Điều trị đau đầu theo y học cổ truyền như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 03/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/02/2024
Điều trị đau đầu theo y học cổ truyền giúp giảm đau, giảm căng thẳng, thư giãn
Điều trị đau đầu theo y học cổ truyền giúp giảm đau, giảm căng thẳng, thư giãn - Ảnh: BookingCare
Điều trị đau đầu theo y học cổ truyền đem lại nhiều hiệu quả cao trong việc giảm đau, giảm căng thẳng, thư giãn. Cùng BookingCare tìm hiểu các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp bấm huyệt) điều trị đau đầu qua bài viết này. 

Đau đầu là tình trạng đau nhức tại vùng đầu – cổ gáy – hốc mắt do các tín hiệu tương tác giữa não, mạch máu và dây thần kinh xung quanh. Nó có thể là tình trạng đau đầu nguyên phát hoặc là dấu hiệu thứ phát do nguyên nhân bệnh lý khác gây ra.

Điều trị đau đầu theo y học cổ truyền đem tới hiệu quả cao trong việc giảm đau, giúp thư giãn, dễ ngủ và giảm căng thẳng thần kinh. Cùng tìm hiểu các phương pháp đông y điều trị đau đầu qua bài viết dưới đây. 

Đau đầu theo góc nhìn đông y

Có hơn 150 loại đau đầu, mỗi loại đau đầu có thể rất khác nhau về kiểu đau, mức độ đau, vị trí và tần suất đau và cũng phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra đau đầu.

Nếu không được điều trị hiệu quả và tìm ra nguyên nhân gây ra đau đầu, nhất là đau đầu thứ phát, cơn đau đầu sẽ tiếp tục dai dẳng và ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy nếu tình trạng đau đầu diễn ra thường xuyên, bạn nên đến khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân. 

Y học cổ truyền phân loại đau đầu vào chứng “đầu thống” và bao gồm 2 loại chính: 

  • Ngoại thương đầu thống (đau đầu do nguyên nhân bên ngoài): chủ yếu liên quan đến thay đổi thời tiết, như mưa bão, gió lạnh, nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh, tắm gội đầu đêm lạnh, làm việc trong phòng máy lạnh thời gian dài,… 
  • Nội thương đầu thống (đau đầu do những tổn thương bên trong): liên quan đến thể chất suy yếu và trạng thái tinh thần u uất, ăn uống không điều độ, lao lực quá độ, bệnh lâu ngày không khỏi, hoặc do lão hóa tuổi già tinh khí huyết suy giảm làm cơ thể thiếu nuôi dưỡng, công năng các tạng phủ suy giảm mà sinh bệnh hoặc khí huyết đàm trọc nội sinh ứ trệ cản trở sự vận hành khí huyết, kinh mạch trong cơ thể, từ đó sinh bệnh. 

Hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh đau đầu, người bệnh có thể dùng thuốc (dược liệu) hoặc các phương pháp y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt giúp bồi dưỡng cơ thể, lưu thông khí huyết, đả thông kinh mạch, thư giãn cơ và hệ thần kinh, giảm đau đầu hiệu quả. 

Xoa bóp cho người bệnh đau đầu
Nếu không được tìm ra nguyên nhân và điều trị, đau đầu sẽ tiếp tục dai dẳng - Ảnh: Freepik

Điều trị đau đầu theo y học cổ truyền

Châm cứu điều trị đau đầu 

Khi đau đầu, có thể châm cứu một số huyệt đạo như: huyệt Bách hội, Ấn đường, Thái dương, Ế phong, Phong trì, Nội quan, Hợp cốc,… Và tùy theo thể bệnh của đau đầu theo Y học cổ truyền có thể châm thêm các huyệt đặc hiệu khác như Suất cốc, Đầu duy, Hành gian, Thái xung, Dương lăng tuyền, Tam âm giao, Thái khê, Túc tam lý,...

Nếu người bệnh thể ngoại thương đầu thống do phong hàn thấp có thể châm kèm cứu ấm các huyệt như Ngoại quan, Phong trì, Ế phong, Hợp cốc… 

Sau khi loại trừ các nguyên nhân thực thể gây đau đầu, có thể tiến hành châm cứu để điều trị đau đầu.

Châm cứu các huyệt trên với liệu trình ngày 1 lần, mỗi lần từ 15 - 20 phút. Có thể kết hợp điện châm, thủy châm vitamin nhóm B, các thuốc tăng tuần hoàn não hoặc bổ não như Cerebrolysin,… 

Ngoài ra, trước khi châm cứu, thầy thuốc cũng cần thăm khám kỹ lưỡng, động viên và giải thích kỹ càng với người bệnh để tránh những tai biến trong châm cứu: vựng châm, choáng, ngất, chảy máu, gãy kim,…

Châm cứu điều trị đau đầu
Châm cứu điều trị đau đầu hiệu quả - Ảnh: Freepik

Xoa bóp bấm huyệt trị đau đầu 

  • Bước 1: Xoa nóng hai tai, bóp nhẹ hai dái tai.  
  • Bước 2: Xoa và miết vùng trán, bóp dọc theo 2 chân mày, day các huyệt Ấn đường, Thái dương, xoa vùng mặt và hai bên má.  
  • Bước 3: Day vùng đỉnh và vùng đầu hai bên trên vành tai, day và ấn các huyệt Bách hội, Tứ thần thông, Ế phong.  
  • Bước 4: Xoa nóng vùng gáy, bóp nhẹ cơ cổ vùng sau gáy dọc hai bên cột sống nhiều lần, ấn các huyệt thân trụ, day huyệt Phong trì nhẹ nhàng hai bên mỗi huyệt tầm 1 phút.
  • Bước 5: Vận động vùng cổ gáy, các động tác cúi ngửa, nghiêng trái phải, và xoay tròn, làm giãn các cơ, làm mềm vai gáy, chống co và bó cơ, giúp điều trị đau đầu do thoái hóa cổ gáy.

Bạn có thể tự bấm các huyệt trên cho chính mình bằng cách dùng đầu ngón tay cái bấm thẳng góc vào các huyệt vị. Nên bấm huyệt cả hai bên, áp dụng ngày 1 – 2 lần.  Nếu đau đầu kéo dài, nên bấm huyệt thường xuyên hàng ngày, có thể kết hợp với nhiều phương pháp khác: châm cứu, thay đổi lối sống, tập thở, dinh dưỡng, thuốc để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.  

Bài thuốc đông y điều trị đau đầu 

Dưới đây là một số bài thuốc cổ phương điều trị đau đầu mà bạn có thể tham khảo: 

Bài thuốc Huyết phủ trục ứ thang

  • Thành phần: Đương quy 9g, Sinh địa, Hồng hoa 9g, Đào nhân 12g, Chỉ xác 6g, Xích thược 6g, Sài hồ 3g, Cam thảo 3g, Cát cánh 4.5g, Xuyên khung 4.5g, Ngưu tất 10g.  
  • Chỉ định: Chứng đau nửa đầu kèm theo đau tức ngực, dễ cáu gắt, hồi hộp, mất ngủ và các loại bệnh khác do ứ huyết gây nên.  

Bài thuốc Thiên ma câu đằng ẩm

  • Thành phần: Thiên ma 9g, Sơn chi 9g, Hoàng cầm 9g, Đỗ trọng 9g, Ích mẫu thảo 9g, Tang ký sinh 9g, Dạ giao đằng 9g, Chu phục linh 9g, Câu đằng (cho sau) 12g, Thạch quyết minh sống (sắc trước) 18g, Xuyên ngưu tất 12g.  
  • Chỉ định: trị đau đầu, đau nửa đầu do cao huyết áp.  

Bài thuốc Xuyên khung trà điều tán

  • Thành phần: Lá bạc hà 12g, Xuyên khung 12g, Kinh giới (bỏ cọng) 12g, Tế tân bỏ cuống 3g), Phòng phong (bỏ cuống) 4,5g, Bạch chỉ 6g, Khương hoạt 6g, Cam thảo chích 6g.  
  • Chỉ định: chứng đau nửa đầu, đau một bên hoặc giữa, có triệu chứng sợ lạnh, hoa mắt mũi tắc, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù; chủ yếu dùng cho chứng đau đầu do phong hàn, trường hợp phong nhiệt thêm Bạc hà, Liên kiều.  

Phòng ngừa chứng đau đầu

Để phòng ngừa và hạn chế tình trạng đau đầu, bạn cần xây dựng lối sống và sinh hoạt lành mạnh, khoa học: 

  • Chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng các nhóm chất. Bổ sung nhiều rau xanh, củ quả, các loại cây họ đậu, các chất như magie, vitamin B12,... giúp phòng ngừa đau đầu hiệu quả. 
  • Uống đủ nước, chia làm nhiều lần uống trong ngày, mỗi lần nên uống từng ngụm nhỏ. 
  • Hạn chế rượu bia, các chất kích thích có hại cho sức khỏe. 
  • Ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh mất ngủ, thức khuya dễ gây đau đầu. 
  • Thư giãn tinh thần, hạn chế căng thẳng, stress kéo dài. 
  • Tập thể dục thường xuyên. 
  • Giữ ấm cơ thể, tránh ngồi ngay dưới máy lạnh thời gian dài, nên tắm gội sớm trước 8 giờ tối, sau khi tắm gội nên sấy khô tóc và sấy khô người.

Trên đây là một số phương pháp điều trị đau đầu bằng y học cổ truyền. Để chữa trị tận gốc bệnh đau đầu, cần loại bỏ các yếu tố gây đau đầu (điều trị nguyên nhân), đồng thời kết hợp các phương pháp điều trị với xây dựng lối sống - dinh dưỡng lành mạnh cho người bệnh. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích.