- Xuất bản: 25/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 25/03/2024
Các vị thuốc và bài thuốc chữa rối loạn tiền đình đem lại hiệu quả - Ảnh: BookingCare
Các vị thuốc và bài thuốc chữa rối loạn tiền đình giúp giảm thiểu triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu,… được dân gian sử dụng nhiều và đạt hiệu quả tốt. Cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Rối loạn tiền đình được mô tả trong phạm vi chứng huyễn vựng với hai thể loại là thực chứng và hư chứng. Huyễn vựng thường có các triệu chứng như đầu váng, mắt hoa, cảm giác trái đất quay cuồng khi đứng lên đột ngột (huyễn là hoa mắt, vựng là cảm giác chòng chành như ngồi trên xuồng, xoay chuyển không yên, gọi chung là chóng mặt). Bệnh gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Dưới đây là một số vị thuốc và bài thuốc chữa rối loạn tiền đình bạn đọc có thể tham khảo.
Cây đinh lăng: đinh lăng được xem như “nhân sâm của người nghèo” vì nhiều tác dụng bồi bổ khí huyết, phục hồi sức khoẻ, kéo dài tuổi thọ. Rễ và lá đinh lăng có tác dụng làm giảm triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu của rối loạn tiền đình.
Ngải cứu: Ngải cứu chứa nhiều hoạt chất có lợi giúp kháng khuẩn, giảm đau thần kinh, cải thiện tuần hoàn máu, giảm triệu chứng rối loạn tiền đình. Có thể sử dụng ngải cứu trong các bài thuốc, hãm trà uống hoặc chế biến món ăn: trứng hấp ngải cứu, óc heo hầm ngải cứu,…
Bạch quả: Bạch quả (ginkgo) có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, chống oxy hóa, chống viêm nên cũng được dân gian sử dụng nhiều để chữa rối loạn tiền đình.
Tam thất: Tam thất giúp hỗ trợ tăng cường sức khỏe thần kinh, tim mạch, giảm đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, hỗ trợ kiểm soát thiểu năng tuần hoàn não.
Cây thiên ma: Theo y học cổ truyền, thiên ma có tính bình, vị ngọt, có tác dụng khắc phục các triệu chứng đau đầu, suy nhược thần kinh gây rối loạn tiền đình cùng nhiều bệnh lý khác.
Mã đề: loại thảo dược này được sử dụng nhằm khắc phục các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt do rối loạn tiền đình hoặc do stress, căng thẳng quá mức.
Ngoài ra còn có các loại thảo dược khác như đan sâm, bá bệnh,… cũng có tác dụng tương tự.
Bài thuốc đông y trị rối loạn tiền đình
Tùy theo từng thể bệnh mà thầy thuốc sẽ sử dụng các bài thuốc đông y trị rối loạn tiền đình khác nhau. Sau đây là một số bài thuốc điều trị bằng y học cổ truyền theo từng thể bệnh:
Huyễn vựng do hư chứng
Biểu hiện: người bệnh đầu và mắt choáng váng, bệnh xảy ra chậm nhưng kéo dài liên miên, tâm hồi hộp, tinh thần mệt mỏi, tứ chi lạnh, mất ngủ, trí nhớ kém, mắt không nhìn rõ rệt, buồn nôn, mạch thường tế nhược, vô lực, rêu lưỡi trắng.
Pháp điều trị: kiện tỳ ích khí, bổ thận dưỡng tâm
Bài thuốc: Kỷ cúc địa hoàng thang gia vị. Thành phần: Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Sơn thù 10g, Đan bì 12g, Bạch linh 12g, Trạch tả 12g, Kỷ tử 10g, Cúc hoa 10g, Bạch thược 12g, Hà thủ ô 10g, Thạch quyết minh 10g, Mẫu lệ 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Huyễn vựng do thực chứng
Biểu hiện: cơn hoa mắt chóng mặt đến khá nhanh và nặng, có khi xảy ra từng cơn, ngực bụng bị đầy và bứt rứt, buồn nôn, đầu mắt choáng váng đến nỗi không ngồi lên được. Tâm phiền, miệng đắng, mất ngủ nhiều mộng mị, đau buốt thắt lưng, mặt đỏ, mạch huyền hoạt hoặc huyền sác, lưỡi đỏ, rêu vàng.
Pháp điều trị: bình can tức phong, tiềm dương, điều đàm, giáng hỏa.
Bài thuốc 1: Thiên ma Câu đằng ẩm gia giảm (nếu do can nhiệt thịnh). Thành phần: Thiên ma 8g, Câu đằng 12g, Thạch quyết minh 12g, Ngưu tất 12g, Đỗ trọng 12g, Tang ký sinh 12g, Hoàng cầm 12g, Chi tử 10g, Đan bì 12g, Long đởm thảo 10g, Long cốt 08g, Mẫu lệ 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài thuốc 2: Bán hạ bạch truật thiên ma thang (nếu có đàm trọc ứ trệ). Thành phần: Bán hạ 10g, trần bì 10g, Bạch linh 12g, Cam thảo 6g, Bạch truật 12g, Trạch tả 12g, Thiên ma 10g, Chỉ thực 10g, Sinh khương 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang.
Dinh dưỡng cho người rối loạn tiền đình
Các bài thuốc trị rối loạn tiền đình đang được nhiều người lựa chọn vì tính an toàn và hiệu quả của chúng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất, cần phải kết hợp cách chữa bệnh này với các biện pháp chăm sóc khác như nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý và các phương pháp chữa rối loạn tiền đình tại nhà.
Bên cạnh việc sử dụng các vị thuốc, bài thuốc trị rối loạn tiền đình, người bệnh cũng cần chú ý tới dinh dưỡng hỗ trợ tốt cho hoạt động của hệ thần kinh và hệ miễn dịch. Bao gồm các nhóm dinh dưỡng:
Thực phẩm giàu vitamin nhóm B, đặc biệt B6, B9 tốt cho hệ thần kinh và hệ miễn dịch: thịt gà, lợn, bò, gan, thận, cá hồi, cá ngừ, ngũ cốc,…
Thực phẩm giàu vitamin C chống oxy hóa, bảo vệ tế bào não và hệ miễn dịch khỏe mạnh: cam, chanh, bưởi, kiwi, dứa, dâu tây, đu đủ, súp lơ xanh, cà chua, rau cải xoăn, ớt đỏ, ổi,…
Thực phẩm giàu magie giúp điều hòa chức năng của dây thần kinh, làm dịu thần kinh: hải sản biển và cá nước ngọt, thịt các loại, các loại rau lá màu xanh đậm, đậu đỗ, vừng lạc, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt,...
Hạn chế các thực phẩm nhiều đường và muối cao, tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá hay các chất kích thích,… vì có thể làm tình trạng chóng mặt, ù tai, đau đầu do rối loạn tiền đình tăng.
Rối loạn tiền đình gây ra tình trạng mất thăng bằng, có thể nguy hiểm nếu cơn chóng mặt gây té ngã. Điều trị rối loạn tiền đình bằng các vị thuốc, bài thuốc đông y lại mang đến một số lợi ích đáng kể, nên áp dụng các bài thuốc trị rối loạn tiền đình cho những trường hợp bệnh nhẹ và triệu chứng không quá phức tạp để đạt hiệu quả tốt nhất.