Biến chứng bệnh thận ở bệnh nhân tiểu đường

Tác giả: - Xuất bản: 28/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Biến chứng thận tiểu đường
Biến chứng bệnh thận ở bệnh nhân tiểu đường - Ảnh: BookingCare
Biến chứng bệnh thận là nỗi lo của nhiều người mắc bệnh tiểu đường. Đây là nguyên nhân phổ biến gây suy thận giai đoạn cuối cần phải lọc máu chu kỳ.

Biến chứng thận là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận, chạy thận, thay thế thận do đái đường trên toàn thế giới, bệnh thận do đái tháo đường chiếm 30-35% dân số bị đái tháo đường.

Tại Hoa Kỳ, khoảng 1 trong 3 người mắc tiểu đường mắc bệnh thận tiểu đường. Biến chứng thận tiểu đường nguy hiểm như thế nào, cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và biến chứng thận

Mỗi quả thận được tạo thành từ hàng triệu bộ lọc nhỏ gọi là nephron. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao do bệnh tiểu đường có thể làm hỏng các mạch máu trong thận cũng như các nephron khiến chúng không hoạt động tốt như bình thường. Nhiều người mắc bệnh tiểu đường cũng bị huyết áp cao, điều này cũng có thể gây hại cho thận.

Bệnh thận tiểu đường mất nhiều thời gian để phát triển và thường không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào trong giai đoạn đầu. Bạn sẽ không biết mình bị thận tiểu đường trừ khi bác sĩ kiểm tra cho bạn.

Bệnh thận do tiểu đường ảnh hưởng đến khả năng của thận trong việc loại bỏ các chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Cách tốt nhất để ngăn ngừa hoặc trì hoãn bệnh thận do tiểu đường là duy trì lối sống lành mạnh và kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, huyết áp cao.

Trong nhiều năm, tình trạng này dần dần làm hỏng hệ thống lọc của thận. Điều trị sớm có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ biến chứng.

Bệnh thận có thể tiến triển thành suy thận, còn gọi là bệnh thận giai đoạn cuối. Suy thận là một tình trạng đe dọa tính mạng. Ở giai đoạn này, các lựa chọn điều trị là lọc máu hoặc ghép thận, nếu không được điều trị thì tỉ lệ tử vong là rất lớn.

Nếu bạn đang sống chung với bệnh tiểu đường, các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận do tiểu đường bao gồm:

  • Lượng đường trong máu cao không được kiểm soát (tăng đường huyết)
  • Huyết áp cao không kiểm soát được (tăng huyết áp)
  • Là một người hút thuốc
  • Cholesterol trong máu cao
  • Béo phì
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường và bệnh thận

Những lưu ý để phòng ngừa bệnh thận đái tháo đường

Bạn có thể giúp giữ cho thận khỏe mạnh bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp và mức cholesterol. Điều này cũng rất quan trọng đối với tim và mạch máu. Lượng đường trong máu, huyết áp và cholesterol cao đều là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim và đột quỵ.

Dưới đây là những lời khuyên mà các chuyên gia dành cho người bệnh tiểu đường nhằm giảm thiểu khả năng phát triển của biến chứng thận tiểu đường: 

  • Đi khám và làm xét nghiệm định kỳ để theo dõi chính xác tình hình bệnh, can thiệp kịp thời nếu có chuyển biến xấu
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý kê đơn như aspirin và thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như naproxen (Aleve) và ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác). Đối với những người bị bệnh thận đái tháo đường, dùng các loại thuốc giảm đau này có thể dẫn đến tổn thương thận.
  • Nếu bạn đang ở mức cân nặng hợp lý, hãy cố gắng duy trì nó bằng cách vận động cơ thể hầu hết các ngày trong tuần. Nếu bạn cần giảm cân, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về các chiến lược giảm cân, chẳng hạn như tăng hoạt động thể chất hàng ngày và tiêu thụ ít calo hơn.
  • Không hút thuốc lá. Hút thuốc lá có thể làm hỏng thận của bạn và làm cho tình trạng tổn thương thận hiện có trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn là người hút thuốc, hãy tìm hiểu những phương pháp bỏ hút thuốc. Các nhóm hỗ trợ, tư vấn và một số loại thuốc đều có thể giúp bạn dừng lại.
  • Lên kế hoạch ăn uống điều độ và tập thể dục thể thao thường xuyên, bạn có thể tham khảo bài viết về lập kế hoạch thực đơn cho người bệnh tiểu đường và các bài tập thể dục phù hợp cho người tiểu đường.

Biến chứng thận tiểu đường đặc biệt là suy thận, là nỗi ám ảnh và lo sợ của rất nhiều người. Việc quan trọng để ngăn chặn biến chứng này là kiểm soát lượng đường huyết trong máu, duy trì thói quen sinh hoạt và lối sống lành mạnh.

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường để được hướng dẫn về cách duy trì đường huyết ổn định và phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết