Viêm khớp nhiễm khuẩn là gì, triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm khớp nhiễm khuẩn là gì, triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm khớp nhiễm khuẩn
Viêm khớp nhiễm khuẩn: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và chế độ sinh hoạt - Ảnh: BookingCare/ Canva

Viêm khớp nhiễm khuẩn là gì, triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 14/07/2023 | Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Viêm khớp nhiễm khuẩn là bệnh lý có nguy cơ gây tổn thương và hủy hoại khớp. Bệnh gây ra nhiều khó khăn cho bệnh nhân khi hoạt động và di chuyển khớp, Tham khảo chi tiết các thông tin về viêm khớp nhiễm khuẩn ngay trong bài viết dưới đây.

Trẻ em và người lớn tuổi có nhiều khả năng phát triển bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn. Nếu được điều trị trong vòng một tuần sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện, hầu hết mọi người phục hồi hoàn toàn. Người thân nên chú ý các biểu hiện để kịp thời đưa bệnh nhân đi khám và điều trị với các bác sĩ Cơ Xương Khớp cũng như có chế độ sinh hoạt phù hợp để tránh những hậu quả không đáng có.

Bài viết được cố vấn và kiểm duyệt chuyên môn bởi Bác sĩ Cơ xương khớp Nguyễn Dương Nhật Thi.

Viêm khớp nhiễm khuẩn hoặc còn gọi là viêm khớp mủ là hậu quả của vi khuẩn sinh sống, phát triển tại khớp. Có thể phân lập được vi khuẩn vi khuẩn tại khớp và việc xác định được loại vi khuẩn gây bệnh mang lại sự thành công trong điều trị. Khớp sưng đau, mất chức năng vận động và sốt là các yếu tố gợi ý chẩn đoán.

Triệu chứng viêm khớp nhiễm khuẩn

Viêm khớp nhiễm khuẩn xảy ra do sự tấn công của vi khuẩn vào các ổ khớp gây nên tình trạng nhiễm trùng. Người bệnh sau khi mắc bệnh có thể gặp phải tình trạng đau nhức và sưng tấy các khớp rất khó chịu.

Triệu chứng tại khớp

Thường viêm một khớp duy nhất, sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội, hạn chế vận động.

Nếu được điều trị trong vòng 1-3 ngày đầu tiến triển tốt. Nếu không điều trị kịp thời khớp sẽ bị hủy hoại, dính khớp, biến dạng khớp, biến chứng viêm xương tủy, ảnh hưởng chức năng vận động sau này.

Viêm khớp nhiễm khuẩn
Triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau ở khớp gối - Ảnh: Pinterest 

Triệu chứng toàn thân

Có hội chứng nhiễm trùng (sốt cao, rét run), thường xảy ra ở các đối tượng có suy giảm miễn dịch.

Ở trẻ em, các triệu chứng bổ sung có thể bao gồm ăn không ngon miệng, nhịp tim nhanh, khó chịu.

Tùy vào đối tượng bệnh nhân mà vị trí khớp bị ảnh hưởng sẽ khác nhau. Cụ thể:

  • Ở trẻ em: Viêm khớp nhiễm khuẩn thường xảy ra ở khớp hông.
  • Ở người lớn, nhiễm khuẩn tập trung ở các khớp tay, chân, đặc biệt là khớp đầu gối.
  • Ngoài ra, một vài trường hợp hiếm gặp khác có thể gặp phải ở khớp lưng, đầu và cổ. 

Nguyên nhân viêm khớp nhiễm khuẩn

Viêm khớp nhiễm trùng thường do vi khuẩn lây lan qua dòng máu từ một vùng khác của cơ thể gây ra. Nó cũng có thể được gây ra bởi nhiễm trùng do vi khuẩn từ vết thương hở hoặc vết mổ do thủ thuật phẫu thuật, chẳng hạn như phẫu thuật đầu gối.

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến của viêm khớp nhiễm khuẩn:

  • Nhiễm khuẩn do virus, vi khuẩn và nấm tấn công: Đây là nguyên nhân phổ biến. Các virus, vi khuẩn hoặc nấm khi tấn công vào cơ thể có thể khiến các tế bào khớp bị tổn thương dẫn tới viêm nhiễm.
  • Nhiễm trùng tại vị trí khác trên cơ thể: Khi cơ thể bị nhiễm trùng tại một số vị trí khác trên cơ thể có thể khiến vùng viêm nhiễm lan rộng, gây nhiễm trùng tại các khớp. Tình trạng này thường xảy ra khi người bệnh bị nhiễm khuẩn hô hấp hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm trùng máu. Đây là trường hợp đặc biết của viêm khớp nhiễm khuẩn, khi đó, bệnh lý còn được gọi với cái tên khác là viêm khớp phản ứng.
  • Viêm khớp nhiễm trùng do màng dịch khớp suy yếu: Khi cơ chế tự bảo vệ của màng dịch khớp bị suy yếu có thể khiến vi khuẩn dễ dàng tấn công màng hoạt dịch khớp và phá hủy sụn khớp.
  • Người bệnh bị mắc một số bệnh lý về xương khớp như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thốngbệnh gout có nguy cơ cao bị viêm khớp nhiễm khuẩn.
  • Những người có hệ miễn dịch yếu có khả năng bị viêm khớp nhiễm khuẩn cao hơn do virus, vi khuẩn dễ dàng tấn công vào cơ thể nhiều hơn.
  • Khi gặp phải các chấn thương gần các khớp, người bệnh cũng có nguy cơ bị viêm khớp nhiễm khuẩn.
  • Đối với người có làn da mỏng, khu vực khớp xương rất dễ bị tổn thương, khiến vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập và tấn công gây nhiễm trùng.

Xét nghiệm chẩn đoán

Khi bác sĩ nhận thấy người bệnh có các triệu chứng lâm sàng của viêm khớp nhiễm khuẩn, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm sau đây:

  • Xét nghiệm máu để chẩn đoán chính xác dấu hiệu nhiễm trùng
  • Xét nghiệm dịch khớp để xác định tổn thương do nhiễm khuẩn. Thủ thuật này sử dụng kim chọc vào trong khớp để hút dịch khớp. Thông thường thì dịch khớp sẽ vô trùng và có chức năng giống như một chất bôi trơn.
  • Tiến hành chụp X-quang để chẩn đoán thông qua hình ảnh, khảo sát tình trạng tổn thương của khớp.
Viêm khớp nhiễm khuẩn ở đầu gối
Hình ảnh bệnh nhân bị viêm khớp nhiễm khuẩn ở đầu gối - Ảnh: bvnguyentriphuong.com.vn

Phương pháp điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn

Sau khi chẩn đoán bệnh một cách chính xác, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bệnh theo phác đồ phù hợp nhất với tình trạng của người bệnh.

  • Điều trị nội (dùng kháng sinh, thuốc giảm đau, chống viêm). Thông thường, điều trị kéo dài khoảng 4 - 6 tuần
  • Tháo hút dịch ổ khớp. Loại bỏ vi khuẩn từ khớp, làm giảm áp lực lên khớp, và cung cấp cho bác sĩ mẫu để kiểm tra vi khuẩn và các sinh vật khác. Các phương pháp phổ biến nhất của loại bỏ dịch khớp là thông qua nội soi khớp. Các bác sĩ sẽ tiến hành rạch một vết rách nhỏ xung quanh khớp sau đó hút hết ở dịch bị viêm nhiễm.

Chăm sóc viêm khớp nhiễm khuẩn hiệu quả tại nhà

Chăm sóc viêm khớp nhiễm khuẩn tại nhà là một phần quan trọng trong quá trình điều trị. Dưới đây là một số lưu ý để quá trình chăm sóc khớp nhiễm khuẩn tại nhà được hiệu quả:

  • Tuân thủ liệu pháp điều trị và chỉ định bởi bác sĩ: uống thuốc theo đúng liều lượng và lịch trình, không tư ý ngưng thuốc, thêm thuốc.
  • Nghỉ ngơi và tạo điều kiện nghỉ ngơi tốt: Đảm bảo cung cấp đủ thời gian cho cơ thể nghỉ ngơi để phục hồi và hồi phục. Giảm hoạt động vật lý nặng và tạo điều kiện nghỉ ngơi tốt để giảm căng thẳng lên các khớp bị viêm.
  • Bảo vệ và giữ ấm các khớp bị ảnh hưởng
  • Thực hiện các bài tập vật lý: Thực hiện các bài tập vật lý nhẹ nhàng và theo hướng dẫn của người có chuyên môn giúp duy trì sự linh hoạt của khớp và giảm cảm giác đau.
  • Ăn một chế độ ăn lành mạnh: Chế độ ăn cân đối và giàu chất dinh dưỡng có thể hỗ trợ quá trình phục hồi và tăng cường hệ miễn dịch. Hạn chế đồ ăn chứa chất béo và đường, và tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu omega-3, vitamin và chất chống viêm.

Sống chung với bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn

Viêm khớp nhiễm khuẩn có thể được điều trị dứt điểm nếu được thăm khớp kịp thời và điều trị đúng cách thế nến bệnh nhân không cần lo lắng về việc phải chung sống lâu dài với căn bệnh này.

Nếu điều trị đúng cách và đủ thời gian, thì hầu hết trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn có thể được điều trị thành công và không tái phát. Tuy nhiên vi khuẩn có thể không bị loại bỏ hoàn toàn hoặc tái phát sau khi điều trị ban đầu, trong một số trường hợp:

  • Không điều trị đủ thời gian hoặc không tuân thủ đúng liều kháng sinh.
  • Có các yếu tố gây rối miễn dịch như bệnh tiểu đường, suy giảm miễn dịch, hoặc sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch.
  • Vi khuẩn gây nhiễm kháng thuốc hoặc kháng kháng sinh.

Dưới đây là một số cách đơn giản để ngăn ngừa viêm khớp nhiễm khuẩn mà bạn đọc có thể tham khảo: 

  • Duy trì vệ sinh cá nhân tốt: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm trước khi tiếp xúc với vùng da bị tổn thương hoặc sau khi tiếp xúc với các bề mặt có khả năng chứa vi khuẩn. Đảm bảo làm sạch và băng bó các vết thương nhỏ để ngăn vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
  • Chăm sóc da đúng cách, đặc biệt với những vùng da bị tổn thương, vết thương hoặc vết mổ để tránh nhiễm trùng.
  • Điều trị kịp thời, hiệu quả các nhiễm khuẩn khác trong cơ thể như điều trị viêm phổi, nhiễm trùng tiểu đường hoặc các nhiễm khuẩn khác có thể lan ra khớp.
  • Hạn chế tiếp xúc với nguồn nhiễm khuẩn: Tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm khuẩn nặng, đặc biệt là nếu bạn có hệ miễn dịch yếu.
  • Tuân thủ điều trị: Nếu bạn đã từng trải qua viêm khớp nhiễm khuẩn hoặc có yếu tố nguy cơ cao, tuân thủ các phương pháp điều trị được chỉ định bởi bác sĩ để ngăn ngừa tái phát.
  • Duy trì lối sống lành mạnh: Hãy ăn một chế độ ăn cân đối, tập thể dục đều đặn và giữ một trọng lượng cơ thể lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Trên đây là những chia sẻ của BookingCare về viêm khớp nhiễm khuẩn. Ngoài viêm khớp nhiễm khuẩn, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về viêm khớp háng, viêm khớp vảy nến, viêm đa khớp,... trong những bài viết tiếp theo của BookingCare.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare