Theo Guideline AR của Nhật Bản 2017, viêm mũi dị ứng là bệnh lý dị ứng type 1 của niêm mạc mũi, đặc trưng bởi các đợt lặp lại của các triệu chứng hắt hơi, nghẹt mũi, chảy mũi. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng thường xuất hiện với tần suất cao ở những người có cơ địa dị ứng, dẫn đến làm giảm năng suất lao động, giảm chất lượng cuộc sống và tăng chi phí khám chữa của người bệnh.
Y học cổ truyền điều trị viêm mũi dị ứng có thể áp dụng các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc (cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu,…) đều cho hiệu quả cao. Cùng tìm hiểu phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng theo đông y trong bài viết dưới đây.
Viêm mũi dị ứng là biểu hiện tại chỗ của niêm mạc mũi xoang trong bệnh cảnh dị ứng toàn thân, đặc trưng bởi các triệu chứng: hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi, ngạt mũi,... khi tiếp xúc với các nguyên nhân gây bệnh (được gọi là dị nguyên).
Các tác nhân dị ứng có thể kể đến bụi nhà, bọ ve, phấn hoa và thực phẩm như tôm, cua, cá, sữa. Tác nhân nhiễm trùng và sự thay đổi thời tiết cũng đóng vai trò quan trọng, khiến cho đường hô hấp bị kích thích và tăng nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng. Những người cơ địa nhạy cảm và những người có người thân mắc hen phế quản, mày đay và các bệnh dị ứng khác có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Trong y học cổ truyền, viêm mũi dị ứng không có bệnh danh cụ thể mà căn cứ vào những triệu chứng lâm sàng để phân chia vào chứng Tỵ cừu (chảy nước mũi trong, hắt hơi khi thời tiết thay đổi), Tỵ uyên (ngạt mũi, chảy nước mũi đặc), Tỵ tắc…
Nguyên nhân của bệnh là do nhiều nguyên nhân ngoại tà phong hàn kết hợp với bệnh lý tạng phủ Thận khí hư gây vệ ngoại bất cố, Phế khí hư, Phế kinh uất nhiệt và Tỳ hư thấp đọng gây nên . Phế có tác dụng gần tương tự phổi, vệ khí có tác dụng bảo vệ cơ thể. Khi bệnh nhân có thể trạng yếu, dù là bẩm sinh hay mới mắc, cũng sẽ dễ bị ngoại tà như phong hàn xâm nhập mà gây bệnh.
Gần đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng châm cứu mang lại hiệu quả tích cực trong việc giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng như chảy nước mũi, sưng nề mũi, và hắt hơi. Điều này không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn giảm tần suất tái phát bệnh. Cách chọn huyệt tùy thuộc vào từng thể bệnh cụ thể, đòi hỏi chuyên môn của người thầy thuốc.
Một số huyệt đặc hiệu điều trị các triệu chứng: tắc mũi nặng dùng Thượng tinh, Tứ bạch, Nghinh hương; chảy mũi nhiều dùng Âm lăng tuyền, Tam âm giao; đau đầu hoặc ngứa mắt dùng Thông thiên, Toán trúc.
Trong quá trình châm cứu, khi bệnh thuộc thực chứng (cấp), việc sử dụng tả pháp là quan trọng. Đối với hư chứng (cơ thể yếu), ta cần áp dụng bổ pháp, trong khi đối với hàn chứng (lạnh), việc cứu ấm là hết sức cần thiết. Có một số huyệt thông dụng như Bách hội, Tứ thần thông, Nghinh hương, Tỵ thông, Phong trì, Hợp cốc, Túc tam lý, Tam âm giao,... có thể được áp dụng điều trị viêm mũi dị ứng tùy vào tình trạng cụ thể của người bệnh.
Nhằm hỗ trợ điều trị cho người mắc viêm mũi dị ứng, phương pháp xoa bóp bấm huyệt có thể được áp dụng để cải thiện lưu thông khí huyết vùng mũi xoang. Bạn có thể thực hiện tại nhà các bước sau:
Khi tiến hành điều trị viêm mũi dị ứng, các bài thuốc chú trọng vào việc nâng cao chính khí (giúp cơ thể khỏe mạnh hơn), kết hợp thêm các vị thuốc khu phong tán hàn (đánh đuổi phong tà, hàn tà xâm nhập). Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các bài thuốc y học cổ truyền cả thiện hoàn toàn các triệu chứng của viêm mũi dị ứng tốt hơn thuốc tây y. Các bài thuốc có thể kể đến như:
Lưu ý: Các bài thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo. Mỗi bệnh nhân có một thể trạng khác nhau, tình trạng khác nhau,... nên cần có sự khám xét tỉ mỉ và kê đơn của bác sĩ để bệnh tình nhanh khỏi hơn.
Với đặc tính là một bệnh lý hay tái phát, việc có những biện pháp phòng ngừa để hạn chế tiếp xúc với dị nguyên gây viêm mũi dị ứng là vô cùng cần thiết. Một số phương pháp có thể kể đến:
Ngoài ra, chúng ta cũng nên hạn chế tiếp xúc các tác nhân kích thích không gây dị ứng (khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, nhiệt độ lạnh, độ ẩm cao,...) để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.
Trên đây là một số thông tin trong điều trị viêm mũi dị ứng bằng y học cổ truyền. Loại bỏ các tác nhân gây dị ứng và nâng cao sức đề kháng của cơ thể là nguyên tắc điều trị chung của cả đông y và tây y. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin thiết thực, hữu ích.