Đau vùng chậu bên phải ở nữ giới và những điều chị em không nên bỏ qua

Tác giả: - Xuất bản: 11/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 01/04/2024
Đau vùng chậu bên phải ở nữ cảnh báo bệnh lý sản phụ khoa
Đau vùng chậu bên phải ở nữ cảnh báo bệnh lý sản phụ khoa - Ảnh: BookingCare
Đau vùng chậu bên phải là triệu chứng thường gặp, liên quan đến nhiều vấn đề sức khoẻ khác nhau. Đau vùng chậu gặp ở bất kỳ ai, tuy nhiên khi triệu chứng đau vùng chậu bên phải xảy ra ở nữ giới có thể là dấu hiệu của bệnh lý của cơ quan sinh sản.

Vùng chậu bên phải bao gồm các cơ quan sinh sản quan trọng ở nữ giới. Đọc ngay đau vùng chậu bên phải và những điều chị em không nên bỏ qua để có thêm những thông tin hữu ích về nguyên nhân cũng như cách khắc phục đau vùng chậu phải.

Đau vùng chậu bên phải là gì?

Vùng chậu là vùng bụng dưới, giới hạn từ dưới rốn đến trên đùi. Trong khoang chậu chứa rất nhiều cơ quan quan trọng. Gồm buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung và cổ tử cung, âm đạo, ngoài ra còn có bàng quang và đại trực tràng.

Vùng chậu bên phải đặc biệt quan trọng ở nữ giới vì thường liên quan đến các cơ quan vùng sinh sản. Đau vùng chậu bên phải cũng biểu hiện giống như đau vùng chậu thông thường. Các dấu hiệu có thể là đau từ âm ỉ đến dữ dội, đau có thể ảnh hưởng đến vùng nhỏ hoặc toàn bộ vùng chậu phải. Đau có thể kèm theo các triệu chứng khác như sốt, ra khí hư màu sắc lạ, tiểu máu, đại tiện phân máu…

Đau vùng chậu bên phải thường liên quan đến các bệnh lý của cơ quan sinh sản, tiêu hóa, thận tiết niệu.

Nguyên nhân gây đau vùng chậu bên phải ở nữ giới

Một trong những nguyên nhân hàng đầu khi đau vùng chậu phải ở nữ giới là các vấn đề sản phụ khoa, bao gồm:

  • Các bệnh lý đau cấp tính thường gồm 3 nguyên nhân viêm, vỡ và xoắn. Đau vùng chậu cấp tính đề cập đến cơn đau đột ngột hoặc mới xuất hiện:
    • Viêm vùng chậu cấp tính: bệnh viêm vùng chậu là một bệnh nhiễm trùng ở cơ quan sinh sản nữ. Nguyên nhân thường do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục không được điều trị, chẳng hạn như chlamydia hoặc lậu. Ngoài đau vùng chậu phải, người bệnh có thể kèm các triệu chứng chảy máu âm đạo khi quan hệ, sốt, tiết dịch âm đạo mùi hôi… Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm trong đó có vô sinh.
    • Thai ngoài tử cung: mang thai ngoài tử cung xảy ra khi phôi thai tự làm tổ ở vị trí bất thường, bên ngoài tử cung và phát triển. Đây được coi là một cấp cứu trong sản khoa. Nếu để muộn quá, khối thai ngoài tử cung có thể bị vỡ, máu chảy ồ ạt vào ổ bụng, sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. 
    • Vỡ nang buồng trứng: khối u nang buồng trứng có thể bị xoắn, vỡ gây xuất huyết, mất máu gây nguy hiểm tính mạng, nhiễm trùng buồng trứng và vô sinh. Triệu chứng đau trong vỡ u nang có thể dữ dội đến nỗi người bệnh gây ngất. Cơn đau bụng thường 1 hay cả vùng bụng dưới, ấn bụng có phản ứng thành bụng.
    • Xoắn phần phụ: do mạch máu nuôi bị xoắn, khối ở phần phụ như: u bì buồng trứng hay u nang buồng trứng. Buồng trứng đột ngột xoắn theo trục chính, ngay lập tức cảm thấy đau nhói và dữ dội. Cơn đau đôi khi kèm theo buồn nôn và nôn. Cơn đau này cũng có thể bắt đầu vài ngày trước đó. Xoắn buồng trứng là một cấp cứu y tế thường phải phẫu thuật ngay lập tức.
    • Sảy thai: xảy ra trên phụ nữ xác nhận có thai trước đó, đột ngột đau bụng, đau từng cơn, ra máu âm đạo ồ ạt
  • Các bệnh lý sản phụ khoa gây đau mãn tính, đề cập đến một tình trạng kéo dài, có thể không thay đổi hoặc đến rồi đi, bao gồm các bệnh lý:
    • Đau bụng kinh: đau vùng chậu có thể xảy ra trước và trong kỳ kinh nguyệt. Đau trước kỳ kinh gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt, ngoài đau bụng có thể có đầy hơi, đau đầu, khó chịu, cáu gắt. Đau trong thời kỳ kinh nguyệt được gọi là đau bụng kinh. Cơn đau này có thể giống như chuột rút ở vùng bụng, hoặc giống như cơn đau dai dẳng ở đùi và lưng dưới. Khi đau do kinh nguyệt gây nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt, hãy xin lời khuyên từ bác sĩ về việc dùng các thuốc giảm đau.
    • Do rụng trứng: một số phụ nữ bị đau nhói tạm thời trong quá trình rụng trứng khi trứng được phóng ra khỏi buồng trứng. Cơn đau thường kéo dài trong vài giờ và có đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường.
    • Lạc nội mạc tử cung: lạc nội mạc tử cung có thể gây đau vùng chậu mãn tính, kéo dài ở một số phụ nữ. Biểu hiện của lạc nội mạc tử cung điển hình là đau bụng trước kỳ kinh nguyệt, thậm chí kéo dài cho đến nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt.
    • Dính vùng chậu: gây ra bởi các mô sẹo cũ hình thành trước đó do nhiễm trùng cũ, lạc nội mạc tử cung, phẫu thuật trước đó hoặc các vấn đề khác trong khu vực.
    • U nang buồng trứng: khi kích thước nang to có thể gây chèn ép và gây đau tức bụng dưới.
    • U xơ tử cung: u xơ tử cung là khối u lành tính phát triển trong tử cung và chịu ảnh hưởng của nội tiết tố.Nhiều phụ nữ không có bất kỳ triệu chứng nào cả. Khi khối u xuất phát từ các vùng mạch máu hoặc u to gây chèn ép có thể gây đau vùng chậu.
    • Ung thư buồng trứng
    • Ung thư cổ tử cung

Ngoài các bệnh lý sản phụ khoa, nguyên nhân gây đau vùng chậu bên phải ở nữ cũng giống với các nguyên nhân gây đau vùng chậu ở cả 2 giới, có thể do các bệnh lý cơ quan khác nằm trong vùng chậu phải như là viêm ruột thừa, viêm loét dạ dày, đại tràng, bệnh lý thần kinh cơ vùng hố chậu phải… 

Thai ngoài tử cung gây đau vùng chậu cấp tính ở nữ - Ảnh: huggies.com

Cách khắc phục đau vùng chậu phải tại nhà

Điều quan trọng là cần tìm ra nguyên nhân gây ra đau vùng chậu phải. Một số tham khảo dưới đây có thể thực hiện được tại nhà giúp giảm bớt sự khó chịu cho chị em:

  • Trong một số trường hợp, nghỉ ngơi có thể làm giảm cảm giác đau. Ngoài ra , vận động nhẹ nhàng cũng có tác dụng, tuy nhiên, , điều này tùy thuộc vào thể trạng từng người.
  • Đặt một chai nước nóng lên bụng để giảm cảm giác đau
  • Nâng cao đôi chân của bạn. Tư thế này có thể giúp giảm đau vùng chậu và đau ở vị trí lưng dưới hoặc đùi của bạn.
  • Dùng các loại thảo mộc, chẳng hạn như vỏ cây liễu,... có thể giúp giảm đau.
  • Nếu đau vùng chậu do kinh nguyệt có thể sử dụng các thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, cần được sử dụng đúng liều lượng quy định để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.

Đau vùng chậu bên phải là tình trạng thường gặp ở phụ nữ với nhiều nguyên nhân,có thể là mãn tính hoặc cấp tính. Đau vùng chậu thông thường đáp ứng với các phương pháp điều trị tại nhà và thuốc giảm đau. Tuy nhiên, cơn đau có thể được gây ra bởi nhiều tình trạng bệnh nghiêm trọng cần được can thiệp y tế