- Xuất bản: 21/04/2024 - Cập nhật lần cuối: 26/04/2024
Những ảnh hưởng của thiếu vitamin B12 - Ảnh: BookingCare
Vitamin B12 là một chất dinh dưỡng quan trọng và thiết yếu với cơ thể. Khi cơ thể thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến những ảnh hưởng cả về thể chất cũng như tâm lý của chúng ta.
Cơ thể không thể tự sản xuất vitamin B12, khi ăn uống không cân bằng và đầy đủ hoặc do nhiều yếu tố khác có thể gây nên tình trạng thiếu vitamin B12. Tình trạng này ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Vậy hãy cùng BookingCare tìm hiểu xem thiếu vitamin B12 có nguy hiểm không?
Chức năng của vitamin B12
Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Nó giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu ác tính, một bệnh lý có thể dẫn đến các triệu chứng mệt mỏi và suy nhược mạn tính.
Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất enzyme tiêu hóa, giúp cải thiện sự trao đổi chất và quá trình phân hủy thực phẩm trong dạ dày. Ngoài ra còn hỗ trợ việc nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong môi trường đường ruột.
Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo tế bào, giúp duy trì sức khỏe của da, tóc và móng tay. Sự hiện diện của nó giúp ngăn ngừa da khô, viêm, mụn trứng cá, và có thể hỗ trợ điều trị bệnh vẩy nến và bệnh chàm. Nó cũng có thể giảm thiểu hiện tượng gãy rụng tóc và làm cho móng tay trở nên chắc khỏe hơn.
Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tín hiệu thần kinh và bảo vệ tế bào thần kinh.
Vitamin B12 tham gia vào phản ứng tổng hợp thymidylate, một phần tử quan trọng trong ADN, cung cấp nguyên liệu cần thiết cho quá trình tổng hợp ADN và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phân chia và trưởng thành của tế bào trong cơ thể.
Vitamin B12 có lợi cho sự trao đổi chất bởi vì nó cần thiết cho quá trình chuyển đổi carbohydrate trong thực phẩm thành glucose để cung cấp năng lượng cho cơ thể,...
Biểu hiện thiếu vitamin B12
Thiếu vitamin B12 xảy ra chủ yếu do chế độ ăn thiếu vitamin B12. Quá trình thiếu vitamin B12 diễn ra theo trình tự sau: vitamin B12 huyết thanh giảm dẫn tới vitamin B12 tế bào giảm dẫn tới tăng homocystein và cuối cùng dẫn tới thiếu máu.
Mệt mỏi, suy nhược cơ thể: Khi nguồn cung cấp vitamin giảm, cơ thể sản xuất ít tế bào hồng cầu cần thiết cho việc vận chuyển oxy. Điều này có thể dẫn đến cảm giác buồn ngủ, mệt mỏi, kiệt sức.
Rối loạn nhịp tim, khó thở: Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong sản xuất hemoglobin, một protein giúp vận chuyển oxy đến các mô khắp cơ thể. Khi thiếu hụt vitamin này, lưu lượng oxy đến các mô có thể giảm, gây ra tình trạng thiếu máu và từ đó dẫn đến khó thở, nhịp tim nhanh.
Thiếu hụt vitamin B12 là một trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, và đầy hơi. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể trở thành mãn tính. Hệ tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng khi hàm lượng vitamin B12 giảm.
Khi cơ thể thiếu hụt một số vitamin B quan trọng, trong đó có vitamin B12, có thể khiến bạn có nguy cơ mắc trầm cảm hoặc thay đổi tâm trạng. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt này ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc sản xuất serotonin trong não.
Việc thiếu hụt vitamin B12 có thể làm cho xương trở nên yếu. Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành các nguyên bào và tạo xương. Thiếu hụt loại vitamin này có thể ảnh hưởng đến chức năng của xương và thậm chí gây ra chứng loãng xương.
Thiếu vitamin B12 ở phụ nữ có thai cũng gây dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu vitamin B12
Hầu hết mọi người đều hấp thụ đủ lượng Vitamin B12 từ thực phẩm hàng ngày, vì có nhiều loại thực phẩm giàu Vitamin B12. Ngoài ra, cơ thể có khả năng tích trữ Vitamin B12 để sử dụng khi cần thiết, có thể tích trữ được trong thời gian dài
Khi lớn tuổi, việc hấp thụ vitamin B12 có thể trở nên khó khăn hơn. Sự hấp thụ kém vitamin B12 cũng có thể xảy ra sau các phẫu thuật giảm cân hoặc loại bỏ một phần dạ dày, cũng như khi tiêu thụ rượu quá mức.
Khả năng hấp thu Vitamin B12 của cơ thể rất kém, chỉ đạt khoảng dưới 5% tổng lượng dinh dưỡng này trong thực phẩm. Hệ tiêu hóa cần tiết ra một loại protein đặc hiệu có khả năng kết hợp với Vitamin B12 và hòa tan vào máu để cung cấp cho cơ thể. Khi tuổi tác tăng lên, khả năng hấp thu Vitamin B12 qua đường ruột giảm đi, tăng nguy cơ thiếu hụt Vitamin B12.
Ngoài ra nguy cơ thiếu vitamin B12 cao hơn khi:
Mắc bệnh về dạ dày như viêm teo dạ dày, đặc biệt là khiến niêm mạc dạ dày mỏng đi.
Trong dạ dày, có một loại protein đặc biệt kết hợp với Vitamin B12 trong thức ăn, sau đó được hấp thu vào máu. Tuy nhiên, khi bị thiếu máu, cơ thể khó hấp thu Vitamin B12 hơn.
Các bệnh lý liên quan đến ruột non như ký sinh trùng, bệnh celiac, bệnh Crohn, và sự phát triển vi khuẩn có thể gây ra các vấn đề về hoạt động của cơ quan này.
Sử dụng một số thuốc trị bệnh: Thuốc ức chế bơm Proton (Lansoprazole, Omeprazole, Esomeprazole, Pantoprazole,…), thuốc trị bệnh tiểu đường (Glucophage,…)
Những người có chế độ ăn thuần chay (chỉ ăn hoàn toàn thực vật)
Điều trị thiếu vitamin B12
Khi đang gặp phải vấn đề thiếu máu ác tính hoặc vấn đề hấp thụ vitamin B12, điều liệu trình thường là cần phải tiêm vitamin này. Có thể bạn sẽ cần tiếp tục tiêm bổ sung vitamin B12, hoặc sử dụng dạng bổ sung đường uống hoặc tiêm liều cao.
Nếu bạn không tiêu thụ các thực phẩm từ nguồn động vật, còn có một số phương pháp khác. Bạn có thể thay đổi chế độ ăn uống của mình bằng cách bổ sung thêm các loại ngũ cốc giàu vitamin B12 hoặc sử dụng dạng bổ sung, hoặc tiêm B12. Trong trường hợp cơ thể thiếu hụt, bạn có thể cần sử dụng vitamin B12 ở dạng liều cao.
Đối với người lớn tuổi mắc thiếu vitamin B12, có thể cần bổ sung hàng ngày hoặc sử dụng vitamin tổng hợp chứa B12.
Nhu cầu khuyến nghị vitamin B12
Việc hấp thu vitamin B12 đòi hỏi sự hỗ trợ từ yếu tố nội sinh, như một protein được tạo ra bởi niêm mạc của dạ dày, cùng với sự hoạt động của enzyme phân hủy protein từ tụy. Vitamin B12 thường được hấp thu ở phần cuối của ruột non.
Liều dùng vitamin B12 cho người lớn:
Thiếu máu không liên quan đến các triệu chứng thần kinh: Tiêm bắp, người lớn và trẻ em: 1mg, 3 lần mỗi tuần trong vòng 2 tuần, sau đó duy trì 1 mg mỗi 3 tháng một lần.
Thiếu máu liên quan đến các triệu chứng thần kinh: Tiêm bắp, người lớn và trẻ em: 1 mg mỗi ngày cho đến khi không có cải thiện, sau đó duy trì 1 mg mỗi 2 tháng một lần.
Điều trị dự phòng thiếu máu do thiếu vitamin B12: Tiêm bắp, 1 mg mỗi 2 - 3 tháng một lần.
Nguồn cung cấp vitamin B12:
Vitamin B12 khác với các loại vitamin khác do hầu như không có trong thực vật. Các thức ăn động vật là nguồn cung cấp vitamin B12
Các thực phẩm như thịt, cá, gia cầm, sữa, sò, gan,... là nguồn thức ăn giàu vitamin B12
Vitamin B12 kết tinh có trong thịt bò, sữa dễ hấp thu hơn vitamin B12 gắn vào các protein trong thực phẩm khác
Phòng tránh thiếu vitamin B12
Hầu hết mọi người có thể đảm bảo cơ thể nhận đủ lượng vitamin B12 cần thiết thông qua việc ăn đủ thịt, gia cầm, hải sản, sữa và trứng.
Tuy nhiên, nếu bạn không tiêu thụ sản phẩm động vật hoặc gặp vấn đề sức khỏe làm cho việc hấp thụ dinh dưỡng trở nên khó khăn, bạn có thể cân nhắc sử dụng bổ sung vitamin B12 từ các sản phẩm tổng hợp hoặc các loại thực phẩm bổ sung khác chứa vitamin B12.
Vitamin B12 là vitamin rất quan trọng với cơ thể đặc biệt trong quá trình tạo máu. Vì vậy hãy xây dựng một chế độ ăn cân bằng đầy đủ và lối sống khoa học để phòng ngừa nguy cơ gây thiếu vitamin B12.