Cúm B là bệnh gây ra bởi virus cúm thuộc họ Orthomyxoviridae, với hai dòng phổ biến là B/Yamagata và B/Victoria. Bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa lạnh và khi thời tiết thay đổi và gây ảnh hưởng lên hệ thống hô hấp: mũi, họng và có thể cả phổi của người mắc.
Mặc dù cúm B được cho là không phổ biến, kém nguy hiểm và khó gây thành dịch như cúm A, những triệu chứng bệnh cúm B có thể nặng lên và gây biến chứng nguy hiểm cho những đối tượng nguy cơ cao như mắc các bệnh nền mạn tính, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, người già,....
Cúm B không chỉ gây triệu chứng trên đường hô hấp mà còn cả hệ tiêu hóa và có thể ảnh hưởng đến toàn thân người bệnh. Vậy hãy cùng tìm hiểu rõ về các triệu chứng cúm B qua bài viết dưới đây.
Các triệu chứng bệnh cúm B là gì?
Cúm B có thời gian ủ bệnh khoảng 1-3 ngày với các triệu chứng không rõ ràng rồi chuyển sang thời kỳ khởi phát. Các triệu chứng của cúm B tiến triển từ nhẹ đến nặng và kéo dài khoảng 5-7 ngày, gây ảnh hưởng cả hệ hô hấp, tiêu hóa và có cả triệu chứng toàn thân.
Cần chú ý các dấu hiệu của bệnh để có cách điều trị cúm B, tránh bệnh kéo dài, trở nặng và có thể gây biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, người già, người mắc các bệnh mạn tính,....
Triệu chứng về đường hô hấp
Cúm B gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, tấn công hệ hô hấp thông qua mũi, họng và phổi, từ đó, bệnh ảnh hưởng và khiến người mắc gặp các vấn đề về đường hô hấp:
- Viêm họng, đau rát họng.
- Ho khan, ho có đờm.
- Khó chịu, tức ngực.
- Hắt hơi liên tục.
- Chảy nước mũi, nghẹt mũi.
Với một số người có bệnh lý mạn tính hay có tiền sử hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp, các triệu chứng hô hấp do cúm B có thể trở nặng và gây biến chứng nguy hiểm.
Với những trường hợp có biểu hiện đau tức ngực trở nặng và khó thở, hoặc các triệu chứng hô hấp kéo dài dai dẳng trên hai tuần hoặc tái phát lại, người bệnh cần được nhập viện để được bác sĩ thăm khám, theo dõi và xử trí kịp thời.
Với các bệnh nhân gặp biến chứng về hô hấp:
- Viêm phổi tiên phát: Tình trạng thở nhanh, thở gấp, có thể tiến triển nặng thành suy hô hấp hoặc suy tuần hoàn, ho đờm, da xanh, sốt cao, liên tục trên 39.5 độ C trong 3-5 ngày.
- Viêm phổi thứ phát (thường gặp ở trẻ em, người già, người miễn dịch kém…): Khó thở, đau tức ngực, ho đờm, da xanh, mệt mỏi, suy kiệt, trước đó đã hạ sốt 2-3 ngày thì lại sốt cao trở lại.
Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu biến chứng này, người bệnh cần được đi khám ngay và nhập viện để được theo dõi, chăm sóc bởi các nhân viên y tế đến khi tình trạng ổn định.
Triệu chứng của đường tiêu hóa
Đi kèm với các triệu chứng hô hấp, cúm B có thể ảnh hưởng và gây ra các vấn đề đường tiêu hóa cho người mắc:
- Chán ăn, miệng khô.
- Buồn nôn và nôn.
- Đau bụng, có thể có tình trạng tiêu chảy.
Triệu chứng toàn thân của bệnh
Bệnh cũng gây ra các triệu chứng toàn thân ở người mắc:
- Sốt (có thể sốt vừa hoặc sốt cao đến 40 độ C hoặc cao hơn).
- Mệt mỏi, cơ thể ớn lạnh.
- Đầu đau nhức.
- Các cơ bắp nhức mỏi, chân tay mất sức lực.
Dấu hiệu nguy hiểm của cúm B cần chú ý
Cúm B có thể trở nặng và gây nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt ở các đối tượng như trẻ em dưới 5 tuổi, người già, phụ nữ có thai, những người có hệ miễn dịch suy giảm.
- Trẻ em (đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ): Sốt cao trên 38.5 độ C kéo dài, có thể kèm phát ban, có tình trạng thở gấp, khó thở, li bì, bỏ bú, bỏ ăn, nôn nhiều, da xanh tái,....
- Người lớn: Sốt cao kéo dài trên 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, đau tức ngực, khó thở, có kèm cả các triệu chứng về tiêu hóa: nôn nhiều, tiêu chảy kéo dài,....
Khi phát hiện các dấu hiệu bệnh trở nặng, nguy hiểm, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám và có hướng điều trị kịp thời. Đồng thời, người thân cần có cách chăm sóc người bệnh cúm B tại nhà đúng cách để họ khỏi bệnh và tránh lây lan mầm bệnh cho người trong gia đình.