Các bệnh về thận thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Khi các triệu chứng xuất hiện, bệnh có thể đã ở giai đoạn nghiêm trọng. Vì vậy, xét nghiệm chức năng thận là một cách quan trọng và hữu ích để phát hiện sớm các vấn đề về thận và điều trị kịp thời.
Vậy khi nào cần xét nghiệm chức năng thận? Ai cần xét nghiệm chức năng thận?
Khi nào cần xét nghiệm chức năng thận?
Bạn có thể thực hiện xét nghiệm chức năng thận hoặc được chỉ định thực hiện trong một số trường hợp sau:
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm: Người trưởng thành khỏe mạnh khi kiểm tra sức khỏe định kỳ nên thực hiện xét nghiệm chức năng thận để phát hiện sớm các vấn đề về thận, đặc biệt là đối với những người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh thận.
- Tiền căn gia đình có các bệnh di truyền về thận hoặc có người thân bị suy thận cần thực hiện xét nghiệm chức năng thận thường xuyên hơn để theo dõi tình trạng sức khỏe của thận.
- Khi có các biểu hiện suy thận cần thực hiện xét nghiệm chức năng thận để xác định mức độ tổn thương thận và có biện pháp điều trị phù hợp.
- Có can thiệp thủ thuật, phẫu thuật trên đường tiết niệu hoặc các cơ quan vùng bụng, phẫu thuật các cơ quan khác… Cần thực hiện xét nghiệm chức năng thận để theo dõi tình trạng sức khỏe của thận và phát hiện sớm các biến chứng.
Đối tượng cần xét nghiệm chức năng thận
- Những người có các triệu chứng bất thường về thận, bao gồm:
- Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm
- Đi tiểu khó hoặc đau, tiểu buốt, rắt…
- Nước tiểu có màu bất thường, có bọt, có máu
- Phù chân, tay
- Hơi thở có mùi khó chịu
- Mệt mỏi, khó thở
- Những người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh thận, bao gồm:
- Tuổi cao
- Thừa cân, béo phì
- Tiểu đường
- Huyết áp cao
- Tiền sử gia đình mắc bệnh thận
- Sử dụng thuốc độc hại cho thận
- Tiếp xúc với các chất độc hại, chẳng hạn như chì hoặc thủy ngân
- Những người đang điều trị các bệnh có thể ảnh hưởng đến thận, chẳng hạn như Ung thư, lupus, bệnh thấp khớp,...
- Những người có chỉ định phẫu thuật, ghép tạng, ghép tế bào gốc…
Các xét nghiệm chức năng thận
Có nhiều loại xét nghiệm chức năng thận khác nhau, mỗi loại có thể giúp đánh giá một chức năng cụ thể của thận. Một số xét nghiệm phổ biến bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu có thể giúp phát hiện các dấu hiệu của bệnh thận, chẳng hạn như protein, máu, glucose hoặc vi khuẩn trong nước tiểu.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể giúp đánh giá chức năng lọc của thận, mức độ chất thải trong máu và mức độ hormone do thận sản xuất. Như xét nghiệm Ure, Creatinine, Acid Uric…
- Ngoài ra, các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang thận, siêu âm thận, chụp CT thận cũng sẽ được áp dụng nếu kết quả xét nghiệm chức năng thận phát hiện những bất thường.
Xét nghiệm chức năng thận là một cách quan trọng để phát hiện sớm các vấn đề về thận và điều trị kịp thời. Nếu bạn có các triệu chứng bất thường về thận hoặc có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh thận, hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn và xét nghiệm.