Cảnh giác chàm sữa ở trẻ sơ sinh: Phải làm gì khi trẻ bị chàm sữa?
Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Chàm sữa ở trẻ sơ sinh là bệnh ngoài da thường gặp - Ảnh: BookingCare

Cảnh giác chàm sữa ở trẻ sơ sinh: Phải làm gì khi trẻ bị chàm sữa?

Tác giả: - Xuất bản: 18/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Chàm sữa (Lác sữa) không phải tình trạng hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Chàm sữa tuy không nguy hiểm nhưng lại khó điều trị dứt điểm và thường xuyên tái phát. Cha mẹ cần lưu ý để phát hiện và điều trị chàm sữa kịp thời cho bé.

Chàm sữa là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, thường hay gặp ở trẻ sơ sinh. Theo thống kê, có khoảng 20% trẻ sinh ra bị chàm sữa với đặc điểm da khô, bong vảy ở đầu, trán, mặt và nổi bật nhất là ở 2 bên má. Bệnh thường nặng lên vào mùa đông khi thời tiết khô hanh.

Chàm sữa tái phát nhiều lần dễ dẫn đến chàm thể tạng, cha mẹ nên lưu ý để kịp thời cho bé thăm khám và điều trị với các bác sĩ Da liễu.

Nguyên nhân chàm sữa

Chàm sữa (eczema) là bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh trong độ tuổi từ 3 đến 24 tháng. Chàm sữa là bệnh viêm da mạn tính, không lây và có nguy cơ phát triển thành chàm thể tạng nếu tái phát nhiều lần. Vì vậy, người ta còn gọi chàm sữa là giai đoạn đầu của chàm thể tạng.

Nguyên nhân gây bệnh chàm sữa chưa được xác định chắc chắn. Tuy nhiên, bệnh có nguy cơ cao ở các trẻ nhỏ:

  • Trẻ có cơ địa dị ứng
  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh mề đay, hen suyễn, dị ứng da do thời tiết
  • Người mẹ thường xuyên ăn các loại thực phẩm đồ tanh, hải sản giàu chất đạm ảnh hưởng tới nguồn sữa mẹ khiến trẻ bị dị ứng
  • Trẻ thường xuyên tiếp với các tác nhân gây dị ứng như thời tiết, khói bụi, lông động vật chó, mèo, phấn hoa,...
  • Trẻ chơi đùa, tiếp xúc nhiều với đồ vật không vệ sinh như đồ chơi, quần áo, chăn gối đệm...
  • Dị ứng với các chất kích thích như xà bông, bột giặt, thuốc tẩy, vải len, khói thuốc

Dấu hiệu chàm sữa ở trẻ sơ sinh

Chàm sữa ở trẻ sơ sinh khá dễ nhận biết. Trẻ sơ sinh thường bị chàm ở mặt, da đầu, chân tay, thân mình, cổ, khuỷu tay, sau đầu gối và mu bàn tay, cổ tay, mắt cá chân với những triệu chứng như:

  • Xuất hiện đỏ, ngứa sau đó phát triển thành mụn nước nhỏ li ti tập trung thành từng đám dày đặc. Các mụn nước vỡ ra, chảy nước, khô dần đóng vảy  và tróc vảy
  • Vùng da bị bệnh khá thô ráp, có vảy li ti, da bị khô và căng
  • Sẩn đỏ đi kèm các triệu chứng hen suyễn, viêm mũi
  • Trẻ khó chịu, quấy khóc, ăn ngủ kém
  • Trẻ bứt rứt, gãi liên tục hoặc chà đầu, cọ mặt vào gối cho đỡ ngứa làm mụn nước vỡ ra, da rớm máu hoặc chảy máu một vùng da lớn

Do trẻ có thói quen gãi và chà xát vào vùng da tổn thương nên rất dễ bị bội nhiễm nếu không giữ vệ sinh cẩn thận. Nhiễm trùng khiến việc điều trị gặp khó khăn và gây sẹo trên da, ảnh hưởng mặt thẩm mỹ của trẻ sau này, đặc biệt là với những trẻ sơ sinh bị lác sữa trên mặt.

Hình ảnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Hình ảnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh - Ảnh: Internet

Phân biệt chàm sữa với các bệnh ngoài da khác

Chàm sữa rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh ngoài da khác như chốc, mề đay vì có những triệu chứng và biểu hiện gần giống nhau.

  • Mề đay: Nổi nốt mẩn và phù, xuất hiện rải rác toàn thân 
  • Chốc: Da xuất hiện mụn nước hoặc bóng nước, sau đó tiến triển thành mụn mủ. Mụn mủ bị vỡ và khô, đóng vảy dày màu vàng. Vị trí bất kì ở đâu và thường liên quan tới ổ nhiễm trùng.
  • Rôm sảy: Hay gặp vào mùa hè, các mụn rộp rải rác toàn thân.
  • Viêm da tiếp xúc: Các mụn nước bọng nước trên nền da đỏ, hay gặp ở vùng hở, những vùng tiếp xúc với dị nguyên.

Điều trị chàm sữa hiệu quả tại nhà

Khi điều trị chàm sữa cho trẻ, cần lưu ý:

  • Giữ vệ sinh sạch sẽ, hạn chế nguy cơ bội nhiễm.
  • Tắm rửa đúng cách cho trẻ mỗi ngày bằng nước ấm vừa phải. Không dùng nước nóng tắm vì sẽ khiến da trẻ bị khô, làm nghiêm trọng hơn tình trạng chàm da và tránh không để bé ngâm lâu trong nước xà phòng.
  • Nếu muốn sử dụng thuốc, kem trị lác sữa cho trẻ sơ sinh, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ Da liễu để bác sĩ tư vấn những loại thuốc phù hợp và an toàn với làn da của bé.
  • Tránh tự ý mua thuốc bôi cho trẻ và sử dụng các phương pháp dân gian như đắp lá vì có thể làm bệnh nặng thêm.
  • Trường hợp trẻ bị đỏ da, khô da và tróc vảy có thể dùng thuốc chứa corticosteroid với nồng độ thấp để bôi trong thời gian ngắn khoảng 5 - 7 ngày
  • Không được cho trẻ sử dụng corticosteroid với hàm lượng cao dùng cho người lớn để bôi cho bé vì sẽ gây teo da, mất màu da, thậm chí gây suy tuyến thượng thận nếu dùng lâu dài
  • Ngoài ra, sử dụng corticosteroid hàm lượng cao còn có thể khiến chàm lan rộng, nặng thêm và nhiễm trùng, vì vậy cha mẹ cần hết sức lưu ý.

Đề phòng bệnh chàm sữa ở trẻ

Để phòng ngừa bệnh chàm ở trẻ, cha mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh:

  • Cho bé bú sữa mẹ trong thời gian lâu nhất có thể
  • Cho bé các loại thức ăn cho bé từ 6 tháng trở đi
  • Hạn chế cho bé ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, cá, thực phẩm lên men, trứng, đậu phộng,...
  • Không nên cho trẻ tắm lâu, tắm nước quá nóng, sử dụng sữa tắm, xà phòng tẩy rửa mạnh dễ gây khô da và kích ứng
  • Nên sử dụng xà phòng, sữa tắm, nước giặt quần áo dành riêng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
  • Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi, tránh mặc quần áo chật, chất liệu dạ, len gây bít tắc
  • Giữ cho da bé luôn khô thoáng, tránh để cơ thể bé đổ mồ hôi ẩm ướt, cần thay tã lót cho bé thường xuyên
  • Nơi ở của bé thoáng mát, không ẩm mốc nhưng nên đủ độ ẩm cần thiết
  • Vệ sinh phòng ngủ, nhà cửa , chăn ga gối đệm, đồ chơi của bé thường xuyên
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như chó, mèo, khói bụi, khói thuốc,... khi trẻ đang mắc bệnh

Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh sẽ thuyên giảm dần và có thể tự khỏi khi trẻ lớn hơn 1 tuổi. Tuy nhiên, đến khoảng 4 tuổi mà vẫn chưa khỏi, bệnh thường kéo dài và hay tái phát, có thể biến chứng thành chốc, viêm da mụn mủ (giống thủy đậu) và tiến triển thành chàm.

Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh sẽ thuyên giảm dần và có thể tự khỏi khi trẻ lớn hơn 1 tuổi. Tuy nhiên, đến khoảng 4 tuổi mà vẫn chưa khỏi, bệnh chuyển sang giai đoạn khu trú, dai dẳng và hay tái phát có thể tồn tại đến tuổi trưởng thành.

Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh chàm sữa, cha mẹ nên lưu ý cho con thăm khám sớm với bác sĩ để điều trị phù hợp, tránh tiền mất tật mang.

g.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết