Chảy máu mũi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí
Chảy máu mũi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí
Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí chảy máu mũi
Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí chảy máu mũi - Ảnh: BookingCare

Chảy máu mũi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 19/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 25/12/2023
Phần lớn mỗi chúng ta đều gặp tình trạng chảy máu mũi ít nhất một lần trong suốt cuộc đời. Chảy máu mũi có thể nhẹ và tự cầm bằng các cách xử trí đơn giản nhưng cũng có những trường hợp chảy nhiều, không tự cầm được. Có cái nhìn toàn diện về nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí giúp bảo vệ sức khỏe người thân và gia đình.

Chảy máu mũi hay thường gọi là chảy máu cam, là một cấp cứu của bệnh Tai mũi họng. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và đặc biệt hay gặp hơn ở trẻ nhỏ. Đứng trước trường hợp này, chúng ta cần làm gì, cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí chảy máu mũi.

Chảy máu mũi là gì?

Chảy máu mũi (chảy máu cam) là tình trạng máu chảy từ niêm mạc bên trong mũi qua một hoặc hai bên mũi. Thông thường chảy máu cam chỉ xảy ra ở một bên mũi.

Bên trong các hốc mũi có nhiều mạch máu nhỏ. Những mạch này giúp làm ấm và làm ẩm không khí khi hít thở. Các mạch máu nằm sát niêm mạc trong khi đó các niêm mạc mũi rất mỏng. Khi không khí di chuyển qua mũi, nó có thể làm khô và kích thích mạch máu. Điều này cùng với một vài nguyên nhân tác động khiến mạch máu rất dễ bị tổn thương hoặc đứt gãy, gây chảy máu mũi.

Ai có thể bị chảy máu cam

Khoảng 60% dân số sẽ bị chảy máu cam ít nhất một lần trong đời. Chỉ có khoảng 10% trường hợp đủ nghiêm trọng nặng để cần đến cơ sở điều trị y tế. Một số nhóm đối tượng có khả năng bị chảy máu cam nhiều hơn như trẻ em, phụ nữ mang thai, những người mắc các bệnh về rối loạn đông máu, tăng huyết áp, những người cần dùng thuốc chống đông…

Nguyên nhân gây chảy máu mũi

Chảy máu cam xảy ra khi có sự tổn thương, đứt gãy các mạch máu trong niêm mạc mũi. Tình trạng này xảy ra đột ngột và khó có thể xác định ngay nguyên nhân gây chảy máu. Một số nguyên nhân gây vỡ mạch máu dẫn đến chảy máu mũi có thể chia thành:

  • Do thời tiết: nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu cam là không khí khô. Khí hậu nóng, độ ẩm thấp hoặc không khí nóng trong nhà gây ra không khí khô. Cả hai môi trường đều khiến các mô mỏng bên trong mũi bị khô và trở nên giòn, dễ nứt gãy.
  • Chấn thương: do ngoáy mũi, nhét dị vật vào mũi, do tai nạn, sau phẫu thuật vùng mũi… gây rách niêm mạc, tổn thương điểm mạch hoặc các mạch cấp máu vùng mũi.
  • Sốt xuất huyết, sốt giảm tiểu cầu làm rối loạn yếu tố đông máu gây chảy máu mũi.
  • Nhiễm trùng: cảm lạnh (nhiễm trùng đường hô hấp trên) và viêm xoang, đặc biệt là các đợt hắt hơi, ho và xì mũi nhiều lần.
  • Dị ứng: viêm mũi dị ứng và không dị ứng cũng làm tăng nguy cơ tổn thương mạch máu.
  • Dị tật mũi, vẹo vách ngăn, các khối u vòm…
  • Một số thuốc: thuốc chống đông, chống viêm làm loãng máu khiến cho máu khó cầm.
  • Hóa chất độc hít phải: hóa chất trong dụng cụ vệ sinh, khói hóa chất tại nơi làm việc và các mùi mạnh khác.
  • Một số bệnh lý cũng có thể là nguyên nhân đằng sau tình trạng chảy máu mũi như các bệnh về rối loạn đông máu, xơ gan, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…
  • Chảy máu mũi vô căn: là các trường hợp chảy máu mũi mà không tìm thấy căn nguyên gây bệnh.

Triệu chứng nhận biết chảy máu mũi

Thông thường, sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào ngoài máu chảy ra từ cửa mũi. Nếu bị chảy máu mũi sau, một ít máu có thể chảy xuống phía sau cổ họng và vào dạ dày. Điều này có thể gây ra mùi vị khó chịu ở phía sau cổ họng và khiến cảm thấy buồn nôn.

Trong trường hợp mất máu nhiều, có thể xuất hiện các triệu chứng của tình trạng thiếu máu như hoa mắt, chóng mặt, da và niêm mạc các vùng nhạt màu.

Bên cạnh các triệu chứng chảy máu mũi trước và sau còn có triệu chứng kèm theo tương ứng với bệnh là căn nguyên gây chảy máu mũi.

Cách bóp cánh mũi giúp cầm máu mũi - Ảnh: BookingCare

Cách xử trí khi bị chảy máu mũi

Làm thế nào để ngăn chặn chảy máu cam, áp dụng các cách sau đây để xử trí và cầm máu mũi tại nhà:

  • Đặt người bệnh ở tư thế ngồi thẳng, đầu hơi hướng về phía trước, không nên ngửa cổ về phía sau, điều này giúp hạn chế máu chảy xuống họng.
  • Dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ bóp chặt hai cánh mũi trong vòng 3-5 phút. Sau đó kiểm tra lại, nếu vẫn tiếp tục chảy thực hiện lại động tác bóp cánh mũi thêm 10 phút.
  • Có thể sử dụng bông tẩm thuốc co mạch để nhét vào vị trí chảy máu.
  • Dùng các thuốc xịt co mạch, tuy nhiên cách này không nên dùng kéo dài vì làm tăng nguy cơ chảy máu cam.
  • Khạc nhổ nhẹ nhàng máu trong cổ họng ra ngoài.
  • Sau khi máu đã cầm, đừng xì mũi và ngoáy mũi để tránh xây xát niêm mạc mũi.

Các cách xử trí trên giúp ích cho việc làm ngưng chảy máu mũi ngay lập tức. Tuy nhiên nếu sau khi đã thực hiện các cách cầm máu tại nhà, mà hiện tượng chảy máu vẫn còn nhiều, hoặc trường hợp người bệnh có các triệu chứng như tái nhợt, toát mồ hôi, ý thức rối loạn… cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Phòng ngừa chảy máu mũi an toàn

Một số thay đổi về lối sống sau có thể giúp phòng ngừa tình trạng chảy máu mũi:

  • Hạn chế tác động gây chấn thương đến mũi như hạn chế ngoáy mũi.
  • Bảo vệ vùng mũi miệng bằng cách đeo khẩu trang thường xuyên.
  • Vệ sinh mũi, nhỏ mũi giúp làm ấm và ấm niêm mạc khi thời tiết hanh khô.
  • Ăn uống đủ chất đặc biệt là các loại thực phẩm giàu vitamin C.
  • Từ bỏ hút thuốc, hút thuốc làm khô mũi và kích thích mũi.

Chảy máu mũi có thể là tình trạng đơn giản và hoàn toàn có thể tự xử trí và cầm máu tại nhà nhưng đôi khi lại là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý phức tạp. Hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử trí chảy máu mũi để có những thao tác phù hợp khi gặp phải tình trạng này và đặc biệt biết khi nào cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa Tai mũi họng.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết