Đọc ngay: Nổi mề đay có nguy hiểm không?

Tác giả: - Xuất bản: 06/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2024
Nổi mề đay có nguy hiểm không
Nổi mề đay có nguy hiểm không?Nổi mề đay kiêng ăn gì? - Ảnh: BookingCare
Nổi mề đay có nguy hiểm không là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm từ người bệnh và gia đình. Cùng BookingCare giải đáp câu hỏi đó thông qua bài viết dưới đây.

Mề đay là một tình trạng da liễu phổ biến, thường gây ra sự ngứa ngáy, sưng, và vết đốm đỏ trên da. Tuy mề đay thường không nguy hiểm, tuy nhiên nó có thể ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nổi mề đay có nguy hiểm không?

Mề đay là bệnh lý ngoài da, đặc trưng bởi các nốt ngứa trên da. Các triệu chứng của mề đay thường nhẹ, đa phần các trường hợp đều không nguy hiểm và các nốt sần sẽ tự hết hoặc biến mất nhanh chóng nếu được điều trị đúng cách.

Mề đay là biểu hiện ngoài da lành tính, chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và ít khi đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, mề đay có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm gây tím tái, khó thở, sốt cao, nôn mửa, tụt huyết áp, phù Quincke, thậm chí có thể đe dọa tính mạng...

Một số biến chứng có thể xuất hiện do nổi mề đay là:

  • Tổn thương, nhiễm trùng da gây bội nhiễm.
  • Ngứa da thường xuyên khiến người bệnh bị ảnh hưởng tới sức khỏe, mất ngủ, từ đó có thể dẫn tới stress, lo lắng, suy nhược cơ thể.
  • Nếu hiện tượng dị ứng xảy ra ở cả khu vực niêm mạc họng, phổi hay dạ dày, người bệnh dễ bị khó thở, nôn hoặc buồn nôn, thậm chí sốt nhẹ hoặc sốt cao.
  • Nguy hiểm nhất là biến chứng sốc phản vệ. Đây là phản ứng dị ứng nghiêm trọng cần xử lý cấp cứu nếu không dễ gây suy hô hấp, hạ huyết áp, trụy tim mạch.

Nhìn chung, những trường hợp bị mề đay cấp có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị y tế hoặc có thể biến mất nhanh chóng sau khi dùng thuốc. Trong khi đó, điều trị mề đay mạn tính thường cần phải phối hợp với điều chỉnh lối sống và thuốc để đạt được hiệu quả tối ưu.

Nổi mề đay kiêng ăn gì?

Trong 20-28% dân số cả nước mắc các chứng dị ứng mề đay, thì trong đó khoảng 54% là dị ứng thực phẩm. Người bị bệnh mề đay cần có những nguyên tắc ăn uống hợp lý như sau:

  • Tránh các thực phẩm đã từng bị dị ứng
  • Không ăn những thực phẩm khó dung nạp sẽ dễ gặp phải các vấn đề như: đầy hơi, nhức đầu, ho, mệt mỏi, đau bụng, nổi mề đay,..
  • Tránh đồ ăn nhiều đường vì đường trong máu cao sẽ gây ra hiện tượng dị ứng. Tránh đồ ăn nhiều muối sẽ gây kích thích thần kinh ngoại biên.
  • Hạn chế đồ ăn cay nóng (ớt, hạt tiêu, kim chi,…) dễ tác động khiến tình trạng nổi mề đay nặng hơn và cơn ngứa không thuyên giảm. Bổ sung các loại thực phẩm giúp giải nhiệt cơ thể như bí đao, mật ong, trà xanh, cam,…
  • Hạn chế rượu bia, thuốc lá vì các chất kích thích trong đó như men, nicotin khiến hệ miễn dịch suy yếu, giảm khả năng chống vi khuẩn có hại cho da.

Tổng kết lại, mề đay tuy không lây, lành tính nhưng lại dễ tái phát nếu  không được kiểm soát đúng cách. Cải thiện chế độ sống lành mạnh, tránh các thực phẩm đã từng bị dị ứng là một trong những yếu tố tiên quyết để phòng tránh nổi mề đay.

Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết