Da nổi mụn nước là do đâu? Cách điều trị như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 25/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 09/12/2024
Tìm hiểu đặc điểm, nguyên nhân và cách điều trị mụn nước.
Da nổi mụn nước phải làm sao? - Ảnh: BookingCare
Da nổi mụn nước là tình trạng phổ biến hiện nay, xảy ra ở mọi độ tuổi và do nhiều nguyên nhân khác nhau như cọ xát, viêm da tiếp xúc, vết cắn côn trùng,... Phát hiện sớm và điều trị mụn nước kịp thời là điều quan trọng hàng đầu, giúp hạn chế tối đa những rủi ro không mong muốn cho sức khỏe.

Da nổi mụn nước không chỉ phản ánh tình trạng da liễu bất thường, mà còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý khác như thuỷ đậu, chân tay miệng, mụn rộp (Herpes),... Cùng BookingCare đi tìm hiểu chi tiết về đặc điểm và nguyên nhân triệu chứng qua bài viết dưới đây. 

Mụn nước là gì? 

Mụn nước là những bong bóng có kích thước nhỏ dưới 1cm (trung bình khoảng 5mm) nổi lên trên bề mặt da, bên trong chứa chất lỏng tích tụ tạo thành túi dưới lớp trên cùng của da. Chất lỏng phía trong có thể là mủ, máu hoặc phần nước trong của máu (hay còn được gọi là huyết thanh). Mụn có dạng vòng tròn và thường xuất hiện đơn lẻ hoặc thành cụm. 

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân, mụn nước có thể gây đau rát, ngứa dữ dội nhiều hoặc ít cho người bệnh. Vì lẽ đó, việc phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị kịp thời là cần thiết hơn cả, giúp ngăn ngừa tổn thương nghiêm trọng đến da và thúc đẩy quá trình phục hồi. 

Nguyên nhân khiến da nổi mụn nước

Da nổi mụn nước do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như cọ xát, viêm da tiếp xúc, vết cắn côn trùng, thuỷ đậu, mụn rộp, chân tay miệng,... Dưới đây là thông tin chi tiết. 

Cọ xát

Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng mụn nước trên da. Theo đó, khi một vật (có thể là quần áo chật, giày dép chật,...) liên tiếp cọ sát với da trong thời gian dài sẽ gây nên phồng rộp tại vùng gia đó. Trong điều kiện nhiệt độ nóng và ẩm ướt, các nốt phồng rộp các dễ hình thành và quan sát trực tiếp bằng mắt thường. 

Không chỉ gây cảm giác đau rát, những nốt mụn nước này còn có thể làm nhiễm trùng hay thậm chí loét bề mặt da nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. 

Viêm da tiếp xúc 

Viêm da tiếp xúc là tình trạng viêm do da tiếp xúc trực tiếp với chất kích ứng hoặc dị nguyên, chẳng hạn như hoá chất, mỹ phẩm, sợi len, đồ trang sức,... Triệu chứng của bệnh bao gồm từ ban đỏ, đóng vảy, phù nề rồi đến xước. Ở những trường hợp khác có thể bị phồng rộp hoặc loét bề mặt da. 

Vết cắn côn trùng 

Côn trùng cũng có thể là nguyên nhân làm xuất hiện mụn nước trên bề mặt da. Điển hình trong đó phải kể đến những loại sau: 

  • Ghẻ (là những con ve nhỏ tấn công vào da của bạn): Hình thành mụn nước trên đường đi của chúng, thường gặp ở kẽ ngón tay, kẽ ngón chân, cổ tay và vùng dưới cánh tay. 
  • Bọ chét và rệp: Chúng có thể gây nên những vết phồng rộp nhỏ trên cơ thể người mắc bệnh. 
  • Nhện: Một số loài nhện khi cắn sẽ tạo nên mụn nước lớn hơn. Chúng dễ vỡ và tạo ổ loét vô cùng đau đớn. 

Thuỷ đậu và bệnh zona

Đây là 2 căn bệnh điển hình do virus varicella zoster gây nên và đều tạo mụn nước nhỏ trên bề mặt da người bệnh. 

  • Thuỷ đậu: Là một bệnh truyền nhiễm cấp tính được biểu hiện bằng những vết sưng đỏ, theo thời gian trở thành nốt mụn nước nhỏ li ti và đóng vảy. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu là ở trẻ em (đối tượng chưa có miễn dịch do chưa tiêm phòng ngừa). 
  • Bệnh zona: Zona và thuỷ đậu thường đi kèm với nhau. Zona xuất hiện sau khi người bệnh khỏi thuỷ đậu. Bệnh làm xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ, gây cảm giác đau rát và khó chịu hơn. Các mụn nước tập trung thành cụm, mọc ở đường đi của 1 dây thần kinh như dây thần kinh số V ở mặt, dây thần kinh liên sườn…

Mụn rộp (Herpes)

Mụn rộp là vấn đề da liễu được nhiều người quan tâm hiện nay, nhưng cũng dễ bị nhầm lẫn với các tình trạng bệnh lý da thông thường. Bệnh do virus Herpes, thường tồn tại ở niêm mạc môi, miệng hoặc bộ phận sinh dục. Triệu chứng của bệnh gồm: Xuất hiện mụn nước nhỏ li ti và đôi khi kèm sốt. 

Đây là bệnh truyền nhiễm, có thể lây qua đường sinh dục hoặc khi sử dụng chung đồ dùng với người mắc bệnh. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị bệnh là vô cùng quan trọng, giúp hạn chế tối đa tình trạng lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. 

Chân tay miệng

Chân tay miệng là bệnh lý truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi. Bệnh lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với chất nhầy mũi, nước bọt, phân hoặc mụn nước của người mắc bệnh. Các triệu chứng chân tay miệng gồm: Nổi mụn nước trên bề mặt da, sốt nhẹ, sổ mũi, đau họng,...

Khi nào cần đi khám bác sĩ? 

Đa số các trường hợp nổi mụn nước hiện nay đều có thể tự khỏi. Nhưng cũng đừng vì vậy mà chủ quan. Chúng ta nên đi khám bác sĩ khi gặp những triệu chứng sau: 

  • Mụn nước xuất hiện nhiều hơn và gây đau rát ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. 
  • Tái phát mụn nước nhiều lần. 
  • Chất lỏng bên trong mụn nước có màu sắc bất thường (chẳng hạn như xanh hoặc vàng).
  • Mụn nước xuất hiện ở mắt, miệng và bộ phận sinh dục. 
  • Mụn nước do bỏng hoặc các bệnh lý truyền nhiễm khác. 

Điều trị mụn nước đúng cách 

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh sẽ có cách điều trị mụn nước khác nhau để mang lại hiệu quả phục hồi tốt nhất. Để bảo đảm an toàn cho sức khoẻ, nên đi thăm khám hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh để chữa nổi mụn nước, vì có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh. 

Ngay khi xuất hiện tình trạng nổi mụn nước, người bệnh cần chú ý những điều sau: 

  • Không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh điều trị nổi mụn nước. 
  • Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị bệnh kịp thời. 
  • Hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh phòng trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. 
  • Tránh để mụn nước vỡ. 

Hy vọng với những thông tin về nguyên nhân và hướng điều trị da nổi mụn nước trên đây sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan hơn về bệnh. Từ đó có biện pháp chăm sóc và phòng ngừa phù hợp cho sức khỏe của bản thân và gia đình.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết