Bong gân: Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 06/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 10/01/2024
Bong gân: triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị
Bong gân: triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị - Ảnh: BookingCare
Bong gân là một chấn thương thường gặp ở mọi lứa tuổi, khi vận động quá mạnh hoặc sai cách. Theo dõi bài viết để có thêm thông tin về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bong gân.

Bong gân là một chấn thương thường gặp ở mọi lứa tuổi, khi vận động quá mạnh hoặc sai cách. Bong gân là tình trạng dây chằng (cấu trúc nối giữa 2 hoặc nhiều xương quanh 1 khớp) bị căng quá mức hoặc bị rách gây đau, giảm hoặc mất vận động khớp.

Bong gân thường xảy ra khi chúng ta tham gia vào các hoạt động thể thao như bóng đá, bóng rổ, tennis và cả khi tham gia các hoạt động hàng ngày như đi bộ hay chạy bộ.

Theo dõi bài viết để có thêm thông tin về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bong gân.

Triệu chứng bong gân

Các triệu chứng bong gân phổ biến nhất bao gồm:

  • Đau.
  • Sưng tấy.
  • Bầm tím.
  • Giảm tầm vận động của khớp (khó hoặc đau khi di chuyển khớp xa như bình thường).
  • Nghe hoặc cảm thấy có tiếng kêu trong khớp tại thời điểm bị thương.
  • Cảm giác khớp lỏng lẻo.

Bong gân được chia làm 3 mức độ:

  • Bong gân cấp 1 (nhẹ): Rất ít hoặc không rách dây chằng.
  • Bong gân cấp độ 2 (trung bình): Dây chằng bị rách một phần nhưng không rách hoàn toàn.
  • Bong gân độ 3 (nặng): Dây chằng bị rách hoàn toàn.

Bất kỳ khớp nào được dây chằng hỗ trợ đều có thể bị bong gân. Các khớp bị bong gân phổ biến nhất là:

  • Bong gân cổ chân.
  • Bong gân cổ tay.
  • Bong gân đầu gối.
  • Bong gân ngón tay.
  • Bong gân ngón tay cái.

Nguyên nhân dẫn tới bong gân

Bất cứ điều gì buộc khớp phải di chuyển quá nhiều hoặc quá xa đều có thể gây bong gân. Các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:

  • Các chấn thương trong thể thao .
  • Ngã.
  • Trượt bất ngờ.
  • Xoay mắt cá chân hoặc trẹo đầu gối khi đi, chạy hoặc nhảy.
  • Chấn thương căng thẳng lặp đi lặp lại (sử dụng khớp quá mức hoặc thực hiện một chuyển động lặp đi lặp lại trong công việc, thể thao hoặc sở thích).

Các yếu tố nguy cơ gây bong gân

Một số người có nhiều khả năng bị bong gân hơn như:

  • Vận động viên.
  • Người lao động với những công việc đòi hỏi thể chất.
  • Những người có sở thích hoặc hoạt động khiến họ thực hiện các động tác lặp đi lặp lại.

Thói quen tập thể dục có thể làm tăng nguy cơ chấn thương (đặc biệt là bong gân) bao gồm:

  • Đột ngột tăng cường độ tập luyện hoặc hoạt động.
  • Bắt đầu một môn thể thao hoặc hoạt động mới mà không có thiết bị hoặc sự huấn luyện thích hợp.
  • Chơi cùng một môn thể thao quanh năm mà không có lý do.

Chẩn đoán bong gân

Bác sĩ sẽ khám lâm sàng và có thể yêu cầu người bệnh làm thêm một số dịch vụ cận lâm sàng để xác định tổn thương trong khớp hay chấn thương phần mềm bên ngoài.

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra khớp bị thương, hỏi về tình trạng đâu, nguyên nhân,...
  • Chụp Xquang.
  • Siêu âm.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI).

Phương pháp điều trị bong gân

Người bệnh bong gân có thể điều trị các triệu chứng bong gân bằng các phương pháp sau:

  • Nghỉ ngơi: Tránh các hoạt động gây ra chấn thương. Cố gắng không sử dụng phần cơ thể bị thương cho đến khi lành lại.
  • Chườm đá: Chườm lạnh lên vết thương 15 phút mỗi lần, vài lần một ngày. Bọc túi nước đá trong một chiếc khăn hoặc vải mỏng để đá không tiếp xúc trực tiếp vào da có thể gây bỏng lạnh.
  • Cố định: Quấn một miếng băng thun quanh khớp bị thương để giúp giảm sưng. Không quấn quá chặt sẽ ảnh hưởng đến sự lưu thông máu.
  • Với trường hợp bong gân cổ chân người bệnh nên sử dụng nạng khi di chuyển để hạn chế tổn thương thêm. 
  • Nâng cao tay/chân bị bong gân: Giữ khớp bị thương cao hơn mức tim thường xuyên nhất có thể.
  • Dùng thuốc giảm đau: Paracetamol, thuốc chống viêm No steroid (NSAIDs).
  • Vật lý trị liệu: Giúp tối đa hóa sự ổn định và sức mạnh của khớp hoặc chân/tay bị thương.
  • Phẫu thuật: Rất hiếm khi cần phẫu thuật khi bị bong gân. Có thể cần phẫu thuật khi bị bong gân nặng hoặc các chấn thương khác như gãy xương hoặc trật khớp.
giảm sưng khi bong gân
Quấn băng thun quanh khớp bị bong gân giúp giảm sưng - Ảnh: Canva.com

Phòng ngừa bong gân

Trong khi chơi thể thao hoặc các hoạt động thể chất khác:

  • Mang thiết bị bảo hộ thích hợp.
  • Không nên cố chơi nếu có điều gì đó gây đau trong hoặc sau khi hoạt động thể chất.
  • Hãy cho cơ thể thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi sau khi hoạt động cường độ cao.
  • Căng cơ và khởi động trước khi chơi thể thao hoặc tập luyện.
  • Hạ nhiệt và giãn cơ sau khi hoạt động thể chất.

Để giảm nguy cơ chấn thương:

  • Đảm bảo nhà và không gian làm việc không có sự bừa bộn có thể khiến bạn hoặc người khác vấp ngã.
  • Luôn sử dụng các công cụ hoặc thiết bị thích hợp ở nhà để tiếp cận mọi thứ. Không đứng trên ghế, bàn hoặc mặt bàn.
  • Sử dụng gậy hoặc khung tập đi nếu bạn đi lại khó khăn hoặc có nguy cơ té ngã cao hơn.

Những điều không nên làm khi bị bong gân

  • Không chườm nóng hay xoa bóp các loại dầu, cao nóng: việc làm này khiến bong gân trở nên nghiêm trọng, khớp sưng đau.
  • Không nên cố gắng nắn, bẻ khớp bị thương
  • Không cố gắng hoạt động khớp bị thương quá sức.
  • Nếu có vết thương hở không nên đắp các loại lá tránh nhiễm trùng.
  • Tránh vận động hoặc chuyển tư thế đột ngột.

Hy vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề bong gân và biết cách phòng ngừa bong gân. Nếu có dấu hiệu bong gân bạn đọc nên đến thăm khám với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị bong gân phù hợp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết