Bài viết dưới đây từ BookingCare sẽ cập nhật đầy đủ các thông tin cần biết về bệnh viêm khớp phản ứng.
Viêm khớp phản ứng là một căn bệnh viêm nhiễm mãn tính ảnh hưởng đến hệ thống xương khớp và thường xảy ra sau khi cơ thể phản ứng với một nhiễm trùng trong tại một bộ phận khác của cơ thể. Bệnh này có thể gây ra những triệu chứng như đau, sưng và cứng khớp, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tuy nhiên, nếu biết được các thông tin về bệnh và có kế hoạch thăm khám, điều trị bệnh hợp lý, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được căn bệnh này. Bài viết dưới đây từ BookingCare sẽ cập nhật đầy đủ các thông tin cần biết về bệnh viêm khớp phản ứng.
Tổng quan về bệnh viêm khớp phản ứng
Viêm khớp phản ứng là gì?
Viêm khớp phản ứng là tình trạng viêm tại các khớp, xảy ra sau khi nhiễm trùng tại một số bộ phận trong cơ thể như hệ tiết niệu, hệ tiêu hóa hoặc tại các cơ quan sinh dục.
Vị trí các khớp thường xảy ra viêm khớp phản ứng là ở đầu gối, bàn chân, ngón tay, ngón chân, cổ chân, hông và mắt cá chân.
Không chỉ gây tổn thương ở khớp, bệnh lý này gây còn ảnh hưởng đến một số bộ phận khác trong cơ thể có thể kể đến như mắt, niệu đạo, thận, đại tràng,...
Viêm khớp phản ứng có nguy hiểm không?
Viêm khớp phản ứng có thể gây ra nhiều biến chứng như:
Triệu chứng của viêm khớp phản ứng có thể kéo dài từ 3 - 12 tháng gây khó chịu, bất tiện cho người bệnh, khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống
Bệnh có thể tái phát lại gây viêm khớp, đau lưng, viêm niệu sinh dục và mắt
Các triệu chứng của bệnh viêm khớp phản ứng
Các triệu chứng viêm khớp phản ứng ở mỗi người là khác nhau, một số trường hợp chỉ biểu hiện ở mức độ nhẹ nhưng cũng có người gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng làm hạn chế các hoạt động hàng ngày.
Viêm khớp phản ứng thường sẽ phát sinh các triệu chứng khi đã khỏi nhiễm trùng, và sẽ bắt đầu biểu hiện sau 1 đến 6 tuần sau khi bị nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc đường tiết niệu hay ở bộ phận sinh dục.
Biểu hiện ở cơ xương khớp
Các khớp sẽ trở nên đau, đỏ và sưng tấy, đặc biệt là các khớp lớn của chi dưới như đầu gối và mắt cá chân. Khớp đặc biệt đau vào sáng sớm hoặc về đêm
Viêm ở nơi gân hoặc dây chằng gắn vào xương (hay còn gọi là viêm điểm bán) hay xảy ra ở gót chân hoặc mắt cá chân
Các ngón tay hoặc ngón chân bị sưng, viêm, nóng, đau
Biểu hiện tại đường tiết niệu
Đi tiểu nhiều lần hơn và có cảm giác nóng rát hơn sau mỗi lần đi tiểu
Ở nam giới, có cảm giác đau và chảy mủ nhưng không rõ ràng như viêm niệu đạo do lậu
Ở nữ giới, rất ít triệu chứng nhưng lại có nguy cơ tiến triển thành viêm cổ tử cung, ống dẫn trứng, âm hộ, âm đạo.
Biểu hiện ở mắt và kết mạc
Viêm khớp phản ứng trong thời gian dài cũng ảnh hưởng đến mắt mà biểu hiện rõ ràng nhất là viêm kết mạc hoặc viêm màng bồ đào, gây nên đỏ mắt kèm cảm giác đau, rát, ngứa, mờ mắt kèm với việc nhạy cảm ánh sáng
Một số biểu hiện toàn thân khác
Do viêm khớp phản ứng gây phản ứng viêm tại nhiều cơ quan trong cơ thể, vì vậy, cũng gây nên một số phản ứng toàn thân, bao gồm:
Sốt, mệt mỏi
Giảm cân đột ngột, không rõ nguyên nhân
Tiêu chảy và đau bụng
Xuất hiện vết loét trong miệng
Da nổi phát ban, thường ở lòng bàn tay hoặc bàn chân
Tác nhân gây bệnh viêm khớp phản ứng
Phần lớn các trường hợp mắc bệnh viêm khớp phản ứng đều do các vi khuẩn gây nhiễm trùng tại các hệ thống cơ quan trong cơ thể gây nên. Trong đó, hai nguyên nhân gây viêm khớp phản ứng phổ biến nhất là lây truyền qua đường tình dục và lây truyền qua đường tiêu hóa.
Các loại vi khuẩn lây nhiễm qua đường tình dục có thể kế đến như:
Chlamydia trachomatis
Vi khuẩn lậu
HIV
Một số loại vi khuẩn lây truyền qua đường tiêu hóa gây nên viêm khớp phản ứng:
Shigella
Salmonella
Clostridioides difficile
Yersinia
Campylobacter
Khác với viêm khớp nhiễm khuẩn khi tác nhân gây bệnh trực tiếp gây viêm tại các khớp. Những loại vi khuẩn này không trực tiếp gây ra viêm ở các vị trí khớp, tuy nhiên, đây lại là tác nhân kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra các phản ứng viêm tại các vị trí khác, bao gồm cả các mô mềm và vùng sụn khớp.
Tuy nhiên, hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cơ chế bệnh sinh chính xác cho bệnh lý này và có tới 40% trường hợp không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Ngoài tác nhân gây bệnh là do sự tấn công của vi khuẩn, thì theo số liệu thống kê từ thực tế, còn một số yếu tố chủ quan làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
Yếu tố độ tuổi: Viêm khớp phản ứng chủ yếu gặp ở độ tuổi từ 20-40 tuổi
Yếu tố về giới tính: Cả nam giới và nữ giới đều có khả năng mắc bệnh, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn so với ở nữ (thường là tỉ lệ 3:1)
Yếu tố về gene: Những người có chứa gene HLA-B7 có nguy cơ mắc viêm khớp phản ứng cao hơn cũng như gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn
Lây nhiễm HIV: Bị AIDS hoặc bị nhiễm HIV làm tăng nguy cơ viêm khớp phản ứng.
Biện pháp chẩn đoán viêm khớp phản ứng
Không có một loại xét nghiệm hay biện pháp chẩn đoán đặc thù cho bệnh viêm khớp phản ứng.
Bác sĩ sẽ cần thông tin về bệnh sử của bệnh nhân xem có từng mắc nhiễm trùng đường tiêu hóa, đường tiết niệu hoặc bộ phận sinh dục trong vài tuần trước đó không,kết hợp với việc quan sát các triệu chứng và chỉ định các xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh sao cho phù hợp.
Quy trình chẩn đoán viêm khớp phản ứng tại các bệnh viện Cơ xương khớp sẽ theo các bước sau đây:
Khám lâm sàng
Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi thăm về các triệu chứng người bệnh đang gặp phải và thời điểm chúng bắt đầu khởi phát cũng như tiền sử bệnh có từng mắc các bệnh nhiễm trùng gần đây không. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các khớp, bề mặt da và niêm mạc xem có dấu hiệu bị viêm hay không.
Thực hiện các xét nghiệm
Một số xét nghiệm thường được chỉ định để chẩn đoán viêm khớp phản ứng là:
Xét nghiệm HLA-B27: Xét nghiệm máu để tìm kiếm sự hiện diện của kháng nguyên HLA-B27, một trong những yếu tố nguy cơ di truyền của người bệnh mắc viêm khớp phản ứng. Song, đây cũng không được coi là xét nghiệm đặc thù để phát hiện bệnh bởi kể cả người có kết quả âm tính vẫn có khả năng mắc viêm khớp phản ứng.
Xét nghiệm hoạt dịch khớp: Xét nghiệm này sẽ giúp kiểm tra chính xác khớp có bị nhiễm trùng hay không. Để thực hiện, bác sĩ sẽ cần sử dụng một ống tiêm chuyên dụng để hút chất lỏng từ khớp và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích
Tốc độ lắng máu: Qua việc kiểm tra tỷ lệ lắng và tốc độ lắng của các tế bào hồng cầu, bác sĩ cũng có thể đưa ra kết luận về tình trạng viêm
Chẩn đoán hình ảnh
Chụp X-quang: Qua hình ảnh chụp X-quang có thể quan sát những tổn thương và dấu hiệu viêm tại khớp, sụn, mô mềm xung quanh xương, giúp bác sĩ kết luận dễ dàng hơn
Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính CT, chụp cộng hưởng từ MRI: Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh này đặc biệt hữu ích để phát hiện những tổn thương nhỏ xảy ra trong giai đoạn đầu của bệnh
Phương pháp điều trị bệnh viêm khớp phản ứng
Việc điều trị viêm khớp phản ứng tập trung vào việc điều trị giảm triệu chứng. Với mỗi tình trạng bệnh khác nhau của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp điều trị tương ứng, dựa trên nguyên tắc sử dụng thuốc kết hợp với các biện pháp vật lý trị liệu.
Sử dụng thuốc
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Các loại thuốc chống viêm không steroid thuộc nhóm NSAID, chẳng hạn như indomethacin (Indocin), có tác dụng làm giảm viêm và giảm triệu chứng đau do viêm khớp phản ứng.
Corticosteroids: Đây là các loại kháng viêm có tác dụng mạnh. thường được kê đơn qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Cũng vì có tác động mạnh, các bác sĩ thường kê đơn liều thấp nhất có thể nhưng vẫn đạt được hiệu quả mong muốn. Trường hợp bạn có triệu chứng viêm ở da hoặc ở mắt, bác sĩ sẽ cần kê thêm kem bôi hoặc thuốc nhỏ mắt có chứa Corticosteroids
DMARDs: Những loại thuốc này ức chế hệ thống miễn dịch ở mức độ rộng, thường được chỉ định khi bệnh tiến triển thành Viêm khớp mạn tính.
Kháng sinh: Nếu phát hiện thấy có nhiễm khuẩn trong máu, các bác sĩ sẽ cần kê đơn thuốc kháng sinh nếu có bằng chứng về tình trạng nhiễm khuẩn
Tập vật lý trị liệu
Các bài tập vật lý trị liệu có tác dụng giảm đau và cải thiện chức năng của khớp. Tuy nhiên, khi thực hiện các bài tập vật lý trị liệu cần phải chú ý đến cường độ và có chỉ định của bác sĩ Cơ xương khớp.
Chăm sóc tại nhà cho người bệnh mắc viêm khớp phản ứng
Viêm khớp phản ứng không phải là bệnh lý quá nghiêm trọng, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà giúp đẩy nhanh hiệu quả điều trị bệnh:
Thực hiện các biện pháp hỗ trợ giảm đau: Xoa bóp, chườm nóng-lạnh cho vị trí bị đau giúp tuần hoàn mạch máu, giảm tình trạng sưng nóng ở những vị trí bị viêm khớp
Sử dụng các dụng cụ và bảo vệ: Do viêm khớp phản ứng xảy ra nhiều ở các vị trí mắt cá chân hay gót chân, do đó, cần hạn chế sử dụng giày cao gót hoặc các loại giày gây áp lực mạnh lên các vị trí này. Nếu cần thiết, bạn có thể sử dụng miếng lót hoặc dụng cụ bảo vệ tại các vị trí bị viêm
Tuân thủ liệu pháp điều trị từ bác sĩ: Cần tuân thủ thực hiện các buổi thăm khám và sử dụng thuốc đúng theo chỉ định từ bác sĩ
Hạn chế stress: Người bệnh viêm khớp phản ứng rất dễ gặp phải stress, điều này làm tăng nguy cơ xảy các phản ứng viêm trong cơ thể. Do đó, bạn hãy thực hiện các hoạt động liên quan đến sở thích như nấu ăn, chơi với thú cưng, thiền định,... nhằm giải tỏa stress
Sống chung hiệu quả cùng bệnh
Trong một số trường hợp, viêm khớp phản ứng có thể không được chữa trị dứt điểm và có thể tái phát bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, để tránh trường hợp tái lại và giảm mức độ ảnh hưởng của các triệu chứng viêm khớp phản ứng tới sinh hoạt đời sống, bạn hãy thực hiện những lời khuyên sau đây để sống chung hiệu quả cùng bệnh:
Cân bằng hoạt động và thời gian nghỉ ngơi: Những người mắc bệnh liên quan đến viêm khớp không nên thực hiện các hoạt động gây áp lực mạnh lên các cơ xương khớp mà cần phân bổ thời gian nghỉ ngơi hợp lý
Thực hiện chế độ ăn lành mạnh: Người bệnh nên áp dụng một chế độ ăn giàu chất xơ, trái cây, rau và thực phẩm tươi mát. Tránh các loại thực phẩm có khả năng gây viêm như đường, chất béo chưa bão hòa và thực phẩm chế biến.
Tập thể dục: Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc nhân viên y tế về những hoạt động thích hợp cho tình trạng sức khỏe của bạn. Ngoài ra, các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hoặc bơi lội có thể giúp tăng cường sức khỏe và linh hoạt cho các khớp
Bệnh viêm khớp phản ứng sẽ không còn là bệnh lý đáng lo ngại nếu chúng ta biết cách theo dõi, tự chăm sóc cũng như đi khám tại các chuyên khoa Cơ xương khớp khi cần thiết.