Những nguyên nhân chính gây ra rối loạn tiền đình
nguyen-nhan-gay-ra-roi-loan-tien-dinh
Những nguyên nhân chính gây ra bệnh rối loạn tiền đình là gì? - ảnh: BookingCare

Những nguyên nhân chính gây ra rối loạn tiền đình

Tác giả: - Xuất bản: 27/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 08/12/2023
Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình, vì vậy nhiều người còn gặp khó khăn trong việc xác định nguyên nhân để phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Rối loạn tiền đình có thể bắt nguồn từ yếu tố sức khỏe chủ quan hoặc khách quan. Việc chẩn đoán nguyên nhân bằng các phương pháp cụ thể giúp bác sĩ và người bệnh chuẩn bị những phương án cần thiết để điều trị bệnh một cách hiệu quả.

Các nguyên nhân chính gây ra rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình là bệnh lý tương đối phổ biến hiện nay với các triệu chứng thường gặp nhất bao gồm: chóng mặt, ù tai, nhức đầu, cảm giác mất thăng bằng,... Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng này, trong đó, các nguyên nhân phổ biến nhất có thể kể đến gồm:

  • Một số loại thuốc có tác dụng phụ gây chóng mặt trong đó có các thuốc không kê đơn và các thuốc cần kê đơn. Các thuốc không cần kê đơn có thể gây chóng mặt thường gặp nhất là các thuốc giảm đau chống viêm như ibuprofen, indomethacin, naproxen, paracetamol và cafeine…
  • Các thuốc kê đơn để điều trị tình trạng bệnh lý khác gây tác dụng phụ như: thuốc hạ huyết áp, thuốc kháng sinh, thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần kinh, thuốc chống Parkinson, thuốc hạ mỡ máu…
  • Rối loạn cấu trúc và chức năng cơ quan tiền đình: một số tác nhân gây viêm nhiễm hệ thống tiền đình, dị tật bẩm sinh, tổn thương do chấn thương hoặc phẫu thuật, hoặc quá trình lão hóa tự nhiên có thể gây ra sự rối loạn về cấu trúc hoặc chức năng tiền đình.
  • Một số bệnh lý rối loạn hệ thống thần kinh như: bệnh Ménière, Parkinson, đột quỵ, thoái hóa thần kinh, hay khối u não,...có thể ảnh hưởng đến hệ thống cân bằng và gây ra triệu chứng tiền đình.
  • Rối loạn tiền đình bắt nguồn từ một số bệnh lý tai như: viêm tai giữa, viêm tai giữa mạn tính hoặc sự tắc nghẽn vòi nhĩ Eustachian có thể gây ra rối loạn tiền đình. 
  • Các nguyên nhân liên quan đến tiếng ồn: thường xuyên sống và làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn có thể gây hại đến chức năng của hệ thống tiền đình.

Các phương pháp chẩn đoán rối loạn tiền đình

Các trường hợp có biểu hiện bệnh rối loạn tiền đình cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán nguyên nhân cụ thể về các triệu chứng đó. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tiền sử bệnh lý và tình trạng sức khoẻ hiện tại của người bệnh để lựa chọn các hình thức chẩn đoán nguyên nhân cụ thể. 

Một số xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân tiền đình phổ biến hiện nay gồm:  

  • Thăm khám lâm sàng: bác sĩ sẽ tìm hiểu về đặc điểm của các triệu chứng và thăm khám các dấu hiệu thực thể trên người bệnh.
  • Kiểm tra thính lực: đánh giá thính lực nhằm xác định các vấn đề liên quan đến tai nếu người bệnh có triệu chứng về thính giác kèm theo như ù tai, nghe kém.
  • Xét nghiệm máu: chỉ định nhằm loại trừ các nguyên nhân chóng mặt do thiếu máu, rối loạn điện giải, nội tiết, suy giảm chức năng các cơ quan như tim, gan, thận…
  • Xét nghiệm hình ảnh: bao gồm phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI), cắt lớp vi tính (CT) sọ não để thu lại hình ảnh chi tiết về cấu trúc não và tai.
  • Kiểm tra điện sinh lý: đo điện não đồ (EEG) hoặc ảnh động nhãn đồ (VNG) nhằm đánh giá hoạt động điện sinh lý của não và hệ thống tiền đình - thị giác.

Việc xác định nguyên nhân rối loạn tiền đình là yếu tố quan trọng để bác sĩ có thể chẩn đoán mức độ nguy hiểm của rối loạn tiền đình và đưa ra các phương án điều trị phù hợp. Người bệnh cần thăm khám thường xuyên nếu xuất hiện các triệu chứng để điều trị hiệu quả rối loạn tiền đình, giúp cải thiện sức khỏe và duy trì cuộc sống bình thường.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết