Rối loạn tiền đình ở người già: nguyên nhân và biện pháp cải thiện sức khỏe
roi-loan-tien-dinh-o-nguoi-gia
Rối loạn tiền đình là hội chứng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và sức khỏe ở người già - ảnh: BookingCare

Rối loạn tiền đình ở người già: nguyên nhân và biện pháp cải thiện sức khỏe

Tác giả: - Xuất bản: 27/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 08/12/2023
Rối loạn tiền đình ở người già là hội chứng phổ biến xuất phát từ sự suy giảm chức năng hệ thần kinh và một số nguyên nhân khác. Tìm hiểu thêm về hội chứng này ở người cao tuổi trong bài viết!

Rối loạn tiền đình ở người già là một vấn đề phổ biến tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Việc điều trị cần được thực hiện đúng theo nguyên nhân và phương pháp để mang lại kết quả tốt.

Dấu hiệu bệnh rối loạn tiền đình ở người già

Cơ quan tiền đình bao gồm 2 bộ phận là tiền đình trung ương nằm ở não và tiền đình ngoại biên nằm ở tai trong.

Nhiệm vụ của cơ quan này là giúp liên tục báo cáo thông tin về các chuyển động, vị trí của đầu và cơ thể trong không gian về não, từ đó tạo ra sự thăng bằng, mượt mà của chuyển động. Đồng thời cơ quan này cũng có các liên hệ với thị giác, giúp duy trì hình ảnh rõ nét của vật thể trên võng mạc khi đầu chuyển động.

Rối loạn tiền đình là tình trạng mất cân bằng trong hệ thống cảm giác cân bằng này của cơ thể và thường gặp ở người già. Rối loạn tiền đình có nhiều triệu chứng và dấu hiệu đặc trưng, trong đó phổ biến nhất là các dấu hiệu sau:

  • Cảm giác chóng mặt, mất thăng bằng, cảm giác lảo đảo muốn ngã.
  • Nhức đầu, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, chân tay run rẩy,...
  • Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột trong một thời gian ngắn nhưng cũng có thể kéo dài lâu hơn và hay tái phát.
  • Người bệnh nhẹ có thể cố gắng đứng dậy được nhưng sợ thăng bằng, dễ ngã.
  • Người bệnh nặng chỉ nằm được ở một tư thế, thậm chí không thể ngồi dậy, buồn nôn và có thể nôn nhiều gây mất nước, mở mắt ra sẽ thấy mọi vật quay cuồng, đảo lộn, người mệt lả...
  • Nặng đầu, khó tập trung, choáng váng, hồi hộp, sợ ánh sáng... Một số người bệnh cũng mô tả triệu chứng nhìn mờ, tê bì tay chân, run rẩy, suy nhược cơ thể,...

Để xác định nguyên nhân gây rối loạn tiền đình, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện chụp X-quang, CT-Scan, chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não và các xét nghiệm liên quan khác.

Nguyên nhân chính gây ra rối loạn tiền đình ở người già

Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng rối loạn tiền đình ở người già, trong đó có một số nguyên nhân chính như sau:

  • Quá trình lão hóa tự nhiên (tuổi tác) có thể làm suy yếu hệ thống cảm giác cân bằng của cơ thể.
  • Tổn thương não do tai biến mạch máu não (đột quỵ) hoặc u cục
    Bệnh lý tai: Các vấn đề tai như viêm tai giữa, viêm nhiễm tai, viêm xoang hay sự mất cân bằng bên trong cơ quan tiền đình ngoại biên của tai trong như sỏi tai lạc vị trí, ứ dịch trong các ống bán khuyên.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như: thuốc kháng sinh, thuốc tim mạch, hoặc thuốc điều trị trầm cảm có thể gây ra các triệu chứng rối loạn tiền đình.

Ngoài ra có một số yếu tố nguy cơ như:

  • Thường xuyên sống trong môi trường quá nhiều tiếng ồn.
  • Thời tiết chuyển mùa, ngộ độc thức ăn (hóa chất, độc tố của vi sinh vật).
  • Người phải ngồi một chỗ nhiều giờ kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, người ít hoặc lười vận động.
  • Nghiện rượu bia, căng thẳng thần kinh…

Rối loạn tiền đình ở người già cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm nào?

Rối loạn tiền đình ở người già có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm như:

  • Tổn thương thần kinh trung ương: tai biến mạch máu não, cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, các bệnh lý khối u, thoái hóa thần kinh trung ương.
  • Các bệnh lý tim mạch: tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim, xơ vữa động mạch cảnh, động mạch đốt sống gây giảm lưu lượng máu lên não, dẫn tới triệu chứng chóng mặt.
  • Các bệnh lý toàn thân như sốt, nhiễm trùng, thiếu máu, rối loạn điện giải, hormon đều có thể gây ra triệu chứng chóng mặt.

Các phương pháp điều trị rối loạn tiền đình ở người già

Đối với các bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn tiền đình, bác sĩ thường chỉ định một hoặc một số phương pháp kết hợp nhằm khắc phục triệu chứng. Hiện nay có một số hình thức điều trị rối loạn tiền đình được áp dụng phổ biến ở người cao tuổi như:

  • Điều trị dựa trên nguyên nhân bệnh lý: nếu nguyên nhân rối loạn tiền đình xuất phát từ các bệnh lý như đã đề cập ở trên, người bệnh cần tập trung vào điều trị bệnh để dứt điểm tình trạng rối loạn tiền đình.
  • Thực hiện các bài tập trị liệu, vận động liệu pháp nhằm cải thiện sự ổn định và thăng bằng của người bị rối loạn tiền đình.
  • Thuốc điều trị: bác sĩ có thể kê một số loại thuốc như: thuốc ức chế tiền đình, thuốc phục hồi tiền đình, thuốc giúp an dịu và điều hòa hoạt động thần kinh cũng như các thuốc điều trị đặc hiệu cho tình trạng bệnh lý nguyên nhân.
  • Trong một số trường hợp nghiêm trọng không thể thực hiện điều trị bằng các biện pháp khác, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật nhằm khắc phục tình trạng sức khỏe như u dây thần kinh tiền đình, u não, chảy máu não….

Một số biện pháp hỗ trợ cải thiện triệu chứng rối loạn tiền đình ở người già

Các trường hợp người cao tuổi mắc chứng rối loạn tiền đình, người bệnh và người thân có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ và chung sống với hội chứng như:

  • Tạo môi trường an toàn cho người cao tuổi: sắp xếp lại vật dụng trong gia đình, loại bỏ các đồ vật không cần thiết, lắp các thiết bị đèn chiếu đủ sáng, lót thảm chống trượt để hạn chế tai nạn có thể xảy ra.
  • Sử dụng các thiết bị hỗ trợ như: gậy đi bộ, máy đi bộ… để giữ thăng bằng và an toàn trong khi di chuyển.
  • Thực hiện biện pháp giảm căng thẳng như: tập thiền, yoga, các bài tập thư giãn cơ thể có thể giúp giảm triệu chứng rối loạn tiền đình.
  • Nhẹ nhàng và thường xuyên thay đổi tư thế khi ngồi và nằm để giảm áp lực lên hệ thống cân bằng.
  • Người thân trong gia đình cần chủ động quan tâm đồng hành để người bệnh bớt căng thẳng, thích nghi và phối hợp điều trị bệnh.

Rối loạn tiền đình ở người già là một vấn đề phổ biến gây khó chịu và tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe. Việc chăm sóc và thăm khám thường xuyên với các bác sĩ có thể giúp phát hiện sớm các nguyên nhân cho người bệnh, từ đó đưa ra những phương án điều trị và hỗ trợ người già thích ứng và duy trì cuộc sống ổn định.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết