Sảy thai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Sảy thai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Sảy thai: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Sảy thai: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Sảy thai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 13/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 13/11/2023
Sảy thai là gì? Nguyên nhân gây sảy thai, các triệu chứng cụ thể và biện pháp điều trị ra sao? Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Chưa nói đến ảnh hưởng về sức khỏe, sảy thai khiến nhiều chị em lo lắng, mệt mỏi và gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần. Hiểu rõ những vấn đề liên quan đến sảy thai là điều quan trọng mà mỗi chị em đang có ý định mang thai cần nắm rõ.

Sảy thai là gì?

Sảy thai là tình trạng mất thai đột ngột trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Khoảng 10% đến 20% tổng số ca mang thai được biết đến đều kết thúc bằng sảy thai. Nhưng con số thực tế có thể cao hơn. Điều này là do nhiều trường hợp sẩy thai xảy ra sớm, trước khi chị em nhận ra mình đang mang thai.

Các loại sảy thai thường gặp

Có nhiều kiểu sảy thai khác nhau. Tùy thuộc vào các triệu chứng và giai đoạn mang thai của bạn, bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng hư thai, thuộc một trong các kiểu sau:

  • Sảy thai hoàn toàn: Hiện tượng này xảy ra khi tất cả các mô thai đã bị tống ra khỏi cơ thể mẹ.
  • Sảy thai không hoàn toàn: Cơ thể người mẹ giải phóng các mô bào thai, nhưng một số mô vẫn còn sót lại trong tử cung. Trường hợp này cần được can thiệp để loại bỏ những mô còn sót lại tránh trường hợp nhiễm trùng tử cung.
  • Thai lưu: Lúc này, phôi thai đã chết nhưng nhau thai và mô phôi vẫn còn trong tử cung của mẹ. Hầu hết các trường hợp thai lưu đều không biết mình đã hư thai, cho đến kỳ siêu âm tiếp theo và tình cờ được bác sĩ phát hiện.
  • Dọa sảy thai: Khi bị dọa sảy thai, cổ tử cung của phụ nữ đóng kín, nhưng âm đạo lại có hiện tượng chảy máu bất thường. Trong trường hợp này, nếu chị em được phát hiện và can thiệp y tế kịp lúc, thai nhi sẽ không bị sảy và thai kỳ của chị em vẫn sẽ tiếp tục. Ngoài ra máu thì đau bụng cũng là triệu chứng mà nhiều mẹ gặp phải.
  • Sảy thai liên tiếp: Sảy thai từ 2 hoặc 3 lần liên tiếp. Vấn đề này xuất hiện ở khoảng 1% các cặp vợ chồng đã từng bị sảy thai trước đó.

Nguyên nhân gây sảy thai

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người mẹ cung cấp hormon và chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển toàn diện. Hầu hết các trường hợp sảy thai tự nhiên trong ba tháng đầu đều xuất phát từ nguyên nhân thai nhi không phát triển bình thường. Các nguyên nhân có thể là do:

Các vấn đề về nhiễm sắc thể

Nhiễm sắc thể là các cấu trúc DNA, chứa thông tin gen quyết định sự phát triển của các tế bào và các đặc điểm về di truyền của em bé. Tại thời điểm thụ tinh, có thể xảy ra sai sót khi các tế bào của thai nhi nhận được số lượng nhiễm sắc thể không đủ hoặc quá nhiều, dẫn đến thai nhi không được phát triển bình thường và gây sảy thai.

Nhau thai có vấn đề

Nhau thai là cơ quan kết nối mẹ và bé, vận chuyển chất dinh dưỡng từ mẹ sang thai nhi. Nhau thai có vấn đề sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi, nghiêm trọng hơn là gây sảy thai khi em bé không nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng để duy trì sự sống bình thường.

Thể chất người mẹ

Cơ thể mẹ không đủ điều kiện mang thai hoặc mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến nhiều trường hợp sảy thai sớm.

Dưới đây là một số yếu tố liên quan đến sức khỏe của người mẹ dẫn đến rủi ro sảy thai khi mang bầu những tuần đầu thai kỳ:

  • Phụ nữ béo phì
  • Mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, thận, tuyến giáp, lupus,...
  • Mắc các bệnh lây qua đường tình dục
  • Tử cung có vấn đề
  • Thường xuyên sử dụng chất gây nghiện, thuốc lá, rượu bia,...
  • Một số loại thuốc điều trị những bệnh lý khác cũng có thể làm tăng nguy cơ sảy thai.

Xét nghiệm chẩn đoán phụ nữ bị sảy thai

Trong thời gian mang thai, nếu chị em nhận thấy những bất thường trong cơ thể, cần đi khám ngay lập tức để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời. 

Để xác định chính xác xem chị em có bị sảy thai hay không, các bác sĩ có thể chỉ định làm một số xét nghiệm hoặc siêu âm cụ thể.Dưới đây là một số phương pháp chẩn đoán sảy thai phổ biến:

Siêu âm

Mục đích của phương pháp này là kiểm tra sự phát triển của em bé và tìm nhịp tim. Trong hầu hết các trường hợp, phương pháp này này thường được thực hiện bằng cách sử dụng một đầu dò nhỏ đưa vào âm đạo (siêu âm qua âm đạo) ở những tuần thai nhỏ , siêu âm đường bụng vơí những thai lớn hơn. Siêu âm không ảnh hưởng đến thai và không là nguyên nhân gây sảy thai hay ra máu trong thai kỳ.  Điều này có thể cảm thấy hơi khó chịu nhưng không gây đau đớn.

Xét nghiệm máu

Bác sĩ có thể kiểm tra mức độ hormone HCG trong máu và so sánh với các kết quả trước đó. Thông qua động học của HCG nhiều chẩn đoán phân biệt có thể được đặt ra và loại bỏ cũng như có thể phân biệt các hình thái sảy thai.  Họ cũng có thể kiểm tra nồng độ máu của thai phụ để xác định cơ thể thai phụ có thiếu máu không (đặc biệt nếu chảy máu nhiều).

Xét nghiệm mô thai

Nếu mô thai bị đẩy ra khỏi tử cung kèm theo lốm đốm máu, bác sĩ sẽ đem chúng đi xét nghiệm để kiểm tra liệu thai phụ có bị sảy thai hay không. Xét nghiệm giải phẫu bệnh mô thai thuường được thực hiện với các trường hợp hút thai lưu, thai đang sảy. Xét nghiệm này cung cấp các thông tin giúp timf hiểu nguyên nhân sảy thai nhằm phục vụ thai kỳ sau có kết cục tốt hơn. 

Xét nghiệm nhiễm sắc thể

Nếu chị em đã trải qua hai lần sảy thai trở lên, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu cho cả vợ và chồng để xác định xem bộ nhiễm thể bố mẹ có bất thường hay không. 

Các dấu hiệu thường gặp ở phụ nữ bị sảy thai

Dấu hiệu sảy thai phổ biến nhất là chảy máu âm đạo, có thể kèm theo đau bụng hoặc không.

Điều này có thể thay đổi từ đốm nhẹ hoặc dịch tiết màu nâu đến chảy máu nhiều và máu hoặc cục máu đông màu đỏ tươi. Chảy máu có thể đến và đi trong vài ngày hoặc có thể kéo dài trong những trường hợp sảy thai chưa trọn

Tuy nhiên, chảy máu âm đạo nhẹ tương đối phổ biến trong ba tháng đầu (3 tháng đầu) của thai kỳ và không nhất thiết có nghĩa là chị em đang bị sẩy thai.

Nếu chị em đang mang thai bị chảy máu âm đạo, hãy đi khám ngay lập tức.

Trong trường hợp đã sẩy thai liên tiếp từ 3 lần trở lên (sảy thai tái phát) và lo lắng về thai kỳ hiện tại của mình, chị em có thể đến thẳng đơn vị khám thai để được theo dõi và chăm sóc đặc biệt.

Các triệu chứng khác của sảy thai bao gồm:

  • Đau ở bụng dưới: thường đau thành cơn, đau tăng dần, có thể đau lưng
  • Không còn gặp phải các triệu chứng mang thai, chẳng hạn như: mệt mỏi, nghén, đau ngực,...:thường không đặc hiệu

Biện pháp điều trị

Phương pháp điều trị khác nhau tùy theo loại sảy thai. Đối với các trường hợp dọa sảy, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và khuyên người bệnh nghỉ ngơi cho đến khi máu ngừng chảy và cơn đau bụng giảm bớt. Chị em cũng sẽ được yêu cầu tránh tập thể dục và quan hệ tình dục trong giai đoạn nhạy cảm này.

Nếu bạn thật sự bị sảy thai, việc điều trị sẽ tập trung vào xác định phôi thai đã ngừng phát triển hay chưa, đã trôi ra hết hay còn sót lại… Để làm được điều này, bác sĩ sẽ:

  • Siêu âm để xác định tình trạng sảy thai có hay không?

 Sau khi xác định thai ngừng phát triển, bác sĩ có thể theo dõi thêm vài ngày để đánh giá khả năng sảy tự nhiên, điều kiện kèm theo là không có tình trạng nhiễm khuẩn 

Nếu sau khoảng thời gian này, phôi thai không được tống ra hết, người bệnh cần được can thiệp bằng điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

  • Điều trị bằng thuốc

Thuốc được chỉ định trong các trường hợp phôi thai đã chết không ra hết một cách tự nhiên. Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng các loại thuốc có tác dụng tống hết mô thai và nhau thai ra ngoài.

Thuốc có thể được dùng bằng đường uống hoặc đặt trong âm đạo. Phương pháp điều trị này có tác dụng trong vòng 24 giờ.

  • Điều trị bằng thủ thuật

Nếu chị em bị sảy thai kèm theo chảy máu nhiều hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, nhất thiết phải điều trị bằng thủ thuật. Bác sĩ sẽ thực hiện một cuộc thủ thuật có tên là “hút và nạo”.

Trong thủ thuật này, bác sĩ làm giãn cổ tử cung và loại bỏ mô nằm bên trong tử cung. Các biến chứng trong lúc thực hiện thủ thuật hiếm khi xảy ra. Nếu có, đó thường là tổn thương mô liên kết của cổ tử cung hoặc thành tử cung.

Nạo, hút thai - Ảnh: Internet

Phụ nữ sau sảy thai có thể gặp những biến chứng hay di chứng gì không?

Sảy thai không chỉ gây ra tổn thất về mặt tinh thần mà còn khiến chị em phải đối mặt với nhiều rủi ro mắc các biến chứng khác.

Một số biến chứng khi sảy thai mà thai phụ có thể gặp:

  • Mất quá nhiều máu: Một tỷ lệ nhỏ phụ nữ bị băng huyết sau khi sảy thai. Nếu gặp tình trạng chảy quá nhiều máu kèm theo các dấu hiệu da nhợt nhạt, choáng váng, nhịp tim tăng, hãy lập tức đến các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
  • Nhiễm trùng sau sảy thai: Khoảng 3% phụ nữ bị nhiễm trùng liên quan đến sảy thai do nhau thai bị sót lại trong tử cung. Một số triệu chứng nhiễm trùng thường gặp như: Chảy máu kéo dài hơn 2 tuần, sốt trên 38 độ C, ớn lạnh, dịch tiết âm đạo có mùi hôi.
  • Dính buồng tử cung (Asherman syndrome): Hội chứng dính buồng tử cung là một biến chứng xảy ra sau thủ thuật nong và nạo thai, hút thai,. Các chất kết dính gọi là mô sẹo hình thành trong tử cung có thể gây ra sảy thai và các vấn đề sinh sản khác.
  • Sảy thai tái phát: Theo Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ, 1% sản phụ bị sảy thai nhiều hơn 1 lần và có tới 50% không tìm được nguyên nhân sảy thai tái phát. Nếu bạn bị sảy thai 2 hoặc 3 lần liên tiếp, hãy trao đổi với bác sĩ để tìm nguyên nhân.
  • Trầm cảm và rối loạn lo âu: Một số triệu chứng xảy ra sau khi sảy thai bao gồm: Sự thay đổi bất thường về giấc ngủ (khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều), mệt mỏi, cân nặng thay đổi đột ngột, ít quan tâm tới các hoạt động thường ngày, có ý nghĩ về tự tử, khó tập trung.

Sau khi điều trị, chị em cần nghỉ ngơi thật tốt, cân bằng cảm xúc và không nên quá bi quan. Điều này có thể khiến tinh thần suy sụp và gây ra nhiều bệnh tâm lý khác. Người nhà  nên quan tâm, chia sẻ và chú ý chăm sóc người bệnh cẩn thận sau điều trị sảy thai để cơ thể người bệnh được phục hồi tốt nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết