Chảy nước mũi: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
Nguyên nhân chảy nước mũi là do đâu?
Chảy nước mũi là tình trạng dịch nhầy trong mũi chảy ra bên ngoài - Ảnh: BookingCare

Chảy nước mũi: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Tác giả: - Xuất bản: 25/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 10/03/2024
Chảy nước mũi là tình trạng rất phổ biến. Nguyên nhân thường gặp nhất là do dị ứng hoặc nhiễm virus (cúm, cảm lạnh…). Chảy nước mũi có thể tự khỏi; hay chăm sóc tại nhà đúng cách và sử dụng thuốc sẽ giúp cải thiện tình trạng này.

Chảy nước mũi xảy ra ở rất nhiều người và gây phiền toái, khó chịu. Các nguyên nhân, phương pháp điều trị chảy nước mũi như thế nào và chảy nước mũi có dự phòng được không?...

Để trả lời cho các câu hỏi trên, cùng BookingCare đi tìm hiểu các thông tin trong bài viết này. 

Triệu chứng chảy nước mũi

Chảy nước mũi là tình trạng dịch nhầy trong mũi chảy ra bên ngoài. Độ đặc và màu sắc của chất nhầy chảy ra từ mũi có thể không giống nhau. 

Trong trường hợp dị ứng, ăn thức ăn cay hoặc khi gặp nhiệt độ lạnh thường gây chảy nước mũi loãng hơn. Trong khi cảm lạnh hay viêm nhiễm khác thì cơ thể thường tiết ra chất dịch nhầy đặc hơn.

Chảy nước mũi có thể xảy ra đơn độc hoặc thường kèm theo một số triệu chứng sau:

  • Nghẹt mũi
  • Hắt xì
  • Ngứa hoặc chảy nước mắt
  • Chảy dịch cửa mũi sau: đây là tình trạng nhiều chất nhầy tích tụ và chảy ra phía sau mũi xuống họng hơn bình thường. Đây có thể là nguyên nhân gây viêm họng hay ho đờm.

Nguyên nhân gây chảy nước mũi

Nguyên nhân gây chảy nước mũi phổ biến nhất gồm:

  • Dị ứng (viêm mũi dị ứng): phấn hoa, lông thú cưng, bụi hoặc bào tử nấm. Khi viêm mũi dị ứng, hệ thống miễn dịch cho rằng chất gây dị ứng đang xâm nhập gây hại cho cơ thể. Do đó hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể bằng cách giải phóng ra histamin làm tăng tiết dịch trong mũi để đẩy các chất gây dị ứng ra ngoài.
  • Nhiễm virus: khi nhiễm một số virus hay gặp như cúm, COVID-19... sẽ gây kích ứng niêm mạc mũi và xoang. Mũi bắt đầu tiết ra nhiều chất nhầy trong suốt để đáp ứng lại tình trạng này. Chất nhầy này bẫy virus và giúp đẩy virus ra khỏi mũi và xoang. Nếu virus vượt qua lớp màng nhầy này thì bạn sẽ bị bệnh. Khi nhiễm bệnh chất nhầy tiết ra nhiều hơn, đặc hơn với các màu sắc thay đổi khác nhau trắng ngà, vàng hoặc xanh lục…

Một số nguyên nhân khác gây sổ mũi:

  • Nhiệt độ lạnh
  • Chảy nước mắt (khóc)
  • Nhiễm trùng xoang (viêm xoang)
  • Polyp mũi 
  • Dị vật trong mũi
  • Một số loại thuốc có tác dụng phụ gây chảy nước mũi như: thuốc tránh thai, một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc chống trầm cảm và thuốc rối loạn cương dương.
  • Cai nghiện Opioid (chất hưng phấn gây an thần): Việc cai nghiện opioid gây ra nhiều triệu chứng, bao gồm sổ mũi và chảy nước mắt quá mức.
Tác nhân gây chảy nước mũi thường gặp.
Phấn hoa, lông động vật, vi khuẩn và virus là những nguyên nhân gây chảy nước mũi - Ảnh: Canva

Điều trị chảy nước mũi

Đại đa số các trường hợp sổ mũi sẽ tự hết và không cần điều trị. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ như:

  • Nhiễm trùng xoang (viêm xoang): nhiễm trùng xoang có thể tự khỏi. Nhưng khi tình trạng sổ mũi không cải thiện sau 10 ngày bạn nên để gặp bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng để được khám và kê đơn thuốc điều trị phù hợp
  • Viêm mũi mạn tính: trong trường hợp tình trạng sổ mũi mạn tính nên đến thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để xác định nguyên nhân gây chảy nước mũi. Nếu bạn gặp phải các trường hợp như: polyp mũi, lệch vách ngăn mũi hoặc phì đại tổ chức Lympho vòm họng, bạn cần được xử lý bằng phẫu thuật để giải quyết triệt để.
  • Dị vật trong mũi: dị vật kẹt trong mũi cần được lấy ra. Dị vật mũi hay gặp ở trẻ nhỏ. Những loại dị vật mũi hay gặp gồm: chun, hạt cườm, cúc áo, pin điện tử, thức ăn (như hạt ngô, hạt lạc…).

Một số thuốc không kê đơn có thể sử dụng làm giảm tình trạng chảy nước mũi như:

  • Thuốc long đờm: Những loại thuốc này có thể làm loãng chất nhầy để giúp loại bỏ chất nhầy dễ dàng và làm giảm tình trạng chảy nước mũi.
  • Thuốc co mạch mũi: Các thuốc thuộc nhóm này làm các cuốn co nhỏ  lại và làm giảm tiết dịch mũi của bạn. Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin có tác dụng rất lớn khi nguyên nhân sổ mũi là do dị ứng.

Biến chứng của chảy nước mũi

Một số trường hợp chảy nước mũi có thể dẫn đến các biến chứng nhẹ, bao gồm:

  • Chảy nước mũi sau: Chất nhầy dư thừa có thể tích tụ và chảy về phía sau mũi xuống họng. Đây là một trong số các nguyên nhân gây viêm họng.
  • Nhiễm trùng xoang (viêm xoang): Khi các lỗ thông xoang bị tắc nghẽn có thể dẫn đến nhiễm trùng xoang.
  • Đau tai hoặc nhiễm trùng tai giữa: Nếu chất nhầy dư thừa tích tụ vào ống eustachian (là một ống hẹp nối tai giữa và mũi) có thể dẫn đến đau tai hoặc nhiễm trùng tai giữa.

Những biến chứng  trên đều có thể điều trị được.

Chảy nước mũi chăm sóc tại nhà như thế nào?

Để cải thiện tình trạng chảy nước mũi tại nhà có thể sử dụng các cách như sau:

  • Nghỉ ngơi hợp lý.
  • Uống nhiều nước, nhất là nước ấm.
  • Xông hơi mũi giúp thông thoáng đường thở.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc hơi nước trong nhà giúp làm giảm tình trạng nghẹt mũi do không khí khô.
  • Xịt rửa mũi bằng nước muối hoặc muối rửa mũi làm sách chất nhầy 

Dự phòng chảy nước mũi

Dự phòng không thể ngăn ngừa sổ mũi hoàn toàn nhưng sẽ cố gắng làm hạn chế các tác nhân gây chảy nước mũi nhiều nhất có thể. Dưới đây là một số cách đơn giản để ngăn chặn các tác nhân gây chảy nước mũi xâm nhập vào cơ thể:

  • Rửa tay thường xuyên.
  • Tránh tiếp xúc với những người bị cảm lạnh, cúm hay các tác nhân gây dị ứng.
  • Sử dụng khẩu trang khi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với những người đang bị viêm đường hô hấp trên (có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, chảy nước mũi)
  • Ăn uống lành mạnh và tập thể dục điều độ tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
  • Làm sạch và khử trùng bề mặt thông dụng như bàn ghế, đồ chơi, tay nắm cửa, điện thoại,...

Bài viết trên đã cung cấp các thông tin về triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị chảy nước mũi cũng như về biến chứng và cách dự phòng chảy nước mũi. Mong rằng với những thông tin BookingCare đề cập tới sẽ giúp bạn trả lời được các câu hỏi xoay quanh tình trạng chảy nước mũi.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết