Đông y chữa đầy bụng khó tiêu một cách tự nhiên
Đông y chữa đầy bụng khó tiêu
Đông y chữa đầy bụng khó tiêu một cách tự nhiên - Ảnh: BookingCare

Đông y chữa đầy bụng khó tiêu một cách tự nhiên

Tác giả: - Xuất bản: 02/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/02/2024
Có nhiều phương pháp đông y chữa đầy bụng khó tiêu để giảm bớt cảm giác khó chịu cho người bệnh như dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt. Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Đầy hơi chướng bụng khó tiêu là tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gặp. Tình trạng bụng đầy hơi khó chịu có thể được giảm đi đáng kể nhờ sử dụng các phương pháp đông y chữa đầy bụng khó tiêu. Dưới đây là những phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc BookingCare giới thiệu đến bạn.   

Đầy bụng khó tiêu theo góc nhìn đông y 

Chứng đầy bụng khó tiêu là một triệu chứng khó chịu của hệ tiêu hoá. Các trường hợp đầy bụng khó tiêu có thể xuất hiện thường xuyên hoặc từng đợt do giảm khả năng co bóp đưa thức ăn từ dạ dày xuống ruột. Biểu hiện thường đau quặn từng cơn, bụng người bệnh ậm ạch khó chịu, đầy tức vùng thượng vị sau ăn, cảm giác như chứa đầy nước, đầy hơi,…  

Theo đông y, đầy bụng khó tiêu thuộc chứng vị quản thống (đau dạ dày) và ấu thổ (nôn mửa). Nguyên nhân do: 

  • Tình chí: Lo lắng, buồn bã, giận dữ, suy nghĩ quá nhiều,… làm ảnh hưởng đến công năng của các tạng phủ, đặc biệt là tạng Can. Can khí uất kết phạm tới Vị khí gây nên chứng đầy bụng khó tiêu.
  • Tỳ vị hư hàn: Tỳ vị không vận hóa, thu nạp được đồ ăn thức uống gây ra bệnh. 
  • Do thói quen ăn uống: Ăn nhiều đồ sống lạnh làm hàn tà tích lại ở tạng phủ. Hoặc do ăn uống không điều độ, no đói thất thường, uống nhiều rượu, ăn nhiều đồ tổn thương tỳ vị gây bệnh.

Có nên điều trị đầy bụng khó tiêu bằng đông y? 

Điều trị đầy bụng khó tiêu bằng đông y đa dạng các phương pháp: dùng thuốc và không dùng thuốc (xoa bóp bấm huyệt, châm cứu,…), mang tới nhiều ưu điểm như: 

  • Đông y chủ trị gốc bệnh, tấn công vào nguyên nhân, trái ngược với tây y. 
  • Bên cạnh điều trị triệu chứng, chữa đầy bụng khó tiêu bằng đông y giúp hỗ trợ phục hồi công năng vận hoá tỳ vị, bài trừ độc tố, thanh lọc cơ thể. 
  • Các phương pháp đông y an toàn, hiệu quả, lành tính và ít tác dụng phụ cho cơ thể. 

Tuy nhiên, điều trị đầy bụng bằng đông y cũng có nhiều hạn chế nhất định: 

  • Thời gian điều trị lâu, tác dụng chậm, đòi hỏi người bệnh phải kiên trì. 
  • Hiệu quả của phương pháp điều trị còn tùy theo cơ địa, thể bệnh, mức độ bệnh, chế độ kiêng cữ, chăm sóc của từng người. 
  • Các phương pháp châm cứu, thuỷ châm, điện châm cần lưu ý các chống chỉ định trong trường hợp cấp cứu, phụ nữ có thai, có vết thương, viêm nhiễm tại nơi châm. 
  • Nguy cơ xảy ra các tai biến châm cứu như choáng, ngất, vựng châm, chảy máu…
Điều trị đầy bụng khó tiêu bằng đông y có những ưu điểm và hạn chế nhất định - Ảnh: Freepik
Điều trị đầy bụng khó tiêu bằng đông y có những ưu điểm và hạn chế nhất định - Ảnh: Freepik

Chữa đầy bụng khó tiêu bằng đông y

Châm cứu chữa đầy bụng khó tiêu 

Châm cứu có tác động nhanh và hiệu quả lên các huyệt đạo giúp truyền tải các tín hiệu đến dây thần kinh giao cảm làm xoa dịu triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, kích thích co bóp nhu động ruột,…

Sử dụng các huyệt ở một vùng da để chữa bệnh của các nội tạng cùng tiết đoạn với vùng này sẽ gây ra một phản ứng tiết đoạn, gây ra các luồng xung động thần kinh hướng tâm. Những luồng này sẽ truyền xung động vào sừng sau tủy sống rồi chuyển qua sừng trước, từ đó bắt đầu phản xạ ly tâm. 

Ví dụ châm huyệt Thiên Xu, ở vị trí cách ngang rốn 2 thốn, tương ứng với tiết đoạn thần kinh T10 trên cơ thể chi phối vùng bụng trước, 2 bên hông và thắt lưng, tín hiệu kích thích sẽ được sừng sau tủy sống truyền đến dây thần kinh X ở dạ dày làm tăng hoạt động co bóp của dạ dày, từ đó có thể giảm được triệu chứng đầy bụng khó tiêu của bệnh nhân.

Một số huyệt đạo trên cơ thể được sử dụng trong châm cứu chữa đầy bụng khó tiêu như: Thiên khu, Trung quản, Khí hải, Túc tam lý, Tam âm giao, Nội quan,...

Châm cứu khi có tình trạng đầy bụng, khó tiêu xuất hiện, châm cho đến khi dịu. Liệu trình châm ngày 1 lần, mỗi lần 20 – 30 phút, liệu trình 10 – 15 ngày. Có thể kết hợp điện châm, thủy châm thuốc vào huyệt.

Châm cứu giúp giảm nhanh triệu chứng đầy bụng, khó tiêu - Ảnh: Freepik
Châm cứu giúp giảm nhanh triệu chứng đầy bụng, khó tiêu - Ảnh: Freepik

Xoa bóp bấm huyệt chữa đầy bụng khó tiêu 

  • Chữa đầy bụng khó tiêu bằng xoa bóp được thực hiện khi bệnh nhân nằm ngửa trên giường, 2 chân co nhẹ lại. 
  • Xoa Thượng tiêu (bụng trên): Một tay úp lên phía bụng trên rốn, tay còn lại chồng lên trên để tạo lực. Tiến hành xoa bóp theo vòng tròn trên bụng theo một chiều và lặp lại với chiều ngược lại khoảng 10-20 lần 
  • Xoa Trung tiêu (bụng giữa): Động tác tương tự khi xoa bóp Hạ tiêu, xoa vùng giữa rốn người bệnh.
  • Xoa Hạ tiêu (bụng dưới): Thầy thuốc nắm tay thuận lại, tay còn lại úp lên trên. Tiến hành xoa nhẹ phần Hạ tiêu (dưới rốn) khoảng 10 - 20 lần theo hình tròn sau đó tiếp tục xoa ngược chiều lại khoảng 10-20 lần. 
  • Vuốt cạnh sườn: Dùng tay vuốt nhẹ nhàng từ đầu dưới xương sườn 12 đến mỏm xương ức khoảng 10 lần mỗi bên. 
  • Vuốt bụng: Sử dụng góc bàn tay hoặc mô ngón cái, vuốt nhẹ từ vùng Hạ tiêu, Trung tiêu lên Thượng tiêu từ 5-10 lần.
  • Day, ấn các huyệt tương tự như phác đồ châm cứu từ 3 – 5 phút. 

Nên tiến hành xoa bóp vào buổi sáng và buổi tối, lặp lại đều đặn mỗi ngày để đạt được hiệu quả mong muốn. Xoa bóp thực hiện 30 phút/lần/ngày, mỗi liệu trình điều trị từ 2 - 4 lần, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh. Có thể tiến hành 2 - 3 liệu trình liên tục.     

Nên xoa bóp đều đặn mỗi ngày để giảm đầy bụng khó tiêu - Ảnh: Freepik
Nên xoa bóp đều đặn mỗi ngày để giảm đầy bụng khó tiêu - Ảnh: Freepik

Bài thuốc chữa đầy bụng khó tiêu

  • Bài thuốc 1: Màng mề gà sao vàng, nghiền thành bột mịn; ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g, chiêu thuốc bằng nước ấm. Dùng theo liệu trình 10 ngày. Công dụng: Chữa chứng đầy bụng khó tiêu do thức ăn tích trệ, nôn hoặc buồn nôn.  
  • Bài thuốc 2: Hoa nhài 6g, phật thủ 10g. Hai vị hãm với nước sôi trong bình kín, uống ngày 1 thang, uống thay trà. Công dụng: Chữa sườn bụng đầy tức, ăn uống kém.  
  • Bài thuốc 4: Hoa nhài 6g, thạch xương bồ 6g, chè xanh 10g. Sắc nước uống. Công dụng: Chữa viêm dạ dày, ăn uống không ngon, tiêu hóa kém, bụng chướng đau, mất ngủ.  
  • Bài thuốc 5: Chè dây khô 10-20g, sắc nước uống thay trà trong ngày. Dùng liền 10-15 ngày là 1 liệu trình. Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, chữa đầy bụng khó tiêu do viêm dạ dày.
  • Bài thuốc 6: Thục tiêu 12gam, can khương 30gam, nhân sâm 15gam, di đường 100gam. Sắc uống ngày 1 thang. Các vị trên sắc với 1200ml nước, lọc bỏ bã lấy 150ml, chia đều 3 phần, uống ấm. Sau khi uống xong ăn 1 bát cháo nóng. Công dụng: Chữa đầy bụng, khó tiêu, sôi bụng tiêu chảy, đau bụng do hàn tích, nôn mửa nước trong, chân tay lạnh…
  • Bài thuốc 7: 10g Sơn Tra, 10g Trần Bì, 10g Cam Thảo. Sắc nước uống thay trà trong ngày. Dùng 2 lần/ngày. Công dụng: tiêu thực, hoá tích, hành khí.

Vị thuốc chữa đầy bụng khó tiêu 

  • Gừng: tác dụng chữa nôn mửa, bụng đầy trướng, kích thích tiêu hóa, giải độc. Cách dùng: Nhai vài lát gừng tươi, ngậm nuốt dần, ngày làm vài lần đến khi hết cảm giác đầy chướng bụng. Hoặc giã nát gừng, pha với nước nóng hoặc với mật ong rồi uống từ từ. 
  • Tỏi: chữa đầy bụng, khó tiêu hiệu quả. Cách dùng: Lấy tỏi nửa củ ta bóc vỏ, giã nát, trộn với ít đường phèn hoặc đường kính. Hòa với 60ml nước sôi còn ấm (40 - 50 độ), chia làm 2 lần uống trong ngày.   
  • Tía tô: tác dụng làm ấm, trừ phong hàn, giải độc, tiêu tích (bụng chướng), hạ khí. Cách dùng: Dùng cả lá và thân mềm, giã nhuyễn, vắt lấy nước uống hoặc đem chưng cách thủy cho nóng lên rồi uống khi còn ấm. Hoặc chế biến thành món ăn. 
  • Trần bì: Là vỏ phơi khô của quả quýt chín, có tác dụng hành khí, hòa vị, cầm nôn mửa, điều trị ăn không tiêu, đầy bụng, ợ hơi, tiêu chảy, tiêu đờm, giảm ho. Cách dùng: Xé vài miếng trần bì, rửa qua nước ấm cho sạch, bỏ vào cốc nước sôi, hãm trong 15 - 20 phút có thể dùng được. Chú ý chỉ uống nước lúc còn đang nóng, bỏ bã.  
Một số vị thuốc quen thuộc có tác dụng giảm đầy bụng khó tiêu hiệu quả - Ảnh: Freepik
Tỏi giảm đầy bụng khó tiêu hiệu quả - Ảnh: Freepik

Phòng ngừa đầy bụng khó tiêu tại nhà

  • Tích cực tập luyện thể dục thể thao giúp kích thích nhu động ruột, giải phóng khí dư thừa ra ngoài và ngăn ngừa tình trạng táo bón.  
  • Tắm trong bồn nước ấm có tác dụng giảm đau và căng thẳng ở đường ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả và điều trị đầy hơi nhanh hơn.  
  • Bổ sung chất xơ vào trong khẩu phần ăn mỗi ngày giúp phòng ngừa táo bón, giảm chướng bụng đầy hơi. 
  • Hạn chế nước ngọt, đồ uống có gas, bia rượu,... vì chúng gây tích tụ nhiều khí trong dạ dày. 
  • Không nhai kẹo cao su vì hoạt động nhai liên tục có thể đưa không khí vào bụng dễ dàng.
  • Ăn chậm nhai kỹ, tránh ăn quá no. Không nên vừa ăn vừa nói chuyện, xem tivi hay điện thoại,...  
  • Hạn chế nhiều muối trong khẩu phần ăn vì tăng nguy cơ các bệnh lý, đồng thời giảm tình trạng tích nước trong người, từ đó cải thiện chướng bụng đầy hơi.  
  • Không ăn thực phẩm ngọt như bánh kẹo, hoa quả chín nẫu, các loại sữa hay các sản phẩm được chế biến từ sữa.  
  • Ăn đủ bữa, ăn đúng giờ mỗi ngày. 
  • Hạn chế ăn bữa phụ, các món hải sản, món ăn chứa nhiều tinh bột, thức ăn nhiều dầu mỡ.
  • Giữ tinh thần thoải mái, làm việc điều độ, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi đúng lúc, không thức khuya.

Ngoài các phương pháp điều trị đầy bụng khó tiêu bằng đông y, người bệnh cần xây dựng cho mình một thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để tránh bệnh kéo dài. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích nhất. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết