim khi nằm nghỉ ngơi để giúp tăng cường lưu thông máu, giảm ứ tắc máu tại vùng khớp. 
  • Khi tình trạng đau nhức trở nên nặng hơn thì tuyệt đối không nên di chuyển. Nếu bắt buộc phải di chuyển thì nên dùng nạng hoặc nhờ người dìu đỡ.
  • Trường hợp, khớp cổ chân bị cứng thì bệnh nhân nên tập co, duỗi khớp cổ chân.
Viêm khớp cổ chân khiến vùng cổ chân bị sưng tấy, chạm vào có cảm giác nóng, ấm
Viêm khớp cổ chân khiến vùng cổ chân bị sưng tấy, chạm vào có cảm giác nóng, ấm - Ảnh: yourfootdocs.com

Quấn vùng mắt cá chân bị thương bằng băng thun y tế giúp ổn định khớp và giảm tình trạng sưng đau - Ảnh: americanfoot.com

Sống chung với viêm khớp cổ chân

Sống chung hiệu quả với bệnh viêm khớp cổ chân đòi hỏi sự điều chỉnh lối sống trong ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Dưới đây là một số gợi ý để bạn có thể sống tốt hơn và giảm tác động của bệnh viêm khớp cổ chân:

  • Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D để giúp vùng xương khớp thêm khỏe mạnh như rau xanh, trái cây, các loại cá giàu omega 3 có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, giảm sưng đau và phòng ngừa oxy hóa như cá mòi, cá thu, cá trích,...
  • Kiêng ăn các thực phẩm có khả năng làm tăng nguy cơ viêm nặng hơn như thịt đỏ, nội tạng động vật, thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay, rượu, bia, đồ uống có gas. 
  • Luyện tập thể dục thường xuyên bằng các bài tập nhẹ nhàng giúp cơ xương khớp khỏe mạnh và dẻo dai hơn. Từ đó giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị viêm đau khớp cổ chân.
  • Người bệnh cần nghỉ ngơi điều độ, tránh lao động quá sức đè ép gánh nặng lên khớp gây tổn thương nghiêm trọng hơn.

Hy vọng những thông tin về bệnh viêm khớp cổ chân mà BookingCare chia sẻ có thể giúp bạn đọc hiểu thêm về căn bệnh này. 

Nếu nhận thấy bản thân cũng đang có dấu hiệu của viêm khớp cổ chân, bạn nên lựa chọn bệnh viện, phòng khám Cơ xương khớp uy tín để điều trị sớm, làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare