Zona thần kinh là gì, triệu chứng, nguyên nhân và biện pháp điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 21/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 12/11/2024
zona thần kinh
Zona thần kinh là gì, triệu chứng, nguyên nhân và biện pháp điều trị - Ảnh: BookingCare
Zona thần kinh không phải là căn bệnh quá nguy hiểm nhưng rất dễ để lại biến chứng nếu không được điều trị đúng cách.

Zona thần kinh là một bệnh khá phổ biến. Có rất nhiều câu hỏi, thắc mắc xoay quanh nguyên nhân zona thần kinh, triệu chứng và cách điều trị bệnh.

Do đó, BookingCare tổng hợp đầy đủ thông tin về bệnh zona thần kinh với mong muốn giúp cho bệnh nhân nhanh chóng hiểu rõ và tìm được giải pháp cho căn bệnh của mình.

Zona thần kinh là gì?

Bệnh zona thần kinh là bệnh nhiễm trùng da cấp tính do một loại virus hướng da và thần kinh gây nên. Bệnh xảy ra ở tất cả các mùa trong năm và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, hay gặp hơn ở người trưởng thành và người lớn tuổi. Bệnh gây nên thương tổn thần kinh ngoại biên.

Bệnh do một loại virus tên là Varicella-zoster - virus gây bệnh thủy đậu gây nên. Mặc dù bệnh zona có thể xảy ra ở bất cứ vị trínào trên cơ thể, nhưng nó thường xuất hiện  ở vùng ngực, đầu mặt cổ và vùng mông đùi; và thường chỉ bị ở một nửa bên cơ thể.

Đau nhức kéo dài ở vùng da bị zona là do tổn thương các dây rễ thần kinh nên gọi là zona thần kinh.

Triệu chứng zona thần kinh

  • Tiền triệu: bệnh khởi đầu với các cảm giác bất  thường trên một vùng da như bỏng, nóng rát, châm chích, tê, đau, nhất là về đêm, hiếm gặp hơn là dị cảm ở một vùng hoặc nhiều dây thần kinh chi phối từ 1-5 ngày
  • Nổi ban đỏ trên da, sau đó hình thành đám mụn nước, bọng nước nhỏ, tụ lại thành  từng chùm.
  • Mụn nước ban đầu căng, dịch trong, sau đó chuyển thành mủ, màu trắng đục nếu bị nhiễm trùng
  • Mụn nước vỡ, đóng vảy trong khoảng 7-10 ngày, có thể để lại sẹo lấm tấm màu trắng trên da về sau
  • Tổn thương mọc trên đường đi của dây thần kinh ngoại biên
  • Cảm giác đau rát, tê râm ran, ngứa ngáy âm ỉ như kim châm, giật giật theo cơn ở vùng da bị bệnh
  • Biến mất sau 2-4 tuần
  • Có thể kèm theo các triệu chứng toàn thân khác như: Sốt và ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, ù tai bên vùng da bị bệnh, đi lại loạng choạng, sợ ánh sáng, rối loạn bài tiết mồ hôi

Bệnh thần kinh Zona dễ nhầm với bệnh Herpes trên da, bệnh giời leo vì tổn thương rất giống nhau.

Test Đánh giá Triệu chứng sức khỏe

Công cụ hỗ trợ nhận biết và đánh giá các triệu chứng của hầu hết những vấn đề sức khỏe phổ biến, là một phương pháp hữu ích để bạn đọc chủ động theo dõi sức khỏe.

Bài test nhằm mục đích:

  • Tự đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát.
  • Dự đoán các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và lên kế hoạch thăm khám khi cần thiết.
  • Tổng hợp thông tin để thuận tiện hơn khi thăm khám với bác sĩ/chuyên gia.

Làm bài Test ngay để kiểm tra tình trạng sức khỏe tại đây: Test đánh giá triệu chứng.

Nguyên nhân bị zona thần kinh

Bệnh zona là do virus varicella-zoster - cùng một loại virus gây bệnh thủy đậu.

Ở người đã mắc bệnh thủy đậu, sau khi khỏi, một số ít virus tồn tại trong các hạch thần kinh cảm giác cạnh cột sống dưới dạng tiềm tàng, im lặng. Khi gặp điều kiện thuận lợi (các yếu tố khởi động) như suy giảm miễn dịch (suy giảm về thần kinh và thể lực, người già yếu, dùng thuốc ức chế miễn dịch, các bệnh về máu, đái tháo đường), bệnh tạo keo (đặc biệt là bệnh lupus ban đỏ), stress, điều trị tia xạ, ung thư, HIV/AIDS..., virus sẽ tái hoạt, nhân lên và lan truyền gây viêm lan toả và hoại tử thần kinh.

Đồng thời virus lan truyền ngược chiều đến da, niêm mạc và gây tổn thương.

Zona thần kinh có lây không?

Bệnh zona thần kinh có thể bị lây nhiễm khi tiếp xúc với dịch tiết từ mụn nước của người bệnh Với người chưa bị thủy đậu hoặc chưa tiêm phòng thủy đậu thì rất dễ có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu khi tiếp xúc với bệnh nhân zona thần kinh.

Bệnh thủy đậu có thể gây nguy hiểm đối với một số nhóm người như: người có hệ thống miễn dịch yếu, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai.

Zona thần kinh dễ lây nhiễm do tiếp xúc hoặc sinh hoạt chung với những người mắc bệnh: dùng chung khăn tắm, quần áo,... và có nguy cơ cao vào các mùa mưa, mùa hè, thời điểm giao mùa. 

Ai có nguy cơ bị zona thần kinh? 

  • Người đã bị bệnh thủy đậu.
  • Bệnh zona thường gặp nhất ở người trên 50 tuổi.
  • Suy giảm hệ thống miễn dịch, suy nhược cơ thể
  • Người bị sang chấn tinh thần
  • Bệnh nhân đang áp dụng các phương pháp điều trị ung thư như xạ trị và hóa trị.
  • Thuốc ức chế miễn dịch

Các biến chứng của zona thần kinh

Zona thần kinh nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:

  • Đau sau zona: hiện tượng đau dai dẳng trên 03 tháng, thậm chí hàng năm với biểu hiện đau nhạy cảm, rát bỏng, đau âm ỉ hay đau nhói như dao đâm ở vùng da bị tổn thương zona đã lành sẹo.
  • Gây ra nhiễm trùng, viêm da tại chỗ.
  • Zona vùng mắt: suy giảm thị lực, loét giác mạc, có thể gây mù lòa.
  • Tổn thương thần kinh vận động: liệt mặt, rối loạn đại tiểu tiện
  • Tổn thương thần kinh trung ương: Viêm não, viêm màng não.

Phương pháp điều trị zona thần kinh

Mục tiêu điều trị: làm liền tổn thương, giảm đau và ngăn ngừa biến chứng.

Để điều trị zona thần kinh, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc kháng virus giúp rút ngắn thời gian lành bệnh, kháng viêm và giảm đau, kháng sinh, sát khuẩn, giảm đau tại chỗ,… Cụ thể như:

Thuốc kháng vi-rút

Những loại thuốc này có tác dụng làm chậm tiến trình phát ban của bệnh zona, đặc biệt hiệu quả nếu bạn sử dụng trong vòng 72 giờ đầu tiên sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Bên cạnh đó, thuốc cũng có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng của bệnh. Các thuốc kháng virus thường được sử dụng là: Acyclovir (Zovirax); Famciclovir (Famvir) và Valacyclovir (Valtrex).

Thuốc giảm đau

Bệnh zona thần kinh sẽ gây viêm và đau, do đó bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng các loại thuốc giảm đau như: Acetaminophen; Ibuprofen và Naproxen để giảm bớt sự khó chịu và làm giảm nhẹ các triệu chứng đau sau zona thần kinh.

Các loại thuốc khác

Nếu bạn bị đau dữ dội sau khi đã hết phát ban hoặc nhiễm trùng trong đợt bùng phát bệnh zona, bác sĩ có thể kê đơn những loại thuốc sau:

  • Kem capsaicin: Một loại thuốc giảm đau tại chỗ dùng ngoài da. Khi sử dụng cần chú ý cẩn thận, không để thuốc dính vào mắt.
  • Thuốc chống co giật, động kinh: Gabapentin, Pregabalin cũng được dùng để giảm đau thần kinh sau zona ở người lớn.
  • Thuốc gây tê: Bạn có thể dùng thuốc gây tê như Lidocaine hoặc Xylocaine để giảm đau.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được chỉ định khi có tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, thường dùng các kháng sinh như Amoxicillin, Oxacillin…

Điều trị zona thần kinh tại nhà và phòng ngừa bệnh

  • Nghỉ ngơi nhiều và tránh các hoạt động quá sức trong thời gian đang hồi phục.
  • Tránh căng thẳng, lo âu.
  • Không gãi, sờ, chà xát, không để nước bẩn và xà phòng, chất tẩy rửa dính vào vùng da tổn thương
  • Không tự ý làm vỡ mụn nước để tránh nguy cơ lây lan, nhiễm trùng
  • Giữ cho vùng da bị tổn thương sạch sẽ, khô thoáng, sát khuẩn bằng nước muối loãng hoặc nước sát khuẩn do bác sĩ chỉ định
  • Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc vùng da bị tổn thương, không để quần áo cọ xát vào tổn thương
  • Không tiếp xúc với phụ nữ mang thai, trẻ em, trẻ sơ sinh, người suy giảm miễn dịch, bệnh nhân HIV, ung thư, người chưa từng mắc thủy đậu và chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu
  • Không tự ý sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ, nên đi khám và điều trị với bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc bác sĩ chuyên khoa da liễu để chắc chắn nguyên nhân gây bệnh.

Zona thần kinh nên ăn gì và kiêng gì?

Chế độ ăn uống của bệnh nhân zona thần kinh cần lưu ý:

  • Thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C, B6, B12 và kẽm, ví dụ như cam, ổi, gan động vật, bơ,… để tăng cường sức đề kháng
  • Thực phẩm giàu lysine có trong sữa, cá, các loại đậu, phô mai
  • Bổ sung đầy đủ 2 lít nước/ ngày
  • Rượu bia, chất kích thích làm suy giảm hệ thống miễn dịch, khiến virus lây lan mạnh hơn
  • Ngũ cốc, các sản phẩm được chế biến từ socola, yến mạch, mầm lúa mì, bánh kẹo ngọt…  gây tăng đường huyết, nguy cơ chậm liền tổn thương
  • Không ăn quá nhiều đường, gia vị, muối, tiêu, bột ngọt 
  • Hạn chế ăn đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất béo, muối và chất bảo quản
  • Tránh một số loại hải sản dễ gây dị ứng như tôm, cua, sò, nghêu, hàu, ốc,…

Trên đây là tổng hợp của BookingCare về bệnh Zona thần kinh. Bạn đọc có thể tham khảo thêm nhiều bài viết khác tại chuyên mục Sống khỏe.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết