Bệnh thủy đậu có lây không? Chữa thủy đậu và những sai lầm thường gặp
Bệnh thủy đậu có lây không? Chữa thủy đậu và những sai lầm thường gặp
Bệnh thủy đậu
Thủy đậu cần được điều trị đúng cách - Ảnh: careplus.vn

Bệnh thủy đậu có lây không? Chữa thủy đậu và những sai lầm thường gặp

Thủy đậu là bệnh lý lành tính. Tuy nhiên, nếu mắc thủy đậu trong thời gian mang thai hoặc điều trị không đúng cách thì bệnh lại trở nên nguy hiểm. Vì vậy, cần biết cách phòng tránh và chữa bệnh thủy đậu nếu không may mắc phải.

Thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái dạ) là bệnh khá nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Vì vậy, cần cảnh giác khi mắc bệnh thủy đậu.

Để an toàn và bệnh được điều trị hiệu quả, bệnh nhân nên được thăm khám với bác sĩ Da liễu để được định hướng phương pháp điều trị và chăm sóc đúng cách.

Thủy đậu có nguy hiểm không?

Thực tế, bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng gì nặng nề ngoài những mụn nước biểu hiện trên da. Tuy nhiên, thủy đậu rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não.

Thủy đậu đặc biệt nguy hiểm ở phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể dẫn tới nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh hoặc vấn đề với hệ thống thần kinh trung ương (não và tủy sống).

Thủy đậu xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể gây ra các biến chứng như:

  • Nhiễm trùng, lở loét nếu không chăm sóc đúng cách khi các nốt mụn vỡ ra
  • Viêm não, viêm màng não: Xuất hiện ở người lớn nhiều hơn trẻ nhỏ gây ra các triệu chứng sốt cao, hôn mê, co giật, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu, thậm chí tử vong nếu không được điều trị sớm
  • Viêm phổi thủy đậu: Thường xuất hiện ở người trưởng thành, có biểu hiện ho, tức ngực, khó thở, ho ra máu
  • Viêm thận, viêm cầu thận cấp: Tiểu ra máu, suy thận 

Nguyên nhân bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên. Thông thường thời gian nung bệnh hoặc ủ bệnh - là khoảng 2-3 tuần.

Tất cả những người chưa từng bị bệnh thủy đậu hoặc chưa tiêm phòng vacxin Thủy đậu đều có thể mắc bệnh.

Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây truyền. Thủy đậu có thể lây truyền qua con đường hô hấp khi bệnh thủy đậu nói, hắt hơi (nhảy mũi) hoặc ho; lây qua nhau thai từ mẹ sang con, lây khi dùng chung vật dụng cá nhân hoặc tiếp xúc với dịch mủ từ mụn nước của người bệnh.

Triệu chứng bệnh thủy đậu

Sau khoảng 2-3 tuần ủ bệnh, thủy đậu sẽ bắt đầu phát tác. Triệu chứng ban đầu của thủy đậu là nổi mụn nước. Mụn nước nổi ở vùng đầu mặt, chi và thân, mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ có thể nổi toàn thân.

Mụn nước có kích thước 1-3cm, bên trong chứa dịch trong. Với những trường hợp bệnh nặng, mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.

Ngoài dấu hiệu điển hình là mụn nước, bệnh nhân có thể thấy các triệu chứng như sốt nhẹ, biếng ăn ở trẻ nhỏ và sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói ở trẻ lớn và người trưởng thành.

Thủy đậu gồm 4 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Khó nhận ra do người bệnh thường không có triệu chứng gì
  • Giai đoạn 2: Xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi, phát ban, có thể kèm theo nổi hạch, viêm họng ở một số người
  • Giai đoạn 3: Hình thành các mụn nước tròn, mọc khắp toàn thân, trong miệng, gây ngứa ngáy, đau rát kèm theo các triệu chứng chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Nếu bị nhiễm trùng, mụn có kích thước lớn hơn, dịch bên trong mụn nước màu đục do chứa mủ
  • Giai đoạn phục hồi: Các mụn nước sẽ tự vỡ ra, khô lại và bong vảy dần hồi phục trở lại. Giai đoạn này cần chú ý chăm sóc để tránh bị nhiễm trùng và để lại sẹo lõm, sẹo rỗ gây mất thẩm mỹ

Thủy đậu dễ nhầm lẫn với bệnh đậu mùa do  tên gọi và biểu hiện tương tự nhau. Tuy nhiên, đây là hai bệnh hoàn toàn khác nhau và cách điều trị khác nhau.

Triệu chứng thủy đậu
Thủy đậu trên mặt có thể để lại sẹo rỗ - Ảnh: Pixabay

Phân biệt thủy đậu và một số bệnh tương tự

Thủy đậu rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như tay chân miệng, zona thần kinh và mụn nước thông thường. Cần phân biệt rõ các bệnh lý này với nhau để có phương pháp điều trị phù hợp.

Tên bệnh Nguyên nhân Triệu chứng
Thủy đậu Varicella Zoster Virus

Phát ban

Mụn nước tròn, ngứa và đau rát, mọc khắp toàn thân

Sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi

Tay chân miệng Phổ biến nhất là Coxackievirus (nhóm A16) và Enterovirus týp 71 (EV71)

Mụn nước hình bầu dục, mọc ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông

Loét miệng, họng khiến trẻ chảy dãi, bỏ ăn, quấy khóc

Mụn không đau, không ngứa

Zona thần kinh Virus varicella-zoster xâm nhập vào dây thần kinh sau khi bị thủy đậu

Ban đỏ phát triển thành mụn nước, mọc thành chùm

Mụn căng, dịch trong, sau đó chuyển thành đục, đau rát như kim châm

Mụn mọc trên đường đi của dây thần kinh ngoại biên

Sốt, ớn lạnh, nhức đầu, ù tai, mệt mỏi

Đậu mùa Variola virus

Phát ban bắt đầu từ mặt, ngực rồi lan sang các phần còn lại trong cơ thể

Nốt mụn nước nhỏ, chứa dịch ít hơn

Hạn chế vận động, đau nhức cơ thể

Bệnh đậu mùa hiện đã được xóa số hoàn toàn.

Điều trị bệnh thủy đậu

Dùng thuốc điều trị thủy đậu

Hiện tại, thủy đậu hiện nay chưa có thuốc đặc trị, chỉ có các loại thuốc và phương pháp hỗ trợ điều trị. Đây là bệnh lành tính nên bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ Da liễu.

Để tiết kiệm thời gian và thuận tiện sắp xếp lịch khám hơn, bệnh nhân có thể thăm khám với bác sĩ Da liễu từ xa để biết cách chăm sóc và điều trị phù hợp.

Với các trường hợp biến chứng, bệnh nhân có thể cần nhập viện để điều trị dưới sự theo dõi của bác sĩ.

Khi dùng thuốc, bệnh nhân nên lưu ý:

  • Dùng thuốc tím để bôi lên nốt mụn nước nhằm kháng viêm và ngăn ngừa sẹo hình thành
  • Sử dụng dung dịch xanh Methylen bôi lên khi mụn bị vỡ
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc mỡ, thuốc đỏ, ke  trị ngứa để bôi vào mụn, đặc biệt là với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và phụ nữ có thai.

Chữa bệnh thủy đậu tại nhà

Bên cạnh điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân nên lưu ý như sau khi tự chữa bệnh thủy đậu tại nhà:

  • Mặc đồ rộng, vải mềm và dễ thấm hút mồ hôi để tránh làm vỡ các nốt mụn nước
  • Tránh ra gió nhiều, nếu ra ngoài thì nên che chắn kĩ càng
  • Tuyệt đối không gãi vào các nốt mụn nước thủy đậu để tránh mụn bị vỡ, dịch lây lan ra nhiều hơn. Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên cắt ngắn móng tay hoặc cho trẻ đeo bao tay
  • Vệ sinh cơ thể thường xuyên, sạch sẽ bằng các dung dịch sát khuẩn, nước ấm, không nên tắm bằng nước lạnh hoặc nước nóng
  • Chủ động cách ly tránh gây lây truyền bệnh sang cho người khác

Xem thêm video:

Những sai lầm thường gặp khi chữa bệnh thủy đậu

  • Thực hiện: VTC14
  • Thời lượng: 5 phút 04 giây

Phòng bệnh thủy đậu

Thủy đậu có thể xuất hiện ở bất kì người nào, vì vậy nên cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

  • Tiêm vắc xin phòng ngừa để phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài. Cha mẹ nên cho con tiêm ngừa vắc xin thủy đậu tại các cơ sở y tế uy tín theo đúng liều lượng quy định.
  • Không sử dụng đồ dùng cá nhân với người nhiễm bệnh, không chạm vào các mụn nước thủy đậu để tránh lây bệnh
  • Nếu có tiếp xúc với người bệnh thủy đậu và chưa tiêm ngừa vắc xin thủy đậu, cần tiêm chủng ngừa trong 3 ngày sau đó
  • Thăm khám với bác sĩ Da liễu ngay khi có biểu hiện đầu tiên về bệnh.

BookingCare - Nền tảng y tế chăm sóc sức khỏe toàn diện hiện đang hỗ trợ bệnh nhân thăm khám với bác sĩ Da liễu từ xa qua video để bệnh nhân thuận tiện hơn khi có nhu cầu khám chữa bệnh thủy đậu ngay tại nhà.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết