Dọa sảy thai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị?
Dọa sảy thai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị?
Dọa sảy thai: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Dọa sảy thai: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Dọa sảy thai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 17/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
Dọa sảy thai không phải là một tình trạng hiếm gặp ở phụ nữ mang bầu. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc những kiến thức cần biết về dọa sảy thai, từ đó có thêm hiểu biết để bảo vệ sức khỏe bản thân và em bé của mình.

Dọa sảy thai có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi nếu không được điều trị kịp thời. Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường, chị em cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị chính xác nhất.

Dọa sảy thai là gì?

Dọa sảy thai hay còn gọi theo cách khác là động thai - là tình trạng thai nhi còn sống, chưa bị bong khỏi niêm mạc tử cung và vẫn phát triển bên trong buồng tử cung người mẹ nhưng thai phụ lại có dấu hiệu đau bụng, ra máu, bánh nhau có hiện tượng tổn thương, bóc tách giống như sảy thai. Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời sẽ dẫn đến sảy thai.

Có khoảng 40% phụ nữ bị dọa sảy thai không thể giữ được con của mình. Chính vì vậy, đây là một trong những tình trạng khiến nhiều chị em hoang mang, lo lắng.

Nguyên nhân gây dọa sảy thai

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dọa sảy thai, tình trạng này xảy ra cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động.

Dưới đây là một số nguyên nhân và yếu tố chính dẫn đến dọa sảy ở phụ nữ mang thai:

  • Nhiễm sắc thể của bố hoặc mẹ hoặc của cả 2 người đều có vấn đề, khiến thai nhi bị thừa hoặc thiếu nhiễm sắc thể.
  • Phụ nữ từng có tiền sử bị sảy thai có nguy cơ bị dọa sảy thai và sảy thai cao hơn người bình thường.
  • Các bất thường trong giải phẫu tử cung: dị dạng ống Muller (tử cung đôi, có vách ngăn,..), dính tử cung ( Hội chứng Asherman, dính tử cung do lao,..), u xơ tử cung,..
  • Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi
  • Phụ nữ mắc bệnh béo phì hoặc các bệnh liên quan đến cao huyết áp, tuyến giáp, bệnh tiểu đường.
  • Quan hệ tình dục mạnh bạo, không an toàn
  • Các tác động vật lý, va chạm ở vùng bụng
  • Phụ nữ mang thai nhưng lao động nặng nhọc, thường xuyên suy nghĩ, mệt mỏi, stress.
  • Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai nhi khiến bé không phát triển bình thường cũng có thể là một nguyên nhân.

Xét nghiệm chẩn đoán dọa sảy thai

Ngoài khám lâm sàng dựa trên các triệu chứng và bệnh sử cụ thể, dọa sảy thai có thể được chẩn đoán bằng nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số biện pháp xét nghiệm chẩn đoán dọa sảy thai phổ biến:

  • Khám âm đạo - cổ tử cung
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ HCG và progesterone
  • Xét nghiệm máu bổ sung để loại trừ nhiễm trùng hoặc các tình trạng khác
  • Siêu âm âm đạo hoặc siêu âm vùng chậu để kiểm tra nhịp tim của thai nhi

Với trường hợp chị em bị dọa sẩy thai, bác sĩ có thể thấy rằng cổ tử cung của người mẹ đã bị đóng lại. Siêu âm trước khi sinh cũng có thể cho thấy nhịp tim của thai nhi có đang ổn định hay không.

Các triệu chứng thường gặp ở phụ nữ bị dọa sảy thai

Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng của dọa sảy thai và sảy thai có khá nhiều điểm tương đồng khiến chị em hoang mang, lo sợ. Trước hết, chị em cần giữ bình tĩnh, đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Dưới đây là một số các triệu chứng thường gặp ở phụ nữ bị dọa sảy thai:

Đau bụng

Dọa sảy thai thường được biểu hiện bởi những cơn đau bụng râm ran, âm ỉ, cũng có thể là đau theo từng ở vùng bụng dưới kèm theo cảm giác đau mỏi vùng thắt lưng.

Trong trường hợp những cơn đau ngày càng kéo dài với mức độ càng lớn, chị em cần đi khám ngay.

Xuất huyết âm đạo

Chảy máu âm đạo xuất hiện ở hầu hết các trường hợp dọa sẩy thai. Màu sắc của máu có thể biến đổi từ đỏ sang hồng nhạt đến nâu thẫm tùy thuộc vào từng trạng thái dọa sảy nặng hay nhẹ.

Chảy máu thường ở mức độ nhẹ và có thể kèm theo các cục máu đông nhỏ hoặc chất giống mô.

Các dấu hiệu khác

Bên cạnh các dấu hiệu thường gặp như chảy máu âm đạo, đau bụng, chị em còn có thể gặp phải những tình trạng như: sốt cao, tiểu đau tiểu buốt. Đây đều là những dấu hiệu bất thường có thể gặp ở chị em bị dọa sảy thai.

Phương pháp điều trị dọa sảy thai

Trong nhiều trường hợp bị dọa sảy thai ở mức độ nhẹ, chị em không nhất thiết phải điều trị bằng thuốc mà có thể theo dõi điều trị tại nhà bằng cách thay đổi thói quen sống lành mạnh.

Trước khi sử dụng bất kì một phương pháp điều trị nào, đều cần có sự tham khảo và tư vấn từ bác sĩ. Dưới đây là một số biện pháp điều trị phổ biến nhất:

  • Điều trị bằng thuốc:

Một số trường hợp có thể được kê đơn progesterone, một loại hormone hỗ trợ quá trình mang thai. Nồng độ progesterone thấp có thể là dấu hiệu của nguy cơ sẩy thai. Người bệnh có thể dùng progesterone qua đường tiêm, thuốc đạn hoặc viên nén.

  • Kiêng quan hệ tình dục: 

Tránh quan hệ tình dục hoặc đặt bất cứ thứ gì vào âm đạo cho đến khi các triệu chứng biến mất trong ít nhất một tuần.

  • Nghỉ ngơi:

Chăm sóc bản thân bằng cách ngủ đủ giấc và không tham gia các hoạt động thể thao tốn sức, đồng thời không làm các công việc nặng nhọc, hạn chế cả những việc nhà nếu có thể.

  • Thư giãn tinh thần:

Nhiều chị em thường rơi vào trạng thái lo âu, suy sụp khi được chẩn đoán bị dọa sảy thai. Tuy nhiên, đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Chị em cần tạo cho mình một tinh thần thoải mái, vui vẻ, thường xuyên trò chuyện, trao đổi với người thân trong gia đình để tâm trạng được giải tỏa.

Các biến chứng có thể gặp khi bị dọa sảy thai

Biến chứng lớn nhất của dọa sảy thai đó là sảy thai. Đây là điều mà nhiều người cha, người mẹ lo sợ nhất. Nhất là đối với những cặp vợ chồng đang mong con.  

Nếu không được điều trị kịp thời, nhiều chị em còn có nguy cơ đối mặt với một số biến chứng như:

  • Nhiễm trùng
  • Rối loạn đông cầm máu, có thể dẫn đến tình trạng băng huyết

Biện pháp phòng ngừa dọa sảy thai

Dọa sảy thai có thể xuất hiện ở bất kỳ ai mà không hề báo trước. Tuy nhiên, chị em có thể phòng ngừa dọa sảy thai bằng các biện pháp dưới đây:

  • Không uống rượu bia, hút thuốc lá hoặc sử dụng thuốc kích thích.
  • Tránh tiếp xúc với hóa chất, chất độc hoặc các chất khác có thể gây hại cho thai nhi.
  • Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh đầy đủ rau và trái cây.
  • Tập thể dục khoảng 20 đến 30 phút mỗi ngày.
  • Được điều trị hoặc kiểm soát mọi bệnh tật, nhiễm trùng hoặc tình trạng sức khỏe mãn tính.
  • Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần để theo dõi tình trạng sức khỏe được tốt nhất.

Dọa sảy thai là một tình trạng nguy hiểm cảnh báo sảy thai. Chị em cần đi khám lập tức ngay khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết