Đái tháo đường thai kỳ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách chăm sóc tại nhà
Đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách chăm sóc tại nhà

Đái tháo đường thai kỳ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách chăm sóc tại nhà

Tác giả: - Xuất bản: 04/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Hiện nay, đái tháo đường ở phụ nữ mang thai chiếm tỷ lệ từ 2-10%, nếu không được phát hiện sớm, hướng dẫn điều trị đúng thì có thể để lại hậu quả khó lường cho cả mẹ và thai nhi. Cùng BookingCare tìm hiểu về đái tháo đường thai kỳ trong bài viết dưới đây.

Bất kì phụ nữ nào mang thai cũng đều có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kì. Chính vì vậy mà xét nghiệm tầm soát đái tháo đường được chỉ định cho mọi thai kì.

Bài viết được cố vấn và kiểm duyệt chuyên môn bởi BS.CKI Nguyễn Phúc Thiện.

Triệu chứng đái tháo đường thai kỳ

Đa số các trường hợp đái tháo đường thai kì không có bất kì triệu chứng nào. Nếu các triệu chứng xuất hiện cũng thường bị các mẹ bầu bỏ qua do khá giống với các dấu hiệu thường gặp khi mang thai chẳng hạn như:

  • Tiểu thường xuyên
  • Khát nước nhiều
  • Mệt mỏi
  • Ngủ ngáy

Dù không có triệu chứng rõ ràng, đái tháo đường thai kỳ vẫn có thể gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt lên mẹ và thai nhi. Nếu những triệu chứng này xảy ra thường xuyên hơn mức bình thường, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trong những lần khám thai. Mẹ bầu nên chú ý chăm sóc, điều trị, thăm khám đều đặn để giữ cho thai nhi và bản thân khỏe mạnh.

Tin tốt cho sản phụ là sau sinh khả năng đường huyết sẽ trở về bình thường, tuy nhiên có nguy cơ cao bị đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai. Sau này, nếu tiếp tục có thai, mẹ bầu cũng có thể sẽ lại bị đái tháo đường thai kỳ.

Nguyên nhân đái tháo đường thai kỳ

Bình thường, tụy tạng có nhiệm vụ sản xuất ra insulin để điều hòa đường trong máu. Trong quá trình mang thai, các hormone của nhau thai làm rối loạn việc sản xuất insulin này. Tụy tạng cần phải sản xuất nhiều insulin hơn, có khi gấp 2 lần dẫn tới hiện tượng đề kháng insulin.

Khi tụy tạng không đảm bảo sản xuất đủ lượng insulin cần thiết cho cơ thể thì đường máu sẽ tăng cao và được gọi là đái tháo đường thai kỳ.

Một vài yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh đái tháo đường thai kỳ có thể kể tới như mẹ bầu trên 35 tuổi, thể trạng béo phì, tiền căn cha mẹ có bị đái tháo đường, tăng huyết áp, tiền căn sinh non, con to, tiền căn sảy thai, thai chết lưu mà không tìm được nguyên nhân,...

Xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ có thể gây những biến chứng cho cả mẹ, thai, trẻ sơ sinh và cả khi trẻ lớn lên:

  • Đối với mẹ, đái tháo đường thai kỳ có thể gây tăng huyết áp, tiền sản giật, sản giật, đái tháo đường tuýp 2 sau khi sinh, hội chứng chuyển hóa.
  • Đối với thai, đái tháo đường thai kỳ có thể gây con to, thai chết lưu, đẻ non; khi đẻ ra trẻ sơ sinh có thể bị suy hô hấp, hạ glucose máu, vàng da; khi lớn lên trẻ có thể bị béo phì, đái tháo đường tuýp 2 hoặc hội chứng chuyển hóa.

Chính vì vậy, việc chẩn đoán sớm đái tháo đường thai kỳ ở thai phụ để kịp thời điều trị, tránh các biến chứng cho cả mẹ và con là việc làm rất quan trọng và cần thiết.

Đái tháo đường thai kỳ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng đái tháo đường tuýp 1, tuýp 2 trước đó. Nếu phụ nữ có thai 3 tháng đầu được phát hiện tăng glucose huyết thì chẩn đoán là đái tháo đường chưa được chẩn đoán hoặc chưa được phát hiện như ở người không có thai.

Đái tháo đường thai kỳ được xác định bằng phương pháp dưới đây: 

  • Phương pháp một bước: Nghiệm pháp dung nạp glucose với 75 gram glucose sau 2 giờ ở tuần thai 24 – 28.
  • Phương pháp hai bước (thử glucose + dung nạp glucose):
    • Bước 1: Uống dung dịch chứa 50 gram glucose khan không phụ thuộc vào bữa ăn hay thời gian trong ngày. Những bệnh nhân dương tính ở bước 1 sẽ tiếp tục thực hiện bước 2. 
    • Bước 2: Nghiệm pháp dung nạp 100 gram glucose sau 3 giờ. Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ dựa vào từ 2 giá trị bất thường trở lên khi sử dụng hoặc tiêu chuẩn của Carpenter/Coustan hoặc của Nhóm dữ liệu Đái tháo đường Quốc gia của Hoa Kỳ (NDDG).
Bệnh đái tháo đường thai kỳ
Bệnh đái tháo đường thai kỳ nếu không được theo dõi, kiểm soát sẽ gây ảnh đến cả mẹ và thai nhi - Ảnh: Canva

Phương pháp điều trị đái tháo đường thai kỳ

Mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ cần kiểm soát đường huyết tích cực và an toàn trong một khoảng hẹp, để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi. Chỉ số đường huyết khuyến cáo:

  • Đường huyết lúc đói < 5,8 mmol/l.
  • Đường huyết 1 giờ sau ăn < 7,8 mmol/l và 2 giờ sau ăn < 7,2 mmol/l.
  • Không nên để mức đường huyết lúc đói thấp < 3,4 mmol/l.

Phương pháp điều trị đái tháo đường trước tiên là biện pháp thay đổi lối sống gồm: điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập vừa phải. Khi các biện pháp thay đổi lối sống không đủ để duy trì chỉ số đường huyết mong muốn thì cần dùng các liệu pháp hạ đường huyết khác. Cho đến nay Insulin human là thuốc duy nhất được FDA công nhận cho điều trị đái tháo đường thai kỳ.

Những bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ cần được kiểm soát đường huyết chặt chẽ và theo dõi thường xuyên sự phát triển của thai nhi để phát hiện sớm, kịp thời những biến chứng để có những biện pháp can thiệp thích hợp, hiệu quả.

Chăm sóc đái tháo đường thai kỳ hiệu quả

Nếu kết quả xét nghiệm được xác định là đái tháo đường thai kì, trước hết mẹ bầu sẽ được theo dõi đường huyết định kì tại nhà. Bằng cách sử dụng các thiết bị đo đường huyết, bạn có thể tự đo tại nhà và ghi lại các con số này. Thường sẽ được thực hiện lúc đói và sau bữa ăn theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trong lúc mang thai:

Thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường tập luyện thể dục thường sẽ giúp cải thiện được đái tháo đường thai kì mà không cần phải sử dụng thuốc. 

  • Tổng số năng lượng mỗi ngày dành cho bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ được tính dựa trên cân nặng lý tưởng. Tổng số năng lượng mỗi ngày là 30 Kcal/kg. Chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo sự tăng trọng cần thiết trong thai kỳ: 0,45kg/mỗi tháng trong quý đầu, 0,2 - 0,35 kg/mỗi tuần trong quý 2 và quý 3 của thai kỳ.
  • Tổng số năng lượng trong cả ngày nên chia đều cho 3 bữa ăn chính và 3 bữa ăn phụ nhưng không nên ăn quá nhiều carbohydratet vào bữa sáng.
  • Sử dụng thức ăn giàu chất xơ, ít béo: Sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc (không mỡ): đậu hũ, thịt gà, cá; các loại trái cây ít ngọt, rau xanh,...

Chăm sóc thai nhi:
Khám thai mỗi 2 tuần một lần, cân nặng, đo huyết áp và xét nghiệm chức năng gan, chức năng thận, phát hiện những bất thường khác để điều trị kịp thời, đánh giá sức khỏe thai bằng siêu âm Doppler, siêu âm 4 chiều, đo monitoring sản khoa, khi tuổi thai từ 36 tuần trở đi.

Sau khi sinh:

Đái tháo đường thai kì thường sẽ tự mất đi sau khi sanh. Tiếp tục chế độ ăn phù hợp và tập luyện thể dục là điều bạn cần làm sau khi sanh. Sử dụng thức ăn chứa nhiều chất xơ và ít béo. Bạn cũng nên tránh sử dụng thức ăn ngọt và tinh bột bất cứ khi nào có thể. Cố gắng biến việc tập thể dục là 1 phần trong hoạt động của gia đình bạn là 1 cách cực kì hiệu quả để mọi người có thể hỗ trợ lẫn nhau để có sức khỏe tốt.

Phụ nữ có đái tháo đường thai kì có nguy cơ cao hơn phát triển thành đái tháo đường nhóm 2 sau đó. Vì vậy bạn cần phải làm lại các xét nghiệm đường huyết ở thời điểm 6-12 tuần sau sinh và sau đó là ít nhất mỗi 3 năm.

Như vậy trên đây là thông tin chung về bệnh đái tháo đường thai kỳ. Để tránh mắc đái thao đường thai kỳ, mẹ bầu có thể chủ động điều chỉnh chế độ ăn uống từ sớm, tăng cường vận động nhẹ nhàng, phù hợp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết