Nấm móng: Biểu hiện và cách chữa trị nấm móng hiệu quả
Bệnh nấm móng
Bệnh nấm móng gây ra nhiều phiền toái cho bệnh nhân - Ảnh: thehealthsite.com

Nấm móng: Biểu hiện và cách chữa trị nấm móng hiệu quả

Tác giả: - Xuất bản: 18/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 31/12/2023
Nấm móng là căn bệnh ngoài da phổ biến, đặc biệt hay gặp ở những người làm việc hoặc sinh sống trong môi trường ẩm ướt, thiếu vệ sinh. Nấm móng tuy không phải bệnh nguy hiểm nhưng lại gây khó chịu và mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân.

Nấm móng tay, nấm móng chân khiến cho đôi bàn tay, bàn chân của bệnh nhân mất thẩm mỹ, mất vệ sinh đồng thời có thể gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. 

Nấm móng tiến triển âm thầm, không tự hồi phục, có thể dẫn tới mất móng, vì vậy người mắc không nên chủ quan. Cùng BookingCare tham khảo những thông tin chi tiết về nấm móng trong bài viết dưới đây.

Dấu hiệu bị nấm móng

Nấm móng thường bắt đầu biểu hiện là đốm trắng hoặc vàng ở bờ bên hoặc bờ tự do của móng tay / móng chân người bệnh. Khi nhiễm nấm lan rộng hơn, bệnh có thể khiến móng bị đổi màu, dày lên và viêm da quanh móng.

Để biết mình có bị nấm móng hay không, bệnh nhân cần chú ý những biểu hiện sau:

  • Bề mặt móng bị xù xì, phủ một lớp vảy mịn như cám, có các sọc dọc hoặc ngang.
  • Chỗ bị tổn thương có màu hơi vàng, trắng đục hoặc nâu đen.
  • Móng dễ mủn và dễ gãy.
  • Bên dưới móng cũng có thể bị tổn thương và khiến móng bị tróc.
  • Ban đầu, người bệnh chỉ bị 1 hoặc 2 móng; nhưng nếu không được điều trị sẽ có nguy cơ dần dần lan ra nhiều móng khác. 
  • Trên từng móng: tổn thương xuất hiện từ bờ tự do, bờ bên vào và không bị viêm quanh móng (nếu nguyên nhân do nấm sợi Dermatophytes) hoặc từ vùng gốc móng đi ra và có viêm quanh móng (nếu do nấm Candida).
  • Khi bị nấm, vùng quanh móng có thể có biểu hiện viêm như sưng đỏ và có mủ, đau và ngứa gây khó chịu cho người bệnh.
  • Móng có mùi hôi.

Nguyên nhân nấm móng

Nấm móng là một trong những bệnh nấm thường gặp ở người thường xuyên tiếp xúc với nước. Bệnh làm móng bị tổn thương, có khi mưng mủ, đau nhức; ảnh hưởng đến năng suất làm việc. 

Nguyên nhân gây ra bệnh nấm móng là do nhiều chủng loại vi nấm , có thể kể đến các nhóm chính là:

  • Nấm sợi (dermatophyte): Chiếm trên 90% các trường hợp nấm móng. Chủ yếu do một số chủng Trichophyton spp. như T. rubrum, T. violaceum, T. mentagrophyte, hiếm khi do E. floccosum.
  • Nấm men (yeast): chủ yếu do một số chủng nấm Candida: C. albicans, C.tropicalis… Ngoài ra, còn do Malassezia spp. như M. furfur nhưng hiếm hơn.
  • Nấm mốc (non dermatophyte moulds): ít gặp, do Fusarium spp., Aspergilus spp., S. hyalium, H. toruloidea…

Nấm móng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng nó phổ biến hơn ở người trưởng thành, người lớn tuổi.  Do trong quá trình lão hóa, móng trở nên giòn và khô hơn, các vết nứt trong móng cho phép nấm xâm nhập và gây bệnh một cách dễ dàng.

Các yếu tố khác - như giảm lưu thông máu đến bàn tay/ chân và hệ thống miễn dịch bị suy yếu - cũng có thể đóng một vai trò nhất định, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm móng phát triển.

Nấm móng có nguy hiểm không?

Nấm móng là bệnh có thể điều trị được. Tuy nhiên, bệnh dễ tái phát nếu không biết cách chăm sóc và phòng ngừa. Ngoài ra, nấm móng có thể gây một số biến chứng như:

  • Gây khó chịu và có thể tổn thương vĩnh viễn cho móng
  • Dẫn đến các bệnh nhiễm trùng khác lan ra ngoài bàn chân như viêm mô bào

Nấm móng chân lây lan khắp bàn chân ở cả hai chân, lan sang một số bộ phận khác trên cơ thể hoặc lây sang người khác

Nấm móng chân

Hình ảnh nấm móng chân - Ảnh: Pinterest

Ai dễ bị nấm móng?

Với những đối tượng sau đây, cần hết sức chú ý đề phòng bệnh nấm móng vì có nguy cơ nhiễm nấm cao:

  • Người lớn tuổi, do giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng , móng giòn và khô,  móng có xu hướng mọc chậm hơn
  • Người thường xuyên ra mồ hôi tay, chân nhiều
  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh nấm móng
  • Người hay đi chân trần tại khu vực công cộng ẩm ướt, chẳng hạn như hồ bơi, phòng tập thể dục và phòng tắm, làm việc trong môi trường tiếp xúc với nước, đất cát như đầu bếp, làm nông nghiệp…
  • Người đang có vết thương trên da, chấn thương vùng móng hoặc bệnh mạn tính về da, chẳng hạn như bệnh vảy nến
  • Người mắc bệnh tiểu đường, các vấn đề về tuần hoàn hoặc hệ thống miễn dịch bị suy yếu
Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết