Các phương pháp chữa viêm họng mạn tính bằng đông y
Chữa viêm họng mạn tính bằng đông y
Chữa viêm họng mạn tính bằng đông y là phương pháp được nhiều người tin dùng - Ảnh: BookingCare

Các phương pháp chữa viêm họng mạn tính bằng đông y

Tác giả: - Xuất bản: 26/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 24/02/2024
Viêm họng mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc họng kéo dài. Chữa viêm họng mạn tính bằng đông y có tác dụng tốt trong việc giảm triệu chứng khô họng, ngứa họng, ho khạc đờm, giúp giảm đau và giảm khó chịu cho người bệnh.

Viêm họng mạn tính là một bệnh lý thường gặp, gây nhiều khó chịu khi ăn uống, khi giao tiếp và làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngày nay có rất nhiều phương pháp chữa viêm họng mạn tính nhưng các biện pháp đông y vẫn được nhiều người tin dùng bởi đặc tính an toàn, ít tác dụng phụ, phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. 

Viêm họng mạn tính theo y học cổ truyền

Để nhận biết viêm họng mạn tính, biểu hiện rõ nhất là khi khô họng, mắt đau, ngứa và vướng họng. Những cảm giác này rõ nhất là buổi sáng lúc mới thức dậy. Bệnh nhân cố ho khạc dai dẳng để làm long đờm. Các  triệu chứng thường gặp là khàn giọng kéo dài, họng thường có rối loạn cảm giác, khi nói dễ bị mất tiếng và có thói quen khạc nhổ thường xuyên.

Ban đầu, người bệnh thường cảm nhận nuốt có cảm giác vướng và đau. Tiếng có thể khàn nhẹ hoặc bình thường. Những bệnh nhân uống rượu, thuốc lá, hoặc nói nhiều thì triệu chứng càng tăng thêm,, nhưng khi khạc thì lại càng cảm thấy nặng hơn, khi triệu chứng kéo dài có thể dẫn đến khàn tiếng.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể trải qua cảm giác đau nhức như bị kim châm, cảm giác khô rát họng hoặc cảm giác vướng cộm. Đôi khi, người bệnh có thể cảm nhận như có dị vật hoặc cảm giác nóng trong họng. Để giảm nhẹ các triệu chứng này, bệnh nhân thường thực hiện hành động khạc nhổ và có thể dẫn đến tạo thành thói quen.

Y học cổ truyền quy viêm họng mạn tính thuộc phạm vi chứng hầu tý (đau họng). Bệnh có nhiều nguyên nhân, thường do đàm nhiệt lâu ngày làm tổn thương phế âm, điều trị chủ yếu là dưỡng âm thanh nhiệt hóa đàm ngoài ra  là do các tạng phế, tỳ, thận (gần giống cơ quan và chức năng của phổi, bộ máy tiêu hóa, thận trong y học hiện đại) hư tổn hoặc do khí ngưng, huyết ứ, đàm kết gây nên. 

Phế chủ khí, tỳ là nguồn sinh khí, thận chủ nạp khí, là gốc của khí. Nếu thận tinh đầy đủ thì phế tỳ khí vượng, thanh âm sẽ trong rõ. Ngược lại, phế tỳ thận hư tổn sẽ khiến hầu họng mất đi sự nhu dưỡng, thanh môn đóng mở sẽ bất lợi dẫn đến khàn tiếng. Bệnh lâu ngày sẽ khiến khí ngưng huyết ứ, đàm trệ tại hầu, mạch lạc bị tổn thương rồi trở thành viêm họng. 

triệu chứng Viêm họng mạn tính
Viêm họng mạn tính hay có cảm giác vướng khó chịu - Ảnh: Canva

Lợi ích khi dùng đông y chữa viêm họng mạn tính

Y học hiện đại chủ yếu điều trị viêm họng mạn tính chủ yếu điều trị triệu chứng hoặc điều trị tại chỗ, kết hợp với điều trị nguyên nhân do các bệnh lý toàn thân. Mặc dù các nhóm thuốc được sử dụng cho kết quả nhanh chóng, có tác dụng giảm viêm, giảm phù nề nhưng cũng kèm theo nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là khi dùng lâu ngày. 

Việc sử dụng y học cổ truyền, đặc biệt là các dược liệu để điều trị bệnh viêm họng mạn tính có thể là một giải pháp tránh được các tác dụng không mong muốn của các loại thuốc tây y. 

Chữa bằng đông y không chỉ giúp giảm chi phí điều trị cho loại bệnh thông thường này mà còn giúp phát huy những kinh nghiệm sẵn có của ông cha, phát triển đa dạng nguồn thuốc từ những cây thuốc có sẵn của dân tộc.

Chữa viêm họng mạn tính bằng đông y

Các bài thuốc chữa viêm họng mạn tính

Đông y chia bệnh viêm họng mạn tính làm 3 thể, tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà điều trị. 

  • Thể phế thận âm hư: Bệnh nhân có triệu chứng tiếng nói khan, có khi nặng có khi nhẹ, tiếng nói trầm rè, không nói được lâu. Bệnh nặng hơn khi lao lực, mệt mỏi hoặc nói nhiều. Bệnh nhân thường ho khan, ít đờm, khạc theo thói quen. Bệnh thường kèm theo đau lưng mỏi gối, miệng khát họng khô, lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác. Thường dùng bài Bách hợp cố kim thang gia thuyền thoái, kha tử để điều trị.
  • Thể khí ngưng, huyết ứ, đàm trệ: Bệnh nhân thường có triệu chứng tiếng nói khàn không giảm ngày một nặng, giọng nói vô lực, thường xuyên có cảm giác vướng, có dị vật trong họng. Thường dùng bài Hóa đàm trừ ứ thanh hầu thang, gia giảm tùy theo người bệnh nghiêng về trạng thái khí ngưng, huyết ứ hay đàm trệ.
    • Nếu khí uất rõ, hay thở dài, ngực sườn đầy tức thì gia chỉ xác để hành khí, giải uất.
    • Nếu huyết ứ rõ có thể gia hồng hoa, trạch lan, sơn tra để hoạt huyết.
    • Nếu đàm nhiều khó khạc có thể ra qua lâu bì, xuyên bối mẫu thiên trúc hoàng để hóa đàm, tán kết.
  • Thể đàm nhiệt ôn kết: Tiếng nói yếu, khạc đờm nhiều, vàng đặc. Lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch huyền hoạt. Khám họng thấy niêm mạc họng sung huyết, sưng đỏ, có thể phù dày và u nhú rõ ràng. Điều trị thể này hay dùng bài thuốc Thanh kim hóa đàm thang gia vị phì đại hải, thuyền thoái.
  • Trong điều trị thì hai thể đầu hay gặp nhất, nhiều trường hợp thì có cả 2 - 3 thể bệnh cùng kết hợp với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Chính vì vậy khi chữa bệnh cần đòi hỏi ở người thầy thuốc khả năng chẩn  đoán, nhận định thể bệnh chính xác để chọn ra bài thuốc phù hợp với từng người bệnh.

Chữa viêm họng mạn tính bằng các phương pháp không dùng thuốc

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, y học cổ truyền cũng có những biện pháp không dùng thuốc hỗ trợ điều trị viêm họng mạn tính hiệu quả. 

  • Xoa bóp bấm huyệt, châm cứu kích thích các huyệt vị như huyệt liệt khuyết, thái uyên, đản trung, đại lăng, xích trạch... cũng có thể giúp giảm viêm sưng niêm mạc họng. 
  • Luyện tập khí công giúp nâng cao thể trạng người bệnh cũng là một phương pháp đông y được khuyên dùng.

Ngoài ra, về chế độ ăn uống, các thực phẩm dễ nuốt, dễ tiêu hóa như cháo, súp, canh hầm cũng như sinh tố các loại rau, trái cây giàu vitamin cũng là lựa chọn thích hợp khi bị đau họng. Người bệnh cần tránh các thực phẩm khô cứng, đồ cay nóng, đồ lạnh, rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào để hạn chế tình trạng nặng lên và biến chứng của viêm họng mạn tính.

chế độ ăn khi viêm họng
Súp là món ăn phù hợp khi bị viêm họng - Ảnh: Canva

Song song với các phương pháp được nêu trên, chữa viêm họng mạn tính bằng đông y cần người bệnh tự xây dựng cho mình một thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, chú ý giữ ấm vùng cổ, đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh viêm họng nặng lên. 

Ngày nay, có nhiều nghiên cứu về các loại thảo dược, trà thảo mộc hỗ trợ điều trị viêm họng mạn tính: trà từ Nấm linh chi, trà Thần khúc, trà Hoa hòe, trà Hoa cúc,… Một số thuốc xịt có nguồn gốc thảo dược được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong điều trị viêm họng mạn tính.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết