Chữa táo bón bằng đông y có thật sự hiệu quả?

Tác giả: - Xuất bản: 02/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/02/2024
Chữa táo bón bằng đông y
Chữa táo bón bằng đông y có thật sự hiệu quả? - Ảnh: BookingCare
Táo bón (Tiện bí) chỉ tình trạng đại tiện bí kết không thông. Chữa táo bón bằng đông y có tác dụng tốt trong việc tăng tần suất đi đại tiện, giảm thời gian phân ở đại tràng, đồng thời giảm đau và khó chịu cho người bệnh.

Táo bón là một chứng thường gặp trong đường tiêu hoá, trong đó phân nằm lâu trong đại tràng không được tống ra ngoài. Táo bón khiến người bệnh gặp nhiều khó chịu, dễ dẫn tới nhiều vấn đề bệnh lý khác.

Chữa táo bón bằng đông y có thể áp dụng châm cứu, xoa bóp bấm huyệt hay dùng thuốc. Cùng tìm hiểu các phương pháp điều trị táo bón bằng y học cổ truyền qua bài viết dưới đây. 

Táo bón theo y học cổ truyền

Một người bình thường có thể đi đại tiện 2 lần/ngày hoặc 2 – 3 lần/tuần. Số lần đi đại tiện phụ thuộc vào thói quen, hoàn cảnh từng người, khối lượng phân mỗi ngày khoảng trên 200g. 

Táo bón là khó khăn hoặc giảm tần suất đại tiện, phân cứng, hoặc cảm giác tống phân không hết. Người bị táo bón đi đại tiện ít hơn 2 lần/tuần, phân cứng và ít (dưới 100g), phải ngồi lâu, rặn nhiều, nhiều khi có cảm giác đi ngoài không hết phân, khó chịu, có cảm giác muốn đi ngoài,… 

Táo bón có thể có nhiều nguyên nhân: bao gồm táo bón có tổn thương thực thể và táo bón có nguồn gốc chức năng. Trong đó táo bón cấp tính cho thấy một nguyên nhân thực thể, trong khi táo bón mạn tính có thể là thực thể hoặc chức năng. 

Táo bón mạn tính thường có nguồn gốc chức năng như: thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học, rối loạn cơ năng đại tràng, rối loạn chuyển hoá, do thuốc, trong bệnh cảnh các bệnh mãn tính khác,… 

Trong y học cổ truyền, táo bón mạn tính được phân theo bệnh danh Tiện bí, chỉ tình trạng đại tiện bí kết không thông. Người bệnh phải đi ngoài ngồi lâu hoặc muốn đi ngoài nhưng khi đi lại khó khăn, phát sinh ra tiện bí do rối loạn chức năng vận chuyển của đại trường do nhiều nguyên nhân gây ra. 

Táo bón được xếp vào chứng Tiện bí trong y học cổ truyền - Ảnh: Freepik
Táo bón được xếp vào chứng Tiện bí trong y học cổ truyền - Ảnh: Freepik

Tham khảo phương pháp phân loại của người xưa kết hợp với thực tiễn lâm sàng ngày nay, quy nạp nó làm 4 loại: Táo nhiệt, Khí trệ, Hư bí, Lãnh bí.

  • Táo nhiệt: Do uống nhiều rượu mạnh, ăn nhiều đồ cay, nóng béo bổ. Trường vị bị khô nóng, tân dịch không phân bố được, phân rắn kết lại mà đại tiện không ra, gọi là chứng Tỳ Ước.
  • Khí Trệ: Do tinh thần căng thẳng, lo nghĩ uất kết hoặc ngồi lâu, ít vận động làm khí trệ không thông, tân dịch không lưu hành, công năng truyền tống của đại trường mất bình thường mà đại tiện không ra.
  • Hư Bí: Người già hoặc người hư yếu, lao lực quá độ, phụ nữ sau sinh đẻ mất huyết, người ốm mới khỏi khí huyết chưa hồi phục, âm huyết thiếu không hoá sinh tân dịch khiến đường ruột khô ráo, khí hư không vận chuyển bài tiết được do đó mà đại tiện không ra.
  • Lãnh bí: Vưu Tại Kinh cắt nghĩa: "Lãnh bí là do khí hàn lạnh xâm vào trường vị gây cho âm khí ngưng kết, dương khí không lưu hành được, tân dịch không thông". Đã nói rõ trọc âm ngưng kết, dương khí bị bế tắc, ảnh hưởng sự lưu thông của tân dịch do đó mà đại tiện bí kết, không ra.

Điều trị táo bón bằng y học cổ truyền

Châm cứu chữa táo bón

Chứng táo bón trong y học cổ truyền ít sử dụng châm cứu. Nếu có châm thì chỉ đóng vai trò hỗ trợ điều trị, phối hợp cùng các phương pháp điều trị khác. Một số huyệt đạo có thể sử dụng trong chứng táo bón: 

Châm bổ: Thiên khu, Trung quản, Tỳ du, Đại trường du, Túc tam lý, Chi câu. Có thể châm thêm Tam âm giao, Thái khê (nếu có âm hư huyết nhiệt), Cao hoang, Cách du (nếu có thiếu máu).  

Ngoài phương pháp châm cứu, có thể áp dụng điện châm, thủy châm hay nhĩ châm để điều trị táo bón kéo dài. Tuy nhiên, cần thực hiện đúng kỹ thuật, giải thích, động viên người bệnh để tránh các tác dụng phụ không mong muốn như choáng, ngất, vựng châm, chảy máu,…

Xoa bóp bấm huyệt chữa táo bón

Nhiều nghiên cứu cho thấy xoa bóp bấm huyệt có hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị táo bón mãn tính vì giúp tăng tần suất đi đại tiện, giảm thời gian phân ở đại tràng, đồng thời giảm đau và khó chịu. 

Cách thực hiện:

  • Nằm ngửa và dùng hai tay tạo áp lực nhẹ nhàng lên bụng. 
  • Bắt đầu ở phần dưới bên phải của bụng. Từ từ xoa bụng vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, dùng lực nhẹ nhàng.  
  • Sau đó, dùng lòng bàn tay phải để ấn nhẹ vào bên xương hông. Thả ra và tạo áp lực lên bên phải, bên dưới chính giữa xương sườn và bên trái. 
  • Chuyển sang tay trái để tạo áp lực vào bên trong xương hông trái.  
  • Dùng hai đầu ngón tay ấn vào bụng và kéo lên.  
  • Dùng cạnh trong bàn tay trái xát hố chậu trái từ trên xuống dưới và ngược lại khoảng 30 lần, cũng có thể dùng thêm bàn tay phải hỗ trợ cho bàn tay trái.  
  • Day, ấn các huyệt tương tự như phác đồ châm cứu từ 3 – 5 phút. 
  • Xoa bóp thực hiện 30 phút/lần/ngày, mỗi liệu trình điều trị từ 2 - 4 lần, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh. Có thể tiến hành 2-3 liệu trình liên tục.  

Bài thuốc y học cổ truyền chữa táo bón

Một số bài thuốc chữa táo bón như: 

  • Bài Ma tử nhân hoàn: Ma tử nhân 100g, Bạch thược 50g, Hậu phác 40g, Hạnh nhân 50g, Đại hoàng 40g, Chỉ thực 40g. Dùng trong trường hợp táo bón do táo nhiệt kết ở trong, táo bón lâu ngày, miệng khô, họng khô, bứt rứt khó chịu (tâm phiền), khát nước, rêu lưỡi vàng khô, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác hoặc hoạt sác.
  • Bài Hoạt trường hoàn: Đương quy 12g, Ma nhân 12g, Chỉ xác 8g, Sinh địa 12g, đào nhân 8g. Dùng trong (thể huyết hư) trường hợp đại tiện táo lâu ngày, hoa mắt, chóng mặt, váng đầu, tâm phiền, sắc mặt nhợt nhạt, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế.
  • Bài Hoàng kỳ thang:
    • Hoàng kỳ 20g, Ma nhân 10g, Trần bì 10g, Bạch mi (mật ong) 3 thìa để bổ khí điều trị táo bón do khí hư. Để tăng cường hiệu quả ích khí, kiện tỳ, thông tiện có thể gia thêm: Đảng sâm, Bạch truật, Hoài sơn, Cam thảo.
    • Dùng trong trường hợp đại tiện táo kéo dài, nhưng phân không quá khô kết, khi đi đại tiện phải cố rặn, sau khi đi đại tiện người mệt lả, thậm chí vã mồ hôi, khó thở, sắc mặt trắng, tinh thần mệt mỏi, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế. 
  • Bài Bổ trung ích khí thang: Đảng sâm 12g, Cam thảo 4g, Địa du 6g, Hoàng kỳ 16g, Sài hồ 2g, Đương quy 10g, Trần bì 6g, Bạch truật 12g, Thăng ma 8g, Kinh giới 10g.  Dùng trong trường hợp táo bón do khí hư hạ hãm (có trĩ). 
  • Lục ma thang: Trầm hương, Mộc hương, Chỉ xác, Ô dược, Binh lang, Đại hoàng, các vị đều bằng nhau, lấy nắp thạp chế nước sôi, mài ra nước đặc cho uống. Thuận khí hành trệ trị táo bón do khí trệ
Một số bài thuốc có tác dụng điều trị táo bón hiệu quả - Ảnh: Freepik
Có nhiều bài thuốc có tác dụng điều trị táo bón hiệu quả - Ảnh: Freepik

Phòng ngừa táo bón hiệu quả tại nhà 

  • Xây dựng chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, giàu chất xơ bao gồm: rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên cám.
  • Hạn chế các thực phẩm không lành mạnh như thực phẩm giàu chất béo có nguồn gốc động vật, đồ ăn công nghiệp, nước ngọt đóng chai, bia, rượu, hút thuốc lá, các loại quả xanh, chát,… 
  • Nên vận động, tập luyện thể dục thể thao ít nhất 3 giờ/tuần. 
  • Tránh căng thẳng, trầm cảm, stress. Luôn thư giãn tinh thần.
  • Không ngồi bồn cầu quá lâu, không rặn khi đại tiện. Nên tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ hàng ngày. 
  • Chủ động đến bệnh viện khám sức khỏe giúp tầm soát và điều trị sớm các bệnh lý là nguyên nhân gây ra táo bón như trĩ, nứt hậu môn, tắc nghẽn ống tiêu hóa do khối u,...

Ngoài các phương pháp điều trị táo bón bằng đông y, người bệnh cần xây dựng cho mình một thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để tránh táo bón kéo dài. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích nhất.