- Xuất bản: 02/06/2024 - Cập nhật lần cuối: 03/06/2024
Thoái hóa khớp háng ở người trẻ có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe - Ảnh: BookingCare
Thoái hoá khớp háng ở người trẻ tuổi ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, thậm chí tăng nguy cơ tàn phế ở người trẻ tuổi. Cùng BookingCare tìm hiểu về tình trạng thoái hóa khớp háng ở người trẻ qua bài viết dưới đây.
Thoái hoá khớp háng là bệnh lý do hậu quả của tuổi tác và mài mòn khớp. Nếu như trước đây, thoái hoá khớp háng chỉ ghi nhận ở độ tuổi trên 50 thì những năm gần đây, bệnh lý xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi, thậm chí ở tuổi 30. Vậy thoái hoá khớp háng ở người trẻ do đâu? Những biểu hiện, cách điều trị và phòng ngừa bệnh như thế nào?
Nguyên nhân thoái hoá khớp háng ở người trẻ
Thoái hoá khớp háng ở người trẻ tuổi có thể do một hoặc sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ dẫn tới thoái hoá khớp háng ở người trẻ:
Cơ địa và di truyền: Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc tăng nguy cơ thoái hoá khớp háng của người bệnh. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh xương khớp, nguy cơ bị thoái hoá khớp cũng tăng lên.
Chấn thương: Các chấn thương, vết thương do tai nạn, thể thao,… có thể gây tổn thương lên khớp háng và dẫn tới tình trạng thoái hoá sớm.
Áp lực không đều lên khớp: Khớp háng là khớp chịu tải trọng lớn nhất trên cơ thể. Nếu tải trọng quá lớn hoặc không đều lên khớp háng trong thời gian dài có thể gây mất cân bằng, gây chấn thương và dẫn tới thoái hóa khớp.
Béo phì: Thừa cân, béo phì làm tăng áp lực lên xương khớp, là yếu tố nguy cơ dẫn tới thoái hóa khớp.
Bệnh lý viêm khớp: Các bệnh viêm nhiễm khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp mạn tính, lupus,… cũng có thể gây tổn thương và thoái hóa khớp sớm ở người trẻ.
Lười vận động hoặc vận động quá mức: Lối sống lười vận động khiến các cơ xung quanh khớp háng yếu đi, tạo thành áp lực lên khớp và gây tổn thương. Ngược lại, vận động quá mạnh cũng làm bào mòn và suy yếu sụn khớp, gây thoái hoá khớp ở người trẻ.
Thói quen lạm dụng rượu bia, thuốc lá: Rượu bia, thuốc lá không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch mà còn làm ảnh hưởng tới hệ mao mạch nuôi dưỡng khớp háng, giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, giảm mật độ xương và gây ra những vấn đề xương khớp.
Lạm dụng corticoid: Các loại thuốc chống viêm hay ức chế miễn dịch đều có nguy cơ dẫn tới loãng xương, thoái hoá khớp.
Biểu hiện thoái hoá khớp háng ở người trẻ
Những người trẻ bị thoái hoá khớp háng có thể gặp phải một số biểu hiện như:
Đau vùng khớp háng hoặc xung quanh đùi, đặc biệt khi đi lại, đi bộ, chạy, đứng lâu hay leo cầu thang. Đau khiến người bệnh khó khăn trong đi lại và cản trở các sinh hoạt hàng ngày.
Một số trường hợp có biểu hiện viêm (Sưng, đau, nóng, đỏ) xung quanh khớp háng, khiến người mệt khó khăn trong việc đi lại.
Khớp háng bị hạn chế vận động, mất khả năng linh hoạt, khiến việc xoay, cử động đau, hạn chế.
Có thể có các điểm đau cố định tại khớp háng. Đau không giảm dù đã nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc.
Thay đổi thời tiết có thể gây tăng đau, hạn chế vận động.
Giai đoạn đầu người bệnh khó làm một số động tác như ngồi xổm, trèo lên ghế, ngồi kiểu cưỡi ngựa. Giai đoạn sau mức độ tăng dần, đi khập khiễng, phải chống gậy,…
Điều trị thoái hoá khớp háng ở người trẻ
Thoái hóa khớp háng nói chung và thoái hoá khớp háng ở người trẻ nói riêng không có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn. Người bệnh có thể kiểm soát và làm giảm triệu chứng bệnh thông qua việc thay đổi lối sống và sử dụng thuốc.
Vận động và tập thể dục: Vận động và tập thể dục giúp cải thiện sự linh hoạt của khớp, tăng cường sự ổn định và làm giảm đau khớp. Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện để được tư vấn bài tập và hình thức vận động tốt nhất.
Vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu thường có tác dụng giúp tăng cường lưu thông máu, tăng cường sự linh hoạt của các khớp và tăng cường cơ bắp xung quanh hông.
Giảm đau: Sử dụng thuốc giảm đau và chống viêm Non-steroid (NSAIDs) có thể giúp giảm đau và viêm. Trong trường hợp đau dữ dội, bác sĩ có thể đề xuất tiêm corticosteroid trực tiếp vào khớp.
Phẫu thuật: Trong trường hợp thoái hoá khớp háng ở người trẻ nặng, không đáp ứng với các phương pháp khác, bác sĩ có thể chỉ định thay khớp háng hoặc khoan tái tưới máu nhằm tái tạo mô sụn để cải thiện chức năng khớp và giảm đau.
Phòng ngừa thoái hóa khớp háng ở người trẻ
Ở người trẻ, hệ cơ xương còn khoẻ mạnh, khả năng tái tạo tốt hơn nhiều so với người cao tuổi. Do đó, nếu áp dụng đúng cách, người trẻ có thể phòng ngừa được bệnh thoái hóa khớp và nhiều vấn đề xương khớp khác.
Loại bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích,…
Thường xuyên vận động, tập luyện thể thao với mức độ vừa phải. Không tập những bài tập hay vận động quá sức, cường độ cao kéo dài.
Ngồi và đứng đúng tư thế, nhất là với dân văn phòng. Nên cố gắng đi lại sau mỗi giờ làm việc.
Hạn chế ngồi quá lâu, ngồi xổm, khuân vác vật nặng,... có thể làm ảnh hưởng đến quá trình vận động khớp háng.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học, bổ sung nhiều vitamin D, canxi, omega 3, protein,…
Điều trị sớm và triệt để các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến thoái hoá khớp háng như bệnh gout, đái tháo đường, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, lupus,…
Thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm, từ đó có biện pháp hạn chế sự phát triển của bệnh.
Thoái hóa khớp háng ở người trẻ có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, suy giảm sức lao động và làm giảm chất lượng sống. Do đó, cách tốt nhất là phòng ngừa từ sớm, khám và điều trị ngay từ ban đầu để tránh những biến chứng của bệnh.